Từng bỏ học cả tháng nhưng không bị trách phạt, cậu bé Minh sau này quyết định chọn học Sư phạm để dạy học trò biết yêu thương.
Một ngày tháng 10, mặc áo phông, đeo giày thể thao, thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, xuất hiện trên sân vận động rồi sút bóng vào khung thành của Khuất Văn Nam, sinh viên năm thứ ba. Cả thầy và trò cười tươi.
“Đời sinh viên mấy ai được như vậy. Có lẽ đó là khoảng khắc em trân trọng nhất với người thầy đáng kính của toàn trường”, Nam chia sẻ.
Với sinh viên Sư phạm, hình ảnh thầy hiệu trưởng vỗ vai học trò trên sân trường, có mặt ở ký túc xá trong buổi tối đầu tiên nhập học, đã quá quen thuộc. Còn với thầy Minh, đó là cách để dạy học trò về tình yêu thương – điều quan trọng nhất với mỗi nhà giáo, cũng là điều thầy tâm niệm khi chọn nghề sư phạm.
Thầy Minh năm nay 60 tuổi, quê Quảng Trị. Năm 1978, học hết cấp 2, cậu bé Minh phải thi vào trường cấp 3 Đông Hà cách nhà 24 km vì không có trường nào gần hơn. Khó khăn bủa vây, đói ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở là chuyện thường. Nhà xa lại khó khăn nên Minh bỏ học cả tháng.
Ở nhà một mình trong khi bạn bè đi học cả, Minh suy nghĩ mãi. Cuối cùng, khi nhận ra “muốn vượt qua đói nghèo thì phải học”, Minh quyết định trở lại trường.
Nghĩ thầy cô sẽ không cho học nữa, Minh cũng sợ. Nhưng trong vài tuần sau đó, cậu liên tục được gọi lên bảng. Có lần Minh làm được một chút, có lúc đứng như trời trồng. Cậu bất ngờ vì thầy cô không chê trách mà tìm cách hướng dẫn để bắt kịp các bạn. Minh tò mò “tại sao thầy cô tốt như vậy?”.
“Điều đó thôi thúc tôi thi vào Sư phạm dù chưa có khái niệm yêu nghề”, thầy Minh nhớ lại.
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế năm 1985, thầy Minh lên Tây Nguyên, dạy Vật lý tại trường Cao đẳng Sư phạm. Học trò là người Ê Đê, Xê đăng, Mơ Nông, có cả sinh viên ngoài Bắc theo gia đình vào làm kinh tế mới.
Ở đó, cuộc sống khó khăn, đồng nghiệp lăn lộn với học trò. Thầy Minh nhận ra phải từ tình yêu thương, họ mới chấp nhận tất cả. Thầy tự nhủ mình cũng sẽ ứng xử với học trò như vậy.
Sau đó, thầy Minh được cử đi học thạc sĩ rồi làm nghiên cứu sinh. Quay lại trường khi đã đủ thời gian ở miền núi theo quy định, trường lại thừa biên chế, thầy Minh được cho chuyển công tác. Thầy quyết định ra thủ đô, giảng dạy tại khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1996.
Hai năm sau, thầy Minh được cử đi thực tập ngắn hạn tại Pháp, sau đó thường xuyên thực tập, làm việc ở Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, rồi Mỹ trong gần 10 năm.
“Tôi vẫn hay nói mình đi làm thuê bằng chuyên môn để có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Có lúc tôi phân vân chuyện nên về nước không vì quen môi trường làm việc ở nước ngoài”, thầy Minh nhớ lại.
Khi đó, “bà mẹ nông dân” của thầy nói rằng “Xã hội đã nuôi con lớn bằng này, con mà đi thì hàng xóm nghĩ sao?”. Câu nói của mẹ như nhắc thầy nhớ về sự yêu thương, đùm bọc để quyết định ở Việt Nam, tiếp tục dạy học.
