Alfred Bernhard Nobel (1833 – 1896) là nhà hóa học vĩ đại và triệu phú Thụy Điển. Ông dùng toàn bộ tài sản của mình để sáng lập ra Giải thưởng Nobel. Alfred Nobel không bao giờ kết hôn. Ông không may mắn trong tình yêu và cuối cùng cam chịu với ý nghĩ rằng tình yêu duy nhất của ông là khoa học. Nhưng nhà khoa học đã yêu 5 lần, và 5 người phụ nữ này đã để lại 5 vết sẹo trong trái tim ông.
Cùng điểm qua những “bóng hồng” đã lướt qua cuộc đời của nhà phát minh vĩ đại này.
Mối tình đầu bi thương
Lịch sử không lưu lại tên người tình đầu tiên của Alftred Nobel, cũng như những thông tin chi tiết về mối tình của ông. Người ta chỉ biết rằng họ gặp nhau tại Paris, năm Alfred Nobel 16 tuổi, và mối tình mà ông gọi là “hạnh phúc chóng mặt” ấy kết thúc một cách bi thảm: Cô gái làm việc trong hiệu thuốc và chết vì bệnh lao.
Cái chết của người con gái khiến Nobel bị sốc và làm tan nát trái tim ông.
“Kể từ hôm nay, mình không cần những thú vui của đám đông nữa và bắt đầu nghiên cứu cuốn sách vĩ đại của thiên nhiên để hiểu những gì được viết trong đó, rồi tìm kiếm một phương thuốc có thể chữa trị nỗi đau của mình” – Nobel quả quyết như vậy và sau đó viết một bài thơ “Điều bí ẩn” về mối tình đầu của mình.
Người bạn gái đặc biệt của Alfred Nobel
Mùa xuân năm 1876, trên một tờ báo ở thành Vienna (thủ đô nước Áo) có đăng lời rao: “Một người đàn ông đã nhiều tuổi, có học, giàu có, sống ở Paris, xin mời một phụ nữ trung niên, biết vài ngoại ngữ, làm thư ký kiêm quản gia”.
Bấy giờ Alfred Nobel đã ở tuổi 43, quả là một người có văn hóa cao, biết nhiều ngoại ngữ và rất giàu có. Với phát minh ra chất nổ và kíp nổ, ông cho thành lập một loạt nhà máy mang tên mình ở hầu hết các nước: Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Italia, Áo, Hungary, Tây Ban Nha, Mỹ… (nghĩa là ở những nơi người ta cần dùng đến chất nổ để khai thác hầm mỏ hoặc đào đường hầm xuyên núi).
Nobel nghiễm nhiên trở thành một trong những nhân vật giàu nhất thế giới thế kỷ XIX. Tuy vậy, nỗi sầu u ẩn vẫn chất chứa trong cặp mắt thông minh của ông. Đã ngoại tứ tuần rồi mà ông vẫn sống cô lập, chưa có gia đình. Lời rao trên báo của ông không chỉ có nghĩa ông cần tìm một thư ký, mà còn muốn tìm vợ.
Người đầu tiên đáp lại lời rao này là một phụ nữ dòng dõi quí tộc Áo, ngoài ba mươi tuổi tên gọi Bertha Kinsky, khi ấy đang làm chân dạy thêm để kiếm sống.
Mới tiếp xúc với Nobel, người đàn ông có “chiều cao dưới mức trung bình, chòm râu màu sẫm, đường nét trên mặt tinh tế”, Bertha cảm thấy một ấn tượng dễ mến. Nobel quả là người thông minh, hiền hậu, nhã nhặn, có tài ăn nói tuy tính tình có phần lập dị. Đáng tiếc là trước đấy, Bertha đã có người để trao gửi trái tim. Bởi vậy khi được hỏi về hoàn cảnh đời tư, bà đã thú nhận hết điều này với Nobel.
