Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 4: Ỷ số đông, quân Triệu chủ quan khinh địch – Dụng binh ít, Hàn Tín tử chiến công thành

Ở cuối Kỳ 3, sau khi diệt được nước Nguỵ với diệu kế ‘thùng gỗ vượt sông’, Hàn Tín lại nhanh chóng hạ nước Đại. Tiếp đến, ông tiến quân lên phía Bắc để chinh phạt nước Triệu… 

>> Xem lại kỳ 1: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 1: Tuổi thơ cơ cực, nhẫn nhục hơn người, chí khí cao xa
>> Xem lại kỳ 2: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 2: Trước đoạn đầu đài không biến sắc – Sau đàn phong tướng chẳng động tâm
>> Xem lại kỳ 3: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 3: Sửa sạn đạo lén vượt Trần Thương – Bơi thùng gỗ qua sông đánh Ngụy

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 4: Ỷ số đông, quân Triệu chủ quan khinh địch – Dụng binh ít, Hàn Tín tử chiến công thành
Hàn Tín và bản đồ nước Triệu (Ảnh chụp màn hình ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 14: Công cái thiên hạ)

Binh lực nước Triệu lúc này vô cùng lớn mạnh với 20 vạn quân. Trong khi Hàn Tín chỉ có hơn 1 vạn quân. 

Lại nói, Triệu vương Hiết có 2 thuộc hạ, một là Trần Dư phụ trách cầm binh, người còn lại là nhà quân sự Lý Tả Xa. Lý Tả Xa đưa cho Triệu vương Hiết và Trần Dư một chủ ý rằng:

“Đại vương, quân sỹ Hàn Tín tiến đánh nước ta phải di chuyển ngàn dặm, binh lính chắc chắn rất mỏi mệt, lương thảo nhất định không đủ. Y muốn đánh chúng ta nhất định đi qua một nơi là Tỉnh Hình (井陘). Hình – 陘 là mạch núi bị đứt đoạn, khoảng trống đó chỉ là con đường rất nhỏ. Khoảng cách chỉ đủ một người dắt một ngựa đi qua mà thôi. Đây là ‘chỗ hiểm yếu’ (hiểm địa). 

Ỷ số đông, quân Triệu chủ quan khinh địch

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 4: Ỷ số đông, quân Triệu chủ quan khinh địch – Dụng binh ít, Hàn Tín tử chiến công thành
Hàn Tín và bản đồ nước Triệu (Ảnh chụp màn hình ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 14: Công cái thiên hạ)

Đối phó với Hàn Tín rất đơn giản, chúng ta không cần đánh. Chúng ta ở ngoài Tỉnh Hình đắp luỹ để Hàn Tín không có cách nào tấn công chúng ta. Sau đó khi Hàn Tín đến Tỉnh Hình, chúng ta tập hậu cắt đứt đường lương thực của ông ta.

Đến khi ấy, phía trước Tín không tấn công được thành luỹ chúng ta, phía sau lại bị đoạn đứt đường lương thực, cho nên không quá 10 ngày, đầu của Hàn Tín sẽ được đưa đến chỗ đại vương”.

Đây là một diệu kế của Lý Tả Xa, không cần chiến mà có thể đưa Hàn Tín vào tử địa. Nếu kế sách của Lý Tả Xa được tiếp nhận, Hàn Tín đánh Triệu sẽ vô cùng khó khăn.

Trần Dư nói: “Chúng ta không cần dùng quỷ kế, hơn nữa trong Binh pháp có nói ‘binh gấp 10 lần có thể vây’. Hiện nay chúng ta có 20 vạn, trong khi Hàn Tín chỉ có hơn 1 vạn. Nếu chúng ta dùng kế, chẳng phải nói với thiên hạ rằng sức chiến đấu của quân đội chúng ta quá yếu sao”.

Kết quả Trần Dư không nghe kiến nghị của Lý Tả Xa, còn Triệu vương Hiết thì không có ý kiến – Hiết chỉ là vương trên danh nghĩa. 

Về phía Hàn Tín, đến Tỉnh Hình là một hành động khá mạo hiểm, nhưng ông vốn cẩn thận nên không ngừng phái gián điệp đi nghe ngóng tin tức. Tín nghe nói kế sách của Lý Tả Xa không được tiếp nhận, ông… lập tức cho hành quân cấp tốc đi qua Tỉnh Hình. 

Sau khi qua được hiểm địa, Hàn Tín hạ trại. Trận Tỉnh Hình này diễn ra vào năm 205 TCN, Tín đánh vô cùng đẹp mắt – sau đoạn thuật về tình tiết trận đánh sẽ có những phân tích về nghệ thuật dụng binh của ông. 

Dùng quân ít, Hàn Tín tử chiến công thành

Hàn Tín chỉ huy chiến dịch đã dùng 3 bước như sau.

Bước thứ nhất, ông lấy trong quân 2000 binh, mỗi người cầm cờ đỏ của nhà Hán (1), leo lên núi mai phục. Ông dặn: “Ngày mai, Triệu thấy ta chạy, ắt bỏ trống thành luỹ. Khi ấy các ngươi nên đi mau vào luỹ Triệu, hạ cờ Triệu xuống, dựng cờ Hán lên”. 

