Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc chân chính, nhà cách mạng sáng suốt, vị lãnh tụ thiên tài. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ở phần 2, Hồ Sơ Doanh Nhân đã giới thiệu cho bạn đọc về những hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước của dân tộc ta. Ở bài viết này, Hồ Sơ Doanh Nhân sẽ tiếp tục tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ Tịch nhé!
>> Xem lại Phần 2: Tiểu sử Hồ Chí Minh (Phần 2): Thắng lợi vẻ vang với cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược
II. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà chính trị gia tài ba của dân tộc Việt Nam – Hồ Chí Minh
3. Cải tạo và xây dựng CNXH ở miền Bắc, đồng thời chỉ đạo tiến hành cách mạng Dân tộc dân chủ ở miền Nam
3.1. Cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ về Hà Nội, lãnh đạo củng cố miền Bắc về mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa
Hoà bình được lập lại sau chín năm kháng chiến gian khổ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, một không khí hân hoan phấn khởi trào dâng trong lòng mỗi người dân kháng chiến.
Trong niềm vui và niềm tự hào chung của cả dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô.
Từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, từ rừng núi trở về đô thị, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đó là một cuộc thay đổi rất lớn, tư tưởng của một số Đảng viên và cán bộ không khỏi bỡ ngỡ, lệch lạc, hoặc “tả”, hoặc hữu, vì vậy Hồ Chí Minh đã kịp thời chăm lo giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ Đảng viên về chính trị – tư tưởng, đạo đức – lối sống để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Biểu hiện tiêu cực khá phổ biến của cán bộ lúc đó là sau một thời gian công tác gian khổ, ở nông thôn, ở rừng núi, nay có chiều mệt mỏi “muốn nghỉ ngơi’’, “muốn vào thành phố”, Hồ Chí Minh phân tích thực chất của tư tưởng này là: ngại khó, ngại khổ, là muốn trốn nhiệm vụ, là đứng núi này trông núi nọ …và kêu gọi cán bộ, Đảng viên phải vượt khó khăn chịu khó, chịu khổ để làm tròn nhiệm vụ.
Người căn dặn: Muốn giữ nhân cách, tránh khỏi hủ hoá, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Ngày 19-9-1954, trên đường từ Việt Bắc qua Phú Thọ để về Hà Nội, Người ghé thăm Đền Hùng.
Tại Đền Giếng, Người đã gặp gỡ gần 100 cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong đang đóng quân tại đây. Người nói chuyện thân mật với đoàn sau khi nêu lên những cống hiến to lớn của các vua Hùng cho dân tộc. Người căn dặn:‘Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 9-10-1954, người lính cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp lặng lẽ qua cầu Long Biên, rút khỏi Hà Nội, chấm dứt 80 năm xâm lược, kể từ khi chúng đem quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873).
Sáng ngày 10-10, các đơn vị quân đội ta dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, từ năm cửa ô, tiến vào Hà Nội.
Ngày 15-10 1954 Bác về đến Hà Nội. Thời gian đầu Người sống ở trong một gian phòng ở nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Quân y viện 108 và Bệnh viện Hữu nghị ).
Ngày hôm sau 16-10, Hồ Chí Minh thân mật tiếp đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô đến chào mừng. Tuy bận rộn nhiều công việc đối nội, đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời giờ để tiếp đón và đi thăm hỏi các tầng lớp nhân dân, các đơn vị bộ đội, nhà máy, trường học, bệnh viện, thăm hỏi động viên đồng bào và cán bộ miền Nam vừa tập kết ra Bắc …
Sáng ngày 1-1-1955, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội, thay mặt cho nhân dân cả nước, đã họp mít tinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính Phủ và Bác Hồ trở về Thủ đô
Đọc diễn văn tại buổi lễ trọng thể này, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính Phủ chúc mừng năm mới đồng bào cả nước, đồng bào Thủ đô, cảm ơn đồng bào đã long trọng chào mừng Chính Phủ.
Người chỉ ra những nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải kiên quyết thi hành đúng đắn hiệp định đình chiến, khôi phục kinh tế, củng cố quốc phòng, tiếp tục cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng …
Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, có một ý nghĩa chính trị to lớn. Nó đánh dấu sự kết thúc một giai đoạn đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám và mở đầu một thời kỳ mới, thời kỳ đưa miền Bắc giải phóng tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 16-5-1955, người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng ta tập trung vào lãnh đạo củng cố miền Bắc về mọi mặt Người nhấn mạnh trước hết phải khôi phục và nâng cao sản xuất nông nghiệp . Do hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai, từ cuối năm 1954 đến giữa năm 1955, nạn đói đã liên tiếp diễn ra ở nhiều nơi trên miền Bắc, nghiêm trọng nhất là Hà Nam, Hà Đông, Hưng Yên …
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm, kêu gọi cấy lúa xuân, trồng các loại hoa mầu ngắn ngày để cứu đói, vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, tiến hành trưng vay để giúp những nơi cấp bách…
Chính Phủ chi một số tiền lớn vào việc sửa chữa các hệ thống nông giang, vận động nhân dân tích cực đào mương, khơi ngòi, đắp đê, khai hoang phục hoá, cày cấy ruộng hoang của đồng bào di cư bỏ lại v.v.. Nhờ những biện pháp kể trên, diện tích trồng trọt và sản lượng lương thực đều tăng, nạn đói đã được giải quyết, tạo ra cơ sở thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển trong những năm sau .
