Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 7: Tứ diện Sở ca

Hạng Vũ bá khí ngất trời là vậy, anh dũng thần võ là vậy nhưng cũng phải bại dưới tay Hàn Tín. Nếu không có Hàn Tín, Lưu Bang ngay đến cả Hán Trung cũng không ra được, dù cho có ra được Hán Trung thì cũng khó lòng đánh bại Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ…

>> Xem lại Kỳ 5: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 5: Không chiến mà khuất được binh người
>> Xem lại Kỳ 6: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 6: Dùng thuỷ công bình định đất Tề

Sau khi Lưu Bang lấy vùng đất từ Thư Dương đến Cốc Thành phong thưởng cho Bành Việt, từ Cổ Thành đến Đại Hải phong cho Hàn Tín, lúc này Hạng Vũ đã bị bao vây ở Cai Hạ, binh của ông đã không còn nhiều. 

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 7: Tứ diện Sở ca

Lúc này Hàn Tín lệnh cho binh sĩ của ông xướng ca khúc nước Sở ở Cai Hạ, thành ngữ ‘tứ diện Sở ca’ từ đây mà ra.

Hạng Vũ lúc này giật mình, bởi vì ông thắc mắc trong quân Hán làm sao lại có nhiều người nước Sở đến thế. Hạng Vũ vốn là người nước Sở, cho nên khi có nhiều người phản đối ông như vậy, điều này tương đương với việc ông không còn căn cứ địa nào nữa. 

Lúc này Hạng Vũ vô cùng ủ rũ… Ông đốt đèn trong trướng, bày yến tiệc để cáo biệt quân sĩ. Hạng Vũ đã không còn ‘hùng tâm tráng chí’ để tranh bá thiên hạ nữa rồi. Trong tâm ông lúc này chỉ nhớ đến bảo mã Ô Chuy và mỹ nhân Ngu Cơ…

Hạng Vũ ở trong đại trướng tuốt kiếm múa võ rồi làm một bài thơ: 

Sức bạt núi, khí trùm trời
Ô Chuy chùn bước bởi thời không may
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ, ta phải sao đây hỡi nàng?

Nguyên văn:

Lực bạt sơn hề, khí cái thế
Thời bất lợi hề, Chuy bất thệ
Chuy bất thệ hề, khả nại hà
Ngu hề, Ngu hề, nại nhược hà

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 7: Tứ diện Sở ca

Lúc Hạng Vũ hát bài ca này, các tướng lĩnh bên dưới rất buồn bã, lệ chảy thành dòng, ‘không thể ngước nhìn’. Khốn cảnh anh hùng mạt lộ thật khiến tướng lĩnh khóc thút thít.

Nhớ năm đó Hạng Vũ đánh trận Cự Lộc với tích ‘phá phủ trầm chu’ đánh bại Chương Hàm, lúc ấy các tướng lĩnh ‘quỳ bước tới trước, không dám ngước nhìn’, cồn lần này là ‘không thể ngước nhìn’ vì ai ấy đều hai hàng lệ rơi. 

Việc Ngu Cơ tự vẫn không có ghi chép trong chính sử, chỉ có nói rằng Hạng Vũ xướng bài ca rồi hỏi Ngu Cơ rằng ông phải làm như thế nào. 

Sáng hôm sau Hạng Vũ đem 800 binh sĩ đột phá vòng vây. Hàn Tín lập tức cử Quán Anh dẫn theo 5000 kỵ binh đuổi theo. Lưu Bang đưa ra giải thưởng, nếu lấy được đầu của Hạng Vũ sẽ được thưởng ngàn vàng. 

Hạng Vũ đi đến Âm Lăng thì lạc đường, ông hỏi một cụ già làm ruộng rằng ông muốn đến nơi này, lão nông chỉ nhầm, kết quả khiến Hạng Vũ lạc đường, sa vào đồng lầy.

Sau đó Hạng Vũ quay trở lại rồi đến một nơi là Đông Thành. Tại Đông Thành, Hạng Vũ quay đầu nhìn lại quân đội của ông, lúc này chỉ còn 28 người. 