Là giảng viên của trường Sư phạm hàng đầu, thầy Minh tâm niệm bằng nhiều cách phải bồi đắp tình yêu thương cho sinh viên, sau mới đến chuyên môn. Với thầy, ghét nhau thì đơn giản, có thể tức thời, còn xây dựng tình yêu thương, giá trị nhân văn là hành trình dài, đòi hỏi kiên trì.
“Nếu bồi đắp được tình yêu thương, mong muốn gắn kết với nghề, sinh viên sẽ tự tìm cách trau dồi chuyên môn, dựa trên nền tảng được học ở trường”, thầy nói.
Năm 2012, thầy Minh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Đúng thời điểm đó, các trường phổ thông bán công phải chuyển sang tư thục hoặc công lập. THPT Nguyễn Tất Thành – trường thực hành của Đại học Sư phạm Hà Nội nằm trong số này.
Cũng năm đó, một học sinh lớp 12 của trường mắc bệnh tim, mất sau khi chạy trong giờ Thể dục. Viếng đám tang học trò, hình ảnh chàng trai cao ráo, khỏe mạnh ám ảnh thầy suốt mấy tháng. Câu hỏi “Tại sao một đứa trẻ vô tội phải mất trong nỗi xót xa như vậy?” dằn vặt người đứng đầu trường Sư phạm.
Từ trăn trở đó, khi viết đề án chuyển đổi trường Nguyễn Tất Thành thành trường công lập tự chủ tài chính – mô hình rất mới ở Việt Nam lúc bấy giờ, thầy Minh nêu yêu cầu đầu tiên với cộng sự là không bắt học sinh học Thể dục hay Âm nhạc như nhau. Các em được chọn nội dung theo thể lực, sở thích.
Quan điểm về phát triển năng lực học sinh theo hướng cá nhân hóa khi đó là “rất lạ”. Sau này, trường còn quy định học sinh có quyền học vượt và tổ chức các câu lạc bộ năng khiếu. Mô hình trường Nguyễn Tất Thành được Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ủng hộ. Ngày nay, trường trở thành nơi thực hành cho sinh viên và địa chỉ được học sinh, phụ huynh tin cậy.
Với sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Minh cùng thầy cô chú trọng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thời đại, củng cố các lớp chất lượng cao – nơi quy tụ những sinh viên tốt nhất; mở các khóa dạy bằng tiếng Anh cho các khoa tự nhiên như Sư phạm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ thông tin.
Sinh viên những lớp này được học vượt, không giới hạn số tín chỉ trong một năm. Những em có khả năng nghiên cứu được áp dụng chính sách riêng như xem xét miễn thời gian lên lớp nếu phải tập trung cho công bố khoa học hay báo cáo tại hội thảo quốc tế. Những sinh viên xuất sắc được học các chuyên đề tương đương sau đại học để tiết kiệm thời gian nếu học lên.
Với giảng viên, trăn trở lớn nhất của thầy Minh là câu chuyện thu nhập. Là trường tự chủ một phần chi thường xuyên, sinh viên được cấp bù học phí, nguồn thu chủ yếu dựa vào đào tạo sau đại học và đào tạo bên ngoài, trường luôn dành tỷ trọng cao nhất cho con người.
Thầy Minh quan niệm “dù phải giật gấu vá vai cũng không để phúc lợi của giảng viên giảm”. Trong hai nhiệm kỳ thầy làm hiệu trưởng, phúc lợi cho cán bộ, giảng viên tăng theo từng năm. Phần thu nhập tăng thêm được chia theo năng lực, tạo sự bình đẳng chứ không bình quân.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng xây dựng các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học; giải thưởng cho giảng viên giảng dạy, nghiên cứu tốt để thúc đẩy tinh thần làm việc của thầy cô.
Nhìn lại 10 năm làm hiệu trưởng, thầy Minh cho rằng những gì bản thân làm được không quá đặc biệt.