Nhưng muốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp , cơ bản là phải giải quyết vấn đề quan hệ sở hữu ở nông thôn, tức là phải thực hiện “người cày có ruộng”.
Hội nghị Trung ương lần thứ Tám khoá 2 nhận định: trong việc củng cố miền Bắc, khôi phục kinh tế là công tác trọng yếu, nhưng cải cách ruộng đất vẫn là công tác trung tâm. Đảng và Chính Phủ ta quyết định tiến hành cải cách ruộng đất đợt 5, đợt cuối cùng của cuộc đấu tranh xoá bỏ giai cấp phong kiến ở miền Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cuộc cách mạng ruộng đất ở nông thôn. Hồ Chí Minh viết thư, đến thăm và nói chuyện với nhiều hội nghị rút kinh nghiệm về giảm tô và cải cách ruộng đất.
Người nhắc nhở cán bộ cải cách phải nắm vững đường lối chính sách của Đảng ta ở nông thôn, phải đi sâu đi xét kỹ, coi trọng từng việc to đến việc nhỏ, phải nhớ rằng “sai một li đi một dặm”, có khuyết điểm thì phải sửa chữa ngay, không đợi đến hội nghị phê bình mới sửa chữa..(44).
Sau gần nửa năm tiến hành khẩn trương và gian khổ, cải cách ruộng đất đợt 5 đã căn bản hoàn thành ở đồng bằng, trung du và 280 xã vùng núi. Chế độ phong kiến ở miền Bác về căn bản đã bị xoá bỏ, khẩu hiệu “người cày có ruộng” của Đảng đã được thực hiện. Hơn 37 vạn ha ruộng đất, hơn 4 triệu 60 vạn nhân khẩu.
Thắng lợi đó đã “mở đường cho đồng bào nông thôn ta xây dựng cuộc đời ấm no, góp phần xứng đáng vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh để đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” (45) .
Bên cạnh thắng lợi to lớn, cuộc vận động cải cách ruộng đất đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng ( 9-1956) đã chỉ rõ:
“Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một Đảng theo Chủ nghĩa Mác-LêNin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân .
Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi đã thu được, mà lại gây ra những tổn thất rất lớn cho cơ sở Đảng, của chính quyền, của các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng tai hại đến chính sách mặt trận của Đảng ở nông thôn cũng như ở thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tình cảm và đời sống bình thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân dân, đến công cuộc củng cố miền Bắc đến sự nghiệp đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà”.
Nguyên nhân của những sai lầm trong cải cách ruộng đất, như Chủ tịch đã tự phê bình một cách nghiêm khắc : “Vì ta thiếu dân chủ nên ít nghe, ít thấy… Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Khuyết điểm của tôi đã ảnh hưởng đến sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức”(46).
Hội nghị đã bầu Hồ Chí Minh làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với thái độ tự phê bình nghiêm khắc, với một kế hoạch sửa chữa cụ thể và kiên quyết của Đảng và Bác Hồ, toàn Đảng, toàn dân đã xiết chặt hàng ngũ, tăng cường đoàn kết, vượt mọi khó khăn góp phần khôi phục kinh tế nước nhà.
Đi đôi với việc khôi phục kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng phát triển văn hoá, Hồ Chí Minh đi thăm các trường phổ thông và bổ túc văn hoá các lớp bình dân học vụ ở khu lao dộng Lương Yên, gửi thư khen các cụ cao tuổi vẫn đi học.
Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc (3-1956) và chỉ rõ: giáo dục và kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau “Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được…Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển.
Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau”(47). Về nội dung và phương pháp dạy học, Hồ Chí Minh căn dặn: “Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò học chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của nhà nước.
Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo.”(48)
Dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng và Bác Hồ, với sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân ta cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá tiến triển tốt.
Đời sống nhân dân dần dần ổn định và bước đầu được cải thiện. Đời sống văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội được phát triển theo hướng Xã hội chủ nghĩa đấu tranh khắc phục dần những khuynh hướng và quan điểm xa lạ với chủ nghĩa xã hội .
3.2. Chỉ đạo cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam
Sau khi gạt bỏ được Pháp và bọn tay sai thân Pháp dẹp xong các lực lượng giáo phái chống đối Mỹ- Diệm đã tập trung lực lượng đánh phá ác liệt cách mạng miền Nam.
Chúng lập ra các “ khu trù mật” để dồn dân, kìm kẹp quần chúng đánh phá các tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng của ta. Chúng ban hành các đạo luật phát xít như luật “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, Luật10/59 5-1959, lập các toà án quân sự đặc biệt (7-1959) để xử án tại chỗ giết người bằng những hình thức dã man thời trung cổ.
Dưới chế độ Mỹ Diệm ở miền Nam, các trại giam mọc lên dày đặc giam cầm chật ních các Đảng viên, cán bộ và đồng bào yêu nước. Những vụ tàn sát man rợ diễn ra hàng ngày.
Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt kịch liệt lên án, tố cáo mạnh mẽ tội ác man rợ của bè lũ Mỹ –Diệm tàn sát đẫm máu đồng bào ta ở miền Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại hoà bình thống nhất Tổ quốc, mặt khác Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ đạo cách mạng miền Nam từng bước chuyển dần sang đấu tranh tự vệ võ trang dưới nhiều hình thức nhằm phá thế kìm kẹp của chúng, chống lại cuộc chiến tranh đơn phương mà chúng đang tiến hành chém giết nhân dân miền Nam .
