Hoà Thượng Chí Siêu là cao tăng đắc đạo một đời đã lưu lại không biết bao nhiêu là truyền thuyết, trong đó có thể kể đến một chuyện Thần kỳ giúp Đường Thái Tông vượt qua đại nạn hạn hán.
Cao tăng đời Đường, hoà thượng Chí Siêu dương thọ 71 tuổi, viên tịch thành Phật tại chùa Bão Phúc Tự, núi Tây Miên, là tăng nhân người Hán đầu tiên được ghi nhận là tu luyện đắc đạo thành Phật quả. Nhục thân của ông vẫn còn được bảo lưu toàn vẹn cho đến tận ngày nay không hỏng, như người mới vào nhập tự.
Hoà Thượng Chí Siêu một đời lưu lại vô số những truyền thuyết truyền kỳ, trong đó phải kể đến kỳ tích khi xưa giúp vua Đường Thái Tông cầu mưa giải hạn.
Xuất chí tu hành
Hoà Thượng Chí Siêu sinh tại thời kỳ Nam Bắc triều, ngay từ khi còn rất nhỏ đã muốn xuất gia làm tăng nơi Phật môn nhưng người nhà không đồng ý, còn ép ông thành gia lập thất.
Trong đêm tân hôn, Chí Siêu nghiêm khắc nói với vị tân nương của mình rằng ông chỉ có một lòng hướng Phật, khiến cho vị tân nương cảm động đến rơi nước mắt rồi đồng ý sau này hai người chỉ là ân tình phu thê trên danh nghĩa. Kể từ đó, mỗi đêm Chí Siêu đều ngồi thiền đả toạ qua đêm.
Sau này đến năm Chí Siêu 27 tuổi thì bắt đầu xuất gia theo Thiền sư Huệ Toản tu hành tại chùa Khai Hoá, Sơn Tây. Mới đầu Thiền sư Huệ Toản không đồng ý thu nhận làm đệ tử, chỉ để cho ông làm các công việc dọn dẹp trong chùa để khảo nghiệm tâm tính.
Chí Siêu siêng năng cần mẫn, mỗi ngày đều thức khuya dậy sớm làm việc không hề sợ mệt, sợ khổ. Qua một khoảng thời gian lâu, Thiền sư Huệ Toản mới đồng ý thu nhận ông làm đệ tử.
Sau rồi thời gian qua đi, hoà thượng Chí Siêu trở về quê nhà, tìm một ngọn núi tích cực tinh tấn tu hành.
Đây cũng là vào khoảng thời gian Tuỳ Dạng Đế tại vị, Tuỳ Dạng Đế yêu cầu đóng cửa chùa tự, không cho phép tăng nhân bước chân ra khỏi chùa vân du khất thực.
Sau khi hoà thượng Chí Siêu biết chuyện liền xuống nói đi các nơi thuyết Pháp, giảng kinh và bái kiến quan viên chấp pháp các địa phương nói lên ý kiến của mình, hi vọng có thể khiến Tuỳ Dạng Đế thu hồi lệnh cấm.
Trong quá trình vân du, hoà thượng Chí Siêu đã hoá độ được cho rất nhiều người tin theo Phật Pháp mà cùng tu luyện. Có một đêm, hoà thượng Chí Siêu cùng mọi người đang ngồi thiền thì đột nhiên có đạo tặc lẻn vào trộm đồ.
Tuy nhiên hoà thượng Chí Siêu cùng mọi người vẫn điềm nhiên đả toạ, không hề động niệm, đạo tặc cũng vì thế mà bị cảm hoá rồi xin tạ tội với hoà thượng Chí Siêu sau xin cùng được xuất gia tu hành.
Sau này đến thời kỳ Đường Cao Tổ Lý Uyên khởi binh, hoà thượng Chí Siêu vẫn kiên định chính tín, vân du hoá độ chúng sinh, đến vùng Tấn Dương hồng dương Phật Pháp, thu nạp mấy trăm tăng nhân tín đồ tu luyện.
Chỉ trong một thời gian ngắn, thành Tấn Dương được Phật Pháp hồng đại, chúng đệ tử người người đều nghiêm túc tuân thủ theo giới luật, khắc khổ tu hành. Những biểu hiện của tăng nhân đã khiến vạn dân kính phục và học tập, trong thành Tấn Dương người dân đêm đến nhà không cần đóng cửa, đồ rơi ngoài đường không có người nhặt.