Quán Anh mang theo 5000 kỵ binh truy đuổi 28 người của Hạng Vũ, một mạch đuổi đến Ô Giang (sông Ô). Đến Ô Giang, chỉ thấy phía trước sóng nước mênh mông, phía sau là 5000 kỵ binh của quân Hán. Lúc này Hạng Vũ đã không còn đường chạy nữa rồi. 

Hạng Vũ tập hợp 28 người lại rồi nói: “Từ lúc ta khởi binh phản Tần, đến nay đã đánh hơn 70 trận lớn nhỏ, không ai cản được đường ta, ta đánh ai thì người đó phải bại. Hôm nay ta lâm cảnh khốn cùng không phải vì ta đánh trận dở, mà là ông Trời muốn ta diệt vong. Hôm nay ta sẽ chứng minh cho các người rằng ông Trời muốn ta diệt vong. 

Ta sẽ làm cho các ngươi 3 việc. Việc thứ nhất là đột phá vòng vây quân Hán. Việc thứ hai là trảm tướng. Việc thứ ba là chặt đổ cờ quân Hán. Nếu ta làm thành công, điều này chứng tỏ Hạng Vũ ta không phải là kẻ đánh trận không được, mà là Trời muốn diệt ta”.

Thế là Hạng Vũ phân kỵ binh thành 4 đội xông thẳng vào quân Hán. Hạng Vũ cầm kích phá vòng vây giống như Moses qua biển Hồng Hải, sau đó chém được 1 tướng và chặt được hồng kỳ của quân Hán. 

Sau khi Hạng Vũ làm xong 3 việc, ông thu hồi lại kỵ binh rồi nói: “Các ngươi thấy thế nào. 28 người chỉ tổn thất 2 kỵ binh mà phá được vòng vây của quân Hán”.

Các binh sĩ nói: “Đại vương thật lợi lại”. Lúc này Đình trưởng (1) vùng Ô Giang đến chỗ Hạng Vũ rồi nói với ông rằng: “Đại vương, trên Ô Giang có một chiếc thuyền của tôi, chỉ cần đại vương lên thuyền của tôi vượt Ô Giang thì ngàn dặm Giang Đông với mấy chục vạn nhân khẩu có thể lập được một nước. Chúng ta có thể ở đấy mà làm lại từ đầu”. 

Hạng Vũ nói:

“Thôi… bỏ đi. Năm đó ta mang theo 8000 huynh đệ vượt sông tây chinh, mà hôm nay chỉ có ta quay lại. Những người ấy có thể thương ta, có thể để ta làm vương của họ, nhưng ta còn mặt mũi nào để nhìn các phụ lão Giang Đông.

Hiện tại điều ta không yên tâm là con ngựa của ta, nó đã theo ta 5 năm rồi, nó là bảo mã ngày đi ngàn dặm. Vậy nhờ ông hãy đưa con ngựa này qua sông giùm ta”.

Hạng Vũ đưa Ô Chuy cho đình trưởng Ô Giang, sau đó ông lệnh cho tất cả binh sĩ xuống ngựa. Hạng Vũ thổ bộ từng bước từng bước tiếp chiến quân Hán. Ông một mình giết mấy trăm quân Hán, trên thân đã mang hơn mười mấy vết thương. Cuối cùng Hạng Vũ cũng sức cùng lực kiệt…

Bỗng nhiên, Hạng Vũ nhìn thấy một hình bóng quen thuộc trong quân Hán, ông ngừng tay nói: “Nhà ngươi chẳng phải là Lữ Mã Đồng, người bạn cũ của ta sao?”. 

Lữ Mã Đồng xấu hổ cúi gầm mặt xuống, Hạng Vũ nói tiếp: “Nghe nói Hán vương lấy nghìn vàng và chức ‘vạn hộ hầu’ để mua cái đầu của ta, thế thì ta sẽ tặng cái đầu này cho ngươi làm lễ vật vậy!”. Nói xong liền lấy gươm đâm vào cổ tự vẫn. 

Hạng Vũ một đời bá chủ, một đời bá vương đã kết thúc cuộc đời oanh liệt của mình như vậy đó. 

