Tây Sơn thất hổ tướng: Ngô Văn Sở, Đặng Văn Long - Kỳ 7: Vì dân, vì nước đâu phải vì ngôi báu

Trong Tây Sơn thất hổ tướng, Ngô Văn Sở và Đặng Văn Long được mệnh danh là nanh vuốt hùng mạnh phò tá bên nhà vua Quang Trung.

>> Xem lại: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 1) : Võ Văn Dũng – Vị tướng trừ ác, diệt gian
>> Xem lại: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 2): Trần Quang Diệu – Trung thần không thờ hai vua
>> Xem lại: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 3): Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng – Thiết côn vô địch
>> Xem lại: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 4): Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc – Vì dân, vì nước, gác chuyện phục thù
>> Xem lại: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 5): 5 nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung – Tây Sơn ngũ phụng thư
>> Xem lại: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 7): Ngô Văn Sở, Đặng Văn Long – Vì dân, vì nước đâu phải vì ngôi báu

Tây Sơn thất hổ tướng Ngô Văn Sở: Nanh vuốt hùng mạnh của vua Quang Trung

Tây Sơn thất hổ tướng: Ngô Văn Sở, Đặng Văn Long - Kỳ 7: Vì dân, vì nước đâu phải vì ngôi báu
Tây Sơn thất hổ tướng Ngô Văn Sở: Nanh vuốt hùng mạnh của vua Quang Trung

Tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt trong Bảo tàng Quang Trung (H.Tây Sơn, Bình Định), ngoài 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ còn có 6 vị văn thần, võ tướng được lập tượng thờ, gồm: Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Binh bộ Thượng thư Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở. Trong đó, Đại tư mã Ngô Văn Sở là người duy nhất chịu tội chết từ khi nhà Tây Sơn còn đang trị vì, dù ông là vị công thần hàng đầu thời Hoàng đế Quang Trung.

Ngô Văn Sở người làng Bình Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc P.Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn, Bình Định). Trong cuốn Võ nhân Bình Định, hai tác giả Quách Tấn, Quách Giao khẳng định, năm 1773, Ngô Văn Sở được cử làm Chinh nam Đại tướng quân cùng Lê Văn Lộc, Lê Văn Hưng vào đánh chiếm 3 phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Khi Nguyễn Nhạc xưng đế, phong Ngô Văn Sở chức Đại tư mã. Lúc Nguyễn Huệ ra đánh Thuận Hóa đem theo Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân theo làm Tham tán quân vụ. Chính Ngô Văn Sở là người báo cho Nguyễn Huệ biết mưu phản của Võ Văn Nhậm.

Sau khi diệt Nhậm, Ngô Văn Sở được Nguyễn Huệ giao trọng trách trông coi 11 trấn Bắc Hà. Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trần Thuận Ngôn, Học sĩ Ngô Thì Nhậm đều theo Ngô Văn Sở giữ Thăng Long.

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 30), trước khi về lại Phú Xuân, Nguyễn Huệ nói: “Sở và Lân là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quân vụ và quốc chính của 11 trấn Bắc Hà ủy thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa nhau”.

Khi Tôn Sĩ Nghị kéo 19 vạn quân sang xâm lược, Ngô Văn Sở sáng suốt nghe theo kế hoãn binh của Ngô Thì Nhậm, kéo quân vào đóng giữ từ Tam Điệp để bảo toàn lực lượng rồi cử Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân cấp báo. Trong trận chiến với quân Thanh, Ngô Văn Sở được Hoàng đế Quang Trung cử làm tướng tiên phong đem tiền quân tiến về Thăng Long. Sau đại thắng quân Thanh, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở lại Thăng Long, tiếp tục phụ trách 11 trấn Bắc Hà.

Vua Quang Trung mất, Ngô Văn Sở được triệu hồi về Phú Xuân. Năm 1795, dù đã cố can gián nhưng Ngô Văn Sở vẫn không ngăn được vua Quang Toản và Thái sư Bùi Đắc Tuyên hành hình tướng Lê Văn Hưng. Sau đó, Võ Văn Dũng bắt Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở khép tội mưu phản rồi đem đóng cũi dìm xuống sông Hương. Quang Toản biết Ngô Văn Sở bị oan nhưng cũng đành bất lực.

