Khi đao phủ sắp chém đầu Hàn Tín, ông đột nhiên nhìn lên người giám sát là Hạ Hầu Anh sau đó hét to lên rằng: “Thượng cấp của ông là Bái công Lưu Bang chẳng phải muốn đoạt thiên hạ ư? Tại sao lại chém đầu tráng sĩ?”. Hạ Hầu Anh nghe xong giật nảy mình!…
>> Xem lại kỳ 1: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 1: Tuổi thơ cơ cực, nhẫn nhục hơn người, chí khí cao xa
Ở cuối Kỳ 1 có đề cập đến việc Hàn Tín đột nhiên đối mặt với vũ nhục rất lớn nhưng vẫn bảo trì một tâm thái bình tĩnh. Sau này trong thời khắc quan trọng, chính phẩm chất ấy đã cứu ông một mạng. Kể từ đó, con đường ông bước lên vũ đài lịch sử và triển hiện hết thảy năng lực bắt đầu từ đây…
Hàn Tín – Trước đoạn đầu đài không biến sắc
Khi Hạng Lương khởi binh, Hàn Tín đầu quân cho ông. Ban đầu Hàn Tín là thủ hạ của Hạng Vũ làm chức ‘Chấp kích lang trung’, tương đương với ‘vệ sĩ’ của Hạng Vũ.
Tín đã đưa ra rất nhiều chủ ý cho Hạng Vũ nhưng Vũ không nghe. Sau này Tín thấy không có tiền đồ nên rời bỏ Hạng Vũ để đầu quân cho Lưu Bang.
Thuở mới đầu quân cho Lưu Bang, Hàn Tín là người không có tiếng tăm, ông làm một chức quan nhỏ tên ‘Liên ngao’, vốn là chức quan trông coi thương khố (kho tàng).
Sau này, những thủ hạ của Tín đã phạm tội rồi liên đới đến ông. Tổng cộng 14 người (Tín và 13 người khác) bị xử chém đầu.
Khi đó người giám sát việc chém đầu là Hạ Hầu Anh. Hạ Hầu Anh là người đánh xe của Lưu Bang, đồng thời có quan hệ rất tốt với Bái công. Hạ Hầu Anh nhìn thấy 13 người bị chém, đầu họ rớt xuống đất nghe ‘bịch… bịch…’. Đến người thứ 14 là Hàn Tín.
Một người bình thường lúc sắp chết phải vô cùng hoảng sợ, hơn nữa ở đây Tín bị liên luỵ chứ không phải phạm tội. Nhưng lúc này Hàn Tín vô cùng bình tĩnh.
Khi đao phủ sắp chém Tín, ông đột nhiên nhìn lên người giám sát là Hạ Hầu Anh sau đó hét to lên rằng: “Thượng cấp của ông (Bái công Lưu Bang) chẳng phải muốn đoạt thiên hạ ư? Tại sao lại chém đầu tráng sĩ?”.
Hạ Hầu Anh nghe xong giật nảy mình! Một người bình thường sắp bị chém đầu không có bất cứ phản ứng sợ hãi nào, ngược lại còn nói một câu điểm trúng tâm can của Lưu Bang.
Cho nên khi ấy Hạ Hầu Anh cảm thấy vô cùng kỳ lạ, mới nhìn kỹ Tín từ đầu đến chân. Ông phát hiện Tín vừa cao to vừa đẹp trai, khí chất không giống người thường, thế là ông lập tức cho người thả Tín.
Hạ Hầu Anh nói chuyện với Tín, phát hiện Tín là một nhân tài, nếu làm chức ‘Liên ngao’ thì quá nhỏ. Hạ Hầu Anh bổ nhiệm Tín làm chức ‘Trị túc đô uý’ phụ trách quản lý toàn bộ lương thảo trong quân đội.
Lại nói, khi ấy người quản lý nhu yếu phẩm, phụ trách vấn đề hậu cần cao nhất là Tiêu Hà – ông vốn là người anh cùng quê thân thiết nhất với Lưu Bang. (Sau này Tiêu Hà là Thừa tướng, tương đương với Thủ tướng chính phủ nhà Hán).
