Thầy giáo tâm đức: Nhà giáo ưu tú Ngô Hồng Khiêm làm MC đám cưới để có thêm thu nhập giúp đỡ học sinh nghèo.
16h chiều, tiếng trống trường vang lên, lũ trẻ con chạy ùa ra cổng, không quên ngoảnh lại “con chào thầy Khiêm”. Loay hoay dọn lại đống sổ sách trên bàn làm việc rồi cẩn thận khóa cửa phòng Hiệu trưởng, thầy Khiêm đưa tay quệt mồ hôi. Thông thường sau buổi tan trường, mọi người sẽ trở về nhà nghỉ ngơi nhưng với thầy Khiêm, một công việc khác vẫn chờ thầy phía trước.
17h30, dưới ánh đèn sân khấu của nhà hàng tiệc cưới, khoác lên mình bộ vest lịch lãm, giọng thầy Khiêm trầm ấm, vang lên:
Vâng, thưa quý vị, yêu và được yêu là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời mỗi con người, sau một thời gian tìm hiểu, cô dâu và chú rể đã cập bến yêu thương…
42 năm gắn bó với bục giảng là cũng ngần ấy thời gian thầy Ngô Hồng Khiêm – Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Bàng (TP. Rạch Giá, Kiên Giang) vừa dạy học, vừa làm MC ở các nhà hàng, tiệc cưới để có thêm thu nhập giúp đỡ học sinh khó khăn.
Trở về nhà sau một ngày dài làm việc, thầy Khiêm nhẩm tính: “Hôm nay dẫn được 3 đám cưới, 1 đám 350 ngàn, vậy là có hơn 1 triệu để thêm vào quỹ mua bảo hiểm cho tụi nhỏ” rồi cười hạnh phúc.
Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, từ năm 11 tuổi, thầy Khiêm phải đội từng thúng bánh ú, bánh mì, đậu phộng… đi bán đổi lấy tiền ăn học. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, thầy Khiêm đậu vào trường Đại học Kinh tế nhưng do điều kiện không cho phép, thầy buộc rẽ hướng sang sư phạm, ngành học không tốn tiền để đỡ gánh nặng cho ba mẹ.
Trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn khi vừa học, vừa làm, năm 1982, với tấm bằng tốt nghiệp ưu tú, thầy Khiêm được về công tác tại một trường cấp 2 ở TP. Rạch Giá.
“Thật tình là lúc đầu bản thân tôi không thích nghề giáo, nhưng qua một năm đầu tiếp cận, tâm sự với các em, tôi thấy cái nghề mà mình đang làm nó thật sự mang lại con chữ, niềm tin cho các em, đặc biệt là học sinh nghèo. Chính các em lại tạo động lực để tôi theo đuổi và cho đến hôm nay là 42 năm, một chặng đường dài cho sự nghiệp giáo dục”, thầy Khiêm chia sẻ.
Trong quá trình giảng dạy tại trường, nhìn thấy những em học sinh ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm vẫn chăm chỉ cắp sách đến trường, thầy Khiêm nhớ lại hình ảnh của mình trước đây. Với tấm lòng của người thầy, người anh đi trước, không muốn các em vì lý do cơm áo gạo tiền mà dang dở đường học tập, dù với đồng lương ít ỏi nhưng thầy Khiêm luôn dành để san sẻ cho học sinh nghèo, tất cả vì một chữ “thương”.
“Hễ gặp em nào khó khăn, tôi lại đứng ra tìm hiểu, động viên các em không nên bỏ học. Có con chữ, có kiến thức thì mình mới thoát nghèo, có công việc ổn định về sau.
Tôi nhớ lúc đó mẹ tôi dành dụm cho tôi một chỉ vàng để làm vốn, tôi mới lén mẹ bán chỉ vàng để mua xi-măng, xà bần làm lại cái sân trường vì không muốn các em bị té, lội nước vào lớp. Tôi nói với mẹ làm mất, sau này mẹ không còn nữa, đứng trước bàn thờ mẹ, tôi mới dám đốt nhang xin lỗi mẹ vì lời nói dối của mình…”, thầy Khiêm xúc động.
Để có thể hỗ trợ nhiều em học sinh khó khăn hơn nữa bằng chính sức lao động của mình, hơn 30 năm trước sau khi được người em giới thiệu, thầy Khiêm bắt đầu bén duyên với nghề MC rồi gắn bó đến tận bây giờ.
Theo thầy Khiêm, trong 10 năm trở lại đây, bảo hiểm y tế là bắt buộc đối với học sinh, tuy nhiên không phải em nào cũng đủ khả năng để mua bảo hiểm khiến thầy trăn trở.