Đại đô đốc Đặng Văn Long: Bức tử Sầm Nghi Đống

Tây Sơn thất hổ tướng: Ngô Văn Sở, Đặng Văn Long - Kỳ 7: Vì dân, vì nước đâu phải vì ngôi báu
Đại đô đốc Đặng Văn Long: Bức tử Sầm Nghi Đống

Đại đô đốc Đặng Văn Long người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là H.Tuy Phước, Bình Định). Lúc nhỏ, học võ tinh thông về môn ngạnh quyền (võ cứng), sau lên An Thái thụ giáo thầy Trương Văn Hiến học chuyên về môn miên quyền (quyền mềm dẻo).

Trong giới võ lâm không ai địch nổi Đặng Văn Long nên tôn xưng ông là Đặng Vô Địch. Sau khi học thành tài, Đặng Văn Long rời quê nhà rong chơi khắp Bắc Hà. Khi về đến Nghệ An thì gặp lúc Hoàng đế Quang Trung tuyển thêm quân kéo ra bắc đánh đuổi quân Thanh, Đặng Văn Long liền tham gia nghĩa binh. Biết rõ tài năng của bạn học cũ, Quang Trung liền phong cho ông chức Đại đô đốc.

Sáng 30 tháng chạp năm Mậu Thân (1788), vua Quang Trung truyền lệnh xuất quân. Đại đô đốc Long cùng Đại đô đốc Bảo thống lãnh hữu quân gồm mã binh và tượng binh. Cánh quân của Đại đô đốc Long được hai vị tướng quân tài ba trợ giúp là Đô đốc Lý Văn Bưu, vị tướng có tài điều khiển đoàn kỵ binh chiến đấu một cách thuần thục và Đặng Tiến Đông (quê ở Lương Xá, gần Thăng Long) trí dũng hơn người, thông thuộc địa hình khắp Thăng Long.

Sách Võ nhân Bình Định kể: Cánh quân của Đại đô đốc Long chiếm hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục nằm ở phía tây bắc đồn Khương Thượng từ tay quân Thanh một cách mau lẹ và im lắng. Từ lúc chưa tinh sương, đồn Khương Thượng đã bị vây kín mà lính trong đồn còn đang ngủ.

Khi quân Đại đô đốc Long ào ạt xông vào đồn, quân Thanh bị giết quá nửa. Số còn lại bỏ chạy nhưng đến Đầm Mực thì bị đàn voi của Đại đô đốc Bảo chà xé tan tành. Tướng chỉ huy đồn là Đề đốc Sầm Nghi Đống, khi trận đánh bắt đầu đã khiếp sợ trốn ra gò Đống Đa thắt cổ tự tử.

Sau khi Hoàng đế Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn rối loạn, Đặng Văn Long bèn xin từ chức về nhà ẩn cư. Khi Võ Văn Dũng tìm đến bàn chuyện phục hưng nhà Tây Sơn, Đặng Văn Long lắc đầu nói: “Tôi ra giúp nhà Tây Sơn đâu phải vì nhà Tây Sơn mà chính vì nước.

Nếu giặc Thanh không đem quân sang chiếm nước ta thì tôi mãi làm con hạc nội, máu đâu phải dính tay. Còn về nhà Tây Sơn thì chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Nay đất đã mất mà lòng người cũng mất, hỏi còn mong làm được việc gì nữa? Mà dù có làm được nữa thì làm để làm gì, nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu. Mà tranh ngôi báu cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình? Thôi, trên 30 năm trời đã đánh nhau, nhân dân đã quá điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc”.

 Ngoài Đại đô đốc Long, nhiều danh tướng khác của nhà Tây Sơn như Thái phó Đặng Xuân Phong, Đại đô đốc Nguyễn Văn Lộc, Đô đốc Lý Văn Bưu, tướng Nguyễn Quang Huy, tướng Phạm Cần Chính… cũng tìm nơi quy ẩn, không bo bo giữ lòng trung với cố chủ, tìm cách khôi phục nhà Tây Sơn để gây thêm nạn binh đao làm khổ dân hại nước. Đấy chính là tư tưởng “nhân nghĩa” của những người anh hùng áo vải thời Tây Sơn, vì lợi ích của muôn dân mà tụ nghĩa, vì bình yên của trăm họ mà thôi mộng báo thù.

Theo: Hoàng Trọng