Sau khi vua Đường Thái Tông lấy được thiên hạ, gặp được hoà thượng Chí Siêu, ngỏ ý muốn mời ông về Thái Cực Điện ở nhưng ông từ chối mà dẫn chúng đệ tử đến núi Tây Miên tu hành. Đương thời lúc đó có khoảng gần một trăm đệ tử cùng theo tu luyện.
Lúc đó số lương thực mà mọi người mang theo chỉ có 6 thạch gạo (1 thạch tầm 150kg) nhưng có điều lạ thay, số gạo đó không ngừng tăng theo, cứ hết lại đầy, mọi người có thể dùng không hết.
Trên núi cũng có một khe suối không khi nào hết nước, mặc dù số người đến theo tu luyện không ngừng tăng lên. Điều đó khiến cho ai đấy đều rất cảm động.
Miên Sơn tạ mưa, Không Vương Phật hiện
Trong khoảng thời gian vua Đường Thái Tông tại vị, có một năm, trời nắng kéo dài, hạn hán khắp nơi, người dân khốn khổ. Vua Đường Thái Tông nghe nói chỉ có núi Miên Sơn, nơi hoà thượng Chí Không tu luyện là mưa thuận gió hoà.
Người dân trong khu vực đều nói do đức độ tu hành của hoà thượng Chí Siêu phổ chiếu nên nơi đây mới tránh khỏi tai kiếp. Vậy là vua Đường Thái Tông đích thân đến núi Miên Sơn bái kiến hoà thượng Chí Siêu, xin đại sư ban phúc cầu mưa.
Đại sư Chí Siêu lệnh cho đệ tử đang vo gạo nấu cơm lấy nước té về phía Tây Nam. Thần tích đại hiển, không lâu sau đó, tại thành Trường An mưa gió không ngừng rơi xuống, chấm dứt cảnh đại hạn kéo dài. Đại sư Chí Siêu được người dân tôn làm “Phật sống núi Miên Sơn”.
Em gái của Vua Đường Thái Tông là công chúa Trường Chiêu tận mắt thấy uy lực của Phật Pháp liền xuất gia tu đạo, trên con đường tu luyện, công chúa Trường Chiêu cũng vô cùng tinh tấn. Thường ngày ngoài lúc ngồi thiền, thì hay lên núi hái thuốc, giúp dân trị bệnh.
Đến năm thứ 2, vua Đường Thái Tông cùng quần thần đích thân đến núi Miên Sơn bái kiến đại sư Chí Siêu, nhưng khi đến nơi thì đệ tử của đại sư Chí Siêu là Ngân Không chạy đến tiếp giá báo rằng đại sư đã viên tịch vào ngày 11/3 năm Trinh Quán thứ 15 (Tây Nguyên năm 641).
Đường Thái Tông vì không được gặp đại sư như ý nguyện nên ngửa mặt lên trời thở dài, sau đó đề bài thơ:
Hồi loan du phúc địa, cực mục ngoạn phương thần.
Bảo sát diêu thừa lộ, thiên hoa cận túc xuân.
Phạm chung giao nhị hưởng, Pháp nhật chuyển song luân.
Tịch nhĩ chân tiên cảnh, siêu nhiên li tục trần.
Diễn nghĩa:
Xe loan du lãm nơi phúc địa,
Phóng mắt lãm thưởng cảnh xuân tươi.
Chùa tháp khẽ lay sương mai đón,
Thiên hoa vướng vít khắp trời xuân.
Chuông chùa văng vẳng hai hồi gióng,
Mặt trời nhẹ chuyển hai Pháp Luân.
U nhã tĩnh mịnh nơi Tiên cảnh,
Siêu nhiên thoát khỏi cõi tục trần.
Khi lời chưa kịp dứt thì trên bầu trời hiện ra bốn chữ “Không Vương Cổ Phật” và Pháp thân của đại sư Chí Siêu. Lúc này vua Đường Thái Tông và các tăng nhân mới biết thì ra là đại sư Chí Siêu là “Không Vương Cổ Phật” chuyển thế. Vua Đường Thái Tông liền cho người xây Bão Phúc Tự.
Theo ĐKN