“Tôi nghĩ làm sao phải mua được bảo hiểm cho các em học sinh nghèo, không chỉ ở trường tôi mà ở các trường khác. Đây là trách nhiệm thứ 2 mà tôi tự nhận lấy trong sự nghiệp giáo dục của mình. Chưa bao giờ tôi cho phép mình nghỉ ngơi, một ngày người khác làm 8 tiếng, tôi làm 12 tiếng, nhưng 12 tiếng đó tạo được năng lượng cho tôi.
Thật sự tôi cảm thấy vui, hạnh phúc vì được làm việc, được kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình để giúp các em học sinh.
Để vừa làm tốt việc quản lý ở trường, vừa chạy show đám tiệc trong cùng một ngày, thầy Khiêm đành hi sinh quỹ thời gian của bản thân. Hầu như ngày nào cũng vậy, thầy đi từ sáng sớm cho đến tối muộn, có hôm 11-12h đêm mới về đến nhà chỉ để “làm sao cho học sinh có đủ sách, đủ vở đến trường, làm sao cho học sinh nào cũng có bảo hiểm y tế”.
Ban đầu khi làm MC đám cưới, thầy Khiêm nhận về mình không ít lời bình luận không hay khiến thầy chạnh lòng. “Có người nói Hiệu trưởng gì mà đi làm MC đám cưới, thậm chí còn nói thầy giáo ăn cắp giờ nhà nước để làm việc riêng. Xin thưa tôi không bao giờ ăn cắp, tiệc cưới là ngoài giờ hành chính. Lúc nào tôi cũng đặt chuyện công đi đầu, làm xong hết việc mà nhà nước giao phó rồi mới đến việc riêng, thầy Khiêm chia sẻ.
Lúc đầu tôi có buồn nhưng chỉ thoáng qua, thôi kệ người ta nói gì nói, mình làm đúng với lương tâm của mình là được, bỏ những điều không tốt qua một bên.
Thầy cứ nghĩ mình có show nhiều thì học trò được phước nhiều”, thầy Khiêm tâm sự.
Ngoài việc hỗ trợ sách vở, bảo hiểm y tế cho học sinh, thầy Khiêm còn tổ chức những chuyến đi thiện nguyện đến vùng sâu, vùng xa để chia sẻ khó khăn với bà con nghèo. Chỉ cần gặp người cơ nhỡ ở bất cứ đâu, thầy Khiêm đều bỏ tiền túi ra hỗ trợ. Tuy không nhiều nhưng vài ba trăm ngàn trong khoảnh khắc bất chợt ấy, cả người cho và người nhận đều cảm thấy ấm lòng.
“Cô ơi, con sợ! Nhà không có tiền, con sẽ mù phải không cô”
Đó là câu nói chua xót mà cô Nguyễn Kim Phụng (giáo viên Trường tiểu học Hồng Bàng) nghe từ cậu học trò nhỏ khi con biết đôi mắt của mình dần mất đi ánh sáng.
Hơn 5 năm trước, khi phát hiện Trần Thanh Đức (lúc đó là học sinh lớp 5 của trường) không thấy đường để viết bài, cô Phụng thông báo cho gia đình đưa em đi khám mắt. Nào ngờ khi đến bệnh viện địa phương, bác sĩ cho biết phải đưa Đức lên TP.HCM điều trị vì một bên mắt đã không còn thấy đường. Trước hoàn cảnh khó khăn của Đức khi mồ côi từ nhỏ, sống nương nhờ tình thương của vợ chồng ông dượng già yếu, cô Phụng “đánh liều” ngỏ lời đến thầy Khiêm.
Trong căn nhà nhỏ, Đức cặm cụi vừa đọc sách, vừa giải bài tập ngữ pháp, chốc chốc lại nghĩ về ước mơ của mình rồi nhoẻn miệng cười. Cách đó vài bước chân, ông Nguyễn Văn Đông (70 tuổi, dượng nuôi của Đức) chầm chậm đi tới, miệng lẩm bẩm.
Nhờ thầy Khiêm, nhờ thầy Khiêm.
Nhìn đứa cháu nuôi đang ngày một khỏe mạnh, cao lớn, ông Đông không cầm được nước mắt. 5 năm trước, nếu không có vòng tay nối dài của thầy Khiêm và mọi người, có lẽ Đức đã mù vĩnh viễn.
“Ba mẹ nó bỏ đi từ lúc nó 1 tháng tuổi rồi ông ngoại bệnh qua đời, tui với bả nhận nuôi nó đến giờ. Không ngờ cuối năm lớp 5, nó bị bong võng mạc, nhà thì không có tiền. Nếu nó lớn lên mà không thấy đường là tội cho cả cuộc đời của nó. May mắn được thầy Khiêm và mọi người hỗ trợ, tui mừng lắm, thấy ấm áp tình thương của nhà trường dành cho học sinh, ổng (thầy Khiêm) lo quá lo, tội nghiệp ổng…”. Ông Đông nói.