Cân nhắc đầy đủ xu thế của thế giới và tình hình, đặc diểm cách mạng nước ta, song vẫn giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam chuyển sang một giải đoạn mới.
Tại Hội nghi Trung ương lần thứ chín (mở rộng), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “ Chúng ta cần phải luôn luôn nắm vững ngọn cờ hoà bình, nhưng đồng thời phải luôn luôn nâng cao đề phòng và cảnh giác”(49) .
Tháng 6 -1956 , Hồ Chí Minh chủ toạ Hội nghị Bộ chính trị Trung ương Đảng, xác định: Hình thức đấu tranh của ta trong toàn quốc hiện nay là đấu tranh chính trị, không phải đấu tranh vũ trang. Nói như thế không có nghĩa là tuyệt đối không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định” (50) .
Trước diễn biến tình hình , trung tuần tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 ( mở rộng) đã họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn về đường lối của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị Trung ương 15 đề ra nhiệm vụ cơ bản cho cách mạng miền Nam như sau:
“ Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến , thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc nhân dân ở miên Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất. Độc lập, dân chủ phát triển và giàu mạnh” (51)
Phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là “ lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp lực lượng vũ trang, để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc phong kiến, dựng lên, chính quyền của nhân dân”(52) .
Nghị quyết Trung ương 15 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử cho phong trào Cách mạng ở miền Nam. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với thắng lợi của phong trào đồng khởi, cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế bảo tồn lực lượng sang thế tiến công. Đó là thất bại lớn đầu tiên của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nước ta.
Thắng lợi này gắn với sự chỉ đạo sáng suốt ,khôn khéo,đầy tinh thần tiến công cách mạng của Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người đã theo sát cuộc đấu tranh gian khổ, đầy hy sinh của đồng bào miền Nam, chia sẻ với nhân dân miền Nam những đau thương, mất mát, truyền đến cho nhân dân miền Nam ý chí và niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp thống nhất tổ quốc.
Người nói : “ Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam ra khỏi ách Mỹ –Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa được ăn ngon ngủ yên”(53)
Ngược lại trong những năm tháng đau thương, tối tăm nhất, hình ảnh Bác Hồ rực sáng trong trái tim nhân dân các dân tộc miền Nam. Hình ảnh Hồ Chí Minh là sức mạnh, là niềm tin tất thắng, nâng đỡ nhân dân vượt qua đau thương , đạp lên đàu thù để chiến thắng.
3.3. Mở rộng hoạt động quốc tế, giương cao ngọn cờ vì hòa bình và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta
3.3.1. Mở rộng hoạt động quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng mở rộng quan hệ quốc tế. Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để giải toả sự bao vây của chủ nghĩa đế quốc, đưa Việt nam ra nhập cộng đồng thế giới.
Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương là một văn bản pháp lý có giá trị quốc tế xác nhận nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất tổ quốc càng cần tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè năm châu.
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố chính sách dối ngoại của Nhà nước ta như sau: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện, hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình dẳng cùng có lợi và chung sống hoà bình”.(54)
Trong tình hình thế giới và nhiệm vụ cách mạng của nước ta những năm 1955-1957, hoạt động quốc tế của Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhằm vào các hướng chủ yếu sau đây:
- Đấu tranh đòi đối phương phải triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương.
- Tăng cường tình hữu nghị với các nước láng giềng và các nước Xã hội chủ nghĩa anh em.
- Góp phần củng cố hoà bình ở châu á và trên thế giới
Thái độ chân thành và sự hợp tác thiện chí của Chính phủ, nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí minh với Uỷ ban quốc tế đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các thành viên trong uỷ ban đã cảm hoá được một số người từ chỗ chưa am hiểu chưa có cảm tình với cách mạng Việt Nam đến chỗ đồng tình với cuộc đấu tranh thống nhấtTổ quốc của chúng ta.
Đối với Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu họ phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định Giơnevơ, dù đại biểu Mỹ không ký vào các văn kiện của Hội nghị. Người mạnh mẽ tố cáo nhà cầm quyền Mỹ tiếp sức cho bọn nguỵ quyền tay sai ra nhiều tội ác nghiêm trọng đối với đồng bào ta ở miền Nam đồng thời trân trọng cảm ơn sự đông tình ủng hộ của nhân dân Mỹ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta .
Đối với nước Pháp, một nước đã gây ra cho nhân dân ta bao đau thương, tang tóc trong chiến tranh, Hồ Chí Minh cũng tuyên bố khép lại quá khứ và mở ra một thời kỳ mới: “ Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hoá trên cơ sơ bình đẳng, hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn tin cậy nhau”(55).
Ngày 22-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và chính phủ ta lên đường đi thăm Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ.
Tháng 11-1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu và Chính phủ Việt Nam sang dự lễ kỉ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mượi,dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa,sau đó là Hội nghị 64 Đảng Cộng sản của công nhân trên thế giới họp tại Mãtxcơva.
Tháng 7-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại lần lượt dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đi thăm chín nước anh em: cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Tiệp khắc, Ba Lan, Cộng hoà dân chủ Đức, Hunggari, Nam Tư, Anbani, Bungari va Rumani.
Những chuyến đi thămcủa Người đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước anh em đón tiếp nồng nhiệt đầy tình hữu nghị và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn. Đồng thời các chuyến đi thăm cũng để lại trong lòng nhân dân các nước bạn những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp về vị lãnh tụ vĩ đại và vô cùng giản dị của nhân dân Việt nam.
