Vua Lê Thánh Tông không chỉ là một vị minh quân trong lịch sử Việt Nam mà còn là người có tài văn học và đứng đầu Tao đàn nhị thập bát tú. Ông cũng chính là người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã đề cập và nghiên cứu vấn đề chữ Việt cổ.

Vua Lê Thánh Tông và giấc mộng lạ về thứ ngôn ngữ đã thất truyền của người Việt

Giấc mộng của nhà vua

Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) là một vị minh quân trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ thế, ông còn là người có tài văn học và đứng đầu Tao đàn nhị thập bát tú (28 vì sao văn học thời bấy giờ). Nhà vua để lại nhiều tác phẩm thơ văn cho đời, trong đó có tập “Thánh Tông di thảo” gồm 20 truyện ký, trong đó có một câu chuyện lạ, nhà vua ghi lại giấc mơ của mình (truyện Mộng ký). Nội dung câu chuyện như sau:

Một lần, vua Lê Thánh Tông đi chơi, gặp mưa, nghỉ đêm bên bờ hồ Trúc Bạch, mộng thấy hai người con gái thời Lý Cao Tông ( khoảng năm 1176 – 1210) hiện lên, dâng thư bày tỏ nỗi oan ức gồm hai bài thơ bằng chữ Hán và một tờ tâu bằng chữ bản địa có 71 chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế. Vua không đọc được. Trải ba năm, cả triều đình không ai đọc đươc tờ tâu đó. Thế rồi, Lê Thánh Tông lại nằm mộng thấy có người hiện lên giảng giải cho vua rõ thêm về hai bài thơ chữ Hán. Vua hỏi âm, nghĩa của 71 chữ kèm theo thì người đó nói: “Chữ ấy là lối chữ cổ sơ của nước Nam. Nay Mường Mán ở núi rừng có người còn đọc được, nhà vua vời họ đến thì tự khắc sẽ biết”.

Những phân tích về hai giấc mộng

Như vậy là có đến hai giấc mộng của vua Lê Thánh Tông, thời gian xảy ra cách nhau đến ba năm. Chúng ta hãy phân tích hai giấc mộng đó. Giấc mộng thứ nhất: Nhà vua đi chơi và ngủ đêm ngoài Hoàng thành, vì vậy nằm mơ thấy hai người con gái thời Lý Cao Tông (một triều đại trước đấy gần 300 năm).

Trước hết, tác giả đẩy giấc mộng ra phía ngoài Hoàng thành, để câu chuyện gần với đời sống dân gian, chứ không phải trong cung cấm. Chúng ta đặt vấn đề nghi vấn: Đã là giấc mộng (không thật) thì làm sao có tờ tâu gồm 71 chữ ngoằn ngoèo (vật có thật) trưng ra cho cả triều đình xem? Không lẽ Lê Thánh Tông sau khi thức dậy, cố nhớ ra để viết lại? Điều đó là không thể thực hiện được đối với một loại văn tự mà ta không hiểu nghĩa.

Vậy có thể nói rằng giấc mộng này là do nhà vua hư cấu. Nhà vua bịa ra giấc mộng? Điều đó tưởng như khó tin nhưng lại là sự thực: Giấc mộng nói lên điều day dứt, trăn trở của vua Lê Thánh Tông rằng phải chăng ở nước ta từng tồn tại chữ viết bản địa “ngoằn ngoèo như hình giun dế”, khác hẳn chữ Hán, trước khi có chữ Hán xâm nhập vào?

Không phải ngẫu nhiên Lê Thánh Tông đặt vấn đề như vậy. Chúng ta còn gặp nhiều đoạn trong thư tịch nước ngoài ghi về sự tồn tại của chữ Việt cổ. Đó là lối chữ khoa đẩu, ngoằn ngoèo như con nòng nọc. Sách Thông giám cương mục do Chu Hy đời Tống soạn, chép: “Năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ 5 (2353 TCN) có Nam di Việt Thường thị đến chầu hiến con rùa lớn”. Cũng sự kiện này, sách Thông chí do Trịnh Tiều đời Tống soạn, chép rõ hơn: “Đời Đào Đường, Nam di có Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa (quy lịch)”. Vậy thì thư tịch của ta không ghi chép gì đến chữ Việt cổ, nhưng chính thư tịch nước ngoài lại mách bảo chúng ta rằng đã từng tồn tại chữ viết cổ của nước ta, loại chữ đó “ngoằn ngoèo như con nòng nọc” khác xa với loại chữ Hán “hình vuông” của Trung Hoa sau này.