Nhớ lại khoảng thời gian rơi vào trầm cảm vì mắt không còn thấy đường, Đức cho biết em chỉ biết khóc, thậm chí nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình.
“Em tự hỏi sao ông trời lại bất công với em như vậy, đã trao cho em cuộc sống không ba mẹ rồi tiếp tục lấy đi đôi mắt của em. Em tự lấy tay mình đấm vào tường, có lúc em nghĩ mình sẽ từ bỏ cuộc sống này.
Em hụt hẫng khi nghe bác sĩ nói có thể em không nhìn thấy đường, em phải vào nhà khiếm thị, sẽ không đi học được nữa…
Vậy ước mơ của em là gì?
Em ước mơ được trở thành giáo viên tiếng Anh, em muốn nối nghiệp thầy Khiêm!
Khuôn mặt ánh lên vẻ rạng ngời, Đức dõng dạc mơ ước. Có lẽ hơn ai hết, Đức cảm nhận được tình thương, sự kỳ vọng mà thầy Khiêm dành cho em như cách một người ba mong ở đứa con trai của mình.
Đó là lời tâm sự của anh Tiêu Chí Long (giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn) khi nhắc đến thầy Khiêm, dù trước đó cả hai chẳng có quan hệ máu mủ, ruột rà.
Sau khi từ quê ra TP. Rạch Giá để học cấp 2, anh Long tình cờ quen biết thầy Khiêm, từ đó kết thân với nhau. Từ một cậu học trò hay quậy phá, hiếu động, nhờ có sự dìu dắt, chỉ bảo của thầy, anh Long ngày một trưởng thành hơn.
“Ba nhận mình làm con nuôi rồi lo hết mọi thứ từ tập vở, ăn uống, mình lên đại học, ba Khiêm cũng lo. Đến khi mình ra trường làm giáo viên, lập gia đình, nhờ ba Khiêm hết. Ba Khiêm thương mình rồi thương 2 đứa con của mình, gặp được ba khiến cuộc sống của mình tốt hơn.
“Từ tận đáy lòng, con cảm ơn ba rất nhiều, con lúc nào cũng là người con của ba, sẽ lo cho ba đến khi ba 100 tuổi, đồng hành cùng ba”.
Nghe những lời tâm sự của con trai nuôi, thầy Khiêm xúc động bởi hơn ai hết, thầy cảm nhận được sự hạnh phúc của một tổ ấm gia đình, dẫu cho nó đã từng bị móp méo, không vẹn toàn.
“Nói về cuộc sống, mặc dù tôi độc thân, tôi cô đơn nhưng tôi không cô độc. Xung quanh tôi còn rất nhiều người bên cạnh, nhất là những đứa con nuôi của tôi khiến tôi tự hào”, thầy Khiêm nhắc đến Võ Linh Hiếu, đứa con nuôi mà 12 năm trước được ông trời ban tặng cho thầy, từ một cậu nhân viên phục vụ ở quán cà phê giờ đã trở thành một lãnh đạo ngân hàng ở địa phương.
“Nếu không có ba Khiêm thì chắc chắn không có thằng Hiếu ngày hôm nay. 12 năm qua, có những lúc mình bốc đồng, thiếu định hướng thì chính ba Khiêm níu mình lại, hướng dẫn để mình vững vàng hơn. Ba dạy anh cách sống tình nghĩa, sống phải biết trước sau, nhờ ba mà có con ngày hôm nay, con cảm ơn ba rất nhiều”, anh Hiếu trải lòng.
Trải qua một hành trình 42 năm gắn mình với bục giảng, chỉ còn vài ngày nữa, thầy Khiêm sẽ chính thức rời xa mái trường, tạm khép lại một đời giáo viên rất đẹp. Đi dọc hành lang trường, thầy Khiêm lặng lẽ ngắm nhìn từng lớp học, chiếc trống trường đã cũ cùng lũ trẻ con đang cặm cụi viết bài.
42 năm cho một thói quen rất dài sắp sửa khép lại. Dù bản thân rất buồn nhưng thầy Khiêm thật sự hạnh phúc và mãn nguyện khi đã dành cả thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Đứng cách thầy một đoạn không xa, cô Nguyễn Thị Diễm Ngọc (54 tuổi, lao công) đưa tay quệt nước mắt. 8 năm được tiếp xúc, làm việc dưới sự dìu dắt và nâng đỡ của thầy Khiêm, cô Ngọc sợ phải chia tay thầy, chia tay một người Hiệu trưởng lúc nào cũng ân cần, đối xử công bằng với tất cả mọi người.