Đối với các nước trong khu vực, đặc biệt với hai nước bạn Lào và Cămphuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng đất nước phù hợp với điều kiện của mỗi nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động không mệt mỏi để góp phần củng cố tình đoàn kết thống nhất giữa các Đảng anh em. Về vấn đề chiến tranh và hoà bình tại Hội nghị lần thứ chín (mở rộng) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam , họp từ ngày 19 đến ngày 24-4-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
“ Trong khi nhận định sự có thể ngăn ngừa chiến tranh , chúng ta phải cảnh giác đối với âm mưu của bọn gây chiến; vì chủ nghĩa đế quốc hãy còn thì còn có nguy cơ chiến tranh”.
Từ ngày 14 đến ngày 19-11-1957. Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực vào việc tổng kết những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng thế giơi, đồng thời góp phần tịch cực vào việc củng cố tình đoàn kết giữa các Đảng và các nước xã hội chủ nghĩa trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Trong thời gian từ1954-1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một số bài báo quan trọng thể hiện rõ quan điểm và đường lối quốc tế của Đảng ta.
Tháng 2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam lên đường đi thăm hữu nghị các nước ấn Độ, Miến Điện,và Inđônễia. Mục đích chuyến đi là để “thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các nước đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nước á-Phi và củng cố hoà bình châu  và thế giới”
Tại các nước đến thăm, Hồ Chí Minh đã được các vị nguyên thủ quốc gia và nhân dân sở tại đón tiếp trọng thể và nồng nhiệt.
Các chuyến đi thăm hữu nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài cũng như các cuộc Người tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo cao nhất của các nước châu á sang thăm Việt Nam: Thủ tướng ấn Độ Nêru, Thủ tướng Miến Điện U Nu, Tổng thống ấn Độ Praxat, Tổng thống Inđonexia Xucacnô…đều đã góp phần nêu cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam ở châu á và trên thế giới.
Đường lối quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta bao gìơ cũng thuỷ chung ,trong sáng ,thể hiện sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định
“Trong cuộc đấu tranh để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất,độc lập,dân chủ và giàu mạnh , Đảng Lao Động Việt Nam bao giờ cũng thấy rõ sự nhất trí về lợi ích giữa cuộc đấu tranh để giải phóng các dân tộc khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và cuộc đấu tranh giải phóng quần chúng lao động khỏi chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa…
Trong cuộc đấu tranh để thống nhất tổ quốc, Đảng Lao Động Việt Nam không bao giờ tự tách mình với các Đảng anh em, Đảng lấy toàn bộ thực tiễn của mình để chứng minh rằng chủ nghĩa yêu nước triệt để không thể nào tách rời với chủ nghĩa quốc tế vô sản .
3.3.2.Giương cao ngọn cờ vì hoà bình và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.
Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam có hiệu lực từ 0 giờ ngày 22-7-1954. Bộ tư lệnh Quân đội Nhân dân Việ Nam lệnh cho các lưc lượng vũ trang Việt Nam ngừng bắn trên chiến trường toàn quốc. Một cuộc đấu tranh mới cho hoà bình và thống nhất Tổ quốc bắt đầu.
Trong lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công, Chủ Tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng thống nhất và hành động phải nhất trí”.(56)
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết,Mỹ đã hất cẳng Pháp nhảy vào Đông Dương,đưa Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng,trực tiếp viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền bù nhìn để chúng ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chống lại hiệp thương tổng tuyển cử , âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta ,biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Trước tình hình đó ,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng tập trung nghiên cứu,xác định đường lối đúng đắn cho cách mạng miền Nam,ngày đêm chăm lo đến cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam ,đến sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Trong các hoạt động quốc tế cũng như trả lời phỏng vấn của phóng viên các hãng thông tấn trong và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh ý nghĩa , quyết tâm của nhân dân Việt Nam đấu tranh cho thống nhất Tổ quốc .
Người nhấn mạnh rằng giới tuyến quân sự hiện nay chỉ là tạm thời ,và cuộc đấu tranh để thực hiện hoà bình ,thống nhất độc lập,dân chủ của nhân dân Việt Nam cũng là để góp phần giữ gìn hoà bình châu á và Hồ Chí Minh đã kịch liệt phản đối Pháp không nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của hiệp định đình chiến và kêu gọi nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới phải tỉnh táo đề phòng phải kiên quyết chống âm mưu đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, xúi dục bọn tay sai của chúng phá hoại hiệp định đình chiến, phá hoại hoà bình.
Trước tình hình và nhiệm vụ mới, để tập hợp lực lượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân .Hồ Chí Minh nói: “Bất kỳ người nào, bất kỳ nhóm nào, nếu họ tán thành hoà bình , thống nhất, độc lập, dân chủ thì chúng ta cũng sẵn sàng thật thà đoàn kết với họ”(57).
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 2, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc đã họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1955.
Đại hội quyết định mở rộng và củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, thành lập Mặt trận tổ quốc Việt Nam thay cho mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử Người viết thư gửi đồng bào cả nước, vạch trần trước dư luận trong nước và thế giới những âm mưu và hành động sai trái của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trong việc phá hoại hoà bình, phá hoại Hiệp định Giơnevơ.
