Gặp

Với đôi bàn tay tài hoa, “bông hồng thép” Trần Thị Mai Linh là nữ bác sĩ duy nhất trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh sọ não ở khu vực phía Nam, đã giành lại sự sống từ tay “tử thần” cho nhiều bệnh nhân.

Gặp nữ bác sĩ duy nhất trong lĩnh vực phẫu thuật sọ não ở phía Nam - Ảnh 1.
Bác sĩ Trần Thị Mai Linh khám bệnh, trao đổi với bệnh nhân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trong 35 bác sĩ của Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều năm qua chỉ có một nữ bác sĩ duy nhất là chị Trần Thị Mai Linh. Đây cũng là nữ bác sĩ duy nhất trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh sọ não ở khu vực phía Nam.

Chị được gọi là “bông hồng thép” bởi với đôi bàn tay tài hoa của mình, chị đã giành lại sự sống từ tay “tử thần” cho nhiều bệnh nhân.

Đam mê với lĩnh vực ít người lựa chọn

Trong suốt 24 giờ trực ở bệnh viện, dường như mọi người ít thấy bác sĩ Mai Linh ngơi tay. Giải thích cặn kẽ với người bệnh và thân nhân để họ yên tâm và tìm hiểu kỹ từng trường hợp bệnh để đưa ra phương án điều trị hợp lý nhất, dồn hết tâm sức cho từng ca phẫu thuật là phương châm làm việc của bác sĩ Mai Linh trong nhiều năm qua.

Lý giải lý do chọn lĩnh vực thần kinh sọ não – lĩnh vực mà ngay cả bác sĩ nam cũng dè dặt, bác sĩ Mai Linh cho biết khi học tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chị theo học bác sĩ đa khoa.

Gặp nữ bác sĩ duy nhất trong lĩnh vực phẫu thuật sọ não ở phía Nam - Ảnh 2.
Bác sĩ Trần Thị Mai Linh khám bệnh, trao đổi với bệnh nhân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đến khi học nội trú, chị bắt đầu chú ý tới lĩnh vực này vì ít người lựa chọn. Với chị, bộ não con người với hàng triệu nơron thần kinh có sức hấp dẫn kỳ lạ. Càng học, càng dấn thân, chị càng có niềm đam mê.

Theo bác sĩ Mai Linh, đến bây giờ, khoa học tuy đã phát triển nhưng bộ não vẫn có nhiều bí ẩn. Có những điều không thể lý giải hết được hoàn toàn về mặt khoa học nên chị tiếp tục nghiên cứu và càng nghiên cứu, khám phá thì càng đam mê.

Theo bác sĩ Mai Linh, phụ nữ đi theo lĩnh vực ngoại khoa phải cố gắng gấp nhiều lần so với nam giới bởi thể lực yếu hơn, độ bền kém hơn. Hơn nữa, phụ nữ thường bị chi phối bởi cảm xúc trong khi phẫu thuật viên ngoại khoa phải rèn luyện được trạng thái “không cảm xúc” trong mỗi ca mổ.

Trước đây, có những ca mổ phải thao tác với các dụng cụ nặng như: khoan, cưa… khiến chị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều đó cũng là động lực để chị rèn luyện thể lực mỗi ngày.

Gặp nữ bác sĩ duy nhất trong lĩnh vực phẫu thuật sọ não ở phía Nam - Ảnh 3.
Bác sĩ Trần Thị Mai Linh hội chẩn cùng các đồng nghiệp, chuẩn bị cho một ca phẫu thuật thần kinh sọ não. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, số lượng bệnh nhân cần phẫu thuật sọ não luôn đông bởi gần như toàn bộ bệnh nhân khu vực phía Nam đều về đây. Vì vậy, có những ngày chị phải tham gia từ 3-4 ca phẫu thuật, thậm chí có ca kéo dài từ 6-7 giờ đồng hồ.

Tuy vất vả nhưng chị luôn dặn mình không được bỏ cuộc bởi đằng sau mỗi ca mổ là một sinh mạng, là niềm vui, hạnh phúc của cả một gia đình.

Điểm tựa hy vọng của người bệnh

Với tần suất mổ từ 3-5 ca/ngày, chuyện ngoài mong muốn là điều không thể tránh khỏi. Chị từng bất lực, rơi nước mắt trên bàn mổ khi không cứu được người bệnh. Sau những ca mổ như thế, chị lại tự mình rút kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức từ thực tế để làm tốt hơn nhiệm vụ cứu người.