“Trường Sư phạm phát triển và được tin yêu là công sức của tất cả cán bộ, giảng viên và sinh viên. Còn điều khiến tôi vui nhất là được sinh viên yêu quý”, thầy Minh nói, cho hay có tháng nhận vài chục email của học trò, từ băn khoăn về nghề nghiệp đến chuyện gia đình.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ cuối năm nay, ông sẽ về giảng dạy tại khoa Vật lý. Với ông, đây là cách để tiếp tục gần gũi với sinh viên, được thấy những mảnh giấy trái tim chúc mừng 20/11 treo ở cửa phòng và thấy học trò trưởng thành.
Hiệu trưởng Sư phạm: ‘Sinh viên tuổi 18 mà ủ dột, than nghèo khó thì chán’
GS Nguyễn Văn Minh khuyên sinh viên hành động trước khó khăn, thay vì ủ dột, than nghèo khổ cả trên mạng lẫn ngoài đời.
Chiều 11/10, trong lần phát biểu khai giảng cuối cùng trên cương vị hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS Nguyễn Văn Minh dành nhiều lời khuyên cho sinh viên.
Ông Minh nói hiện sinh viên có nhiều trăn trở, lo toan như sự nghèo khó, những khó khăn của nghề giáo, những yêu cầu khắt khe về nhân lực. Ông thấy nhiều người kêu ca, cả ở đời thực và trên mạng, thậm chí đem những u uất, bi quan gieo vào lòng người khác. Điều này là không nên.
“Thử hỏi chỉ ngồi kêu ca, ngồi làm anh hùng bàn phím thì sẽ được gì hơn; có bớt đi đói nghèo được chút nào không? Sao không nghĩ và làm một việc tốt hơn, chí ít cũng có ích cho chính mình”, ông Minh nói.
Theo ông, tuổi 18 đôi mươi mà chỉ ngồi ủ dột, than nghèo, than khó thì “chán quá chừng”. Dù không thể chối bỏ thực tại nhưng sinh viên cũng không nên ngồi để chờ “ba điều ước trong chuyện cổ tích” mà phải nghĩ cách làm thông minh và hành động.
“Nghèo khó không phải là hèn, phải coi nghèo khó của mình, của gia đình và của quê hương, đất nước là một nỗi đau để tìm cách làm cho giàu có một cách chính đáng. Và con đường rõ ràng nhất là phải học, phải giáo dục để mỗi người biết phải làm gì”, ông Minh chia sẻ.
Ông cũng nhắc nhở sinh viên học đại học không phải chỉ học để thi, để lấy điểm cao một cách đơn thuần. Học đại học là học cách đề xuất, giải quyết vấn đề, tức là học phương pháp làm việc hiệu quả.
“Câu hỏi học để làm gì phải luôn thường trực trong mỗi một em”, ông Minh nói. Theo ông, sinh viên cần nắm bắt thực tiễn diễn ra như thế nào, những cái hay, cái tốt; những hạn chế, bất cập; những nguyên nhân rồi tìm giải pháp tốt nhất. Do đó, các em cần loại bỏ cách học mẹo mực, thay vào đó là tự học gắn liền với nghiên cứu. .
Trong bài phát biểu kéo dài 25 phút, ông Minh còn nhắc nhiều bài học về sự trung thực, bình đẳng, sự tử tế, tình yêu thương và lòng trắc ẩn.
Lần thứ hai được nghe GS Minh phát biểu trong lễ khai giảng, Thanh Tùng, sinh viên ngành Sư phạm Vật lý, chia sẻ bài diễn văn của thầy hiệu trưởng như một bài giảng với nhiều lời khuyên cần thiết cho mọi sinh viên Sư phạm.
“Mọi lời lẽ trong bài phát biểu của thầy đều khiến em phải suy nghĩ. Đó cũng là động lực để em phấn đấu trở thành giáo viên giỏi trong tương lai”, Tùng chia sẻ.
GS Nguyễn Văn Minh năm nay 60 tuổi, quê Quảng Trị, là giáo viên dạy Vật lý trước khi làm hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội hồi năm 2013. Ông cho hay sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ hiệu trưởng vào cuối năm nay, ông sẽ quay lại với công tác giảng dạy.
Theo Vnexpress