Hồ Chí Minh khẳng định: “ Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”, không ai chia cắt được Tổ quốc ta, chia rẽ gia đình ta. Người truyền đến cho nhân dân cả nước niềm tin mãnh liêt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp thống nhất đất nước: “Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà”(58).
Hồ Chí Minh cũng chỉ cho nhân dân ta thấy rõ âm mưu có tính chiến lược hết sức thâm độc của đế quốc Mỹ và tính chất gay go phức tạp của cuộc đấu tranh giành hoà bình và thống nhất Tổ quốc. Hồ Chí Minh nói: “Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, đòi hỏi sự hy sinh, phấn đấu của toàn thể đồng bào.
Trong khi giương cao ngọn cờ hoà bình,thống nhất Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở nhân dân Việt Nam không được một phút nào lơ là tinh thần cảnh giác cách mạng,mà phải ra sức xây dừng lực lượng quốc phòng toàn dân,củng cố quân đội nhân dân hùng mạnh để đánh trả sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc,bảo vệ miền Bắc,sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tranh mới .
Cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc ngày càng phức tạp, gian khổ vì kẻ thù cố tình phá hoại Hiệp đinh Giơnevơ, chia cắt lâu dài đất nước ta ,hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ , làm bàn đạp tấn công miền Bắc, ngăn chặn “làn sóng cộng sản đang lan nhanh ở Đông Nam á.”
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh cho một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập , dân chủ và và giàu mạnh.
3.4. Cả nước quyết tâm chống Mỹ cứư nước (1965-1968)
3.4.1. Lãnh đạo chuyển hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ:
Để chi viện có hiệu quả cho miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời lãnh đạo chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, tăng cường lực lượng quốc phòng, chăm lo công tác giáo dục, văn hoá, giải quyết khó khăn của nhân dân cho phù hợp với tình hình mới.
Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đồng bào và chiến sĩ miền Bắc dũng cảm tiến lên, hăng hái thi đua sản xuất và chiến đấu” (59) , cả miền Bắc đã nhanh chóng chuyển sang thời chiến với quyết tâm đánh thắng Mỹ và tiếp tục xây dựng Chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng chi viện cho miền Nam với tinh thần “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “tay bút, tay súng”.
Về nông nghiệp, để nắm sát tình hình sản xuất về nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ đi thăm đồng bào nông dân. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra miền Bắc, Người về thăm hợp tác xã Hồng Thái, Hải Dương, lá cờ đầu của phong trào thuỷ lợi toàn miền Bắc.
Sau đó, Người về thăm xã Nam Chính, huyện Nam Sách, xă có phong trào vệ sinh phòng bệnh khá nhất tỉnh.
Trên đường về, Người ghé thăm đền Côn Sơn “huyện Chí Linh”, di tích thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi về thăm tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ và nhân dân trong tỉnh: “Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng và toàn dân ta là sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi” (60). Sản xuất và chiến đấu có quan hệ mật thiết với nhau.
Người còn gửi thư khen các hợp tác xă thâm canh lúa giỏi: đó là các hợp tác xă Thắng Lợi, Đông Phương Hồng (Thanh hoá), Tân Phong (Thái Bình), Nam Tiến (PhúThọ) và hợp tác xã Thôn Thượng (Vĩnh Phúc).
Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù trong thời gian đế quốc Mỹ đang đánh giá ác liệt miền Bắc, sản xuất nông nghiệp của ta vẫn phát triển. Phong trào phấn đấu đạt ba mục tiêu: 5 tấn thóc, 2 đầu lợn, 1 lao động/ha gieo trồng đã lan rộng trong nhiều tỉnh đã góp phần quan trọng trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.
Về công nghiệp, ngay khi chiến tranh phá hoại xảy ra, Đảng đã chủ trương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp địa phương. Đây là nội dung quan trọng của việc chuyển hướng kinh tế trong thời chiến. Trong bài nói của mình tại Hội nghị ngành công nghiệp nhẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu mấy tư tưởng quan trọng.
- Đảng và Chính phủ trong tình hình nào vẫn tiếp tục “xây dựng Chủ nghĩa xã hội và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Vì vậy “nhiệm vụ của công nghiệp nhẹ là rất quan trọng”, trong đó công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp phải có vị trí lớn, vì nó chiếm 50% giá trị tổng sản lượng công nghiệp nhẹ”
- Để phát triển công nghiệp, phải chú ý đến phong trào “ba xây, ba chống”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đó là cuộc vận động cách mạng to lớn, nhằm làm cho công nhân và cán bộ nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nhận rõ trách nhiệm của mình và làm tốt công tác Đảng và Chính phủ giao cho” (61). Người đi thăm nhiều cơ sở công nghiệp nhẹ, biểu dương những cố gắngcủa ngành, đồng thời thân ái chỉ ra những khuyết điểm như còn để lãng phí, chất lượng sản phảm làm ra còn xấu, … .
- Trong các ngành công nghiệp nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới ngành than. Nhân dịp Tết ất Tỵ (1965), Người về thăm tỉnh Quảng Ninh, thăm công nhân và cán bộ Uông Bí. Người khen ngợi nhân dân Quảng Ninh, bên cạnh các thành tích về nông nghiệp, Tết trồng cây, chiến đấy chống máy bay Mỹ bắn phá, đã hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác than. Hồ Chí Minh căn dặn phải cố gắng sản xuất nhiều than hơn nữa, vì “than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp” cũng như cho xuất khẩu.