Sau một tuần nhận việc, Bertha trở lại thành Vienna để kết hôn với Count Arthur von Suttner. Việc lấy chồng không ngăn trở bà và Nobel thường xuyên thư từ cho nhau. Giữa bà và Nobel đã được kết nối với nhau bởi một tình bạn thân thiết (tình bạn không hơn không kém) kéo dài đến ngày nhà bác học tạ thế.
Hồi trẻ, Nobel từng tham gia sáng tác văn học. Ông làm thơ, soạn kịch, viết tiểu thuyết. Bản thân Bertha Kinsky sau này cũng trở thành nhà văn tên tuổi và nữ chiến sĩ đấu tranh tích cực cho hòa bình (bà là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đả đảo vũ khí”).
Điều này hẳn đã ảnh hưởng tới tâm lý của Alfred Nobel khi ông thực hiện bản di chúc cuối cùng, trong đó ông quyết định dành hẳn một giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức có công thúc đẩy hòa bình. Và, một điều thật ý nghĩa (mà nếu biết, hẳn Nobel sẽ rất vui): Năm 1905, gần 10 năm sau khi Nobel qua đời, Bertha Kinsky đã được trao giải thưởng Nobel về hòa bình.
Bên cạnh chuyện liên quan đến giải Nobel dành cho Bertha Kinsky, trước đây trong dư luận từng xuất hiện một lời đồn cho rằng sở dĩ Nobel không quyết định lập giải Nobel toán học vì một người phụ nữ được cho là vợ chưa cưới đã từ bỏ ông để đi theo một nhà toán học nổi tiếng.
Nobel không ngờ Bertha đã bí mật hứa hôn với người tình học trò của mình. Ông biết điều đó qua bức thư nữ bá tước để lại cho ông vào ngày bà ra đi: “Hãy thứ lỗi cho em, ông Nobel. Em đang trên đường đến Vienna, nơi chồng chưa cưới của em đang đợi. Hãy chúc em hạnh phúc như em mong muốn hạnh phúc cho ông. Kính thư. Bertha Kinsky trung thành của ông”
Anna Desri
Nhiều người đổ lỗi cho cô gái này về việc Nobel không nhắc tới các nhà toán học trong di chúc nổi tiếng của mình. Năm 18 tuổi, Alfred Nobel gặp cô gái Anna xinh đẹp, người Đan Mạch, tại một trong những phòng khách ở Saint-Peterburg.
Ông thực sự mê Anna, tán tỉnh cô và mong được đáp lại. Thông tin về việc mình có tình địch như một đòn nặng nề đối với chàng trai trẻ. Franz Lemarge, nhà toán học tương lai, rõ ràng rất thích Anna.
Tại một cuộc gặp mặt, Anna và Franz đã chơi khăm Alfred một vố đau điếng. Lemarge đề nghị Alfred Nobel giải một bài toán khó và trong khi lúng túng, Nobel đã đưa ra đáp án sai, vì vậy họ đã chế giễu ông.
Vì thất vọng, nhà phát minh vĩ đại tương lai đổ bệnh và quyết định không dây dưa với phụ nữ nữa. Tuy nhiên, các nhà viết tiểu sử chính thức phủ nhận mối liên hệ của sự kiện này với việc toán học không nằm trong danh sách các ngành được giải Nobel.
Theo quan điểm của họ, đây không phải là sự trả thù: Đơn giản là toán học không phải lĩnh vực quan tâm của Nobel, vì vậy ông đã dành tiền thưởng cho những lĩnh vực gần gũi với mình.
Sarah Bernhardt
Năm 30 tuổi, lần đầu tiên Nobel nhìn thấy một nữ diễn viên lộng lẫy trên sân khấu “Comedie Française” ở Paris. Bị sốc trước tài năng của nữ diễn viên, Alfred Nobel một lần nữa quên lời hứa của mình và sau buổi biểu diễn đã đến hậu trường với một bó hoa rực rỡ.
Ông mời Sarah đi ăn tối, cô đồng ý – thế là cuộc tình lãng mạn của họ bắt đầu.
