Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 3: Sửa sạn đạo lén vượt Trần Thương – Bơi thùng gỗ qua sông đánh Ngụy

Để đánh được nước Ngụy, Hàn Tín phải vượt qua Hoàng Hà. Khi xuất binh, Hàn Tín đóng quân ở bờ tây Hoàng Hà. Ông lệnh cho binh lính tập kết rất nhiều thuyền chiến, vờ như mình sẽ vượt sông từ vị trí này, nhưng thực ra đó chỉ là kế ‘dương đông kích tây’…

>> Xem lại kỳ 1: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 1: Tuổi thơ cơ cực, nhẫn nhục hơn người, chí khí cao xa
>> Xem lại kỳ 2: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 2: Trước đoạn đầu đài không biến sắc – Sau đàn phong tướng chẳng động tâm

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 3: Sửa sạn đạo lén vượt Trần Thương – Bơi thùng gỗ qua sông đánh Ngụy
Tranh vẽ Hàn Tín và bản đồ ba nước Ngụy, Đại, Triệu (Ảnh chụp màn hình ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 14: Công cái thiên hạ)

Lại nói, ở cuối Kỳ 2 có kể về việc Hàn Tín đưa ‘đối sách Quan Trung’ để giúp Lưu Bang đoạt thiên hạ: Bắt đầu bình định Quan Trung, từ vùng đất này làm bàn đạp rồi tiến về phía đông diệt Hạng Vũ. 

Về mặt chiến lược là như vậy, còn về mặt chiến thuật, Hàn Tín đã đưa cho Lưu Bang một chủ ý, đó là: Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương: Vờ sửa sạn đạo, lén vượt Trần Thương.

Hàn Tín – Sửa sạn đạo lén vượt Trần Thương

Trong ‘Sử ký’ không có 8 chữ Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương: Vờ sửa sạn đạo, lén vượt Trần Thương, nhưng chủ ý này là của Hàn Tín.

Trong ‘Sử ký – Cao Tổ bản kỷ’ có ghi rằng: Tháng 8 năm Hán vương thứ nhất (8/206 TCN), Lưu Bang đã dùng kế của Hàn Tín từ vùng Cố Đạo sau đó qua đường Trần Thương để tiến vào Tam Tần.

Lúc này quân của Chương Hàm xảy ra trận chiến với quân Hán ở Trần Thương, sau đó Chương Hàm thất bại chạy về đô thành của mình là Phế Khâu rồi tự sát ở đó. Tư Mã Hân, Đổng Ế cũng lần lượt đầu hàng. Đất Tam Tần trên cơ bản được bình định như vậy.

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 3: Sửa sạn đạo lén vượt Trần Thương – Bơi thùng gỗ qua sông đánh Ngụy
Trên những sườn núi hiểm trở, người ta đào hang, bắc cầu, nối liền với nhau thành các sạn đạo, đây chính là đường lát ván, dùng gỗ bắt sàn ở chỗ khe núi hiểm hóc (Ảnh chụp màn hình ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 11: Tây Sở bá vương)

Chư hầu nổi loạn, Hạng Vũ lâm nguy…

Lưu Bang bình định Tam Tần vào 8/206 TCN, nhưng trước đó Trung Quốc đã chiến loạn khắp nơi. Tháng 2/206 TCN, Hạng Vũ phong đất cho 18 lộ chư hầu. Đến tháng 4/206 TCN, các chư hầu trở về đất phong của mình, nhưng đến tháng 5/206 TCN, ở đất Tề đã xảy ra nổi loạn. 

Khi đó đất Tề được Hạng Vũ phân cho 3 người là Liêu Đông vương, Tế Bắc vương và Tề vương, nhưng thực quyền lại nằm trong tay Điền Vinh. Điền Vinh giết 2 người, đuổi 1 người, cho nên lúc này phía Đông Bắc là nước Tề trở thành kẻ địch rất mạnh của Hạng Vũ. 

Sau khi Lưu Bang bình định đất Tần không lâu, ở Trung Nguyên cũng phát sinh phiến loạn ở nước Triệu. Trần Dư và Trương Nhĩ có mâu thuẫn rất lớn. Trương Nhĩ được Hạng Vũ phong làm Thường Sơn vương chiếm giữ đất Triệu, Trần Dư rất tức giận mới liên kết với Triệu vương trước đây là Triệu vương Hiết tấn công Trương Nhĩ khiến Trương Nhĩ bỏ chạy. 

