Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc – sĩ quan tình báo sở hữu 3 bằng kỹ sư và 2 bằng tiến sĩ. Trong đó có bằng tiến sĩ quốc gia về toán học.
Trong lịch sử trăm năm giành lại nền độc lập và thống nhất đất nước, nhiều nhà khoa học thành đạt đã gác bỏ sự nghiệp, vinh hoa ở xứ người về nước dấn thân vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc. Nhà khoa học, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc cũng là một trường hợp như vậy.
Ở Đại học khoa học Sài Gòn, từ năm 1966 có một giáo sư toán học tên là Nguyễn Đình Ngọc, ông nổi tiếng cả về chuyên môn và cách sống.
Về chuyên môn: ông có tài và đa năng, từng 10 năm tu nghiệp bên Pháp, sở hữu 3 bằng kỹ sư và 2 bằng tiến sĩ, trong đó có bằng tiến sĩ quốc gia (tương đương tiến sĩ khoa học hiện nay) về toán học. Ông từng là thành viên của Viện Khoa học cao cấp Pháp INET, là bạn với nhà toán học nổi tiếng thế giới A.Grothendeck, người đoạt giải Fields (được gọi là Nobel Toán học). Đồng nghiệp đều rất phục ông về kiến thức, sự tận tụy với nghề.
Về cách sống, ông sống một mình, vợ con đều ở lại Pháp, nhưng đó là cách sống rất khác người, nên họ còn gọi ông là “giáo sư lập dị”. Có thể kể ra những “lập dị” của ông: ngày ăn có một bữa; cửa buồng khóa những 7 khóa; đi lại toàn cuốc bộ hoặc bằng xe đạp; ăn mặc thì xuềnh xoàng; không rượu, bia, thuốc lá, nhà không có thứ đồ đạc gì đáng giá, toàn sách.
Nhiều người lầm tưởng GS Nguyễn Đình Ngọc không quan tâm đến thời cuộc, chính trị mà chỉ đơn thuần làm chuyên môn. Nhưng đầu tháng 9/1969, tin Bác Hồ qua đời loan khắp thế giới, hôm đó vào đầu giờ họp của Ban Toán, bỗng ông đứng lên, với vẻ mặt nghiêm nghị, nói: “Một vĩ nhân vừa qua đời, đề nghị Ban ta đứng lên, một phút mặc niệm!”. Mọi người trong Ban có chút ngỡ ngàng, rất ít khi “Giáo sư lập dị” phát biểu, vậy mà… Nhưng rồi mọi người đều đứng dậy mặc niệm theo yêu cầu của ông. Sự việc lan nhanh toàn trường. Khi đó, Giáo sư Ngọc không ngần ngại mà bày tỏ rõ sự ngưỡng vọng Bác Hồ.
Sau đó, sự việc cũng dần rơi vào quên lãng bởi mọi người đều có chung ý nghĩ, ở một xã hội theo “kiểu Mỹ” thì “Giáo sư lập dị” có thể tỏ thái độ khuynh tả của mình là bình thường!
Về hoạt động tình báo, nhiệm vụ của GS Ngọc khi trở về Sài Gòn là bắt mối với các chính khách cùng tướng tá Mỹ, ngụy để “moi” tin tình báo. Vào đầu năm 1970, GS Nguyễn Đình Ngọc đã báo trước 72 giờ cho Trung ương Cục miền Nam kịp thời sơ tán an toàn, tránh được một cuộc hành quân càn quét lớn của Mỹ-ng.ụy vào căn cứ ở “vùng lõm”; báo trước cuộc đả.o ch.ính của Lon Nol-Sirik Matak lật đổ Sihanouk và chính phủ mới thân Mỹ sẽ không để yên cho cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đóng “nhờ” trên đất Campuchia; báo trước 24 giờ cho Bộ Chỉ huy tối cao rằng quân đội Mỹ sẽ không quay trở lại giúp ng.ụy quyền Sài Gòn khi ta tổng tiến công vào hang ổ cuối cùng của chúng trong mùa xuân 1975…
Ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, CIA và đặc vụ Sài Gòn đã có nghi vấn “Giáo sư lập dị”, cử người bám đuôi đêm ngày. Song chỉ thấy ông đi dạy liên miên, vùi đầu vào sách vở và không giao du với ai, có chăng chỉ là mấy người trong họ hàng vợ, hoặc bạn học cũ ngoài Hà Nội, toàn những kẻ có máu mặt trong giới thượng lưu Sài thành, như: cựu Thủ tướng Phan Huy Quát; Thủ lĩnh Đảng Đại Việt Đặng Văn Sung, Tham mưu trưởng biệt khu thủ đô, Đại tá Phan Huy Lương, Phó đề đốc hải quân Nghiên Văn Phú… Thế rồi sau ngày nước nhà thống nhất, “Giáo sư lập dị” là “công chức lưu dung” thêm vài năm nữa mới chính thức rời giảng đường.
Đến một ngày, ông khiến nhiều người ngỡ ngàng khi xuất hiện trên đường phố thành phố Hồ Chí Minh với bộ quân phục sĩ quan an ninh, quân hàm Trung tá.
Những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ trước, ông chuyển hẳn ra Hà Nội, làm ở bộ phận nghiên cứu kỹ thuật của Bộ Nội vụ (sau đổi là Bộ Công an). Cuối thập kỷ 90, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, là Cục trưởng Cục Viễn thông tin học, Bộ Công an và còn có thời kỳ biệt phái, làm Phó ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Nhà nước… Ông là một trong những người được ghi nhận là có công đầu trong kế hoạch đào tạo và phát triển ngành tin học Việt Nam.
Thế rồi, mãi khi ông đã nghỉ hưu (2002), nhiều người mới biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua, khoa học chỉ là vỏ bọc, ông là một “Việt Cộng nằm vùng”.
Người ta nói, con người, từ cổ chí kim, có ba đam mê: quyền lực, tiền bạc và phụ nữ. Nguyễn Đình Ngọc thoát khỏi cái vòng kim cô đó, nhưng lại mắc phải cái đam mê của các nhà khoa học thực sự, đó là sự say mê khám phá. Chính nhờ niềm đam mê đó nhân loại đã từ bóng đen dốt nát đến với ánh sáng hiểu biết tuyệt vời.
Nhà khoa học yêu nước, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc may mắn theo đuổi niềm đam mê ấy đến tận những năm tháng cuối đời.
Theo Trái tim người lính