Bạch Thái Bưởi được đánh giá là nhà tư sản giàu nhất miền Bắc trong thế kỷ 20, có nhiều đóng góp cho ngành in ấn, xuất bản của nước ta.

Người giàu nhất miền Bắc nào từng mở công ty xuất bản sách, báo? - Ảnh 1.

Theo sách “Bạch Thái Bưởi – Khẳng định doanh tài đất Việt”, “Tứ Bưởi” là biệt danh người đời dùng để chỉ nhà tư sản Bạch Thái Bưởi (1874-1932). Ông là một trong những bậc đại phú giàu nhất Việt Nam trong thế kỷ 20.

Người giàu nhất miền Bắc nào từng mở công ty xuất bản sách, báo? - Ảnh 2.

Bạch Thái Bưởi còn được mệnh danh là “Ông vua tàu thủy đất Bắc”. Ông nổi danh khi cạnh tranh với người Pháp, người Hoa trong các lĩnh vực vận tải thủy. Năm 1909, Bạch Thái Bưởi đã bước vào một lĩnh vực kinh doanh ngành vận tải đường sông, bắt đầu bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu có tên Phi Phụng, Phi Long, Khoái Tử Long) để chạy hai tuyến đường: Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Vinh. Ban đầu, Bạch Thái Bưởi gặp phải sự cạnh tranh ráo riết của người Pháp và người Hoa. Tuy vậy, đội tàu của ông ngày càng lớn mạnh, ông thâu tóm luôn nhiều tàu Pháp, tàu người Hoa để trở thành “Ông vua tàu thủy đất Bắc”.

Người giàu nhất miền Bắc nào từng mở công ty xuất bản sách, báo? - Ảnh 3.

Theo sách “Bạch Thái Bưởi – Khẳng định doanh tài đất Việt”, Bạch Thái Bưởi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Hà Đông, Hà Nội ngày nay. Ông có tên thật là Đỗ Hữu Bưởi, cha mất sớm, không có điều kiện học hành, hàng ngày phải phụ mẹ đi bán hàng rong, sau được một người họ Bạch giàu có nhận làm con nuôi nên ông đổi tên thành Bạch Thái Bưởi.

Người giàu nhất miền Bắc nào từng mở công ty xuất bản sách, báo? - Ảnh 4.

Không chỉ nổi danh khi cạnh tranh với người Pháp và người Hoa trong các lĩnh vực vận tải thủy, khai thác mỏ, Bạch Thái Bưởi còn mở Công ty in và Xuất bản mang tên mình, sau đổi tên là Đông Kinh ấn quán. In ấn, xuất bản được xem là đóng góp quan trọng thứ 2 của Bạch Thái Bưởi sau lĩnh vực vận tải.

Người giàu nhất miền Bắc nào từng mở công ty xuất bản sách, báo? - Ảnh 5.

Năm 1921, Bạch Thái Bưởi cho xuất bản tờ báo hàng ngày mang tên Khai hóa nhật báo với tôn chỉ “Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá, dạy bảo lẫn nhau…mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm…”.

Người giàu nhất miền Bắc nào từng mở công ty xuất bản sách, báo? - Ảnh 6.

Mục đích cuối cùng của phong trào thực nghiệp mà Bạch Thái Bưởi phát động qua tờ “Nhật báo khai hoá” cũng giống như mục đích của các nhà Duy Tân yêu nước trong phong trào “Đông kinh nghĩa thục” đó là giúp người Việt được khai hóa văn minh, tìm ra con đường làm giàu chính đáng, khẳng định ý thức dân tộc Việt…Tuy vậy tờ “Nhật báo khai hoá” chỉ ra được 22 số rồi đình bản. Dù số lượng xuất bản hạn chế, đóng góp cho văn hóa người Việt từ tờ báo rất được trân trọng.