Vào thời điểm đó, sự nghiệp của Sarah Bernhardt đang ở đỉnh cao, còn Alfred Nobel lại cần một người bạn gái trung thành và cô chủ chăm sóc ngôi nhà của mình. Rõ ràng, ông có chút nghi ngờ Sarah đảm đương được chức năng này, vì vậy khi Sarah đi lưu diễn ba tháng ở Mỹ, Nobel đã viết thư cho mẹ.
Bà mẹ đã cho con trai mình một lời khuyên không mấy dễ chịu, nhưng không ngoài mong đợi:
“Con trai, mẹ biết người bạn của con khá rõ. Mẹ rất khâm phục màn trình diễn của cô ấy tại nhà hát của chúng ta năm ngoái… Nếu con cần mộtcô gái bô-hê-miêng, con sẽ nhận được điều đó… Mẹ biết ở Pháp, một người hủy hoại cuộc đời mình vì phụ nữ nhận được sự cảm thông, còn bản thân nhân vật thì tự hào về điều đó.
Ở quê hương của con, con trai ạ, anh ta sẽ bị coi là một kẻ ngốc. Hãy học tập tấm gương của người Thụy Điển. Thảo nào ngày xưa, các diễn viên không được an táng ở nghĩa trang. Họ không có linh hồn, con trai ạ!” – bà mẹ của Nobel viết.
Nobel nghe theo lời khuyên của mẹ và chia tay với Sarah. Vài năm sau, ông lại đến xem cô biểu diễn, nhưng không còn gặp và tặng hoa nữa.
Sophie Hess
Người tình cuối cùng của Alfred Nobel khiến người thân và bạn bè của ông bàng hoàng. Cô gái bán hoa 20 tuổi Sophie không có trình độ học vấn cũng như phong cách ứng xử, và quan trọng hơn cả là ít hơn Nobel 23 tuổi.
Nhưng Alfred, giống như chàng nghệ sĩ Pygmalion trong thần thoại Hy Lạp, kỳ vọng vào sự hoàn hảo. Nobel thuê nhà cho cô gái và mời giáo viên dạy học cho cô. Còn Sophie thì lười học, thậm chí chỉ viết mấy chữ nhờ mua quà cho cô cũng phạm lỗi ngữ pháp.
Ít lâu sau, Hess bắt đầu tự xưng là “Bà Nobel”, điều này khiến Alfred vô cùng tức giận. Ông không định kết hôn với cô. Ông thường bỏ mặc cô một mình, mặc dù vẫn tiếp tục chi những khoản tiền lớn cho Sophie.
Sự tức giận này còn thể hiện qua giọng điệu trong những lá thư của ông gửi cho Sophie: “Em là một cô gái dễ thương, nhưng em đang làm tôi khó chịu. Bản tính yêu tự do của tôi không cho phép tôi hàng ngày giao du với những người như em. Hôn em và yêu em. Alfred”.
Họ gắn bó với nhau khoảng 19 năm, nhưng thực chất của mối quan hệ này vẫn chưa được các nhà viết sử làm rõ. Thật khó nói, Sophie là tình nhân của Nobel hay đó là sự bảo trợ của một nhà từ thiện? Nhưng dù sao, ông đã dành cho cô một căn hộ ở trung tâm Paris, đồ trang sức, và một người hầu được đào tạo bài bản.
Đầu những năm 1890, Sophie kết hôn với một vận động viên đua ngựa người Hungary. Cô nhận được một khoản tiền lớn của Nobel làm quà cưới. Quả thật, hai tháng sau khi kết hôn, chàng kỵ sĩ bỏ trốn, mang theo một số tiền của cô, và để lại cho cô một đứa con.
Tuy nhiên, trong bản di chúc được lập cách đây 110 năm, Alfred Nobel vẫn để lại cho Sophie Hess số tiền lớn để cô sống phong lưu đến cuối đời.
Tổng hợp