Chủ trương của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc bảo vệ và phát triển công nghiệp trong chiến tranh là một sáng tạo lớn, nó góp phần đáng kể vào việc tăng tiềm lực kinh tế – quốc phòng của ta, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và chi viện cho chiến trường miền Nam. Các mỏ than, nhất là khu mỏ Quảng Ninh, dù bị đánh phá ác liệt vẫn liên tục đẩy mạnh sản xuất. Trong những năm 1965-1968, ngành công nghiệp cơ khí, kể cả Trung ương và địa phương, năm 1967 đã tăng 40,5% so với năm 1964.
Tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ không chỉ đánh phá ác liệt các mục tiêu kinh tế, quân sự, mà còn gây nhiều tội ác nghiêm trọng đối với đời sống văn hoá, giáo dục, y tế của ta. Vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhắc các cấp, các ngành phải giúp đỡ đồng bào và các cháu đi sơ tán; nhắc “các cơ quan lương thực, mậu dịch, y tế, giáo dục cần chú ý theo sát các nơi sơ tán đề tuỳ điều kiện phục vụ cho tốt”. - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thưởng huy hiệu cho chị Nguyễn Thị Thanh, vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, đã có nhiều thành tích cố gắng khắc phục khó khăn, hăng hái tham gia lao động sản xuất, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quà cho các cháu nhà trẻ Nhà máy da Thuỵ Khuê và cho các cháu trại trẻ Xí nghiệp Giày vải.
Hồ Chí Minh nhắc các địa phương cần học tập xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã săn sóc tốt các cụ già, các cháu mồ côi và người tàn tật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thư cho các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới. Người dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn” (62). - Trong bốn năm (1965-1968) tiến hành chiến tranh phá hoại ác liệt đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã mất hơn 3.200 máy bay phản lực, hàng nghìn giặc lái, hàng trăm tàu chiến lớn nhỏ mà không đạt một mục tiêu chiến lược nào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã vượt qua mọi thử thách khó khăn, đạt được những thành tích quan trọng mà thành tích lớn nhất của miền Bắc là đã làm tròn vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.
Quân và dân miền Bắc đã thực hiện xuất sắc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (63).
3.4.2. Chỉ đạo quân và dân ta ở miền Nam đánh bại các cuộc phản công chiến lược của Mỹ:
Tháng 3/ 1965, sau khi hùng hổ nhảy vào Việt Nam, quân Mỹ mở ngay những trận đánh đầu tiên, cố đẩy quân dân ta vào thế phòng ngự. Vừa đặt chân tới Đà Nẵng, quân Mỹ chiếm đóng Núi Thành, một trong những điểm cao khống chế phía Tây căn cứ Chu Lai.
Tháng 8, chúng chủ động chọn Vạn Tường (Quảng Ngãi) làm chiến trường tác chiến để tiêu diệt quân giải phóng. Tháng 9, từ căn cứ An Khê, quân Mỹ mở cuộc hành quân lên nam Tây Nguyên, nhằm đánh đòn bất ngờ vào sau lưng đội hình chiến dịch của quân giải phóng.
Được TW Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị trước về tư tưởng và tổ chức, quân dân miền Nam bước vào cuộc chiến đấu theo phương châm nắm vững thế chủ động tiến công, phát triển quyền làm chủ rừng núi, nông thôn và xung quanh các đô thị.
Để hỗ trợ và phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, bộ đội chủ lực trên khắp chiến trường đã mở những cuộc tiến công “đánh phủ đầu quân Mỹ”. Trận thắng Núi Thành là bài học kinh nghiệm đầu tiên về việc “tìm Mỹ mà diệt, gặp Mỹ là đánh”. Trận Vạn Tường thể hiện cách “bám thắt lưng mà đánh”, khiến cho “Mỹ phải trả giá rất đắt”.
Ngoài ra, ở chiến trường Nam Bộ, Trị Thiên, quân dân ta cũng thu được những thắng lợi ở Đất Cuốc (Biên Hoà, nay thuộc Đồng Nai), Dầu Tiếng, Bầu Bàng (Thủ Dầu Một, nay thuộc Bình Dương).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời biểu dương quân dân miền Nam, những chiến công làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè thế giới.
Dù thất bại nặng nề trong bước đầu đưa quân vào miền Nam, đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Đầu năm 1966, quân Mỹ đã mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất vào mùa khô 1965-1966 trên một không gian rộng lớn từ miền Đông Nam Bộ đến Khu V, với một lực lượng lớn nhất trên chiến trường Đông Dương từ trước tới nay.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta ở miền Nam đã “đánh lớn, tháng to”, làm thất bại hoàn toàn cuộc phản công mùa khô lần thứ nhất của Mỹ. Đây là thất bại có tính chất chiến lược, khiến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải thừa nhận: “Đến giữa năm 1966, tình hình đã trở nên rõ ràng là sức mạnh quân sự của Mỹ không thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam” (64).
Sau thất bại trong cuộc phản công mùa khô (1965-1966), quân Mỹ lại tiếp tục đưa quân vào miền Nam, mở các cuộc hành quân bắn phá ác liệt vùng giải phóng. Tướng Oétmôlen (Westmoreland) yêu cầu Oasinhton tăng quân, được Tổng thống Giônxơn chấp nhận. Cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của địch được bắt đầu từ giữa tháng 9 năm 1966. Chúng mở 895 cuộc hành quân lớn nhỏ, trong đó có 3 cuộc hành quân then chốt là áttônbixơ, Xêđaphôn, Gianxơn Xiti.