Nghi vấn có căn cứ

Đây lại là điều nghi vấn thứ hai của Lê Thánh Tông về sự tồn tại chữ viết cổ sơ của dân tộc hiện còn ở một số tộc người miền núi. Tại sao lại không ở đồng bằng mà ở miền núi? Vì miền núi là nơi vùng sâu vùng xa, ít bị ảnh hưởng của văn hóa Hán, còn giữ được nhiều tính bản địa hơn đồng bằng.

Điều nghi vấn của Lê Thánh Tông không phải không có căn cứ. Vào đầu thế kỷ XX, Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh có viết cuốn “Thanh Hóa quan phong”, trong đó ông ghi lại những câu ca dân gian trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, ông còn ghi lại được khoảng 500 thổ âm, viết bằng chữ viết của người miền núi (kiểu chữ Thái). Nội dung ghi chép là bài thơ “Mời trầu”, bên dưới có chua nghĩa chữ Hán. Vương Duy Trinh cho rằng đó là chữ cổ của nước ta và nhận định: “Tỉnh Thanh Hóa là một châu quan, có chữ là lối chữ Thập châu đó. Người ta thường nói rằng, nước ta không có chữ. Tôi (tức Vương Duy Trinh) nghĩ rằng không phải. Thập châu vẫn là đất nước ta, trên châu còn có chữ mà dưới chợ lại không có? Lối chữ châu là lối chữ của nước ta đó”.

Vào khoảng những năm 1970, các nhà khảo cổ phát hiện được một chiếc trống đồng ở Lũng Cú, trên mặt trống cũng có những đường cong lạ mà các nhà nghiên cứu đặt vấn đề nghi vấn là chữ viết. Rồi những ký tự ngoằn nghèo trên trống đồng Đền Hùng, trên qua đồng Đông Sơn…

Những công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ

Gần đây, một số tác giả cũng đã công bố một số công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ. Chúng ta có thể kể:

1. Phát hiện một hệ thống chữ viết có niên đại Đông Sơn của GS Hà Văn Tấn (Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1981).

2. Nghiên cứu chữ viết cổ trên bia ký Đông Dương (Thái Văn Chải, Nxb Khoa học xã hội, 2009).

3. Đặc biệt, GS Lê Trọng Khánh có công bố một công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ, nhan đề: “Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu” (NXB Từ điển Bách khoa và Trung tâm văn hóa Tràng An ấn hành, 2010), trong đó ông đưa ra nhiều bằng chứng về dấu tích tồn tại chữ Việt cổ. Tất cả các công trình nghiên cứu đều khẳng định một điều rằng, vào thời Hùng Vương, nước ta đã từng có chữ viết, đó là loại chữ khoa đẩu (như con nòng nọc). Suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc, để thực hiện ý đồ đồng hóa dân tộc ta, các quan lại cai trị Trung Hoa đã tìm mọi cách xóa bỏ dấu tích văn tự đó và truyền bá một lối chữ hình vuông của người Hán. Lâu dần, chữ “khoa đẩu” mai một, may ra chỉ còn di sót lại trên miền núi cao, rừng xa.

4. Trong quá trình tìm hiểu chữ viết thời Hùng Vương, nhà giáo Đỗ Văn Xuyền đã tìm được một hệ thống đền miếu thờ những thầy giáo, học trò có công với dân, với nước thời Hùng Vương. Ông tìm hiểu, thống kê được từ thời Hùng Vương đến An Dương Vương (tức trước khi nhà Hán sang cai trị nước ta) đã có tới 19 nhà giáo, 35 trường học và 58 học trò trên cả nước (tìm hiểu qua hệ thống Ngọc phả, thần tích của các đền miếu, tính đến Đèo Ngang là biên cương phía nam của đất nước Văn Lang). Điều đó chứng tỏ rằng vào thời Hùng Vương đã có sự truyền dạy kiến thức. Mà đã có sự dạy và học thì tất nhiên phải có chữ.

Vào thế kỷ XV, Lê Thánh Tông là một ông vua rất chú trọng sưu tầm văn hóa dân tộc và di sản văn hóa của cha ông. Có thể thời ấy đã từng phát hiện ra những văn bản có văn tự cổ và những văn bản ấy đã đến tay nhà vua. Ông và triều đình không thể lý giải được nên đã “hư cấu” thành câu chuyện về giấc mộng, nhằm gửi gắm những nghi vấn của mình cho hậu thế. Vậy thì chính vua Lê Thánh Tông, Nhà văn hóa Lê Thánh Tông là người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã đề cập và nghiên cứu vấn đề chữ Việt cổ.

Theo KIẾN THỨC