“Mấy ngày nay dì chỉ biết khóc, thầy thấy dì nghèo khổ không có khinh dễ mà còn giúp đỡ để dì có tinh thần vươn lên. Nhờ thầy động viên mà gia đình dì nay đỡ nhiều lắm.
Có lẽ không chỉ bản thân cô Ngọc mà tất cả những thầy cô, các em học sinh, những người đã từng tiếp xúc với thầy Khiêm, ai cũng tiếc nuối khi sắp chia tay một Nhà giáo ưu tú, người Hiệu trưởng đáng kính, lúc nào cũng dành sự quan tâm cho đồng nghiệp, cho học sinh, đặc biệt là trẻ em nghèo.
“Mặc dù tôi không còn đến trường nữa nhưng tôi vẫn mãi là người thầy, sẵn sàng đồng hành với các em. Tôi hi vọng ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, các em phải học cho tốt, việc học là con đường duy nhất để các em trở thành người có ích cho xã hội.
Nói về dự định tương lai, thầy Khiêm mong bản thân có nhiều sức khỏe để tiếp tục làm công việc MC. Dù có thể khi thầy đã lớn tuổi, một số nơi ngại mời nhưng thầy sẽ cố gắng làm những công việc khác để làm sao ngoài đồng lương hưu, thầy có thể hỗ trợ được nhiều nhất cho các hoàn cảnh khó khăn.
Nói về dự định tương lai, thầy Khiêm mong bản thân có nhiều sức khỏe để tiếp tục làm công việc MC. Dù có thể khi thầy đã lớn tuổi, một số nơi ngại mời nhưng thầy sẽ cố gắng làm những công việc khác để làm sao ngoài đồng lương hưu, thầy có thể hỗ trợ được nhiều nhất cho các hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi chưa bao giờ ngưng nghỉ, đến giờ phút này là 62 tuổi, tôi vẫn muốn làm thật nhiều để kiếm tiền giúp các em, nó hình thành thói quen rồi trở thành trách nhiệm mà tôi tự gắn của một người thầy dành cho học sinh”, thầy Khiêm tâm sự.
16h, tiếng trống trường vang lên, thầy Khiêm nán lại trường học, nhìn thật kỹ từng em học sinh, nhân viên của trường. Có chút tiếc nuối, xót xa…
Vài bữa nữa, thầy sẽ chia tay mái trường mà mình gắn bó, sẽ chẳng còn nghe tiếng í ới la hét hay bẽn lẽn chào thầy của lũ học trò.
Sẽ chẳng còn những buổi họp giao ban tại phòng Hiệu trưởng.
Nhưng tình cảm mà mọi người, mái trường dành cho thầy vẫn vẹn nguyên, bởi vì thầy Khiêm mãi mãi là thầy Khiêm của mọi người.
Cảm ơn thầy, Nhà giáo ưu tú Ngô Hồng Khiêm – người thầy của những đứa nhỏ, những trẻ em nghèo!
Dù đã công tác trong ngành giáo dục được 20 năm nhưng khi nhận nhiệm vụ mới trở thành Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Bàng, cô Trần Lâm Minh Châu gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Nhờ sự hỗ trợ, chỉ dẫn của thầy Khiêm, cô Châu có thêm động lực, niềm tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nhớ lại lần đầu gặp thầy Khiêm ở sân khấu tiệc cưới, cô Ngô Thị Hạ giật mình vì không hiểu sao thầy Hiệu trưởng của mình lại xuất hiện với vai trò MC. Nhưng khi biết được ý nghĩa từ việc thầy làm, cô Hạ thêm phần yêu mến, kính phục.
Nhớ lại lần đầu gặp thầy Khiêm ở sân khấu tiệc cưới, cô Ngô Thị Hạ giật mình vì không hiểu sao thầy Hiệu trưởng của mình lại xuất hiện với vai trò MC. Nhưng khi biết được ý nghĩa từ việc thầy làm, cô Hạ thêm phần yêu mến, kính phục.
Có lẽ trong mắt mọi người, thầy Khiêm không chỉ là người của công việc mà còn có một trái tim đủ ấm áp, bao dung để nối dài vòng tay yêu thương đến mọi người.
10 năm về Trường tiểu học Hồng Bàng làm Hiệu trưởng, thầy Khiêm giúp nhà trường giành nhiều danh hiệu tập thể trong và ngoài tỉnh, hết mình quan tâm đến giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường. Để rồi khi thầy sắp sửa chia tay mái trường, sự bịn rịn, lưu luyến đều hiện hữu trong ánh mắt những người ở lại.
Theo Tổ quốc