Dưới sự lãnh đạo và động viên của TW Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân miền Nam đã mở hành loạt trận phản công, đánh ngay trên địa bàn hành quân, ở vùng sau lưng địch và đánh thẳng vào cơ quan đầu não của chúng, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch “tìm diệt” và “bình định” của địch trong mùa khô năm 1966-1967.
Quân, dân ta đã làm chủ vùng nông thôn rộng lớn (kiểm soát 540 ấp trong tổng số 16293 ấp toàn miền Nam), đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đi vào bề sâu hơn, làm cho tình hình chính trị, xã hội của chế độ nguỵ thêm rối ren. Cuộc phản công của Oétmôlen buộc phải chấm dứt.
Tháng 9-1967, Đại hội bất thường của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam họp và thông qua Cương lĩnh chính trị nhằm mở rộng khối đoàn kết dân tộc thống nhất, đẩy mạnh kháng chiến, kiên quyết thực hiện độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.
Ngày 6-9-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhân dịp Mặt trận Dân tộc giải phóng công bố bản cương lĩnh chính trị này. Hồ Chí Minh nêu rõ “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta … Dù giặc Mỹ hung hăng đến đâu, sức mạnh đoàn kết vĩ đại của chúng ta nhất định sẽ thắng chúng” (65).
Bị sa lầy và thất bại ở miền Nam, nền kinh tế Mỹ trong năm 1967 bị suy thoái nhanh chóng, nhưng do sức ép mạnh của phái hiếu chiến, Tổng thống L.B.Giônxơn vẫn quyết định đưa thêm quân vào miền Nam Việt Nam, xúc tiến kế hoạch phản công chiến lược lần thứ ba vào mùa khô năm 1967-1968.
Tháng 12-1967, Bộ Chính trị BCH TW Đảng khoá III họp, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân tích tình hình trong nước và thế giới, quyết định dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa nhằm tiêu diệt và làm tan rã địch, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, đập tan ý chí chiến lược của chúng, “đạt được những mục tiêu trước mắt của cách mạng miền Nam là “độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà”(66).
Để nghi binh, thu hút địch và chuẩn bị cho cuộc tiến công sắp tới, đêm 20-1-1968, quân ta bất ngờ tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Xanh và tuyến phòng thủ đường 9.
Đòn tiến công Khe Xanh đã làm cho quân Mỹ lạc hướng đề phòng, tạo được yếu tố bí mật và ý đồ chiến lược của ta trong việc tổng tiến công và nổi dậy đúng vào đêm 30, rạng ngày 31-1-1968 (tức trước đêm giao thừa 1 ngày, theo lịch mới được công bố ở miền Bắc trước đó). Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã làm cho Nhà Trắng, Lầu Năm Góc hoảng sợ, thế giới vô cùng kinh ngạc và khâm phục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi sát, động viên kịp thời cuộc chiến đấu sôi động và rất quyết liệt của quân và dân ta tại Huế. Ngay từ đêm 31-1-1968, quân ta đã đồng loạt tiến công vào 40 mục tiêu địch trong nội và ngoại thành Huế, nhân dân nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi, Người gửi thư khen đồng bào chiến sĩ miền Nam và làm thơ khen tặng 11 nữ dân quân Huế đã chiến đấu vô cùng anh dũng(67).
Sau đợt 1 tổng tiến công và nổi dậy, các đơn vị đánh vào các thành phố và thị xã rút về căn cứ để củng cố lực lượng và chuẩn bị cho các đợt tiến công sau. Ngày 21-4-1968, Bộ Chính trị trên cơ sở xem xét tình hình đã quyết định mở tiếp đợt 2 vào rạng sáng ngày 5-5-1968. Cuộc tiến công bước đầu thu được một số thắng lợi ở Sài Gòn-Gia Định, nhất là mật trận Khe Xanh- Đường 9.
Sau 170 ngày đêm tiến công và vây hãm, ngày 8-7-1968, quân ta kiểm soát và làm chủ trận địa Khe Xanh. Ngày 13-7-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng đến Uỷ ban TW Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Người đánh giá trận chiến Khe Xanh là “một thất bại lớn của Mỹ, một thắng lợi lớn của ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn dành cho nhân dân miền Nam những tình cảm yêu thương nhất. Người gửi thư khen ngợi nhân dân miền Nam trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh ngày 2- 9 “Đã mở hàng trăm cuộc tiến công và nổi dậy ở khắp miền Nam và đã thu được nhiều thành tích vẻ vang” (68).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi điện thân thiết thăm hỏi đồng bào ở Trung và Nam Trung Bộ bị bão, lụt gây thiệt hại nặng nề, trong khi quân thù điên cuồng đánh phá miền Nam. Vào thời gian này, dù tuổi đã cao, sức khoẻ đã yếu nhiều, Hồ Chí Minh vẫn theo dõi thường xuyên tin tức chiến thắng ở miền Nam và mong muốn được vào thăm đồng bào chiến sĩ trong ấy, để động viên quân dân ta chiến đấu giành được nhiều thắng lợi hơn nữa.
Để thực hiện ý định đó, Hồ Chí Minh đã tích cực tập luyện nâng cao thể lực để đáp ứng yêu cầu của chuyến đi dài ngày và gian khổ này.
Sự chỉ đạo và động viên kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng làm cho quân. dân ta ở miền Nam tin tưởng, phấn khởi, ra sức đánh giặc cứu nước.