Bước thứ hai, buổi sáng sớm, Hàn Tín triệu tập các tướng lại để họp rồi nói rằng: “Sáng nay chúng ta sẽ ăn một ít điểm tâm. Đến trưa, sau khi diệt Triệu xong, chúng ta sẽ đến đại doanh của nước Triệu tổ chức yến tiệc”.

Các tướng nghĩ, quân mình hơn 1 vạn đánh với quân địch 20 vạn, đánh trong nửa ngày từ sáng đến trưa rồi đến được doanh trại quân Triệu cử hành yến tiệc, điều này thật… khó tin. Nhưng đại tướng quân đã phát lệnh thì các tướng cũng đành tuân theo. 

Hàn Tín nói: “Các ngươi sau khi ăn sáng xong, mang theo 1 vạn binh vượt qua Đào Hà (sông Đào), sông đó không quá sâu, sau đó ‘lập trại quay lưng về phía sông’ (bối thuỷ kết doanh). Khi qua sông, phía trước là quân Triệu, phía sau là sông”. 

Điều này đi ngược lại kiến thức quân sự thông thường. Khi đó quân đội nước Triệu nhìn thấy quân Hán đóng trại như vậy mới cười lớn. Bởi vì theo lẽ thường, đóng quân nên là ‘quay lưng phía núi, đối mặt phía sông’. Quay lưng phía núi là để không bị tập kích phía sau, còn đối mặt phía sông là để có một tầm nhìn rộng. 

Bước thứ ba, Hàn Tín tự mình dẫn quân đem theo cờ hiệu đại tướng quân tấn công doanh trại quân Triệu. Tại sao Tín phải dẫn quân và đem theo cờ hiệu đại tướng quân?

Thời Trung Quốc cổ đại khi đánh trận, binh tướng rất chú trọng cờ hiệu, giết được binh hay tướng thì lấy cờ hiệu làm bằng chứng. Nếu lấy được cờ đại tướng quân của địch thì sẽ lập được đại công.

Hàn Tín mang theo cờ dẫn theo binh tấn công quân Triệu. Quân Triệu thấy vậy rút hết binh trong trại ra tấn công Hàn Tín. Sau một thời gian giằng co, Hàn Tín ra lệnh rút quân đến chỗ hạ trại ‘quay lưng phía sông’ (bối thuỷ).

Trong lúc chạy về, Tín cho người vứt bỏ cờ xí đại tướng quân, tiểu tướng quân… 

Lúc đó binh lính trong trại nước Triệu thấy vậy nghĩ rằng nếu không nhặt được cờ thì không có bằng chứng lập công. Kết quả quân Triệu… bỏ thành luỹ để ra nhặt cờ xí của quân Hán. Quân Triệu cũng ồ ạt tấn công trại ‘quay lưng phía sông’ của Tín. Quân sĩ trại ‘bối thuỷ’ vì không còn đường lui nên phải tử chiến. 

Vì trại quân Triệu bỏ trống, nên lúc này 2000 quân mai phục trên núi nhanh chóng ập vào doanh trại quân địch, rút cờ Triệu cắm cờ Hán. 

Binh sĩ nước Triệu đánh nhau với quân Hán ở trại ‘bối thuỷ’ thấy vẫn không thắng được, nên họ muốn quay về trại ăn uống nghỉ ngơi. Kết quả quân Triệu quay về mới phát hiện trong trại cắm đầy cờ xí của quân Hán!

Khi đó quân Triệu đứng ngây người chôn chân, cho rằng đại doanh đã thất thủ. Lúc này quân Hán từ trong trại đánh ra phía trước, quân đóng ở trại ‘bối thuỷ’ đánh ập phía sau, hai mặt trước – sau đánh kẹp, kết quả quân Triệu ngay lập tức tán loạn.

Trong vòng nửa ngày, quân Triệu bị tiêu diệt. Triệu vương Hiết và Trần Dư đã chết trong trận chiến. 

Khi Hàn Tín đánh thắng được quân Triệu, các tướng vẫn chưa tin, mới hỏi Hàn Tín: “Tướng quân dùng binh vì sao dựng trại quay lưng phía sông? Đây là điều đi ngược Binh pháp thông thường”. 

Lúc này Hàn Tín mới trả lời: “Điều này có trong Binh pháp, chẳng qua các tướng không xem xét đó thôi. Binh pháp nói: ‘Hãm vào đất chết rồi mới sống, ném vào đất mất rồi mới còn‘.

Tín tôi đây chưa từng luyện tập đám quân sĩ này, thật không khác chi một đám người phố chợ ra đánh trận. Đặt vào chỗ chết mới khiến ai nấy đều lo chiến đấu. Nếu đặt vào chỗ sống, ai nấy đều chạy thì còn có thể làm được gì!”.