Hạng Vũ lưu lại hình tượng ‘bá vương’ rất rõ nét. Trận chiến Cự Lộc với kế ‘phá phủ trầm chu’, sau đó ở khi quyết đấu với Lưu Bang ở Quảng Vũ Giản, Hạng Vũ gầm rống khiến Lâu Phiền sợ quá rớt cả cung tiễn chạy vào đại doanh, ở Ô Giang lại thổ bộ chiến đấu tới giây phút cuối cùng. 

Giáo sư Chương Thiên Lượng khi đọc về Hạng Vũ đã có nhận xét như sau: “Hình tượng của Hạng Vũ trong ‘Sử ký’ được khắc hoạ vô cùng đầy đủ.

Bạn sẽ phát hiện người anh hùng này cũng có cảm tình của con người, đồng thời cũng có tâm sợ hãi. Một người nếu không có tâm sợ hãi thì chưa hẳn là một anh hùng. Một kẻ ngốc có thể không có tâm sợ hãi bởi anh ta không biết đối thủ của mình mạnh đến đâu. 

Khi anh hùng có sợ hãi trong tâm, anh ta có thể chiến thắng nỗi sợ hãi mà tiếp tục chiến đấu, thì đây là một tinh thần rất đáng quý của Hạng Vũ.

Hơn nữa Hạng Vũ không chọn cách chạy trốn một cách hèn nhát, mà chọn cách tự vẫn ở sông Ô Giang. Anh ta nhất định chiến đấu đến thời khắc cuối cùng. Bạn có thể giết nhưng không thể đánh bại anh ta”.

***

Chiến thắng trước Tây Sở Bá Vương đã chứng minh tài năng quân sự xuất chúng của Hàn Tín. 

Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ 7: Tứ diện Sở ca

Hạng Vũ bá khí ngất trời là vậy, anh dũng thần võ là vậy nhưng cũng phải bại dưới tay Hàn Tín. Nếu không có Hàn Tín, Lưu Bang ngay đến cả Hán Trung cũng không ra được, dù cho có ra được Hán Trung thì cũng khó lòng đánh bại Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. 

Hàn Tín, ở bất kỳ tình huống nào cũng đều có diệu kế dùng binh, không phải huyết chiến với địch mà vẫn thu về thắng lợi oanh liệt, từ hiến kế ‘minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương’ cho Lưu Bang đến ‘thùng gỗ vượt sông’ phá Ngụy, từ ‘quay lưng phía sông’ diệt Triệu đến dùng thanh thế doạ nước Yên đầu hàng, từ dùng bao cát chặn sông sau đó thuỷ công bình định đất Tề đến đánh bại Hạng Vũ với ‘tứ diện Sở ca’…. tất cả đã tạo nên một Hàn Tín dụng binh xuất quỷ nhập thần.

Sẽ không quá khi nói “Hán thất là do một tay Hàn Tín lấy về”. 

Sau khi hạ được Hạng Vũ, đại Hán khai quốc. Lưu Bang phong cho Hàn Tín thành Sở vương. 

Lúc này Hàn Tín tìm phiếu mẫu ban tặng ngàn vàng, tìm ‘Hạ hương đình trưởng’ trả cho ông trăm tiền, coi như tiền cơm năm đó. Ông tìm lại thanh niên năm xưa bắt mình chịu nhục chui háng.

Thanh niên này nghe nói Sở vương là Hàn Tín, nghĩ rằng số mình đến đây kết thúc, nhưng Hàn Tín không làm khó dễ anh, còn khen ngợi là tráng sĩ, phong làm Trung úy phụ trách trị an kinh thành.

Theo lý thông thường, một bậc rường cột quốc gia, ‘Hán sơ tam kiệt’ như Hàn Tín đúng ra phải được vinh hoa phú quý cả đời. Ai ngờ đâu hoạ sát thân lại ập xuống sau khi ông lấy thiên hạ cho Lưu Bang. Đó là tai hoạ gì và số phận của người anh hùng Hàn Tín sẽ ra sao, kính mời quý độc giả đón xem kỳ tiếp theo: Điểu tận cung tàng (chim hết cất cung). 

Theo Mạn Vũ

>> Xem tiếp Kỳ cuối: Hàn Tín – Quốc sĩ vô song Kỳ cuối: Điểu tận cung tàng, nỗi oan thiên cổ