Vì Tiêu Hà và Hàn Tín đều quản lương thực, nên hai người lâu dần có mối quan hệ thâm giao. Tiêu Hà phát hiện Tín là người quá xuất sắc, thế là ông liền tiến cử Tín cho Lưu Bang.
Lưu Bang không để ý, cũng không bổ nhiệm cho Tín chức vụ gì. Qua một đoạn thời gian, Tín không thấy động tĩnh gì, thế là ông… chạy trốn. Tiêu Hà nghe tin Hàn Tín chạy trốn, ông lập tức đuổi theo mà không báo cho Lưu Bang.
Tiêu Hà chạy ngay trong đêm tìm Tín, may thay ông tìm được Tín rồi cả hai cùng trở về. Khi Tiêu Hà trở về, Lưu Bang vừa giận vừa mừng. Giận vì đi không báo, mừng vì người anh thân thiết đã trở về.
Lưu Bang hỏi Tiêu Hà tại sao lại trốn chạy. Tiêu Hà nói ông không trốn chạy, ông chỉ truy đuổi người trốn chạy. Lưu Bang nói: “Ông ăn nói bừa. Một ngày có chục tướng bỏ chạy, sao ông không đuổi. Nay lại đi đuổi theo Hàn Tín, ta chưa nghe cái tên đó bao giờ”.
Tiêu Hà mới trả lời rằng: “Chư tướng dễ tìm, riêng chỉ có Tín, ‘quốc sĩ vô song’”. Ý của Tiêu Hà chính là: Hàn Tín là nhân tài ưu tú nhất của quốc gia, là kẻ sĩ có một không hai.
Sau đó Tiêu Hà nói với Lưu Bang:
– Hán vương (Lưu Bang) muốn xưng vương ở đất Hán Trung thì ngài không cần Hàn Tín. Nhưng nếu ngài muốn tranh thiên hạ với Hạng Vũ ở phía đông, ngoài Hàn Tín ra, thì không ai giúp ngài giải quyết vấn đề đó được.
Lưu Bang nói:
– Bởi vì ông tiến cử, nên tôi bổ nhiệm Hàn Tín làm tướng quân.
Tiêu Hà nói:
– Nếu ngài phong Tín làm Tướng quân, ông ấy vẫn chạy. Ông phải phong Tín làm Đại tướng quân tức là Tổng tư lệnh ba quân, người nắm quyền cao nhất trong quân đội.
Sau đàn phong tướng chẳng động tâm
Lưu Bang nghĩ rằng: một tên ‘vô danh tiểu tốt’, trong một đêm từ chức quan nhỏ là ‘Trị túc đô uý’ trở thành Đại tướng quân thống lĩnh ba quân, điều này có chút nghi ngại, nhưng vì Tiêu Hà tiến cử, nên Lưu Bang buộc miệng đồng ý.
Lưu Bang nói Tiêu Hà kêu Tín lại để ông phong Đại tướng quân. Tiêu Hà nói không được, người như Tín phải làm ‘đàn bái tướng’ thì ông ấy mới làm, chứ không phải vẫy vẫy lại như cho trẻ con đồ chơi, như thế không được.
Lưu Bang đồng ý làm ‘đài bái tướng’ sau đó phong Tín làm Đại tướng quân.
Sau lễ nghi bái tướng là đoạn đối thoại rất có ý tứ của Hàn Tín với Lưu Bang. Trong đó thể hiện cách nhìn người chuẩn xác, khả năng phân tích thời cuộc một cách thấu triệt của Hàn Tín.
Lưu Bang hỏi Tín:
– Thừa tướng Tiêu Hà nhiều lần tiến cử ông. Ông có chủ ý nào hay để chỉ giáo ta chăng?
Lúc này Tín mới có đất để dụng võ. Tín hỏi Lưu Bang:
– Thần muốn hỏi ngài một vấn đề. Nếu ngài muốn tranh thiên hạ, đối thủ của ngài có phải là Hạng Vũ không?
Lưu Bang nói đúng vậy. Tín hỏi thêm:
– Vậy thì ngài cảm thấy về dũng cảm, nhân nghĩa, thực lực có thể so với Hạng Vũ chăng?
