Tây Sơn thất hổ tướng Trần Quang Diệu - Kỳ 2: Trung thần không thờ hai vua

Tây Sơn thất hổ tướng Trần Quang Diệu và vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân được mệnh danh là “cặp tinh tú” sáng rực thời Tây Sơn, chiến đấu để bảo vệ vương triều nhà Trần nhưng không thành công, và đều bị vua Gia Long xử tội chết.

>> Xem lại: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 1) : Võ Văn Dũng – Vị tướng trừ ác, diệt gian

Sinh Nguyễn, tử Trần

Cho đến nay vẫn còn nhiều luồng ý kiến về quê quán của Trần Quang Diệu: một là ở xã Ân Tín, H.Hoài Ân, tỉnh Bình Định, hai là ở xã Đức Lân, H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, ba là ở P. Hòa Hiệp, Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Mới đây, nhờ tìm được mộ của mẹ Trần Quang Diệu ở phía tây nam hòn Thổ Sơn (thuộc Ngũ Hành Sơn), được lập vào tháng 3 năm Nhâm Tý (1792) và qua xác minh nhiều nguồn tư liệu (trong đó có gia phả họ Nguyễn ở làng An Hải), Bảo tàng Đà Nẵng và Hội Sử học Đà Nẵng khẳng định ông vốn có tên Trần Văn Đạt, người làng An Hải, thuộc quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, là con trai của ông Trần Tấn và bà Phan Thị Hy.

Tây Sơn thất hổ tướng Trần Quang Diệu - Kỳ 2: Trung thần không thờ hai vua
Trong khuôn viên di tích Đền thờ Thoại Ngọc Hầu ở P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng có một ngôi mộ mà văn bia đề phần mộ Tướng công Trần Quang Diệu

Trong khuôn viên di tích Đền thờ Thoại Ngọc Hầu ở P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng có một ngôi mộ mà văn bia đề phần mộ Tướng công Trần Quang Diệu, con cháu nội ngoại Trần Nguyễn đồng phụng lập. Theo ông Trần Nhựt, Tổ trưởng Tổ bảo vệ di tích Đền thờ Thoại Ngọc Hầu, thì ngôi mộ ông trước kia ở Cồn Lăng làng An Hải. Năm 2002, khi xây dựng Trường Lê Quý Đôn, Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng và tộc Nguyễn làng An Hải đã di dời mộ Trần Quang Diệu về bên cạnh Đền thờ Thoại Ngọc Hầu.

Có người lý giải rằng, sau khi ông bị nhà Nguyễn hành hình, những cận vệ thân tín, thân tộc đã bí mật cải táng mộ về quê An Hải hoặc có thể vì lòng mến yêu mà thân tộc tạo hình hài, đắp mộ để tưởng nhớ tiền nhân. Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng vì mến tài đức của Trần Quang Diệu nên Gia Long đã cho đưa thi thể của ông về quê nhà với vòng xích sắt quấn vào quan tài.

Trong cuốn Võ nhân Bình Định, hai tác giả Quách Tấn, Quách Giao kể lại rằng, Trần Quang Diệu được cao thủ võ thuật đương thời là Diệp Đình Tòng (ở ẩn tại núi Kim Sơn, H.Hoài n) nhận làm đệ tử. Trong số những binh khí, ông thích nhất là dùng đại đao. Trong một lần từ Hoài Ân theo đường núi vào Kiên Mỹ thăm Nguyễn Nhạc, đến vùng Thượng Ninh (nay thuộc huyện Tây Sơn), ông gặp một con cọp lớn đón đường.

Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 2): Trần Quang Diệu - Trung thần không thờ hai vua
Sau lần gặp hổ, Nguyễn Nhạc mai mối và làm chủ hôn để ông và Bùi Thị Xuân nên duyên vợ chồngNguyễn Nhạc mai mối và làm chủ hôn để ông và Bùi Thị Xuân nên duyên vợ chồng

Vì không mang đao theo, Trần Quang Diệu phải tay không đánh cọp từ sáng cho đến trưa nên đuối sức, mình đầy thương tích. Đang lúc lâm nguy thì gặp Bùi Thị Xuân cùng đệ tử đi săn. Hai người liên thủ nên hạ được cọp. Sau này, Nguyễn Nhạc mai mối và làm chủ hôn để ông và Bùi Thị Xuân nên duyên vợ chồng.