Trận chiến Tỉnh Hình – nghệ thuật dụng binh

Ở trên là những điều Hàn Tín nói, vậy thì ngoài đó ra còn có điều gì đáng để phân tích trong trận chiến này? Cá nhân người viết có những thiển ý như sau:

Thứ nhất, Hàn Tín biết ông chỉ có hơn 1 vạn binh, trong khi lương thảo thì gần hết, cho nên mỗi bước đi của ông khi đánh Triệu phải được tính toán vô cùng cẩn thận. Do đó trước khi vào Tỉnh Hình, việc đầu tiên ông làm là… thu thập thông tin tình báo. 

Hàn Tín biết nếu Trần Dư tiếp nhận ý kiến của Lý Tả Xa thì ông đánh Triệu sẽ vô cùng khó khăn, nên khi ông có được thông tin: kế sách của Lý Tả Xa không được dùng, ông bèn lập tức tiến vào Tỉnh Hình.

Đây là “Biết mình biết người, trăm trận không nguy” (Trích chương 3: Thiên Mưu công sách Binh pháp Tôn Tử). 

Thứ hai, Hàn Tín đóng trại ‘quay lưng phía sông’ là trái với Binh pháp thông thường. Hàn Tín giải thích cho việc này là “hãm vào đất chết rồi mới sống, ném vào đất mất rồi mới còn”, mục đích là tăng sức chiến đấu cho binh sĩ. 

Cá nhân người viết có nhận định thêm rằng, Hàn Tín nói “điều này có trong Binh pháp”, tức là việc ‘bày trận’ và ‘ném vào đất mất rồi mới còn’ đều có trong Binh pháp.

Ở đây Hàn Tín phải là người đọc rất kỹ và cực kỳ am hiểu Binh pháp mới có thể làm được như vậy. Ông dùng binh linh hoạt như nước, không máy móc rập khuôn. 

Thứ ba, việc Hàn Tín truyền lệnh “đến trưa sau khi diệt Triệu xong…”, đây là cho binh tướng giới hạn về thời gian, giống như câu chuyện ‘Phá phủ trầm chu’ (phá nồi chìm thuyền), chìm thuyền là không còn đường lui, còn phá nồi là cho binh lính mang theo 3 ngày lương, 3 ngày lương là giới hạn về thời gian. 

Khi bị giới hạn về thời gian, người ta có xu hướng phải cố gắng hoàn thành. Ví như làm đồ án tốt nghiệp hay chạy dự án có deadline, người ta sẽ cố gắng để hoàn thành công việc trong thời gian đã định. 

Thứ tư, trong bước thứ nhất Hàn Tín phái 2000 quân mai phục trên núi và dặn “Triệu thấy ta chạy, ắt bỏ trống thành luỹ. Khi ấy các ngươi nên đi mau vào luỹ Triệu, hạ cờ Triệu xuống, dựng cờ Hán lên”. Ở đây có một điều rất đáng phân tích. 

Nếu mọi người đọc cuốn ‘7 thói quen hiệu quả’ của Stephen R. Covey, thì có thói quen thứ hai là: “Bắt đầu bằng đích đến”. Nói cho dễ hiểu thì đây là ‘hình dung trước kết quả’, ‘sáng tạo lần thứ nhất’. Còn sáng tạo lần 2 thì do thói quen 3 thực hiện. 

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 4: Ỷ số đông, quân Triệu chủ quan khinh địch – Dụng binh ít, Hàn Tín tử chiến công thành
Cuốn ‘7 thói quen hiệu quả’

Hàn Tín đã ‘hình dung được kết quả’ trận chiến. Ông bày binh ‘bối thuỷ’, ông biết quân Triệu sẽ khinh địch. Ông đem một ít quân và cờ xí đại tướng quân ra nghênh chiến, sau đó bỏ lại cờ hiệu thì quân Triệu phản ứng ra sao?

Sau khi mất đại doanh thì tâm lý quân Triệu như thế nào? Giữa việc tử chiến của quân Hán và cách đánh ‘nhàn nhã’ của quân Triệu có khác biệt gì v.v… Ông đều hình dung được phản ứng của đôi bên. 

Sau khi đoán định chắc tình hình, Hàn Tín mới bày binh bố trận như kế hoạch đã vạch sẵn trong đầu, từ đó giành được chiến thắng. 

Khi Hàn Tín ‘hình dung được kết quả’, ông đồng thời cũng đoán chắc được tâm lý của cả quân Hán và quân Triệu. Đây còn là đòn tâm lý chiến (chiến tranh tâm lý) trong Binh pháp. 

***

Sau khi đánh thắng quân Triệu, các tướng đều bội phục Hàn Tín, nhưng không vì thế mà Tín cho mình là dụng binh đệ nhất thiên hạ. Lúc này ông lại ra lệnh cho người phải tìm cho bằng được một người.

Người đó là ai và có ảnh hưởng như thế nào đến những bước đi tiếp theo của Hàn Tín, kính mời quý độc giả đón xem kỳ tiếp theo: Không chiến mà khuất được binh người. 

Theo Mạn Vũ

>> Xem tiếp Kỳ 5: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 5: Không chiến mà khuất được binh người