Lưu Bang im lặng rồi hỏi phải làm thế nào? Tín nhìn nhận:
– Thần cũng nghĩ ngài đánh không lại Hạng Vũ, nhưng thần từng là thuộc hạ của Vũ giữ chức ‘Chấp kích lang trung’, thần rất hiểu ông ta. Thần nói với ngài, Hạng Vũ có 2 điểm yếu.
Tín nói: “Con người Hạng Vũ, thứ nhất có ‘cái dũng của kẻ thất phu’. Thứ hai có ‘nhân nghĩa của đàn bà’ (phụ nữ).
Nếu Hạng Vũ hét lên, tựa như sư tử hống, ngàn người đối diện với ông ấy đều sợ đến ‘tim đập chân run’, không ai dám nói năng gì. Vũ rất dũng mãnh, nhưng ông ấy lại không biết dùng nhân tài. Đây là ‘cái dũng của kẻ thất phu’.
Thứ hai, Hạng Vũ rất nhỏ nhen. Ông ấy có thể đối xử rất tốt với binh lính. Nếu lính bị bệnh ông có thể bưng cháo đến đút cho ăn và hỏi han các thứ. Nhưng khi tướng quân lập công trên sa trường, ông ấy lại rất ngần ngại phong thưởng tước vị.
Tước vị là khối ngọc đế vuông, Vũ bảo người khắc xong, ông ấy cầm trong tay mãi, đến nỗi góc vuông của khối ngọc đó… biến thành tròn vì bị cầm quá nhiều. Lúc này Vũ mới đưa cho tướng. Lính mắc bệnh thì chăm sóc tận tình, còn tướng lập công thì ngần ngại phong thưởng. Đây là ‘nhân nghĩa của phụ nữ’ “.
Tiếp theo Tín nói: “Nếu ngài muốn thắng Hạng Vũ, ngài chỉ cần làm ngược lại những việc Hạng Vũ làm. Nếu Vũ có ‘cái dũng của kẻ thất phu’, không biết dùng người thì ngài hãy trọng dụng nhân tài. Nếu Vũ nhỏ nhen trong việc phong thưởng thì ngài hãy thoáng đãng chuyện đó, nếu tướng nào lập được chiến công, ngài đừng ngần ngại phong thưởng cho họ.
Sau đó ở vùng đất Quan Trung, Hạng Vũ đã phong đất cho 3 người nhưng không được lòng dân, đó là Chương Hàm, Đổng Ế và Tư Mã Hân. 3 vị đó đều là tướng Tần đã đầu hàng Hạng Vũ.
Năm xưa họ lãnh 20 vạn quân Tần nhưng bị Hạng Vũ giết rồi chôn sạch, cho nên bách tính nước Tần (ở Quan Trung) hận 3 người đó đến tận xương tuỷ bởi vì người thân của họ bị giết rồi chôn. Mà bây giờ 3 người đó lại xưng vương ở đất Tần.
Ngài muốn bình định Quan Trung rất đơn giản. Đầu tiên ngài đem giao ước của Sở Hoài Vương nói lại với bách tính nơi ấy. Sau đó viết một hịch văn, dùng cung tên bắn vào Quan Trung.
Địa phương Quan Trung có thể truyền hịch văn, từ đó mà bình định được. Từ đất Quan Trung làm bàn đạp, tiến dần về phía đông, lúc này diệt Hạng Vũ không thành vấn đề”.
Hàn Tín nói đoạn lời này khiến Lưu Bang có cảm giác… hối tiếc vì sao không gặp Tín sớm hơn. Lưu Bang không ngờ kiến giải của Tín về chính trị, quân sự, thời cuộc và con người Hạng Vũ… lại thấu triệt đến thế.
Đoạn lời trên của Tín là về mặt chiến lược, còn chiến thuật cụ thể ra làm sao, Tín bình định Quan Trung rồi một tay lấy thiên hạ cho Hán thất như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo…
Theo Mạn Vũ
>> Xem tiếp kỳ 3: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 3: Sửa sạn đạo lén vượt Trần Thương – Bơi thùng gỗ qua sông đánh Ngụy