Nước Triệu nằm ở phía bắc của nước Sở (do Hạng Vũ nắm quyền). Lúc này nhìn trên bản đồ, phía Tây của Hạng Vũ là Quan Trung có Lưu Bang nổi loạn, phía đông bắc là nước Tề có Điền Vinh nổi loạn, phía bắc thì có Triệu vương Hiết và Trần Dư gây phiến loạn. 

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 3: Sửa sạn đạo lén vượt Trần Thương – Bơi thùng gỗ qua sông đánh Ngụy
Bản đồ các đối thủ của Hạng Vũ (Ảnh chụp màn hình ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 13: Ám độ Trần Thương)

Vậy nên đối với Hạng Vũ mà nói, ông phải đưa ra lựa chọn là: đánh Lưu Bang ở phía tây, đánh Điền Vinh ở đông bắc, hay là đánh Trần Dư và Triệu vương Hiết ở phía bắc? 

Khi Hạng Vũ còn đang chần chừ chưa quyết thì Trương Lương lên ngựa đến gặp Hạng Vũ nói rằng, trước đây Sở Hoài Vương nói ai đến Quan Trung trước thì sẽ làm vương, Lưu Bang chẳng qua chỉ muốn làm Quan Trung vương mà thôi, Lưu Bang vẫn sẽ mãi mãi thần phục Hạng Vũ. Vũ tin thật mới chọn đánh Điền Vinh ở đông bắc.

Điền Vinh không phải là đối thủ của Hạng Vũ nên rất nhanh bị Vũ đánh bại. Điền Vinh chạy đến Bình Nguyên, sau đó bị bách tính nơi đây giết chết. Theo lý thông thường, khi Điền Vinh mất thì nước Tề cơ bản bình định xong. Nhưng Hạng Vũ lại mắc 2 sai lầm ở đất Tề là giết Nghĩa Đế Sở Hoài Vương và đồ sát thường dân khi chiếm được thành. 

Còn về Lưu Bang sau khi chiếm được Quan Trung, ông nhân cơ hội Hạng Vũ đánh Tề, Lưu Bang xuất binh tiến vào Trung Nguyên.

Tháng 8/206 TCN, Lưu Bang bình định Quan Trung. Đến tháng 10/206 TCN, Hà Nam vương Thân Dương (đất thuộc nước Nguỵ thời Chiến Quốc) đầu hàng Lưu Bang. Đến tháng 11/206 TCN, Lưu Bang chiếm được nước Hàn. 

Vào tháng 3 năm sau, tức tháng 3 năm 205 TCN, Lưu Bang đánh Nguỵ Báo, sau đó Nguỵ Báo đầu hàng. Lưu Bang tiếp tục tiến về đông đánh chiếm được Triêu Ca (đô thành nước Vệ thời Chiến Quốc). 

Lưu Bang chiếm được Quan Trung, nước Nguỵ, nước Hàn, cho nên đất đai mà ông chiếm được rất rộng lớn. Lưu Bang đã hình thành thế uy hiếp rất lớn đối với Hạng Vũ. 

Khi Lưu Bang tấn công về đông rất thuận lợi, Hạng Vũ lại phạm 2 sai lầm nghiêm trọng như đã nói ở trên. Thế là Lưu Bang nhân cơ hội phát hịch văn thảo phạt Hạng Vũ. Hịch văn của Lưu Bang vừa đưa ra thì ‘nhất hô bách ứng’ (một lời hiệu triệu, trăm lời đáp ứng).

Rất nhanh sau đó Lưu Bang đã tập hợp được 56 vạn quân chư hầu, sau đó tấn công đô thành của Hạng Vũ là Bành Thành. Sau khi nghe tin, Hạng Vũ cấp tốc lãnh 3 vạn tinh binh lui về cứu Bành Thành. 

Lưu Bang không phải là đối thủ của Hạng Vũ cho nên 56 vạn quân của Hán vương bị 3 vạn tinh binh của Tây Sở Bá Vương đánh cho tan tác. Lưu Bang thảm bại chạy về Quan Trung. Chư hầu thì trở mặt Lưu Bang, quay về với Hạng Vũ. Lúc này Trương Lương lại phải nhắc Lưu Bang rằng muốn đoạt thiên hạ, không có Hàn Tín thì không thể làm được gì.