Gần 15 năm trong nghề, bác sĩ Mai Linh luôn cho rằng công việc của mình mang đến sự kỳ diệu. Với chị, những ca mổ thành công, sự hồi phục của bệnh nhân, nụ cười hạnh phúc của gia đình người bệnh là món quà quý giá nhất.

Bác sĩ Mai Linh chia sẻ có bệnh nhân đang hôn mê nhưng nếu được can thiệp kịp thời sẽ hồi phục rất nhanh. Những lúc như vậy, chị cảm thấy phấn khích và là động lực để tiếp tục theo đuổi công việc vất vả này.

Là nữ bác sĩ duy nhất trong khoa, bác sĩ Mai Linh chưa bao giờ chịu thua đồng nghiệp nam. Trong bất cứ nhiệm vụ nào, nữ bác sĩ cũng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Gặp nữ bác sĩ duy nhất trong lĩnh vực phẫu thuật sọ não ở phía Nam - Ảnh 4.
Bác sĩ Trần Thị Mai Linh hội chẩn cùng các đồng nghiệp, chuẩn bị cho một ca phẫu thuật

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Lê Phương, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy nhìn nhận mỗi ca phẫu thuật thần kinh sọ não căng thẳng thường kéo dài từ 3 đến 7 giờ đồng hồ. Đây là một thách thức với nam giới và với phụ nữ thì sẽ càng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Mai Linh rất chịu khó, kiên trì.

Ngoài kiến thức, tay nghề, lĩnh vực phẫu thuật sọ não đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và chăm chút cho mỗi thao tác mổ. Bác sĩ Mai Linh có được tất cả những tố chất đó.

Trong mỗi ca phẫu thuật thần kinh sọ não, bác sĩ Mai Linh được xem là điểm tựa hy vọng của bệnh nhân và người nhà. Đằng sau một bác sĩ luôn hết mình với những ca phẫu thuật, với bệnh nhân, là một hậu phương vững chắc, đó là gia đình.

Nữ bác sĩ hạnh phúc tâm sự chị may mắn khi mọi người trong gia đình luôn ủng hộ, cùng sẻ chia những vất vả trong công việc. Nhờ đó, chị có thể toàn tâm toàn ý với với công việc của một phẫu thuật viên thần kinh sọ não.

Theo TTXVN/Vietnam+


‘Bóng hồng’ trên bàn mổ sọ não

Đồng nghiệp gọi chị là “của hiếm”. Mà hiếm thật khi cả khoa ngoại thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ duy nhất chị là nữ bác sĩ phẫu thuật và cả khu vực phía Nam cũng chỉ mình chị là “bóng hồng” trên bàn mổ sọ não mà thôi.

Bóng hồng trên bàn mổ sọ não - Ảnh 1.
Bác sĩ Trần Thị Mai Linh thăm khám và trò chuyện với bệnh nhân – Ảnh: TỰ TRUNG

“Của hiếm” ấy chính là bác sĩ TRẦN THỊ MAI LINH. Trước cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, “bóng hồng” với dáng người nhỏ nhắn vẫn đang tất bật chuẩn bị cho một ca mổ sọ não gay cấn, vốn là công việc thường lệ trong suốt 11 năm qua.

Bác sĩ Linh nói: “Có thể hình dung bộ não con người khi bị chấn thương giống như bát tàu hũ. Trong nó tồn tại hàng triệu nơron thần kinh, các đường dẫn truyền li ti, chằng chịt kính hiển vi không thể quan sát được. Nếu phẫu thuật viên không đủ sự tinh tế có thể làm mất đi một vùng trí nhớ, mất đi khả năng nói, thậm chí đẩy người bệnh trở thành người sống thực vật hoặc tử vong”.

Bác sĩ Linh là người trực tiếp mổ khối u não cho chồng tôi. Với khối u phức tạp như thế gia đình tôi rất lo nhưng không ngờ sau mổ, chồng tôi hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc rất tốt. Suốt cả quá trình chăm sóc, điều trị, phẫu thuật bác sĩ Linh rất quan tâm, thường xuyên xuống thăm nom, kiểm tra tình hình của chồng tôi và các bệnh nhân xung quanh.