Con cháu họ Nguyễn ở làng An Hải vẫn còn lưu giữ câu chuyện về tình bạn son sắt, cảm động giữa Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu). Lúc còn nhỏ hai người là đôi bạn thân thiết. Nhưng vì loạn lạc nên phải lưu lạc ở hai nơi khác nhau, để rồi sau này một người theo chúa Nguyễn, một người phò nhà Tây Sơn.

Khi Gia Long bình định được nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu bị xử tử và chịu án tru di tam tộc. Thoại Ngọc Hầu biết tin liền bí mật báo cho họ Trần ở An Hải đào thoát khỏi làng, thay tên đổi họ để tránh sự truy sát của triều Nguyễn. Những người trong gia đình ông được Thoại Ngọc Hầu nhận về nuôi, đổi thành họ Nguyễn.

Tuy nhiên, để giữ gốc tích, con cháu của Trần Quang Diệu khi sống thì mang họ Nguyễn nhưng khi chết lại đề trên bia mộ là họ Trần. Tục “sinh Nguyễn, tử Trần” vẫn còn nhiều người ở làng An Hải giữ gìn cho đến ngày nay.

Rường cột của nhà Tây Sơn

Trần Quang Diệu góp mặt trong hầu hết những trận đánh quan trọng của quân Tây Sơn như chiếm phủ thành Quy Nhơn, đánh quân Xiêm La, Mãn Thanh xâm lược… Lúc thắng trận trở về, vua Quang Trung bổ nhiệm Trần Quang Diệu làm Trấn thủ Nghệ An, xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.

Theo sách Đại Nam Liệt truyện chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, tháng 9.1792, vua Quang Trung ngã bệnh, bèn triệu Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô về Nghệ An, phó thác triều đình. Sau khi hoàng đế Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn lục đục và suy yếu dần. Quân Nguyễn đánh chiếm nhiều nơi, Trần Quang Diệu giữ chức thiếu phó, phải cầm quân chống đỡ khắp Diên Khánh, Phú Yên, Bình Định…

Đầu năm 1800, Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng đem quân thủy bộ vào chiếm lại thành Quy Nhơn đang bị quân Nguyễn chiếm đóng. Võ Tánh đóng cửa thành cố thủ. Ông cho đắp trường lũy xung quanh thành, vây khốn. Hai bên cầm cự nhau hơn một năm.

Tây Sơn thất hổ tướng Trần Quang Diệu - Kỳ 2: Trung thần không thờ hai vua
Đầu năm 1800, Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng đem quân thủy bộ vào chiếm lại thành Quy Nhơn

Võ Tánh liệu không tử thủ được nữa, bèn viết thư cho Trần Quang Diệu, yêu cầu lúc vào thành đừng sát hại quân dân vô tội rồi leo lên lầu Bát Giác tự thiêu. Trần Quang Diệu vào thành, ban lời khuyến dụ, không giết một binh sĩ nhà Nguyễn nào, cho thu hài cốt Võ Tánh, Ngô Tùng Châu chôn cất theo lễ. Hành động nghĩa hiệp này của Trần Quang Diệu được người đời ca tụng.

Khi hay tin Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, làm chủ đất Thuận Hóa, Trần Quang Diệu bỏ thành Quy Nhơn, cùng Võ Văn Dũng kéo đại quân theo đường thượng đạo sang Lào ra Nghệ An. Tuy nhiên, lần lượt Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng… đều bị quân Nguyễn bắt.

Khi vua Gia Long nhà Nguyễn chiêu hàng, Trần Quang Diệu đáp: “Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu”.

Không chiêu hàng được Trần Quang Diệu, ngày 30.11.1802, Gia Long đem ông ra pháp trường thọ hình lột da. Ngày nay, dòng võ cổ truyền Việt Nam vẫn còn lưu giữ bài thảo Lôi phong tùy hình kiếm do Trần Quang Diệu sáng tác năm 1769.

>> Xem tiếp: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 3): Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng – Thiết côn vô địch
>> Xem tiếp: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 4): Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc – Vì dân, vì nước, gác chuyện phục thù
>> Xem tiếp: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 5): 5 nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung – Tây Sơn ngũ phụng thư
>> Xem tiếp: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 6): Bùi Thị Xuân – Nữ tướng tài giỏi chuyên luyện voi chiến
>> Xem tiếp: Tây Sơn thất hổ tướng (Kỳ 7): Ngô Văn Sở, Đặng Văn Long – Vì dân, vì nước đâu phải vì ngôi báu

Theo: Hoàng Trọng