Hàn Tín sau khi nhậm chức Đại tướng quân hầu như không có ghi chép về việc lãnh binh trong vòng khoảng 1 năm. Bây giờ Lưu Bang cho Hàn Tín lãnh binh bắt đầu đánh trận. 

Trước trận chiến Bành Thành, liên minh chư hầu đứng cùng Lưu Bang, nhưng sau khi 56 vạn quân của Hán vương bị 3 vạn tinh binh của Hạng Vũ đánh bại tan tác, những vương/chư hầu vốn liên minh với ông bây giờ lại phản bội. 

Người đầu tiên phản bội là Nguỵ Báo – quốc vương nước Nguỵ.  

Lưu Bang phái Hàn Tín đi đánh 3 nước Nguỵ, Đại và Triệu. Hàn Tín từ đây có cơ hội thi triển tài năng quân sự của mình. 

Bơi thùng gỗ qua sông đánh Ngụy…

Tháng 8/205 TCN, Hàn Tín xuất binh từ ải Hàm Cốc, sau đó bắt đầu chinh phạt nước Nguỵ. Trận này Hàn Tín đánh vô cùng đẹp mắt. Nước Nguỵ là một trong Chiến Quốc thất hùng, những năm đầu Chiến Quốc là một quốc gia hùng mạnh nhất Trung Nguyên. Nhưng trong 1 tháng, Hàn Tín đã hạ được nước Nguỵ. 

Để đánh được Nguỵ Báo, Hàn Tín phải vượt qua Hoàng Hà. Khi xuất binh, Hàn Tín đóng quân ở bờ tây Hoàng Hà, ông lệnh cho binh lính tập kết rất nhiều thuyền, vờ như mình sẽ vượt sông từ vị trí này.

Nguỵ Báo hễ thấy thuyền của Hàn Tín toàn bộ tập trung ở bờ tây Hoàng Hà, ông đem tất cả thuyền quân mình di chuyển đến bờ đông, thiết lập hệ thống phòng thủ để chờ Hàn Tín. 

Kết quả Hàn Tín sử dụng chiến thuật ‘dương đông kích tây’. Hàn Tín phái quân đội chủ lực thật sự của ông di chuyển 80 dặm (40 cây số) về hướng bắc đến một nơi là Hạ Dương. Từ địa phương này, ông ra lệnh cho binh lính dùng cây lớn để làm thùng gỗ. Binh lính ngồi trong thùng gỗ âm thầm vượt Hoàng Hà. 

Qua được Hoàng Hà, quân Tín đánh trực tiếp vào An Ấp – vốn là đô thành của nước Nguỵ thời Chiến Quốc. 

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 3: Sửa sạn đạo lén vượt Trần Thương – Bơi thùng gỗ qua sông đánh Ngụy
Bản đồ trận chiến giữa Hàn Tín và Ngụy Báo (Ảnh chụp màn hình ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 14: Công cái thiên hạ).

Khi đó Nguỵ Báo đang đối diện sông Hoàng Hà để chờ tấn công quân Tín, ai ngờ đằng sau xuất hiện một cánh quân Hán. Nguỵ Báo lập tức quay đầu cho binh lính nghênh chiến. Kết quả quân của Báo bị quân của Tín đánh bại. Sau khi đánh bại Nguỵ Báo, trong vòng một tháng Hàn Tín đã bình định được nước Nguỵ. 

Tài năng quân sự của Hàn Tín là không phải bàn cãi. Ban đầu ông đưa chiến thuật ‘minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương’ cho Lưu Bang, khiến Hán vương lấy được Quan Trung. Còn khi ông cầm binh, dù là binh già lương yếu nhưng trong vòng một tháng đã bình định được nước Nguỵ với kế sách ‘thùng gỗ vượt sông’. 

Sau khi tiêu diệt được nước Nguỵ, Hàn Tín nhanh chóng hạ nước Đại. Tiếp theo lại tiến lên phía bắc để diệt nước Triệu. 

Lúc này binh Tín đã mỏi mệt, lương thảo không còn nhiều. Hàn Tín với hơn 1 vạn quân già yếu mỏi mệt liệu có thể đánh được 20 vạn quân Triệu đang còn khoẻ và lương thảo đầy kho hay không, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo…

Theo Mạn Vũ

>> Xem tiếp kỳ 4: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 4: Ỷ số đông, quân Triệu chủ quan khinh địch – Dụng binh ít, Hàn Tín tử chiến công thành