Bà Võ Thị Hưng (62 tuổi, vợ ông Nguyễn Thành Vĩnh vừa được mổ u não)

Hấp dẫn bởi bộ não

* Mọi người gọi chị là “của hiếm”. Với mình, chị có thấy thế không?

– Thời sinh viên tôi chỉ biết sơ sơ ngoại khoa bao giờ nam cũng nhiều hơn nữ. Còn về chuyên khoa sâu về thần kinh, quả thật sau khi học xong nội trú, rồi bước chân vào đây mới biết một sự thật: “chẳng có ai hết” (cười…). Không biết có hiếm không khi cả khoa có 35 bác sĩ nam, chỉ duy nhất mình tôi là nữ.

Nhưng càng gắn bó với công việc, tôi thấy cũng dễ hiểu bởi ngành này thường gắn với thời gian phẫu thuật dài (2 -10 tiếng/ca), sức chịu đựng của phụ nữ theo thời gian có thể giảm sút, có người rút lui do sinh nở hoặc tuổi tác.

* Chắc chị sốc và cô đơn lắm…?

– Ồ, không. Tôi chỉ thấy hơi đuối thôi (cười…). Dù là bác sĩ nữ duy nhất nhưng ở đây không có chuyện tôi được chiều chuộng đâu nhé. Trong công việc là đồng nghiệp, bác sĩ nam hay nữ đều được giao việc bình đẳng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình.

* Bộ não vốn rất phức tạp, là sống còn với người bệnh. Phẫu thuật sọ não đòi hỏi sự tinh tế, thường chỉ có nam giới mới đủ thời gian, sức lực để theo đuổi. Lựa chọn ngành này, có phải chị đang làm khó mình?

– Dù có nhiều lựa chọn nhẹ nhàng hơn nhưng không hiểu sao với tôi, bộ não có sức hấp dẫn thật đặc biệt. Tôi thấy mình rất hứng thú với các cuộc phẫu thuật giữ lại các chức năng trong sọ não của người bệnh.

Để làm được điều đó, điều may mắn với tôi là có được rất nhiều người thầy, các đàn anh có kinh nghiệm trong nghề dìu dắt, chia sẻ. PGS Võ Tấn Sơn, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Y dược, là một trong những người thầy như thế. Thầy là người tạo điều kiện, khuyến khích để tôi theo học ngành này với mong muốn có thể phát triển được ngoại thần kinh nhi trong tương lai.

Bóng hồng trên bàn mổ sọ não - Ảnh 3.
Bác sĩ Trần Thị Mai Linh – Ảnh: TỰ TRUNG

Bài học sau mỗi ca mổ

* Cảm giác của chị như thế nào khi đứng trước ca mổ đầu tiên?

– Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận và mổ rất nhiều ca chấn thương sọ não rất nặng. 10 năm trước, tôi mổ ca đầu tiên để hút máu tụ trong não của một bệnh nhân. Lúc ấy, tôi chỉ hơi lo một chút bởi áp lực mong muốn phải xử trí tổn thương trong não của người bệnh được tốt nhất, tránh nguy cơ tai biến, nhiễm trùng hoặc xấu nhất là tử vong.

* Ngành y không thể tránh khỏi sự cố y khoa. Trong suốt 11 năm đứng ở phòng mổ, bên cạnh thành công chắc chị không tránh khỏi các ca biến chứng…?

– Mỗi một ca mổ nếu nói thất bại phải chia ra nhiều nhóm gồm tai biến y khoa, diễn tiến bệnh lý ở những bệnh ác tính hoặc nhóm bệnh đột xuất, bất ngờ trở nặng mà bản thân bác sĩ không kiểm soát được. Dĩ nhiên với tần suất mổ 3-5 ca/ngày thì chuyện tai biến là điều không thể tránh khỏi. Đó là nỗi đau của bác sĩ. Và sau những ca mổ ấy, tôi lại phải tự mình rút kinh nghiệm, lại phải tự rút ra bài học sâu sắc hơn để làm tốt hơn nhiệm vụ cứu người.

* Việc mổ thường xuyên khiến một số phẫu thuật viên cảm thấy nhàm chán, chủ quan trước bệnh lý. Nhiều người còn ví von công việc quen thuộc đến nỗi “mổ như mổ gà”…

– Mỗi ca bệnh đều có nền bệnh khác nhau. Do vậy, mỗi người bác sĩ phải tiếp cận người bệnh ở góc độ rất cá nhân (theo mỗi cá nhân điều trị). Với tôi, bệnh nhân trước mổ phải được đảm bảo các quy trình xét nghiệm để khẳng định một điều là kết quả tương xứng với bệnh lý họ đang mang. Nếu không phù hợp, tôi luôn phải tìm cho ra vấn đề. Bởi, cùng một khối u nhưng ở bệnh nhân này khác và bệnh nhân kia rất khác.

Bước vào mỗi ca phẫu thuật, tôi chọn cách tiếp cận theo từng người, tức phải hiểu các vấn đề như tiền sử gia đình, thói quen về mặt nghề nghiệp và kể cả các khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị. Sự quan tâm này giúp việc điều trị của mình được tốt hơn chứ không mất gì cả.

Nhớ chuyện không làm được

* Chị có thể chia sẻ điều mình nhớ nhiều nhất?

– Tôi nhớ mãi câu chuyện về gia đình có con trai duy nhất bị tai nạn giao thông và tử vong sau quá trình phẫu thuật, điều trị. Bệnh nhân bị nhiễm trùng ở não và điều trớ trêu bệnh nhân lại kháng tất cả các loại thuốc. Bác sĩ không còn cách nào khác để cứu cả. Tôi chỉ là người chăm sóc nhưng từ khi con qua đời, người cha ấy cứ đến ngày giỗ lại gọi điện như thể tôi làm con ông ấy tử vong. Chia sẻ với người cha nhưng đó là điều người làm nghề y như tôi trăn trở.

Có nhiều ca mổ đi vào ngõ cụt, mổ xong bệnh nhân không bao giờ hồi tỉnh. Đó là nỗi bất lực, đau xót và không ít lần tôi đành ngậm ngùi rơi nước mắt trên bàn mổ khi không thể cứu sống người bệnh. Và điều cuối cùng khiến tôi luôn trăn trở là người bệnh của mình hiện nay có quá nhiều bệnh lý đi kèm, đặc biệt là các bệnh lý bẩm sinh như biến đổi về gen, đột quỵ, u ác tính ở não. Đây là lý do khiến việc can thiệp phẫu thuật sọ não chỉ cắt được phần ngọn, kéo dài sự sống khá ngắn hoặc bệnh nhân tử vong do bệnh lý đi kèm gây nên.

* Nhiều người tò mò cuộc sống gia đình của chị thế nào?

– Tôi cưới chồng năm 33 tuổi. Tôi không phải típ người “nữ công gia chánh” nên phía sau luôn có chồng thấu hiểu, chia sẻ. Cuộc sống của tôi khá giống với đánh giá về phụ nữ TP.HCM là “sinh đẻ ít do làm việc quá nhiều” (cười…).

Bác sĩ CKII Trần Thị Mai Linh sinh năm 1984. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chị tiếp tục học thêm 3 năm bác sĩ nội trú chuyên ngành ngoại thần kinh và về công tác tại khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2009 đến nay. Hiện nay, các bác sĩ ra trường, hiếm người nào trải qua quá trình đào tạo bài bản như chị.

Vượt qua tất cả thách thức

Ông Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM):

– Trong một khóa học đào tạo y khoa, người giỏi nhất mới có điều kiện thi nội trú, để thi nội trú đậu đòi hỏi kiến thức rất tốt. Và bác sĩ Linh chính là một trong số người vượt qua tất cả thách thức như thế. Tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi và trình độ của bác sĩ Linh. Từ kiến thức vốn có, cộng với việc ham học hỏi người đi trước, bác sĩ Linh hiện nay trực tiếp xử lý nhiều ca mổ não phức tạp, cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ (trưởng khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân Dân 115):

– Tôi là giáo viên dạy Linh từ hồi sinh viên. Lúc ấy em Linh đã rất năng nổ, ở trường ai cũng biết. Bác sĩ Linh được đào tạo bài bản, tiếp thu kiến thức chuyên môn rất tốt nên việc em ấy trực tiếp đứng mổ các ca thần kinh phức tạp là điều dễ hiểu. Có thể nói em Linh là “của hiếm”, bởi rất ít bác sĩ nữ theo đuổi chuyên ngành này và nếu có thường bỏ cuộc giữa chừng.

Theo Tuổi trẻ