Thắng lợi to lớn của quân dân hai miền Nam-Bắc, đặc biệt là thắng lợi oanh liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt từ Tết Mậu Thân (30-1 đến cuối tháng 9-1968) đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của chúng.
3.4.3. Đẩy mạnh và mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè khắp năm châu bằng các hoạt động đối ngoại:
Chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc đồng thời cũng là nghĩa vụ quốc tế cao cả của nhân dân ta. Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè khắp năm châu đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ta là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Đối với Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoan nghênh những chủ trương tích cực của Ban lãnh đạo Liên Xô trong việc ủng hộ và viện trợ cho Việt Nam chống Mỹ.
Người đã cử những đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta sang Liên Xô để cảm ơn và trình bày rõ đưòng lối chống Mỹ, giải phóng miền Nam mà không để bùng lên thành chiến thế giới, hơn thế nữa, còn góp phần bảo vệ hoà bình thế giới.
Người đánh giá cao hiệu quả to lớn của sự viện trợ mà Liên Xô dành cho Việt Nam, đánh giá cao sự đóng góp của Liên Xô đối với phong trào cách mạng thế giới cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới. Người luôn luôn nhấn mạnh vai trò của Lênin và Cách mạng Tháng Mười đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc thuộc địa và quần chúnglao động bị áp bức, bóc lột, trong đó có nhân dân Việt Nam:
“Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của cách mạng tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã dành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam dối với cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc” (69).
Do những đóng góp to lớn của Người vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị vĩ đại với Liên Xô và nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Người huân chương Lênin cao quý nhất của Liên Xô nhưng Người đã phát biểu ý kiến của mình như sau:
“Lúc này giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ Quốc Việt Nam chúng tôi. Chúng đang giết hại một cách cực kỳ dã man hàng vạn đồng bào tôi ở miền Nam cũng như ở miền Bắc… Trong lúc đó, riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lênin thì lòng tôi không yên chút nào.
Vì lẽ đó, tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng xin các đồng chí tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước, tôi sẽ đại diện cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại” (70).
Về quan hệ với Trung Quốc, trên cương vị vừa là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời vừa với tư cách là bạn bè thân thiết của nhiều nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, tình cảm chân thành và cách ứng xử ngoại giao tinh tế của Người đã tranh thủ được tình cảm yêu mến và kính trọng đặc biệt của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc.
Song song với những hoạt động trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Đảng và Nhà nước ta nhằm xây dựng mối quan hệ rộng rãi với nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhân sĩ, trí thức, chính khách, nhà văn hoá có tên tuổi để hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta chống Mỹ xâm lược.
Tháng 3/1965, nhân dịp Hội nghị nhân dân Đông dương khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chào mừng và tỏ lòng tin tưởng rằng: “Nhân dân ba nước anh em Việt Nam, Campuchia và Lào đã luôn luôn cùng nhau sát cánh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mở rộng do Mỹ gây ra nên, nhân dân ba nước chúng ta đoàn kết chặt chẽ chống đế quốc Mỹ, thì chúng ta nhất định thắng ta nhất định thắng lợi”(71).
Cùng với hoạt động ngoại giao của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân dưới nhiều hình thức. Khi nhận được tin Huân tước Bectơrăng Rutxen(Bertrand Rusell), nhà triết học, chiến sỹ hòa bình Anh lập ” Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”, Người đã gửi tới Cụ bức điện, đánh giá đó là sáng kiến” có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công lý và quyền tự quyết của dân tộc.
Tòa án sẽ góp phần thức tỉnh lương tri của nhân dân các nước chống đế quốc Mỹ, kẻ thù số một của loài người và hòa bình thế giới”(72). “Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” đã họp phiên đầu tiên tại Xtốckhôm, thủ đô Thụy Điển từ ngày 2-5 đến ngày 13-5-1967.
Phiên tòa do nhà triết học Pháp Giăng Pôn Xáctorơ(J.P Sartre) làm chủ tịch, có 300 nhân vật của nhiều nước trên thế giới tới dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới Ngài Giăng Pôn Xáctorơ,”cảm ơn sự ủng hộ của các vị trong tòa án quốc tế đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam”(73).
Được sự ủng hộ nhiệt tình của cả loài người tiến bộ, Tòa án quốc tế Bðcterăng Rút xen đã kết tội đế quốc Mỹ đã phạm tội ác chiên tranh, xâm lượcViệt Nam, Lào va Cămphuchia, phạm tội ác diệt chủng, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà đối với cả loài người. Đó là bản án chính trị, có tác dụng tấn công đế quốc Mỹ, góp phần làm thất bại những mưu đồ xâm lược của chúng.
Mặt khác, đó cũng là tiếng chuông thức tỉnh lương tri của nhân dân thế giới, nhất là nhân dân Mỹ và thôi thúc họ ngày càng tham gia đông đảo hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm ngăn chặn bàn tay tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược. Vì vậy, phong trào nhân dân Mỹ chống chiên tranh xâm lược ở Việt Nam đã bùng nổ và lan rộng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Ngay từ tháng 2-1965, sinh viên ở bang Caliphoocnia đã biểu tình chống ném bom ở miền Bắc. Tiếp đó, phong trào đấu tranh liên tiếp bùng nổ ở nhiều thành phố và các trường đại học, với sự tham gia ngày càng đông đảo cuả các tầng lớp nhân dân, đưa tới đỉnh cao là cuộc vận động “Ngày kháng nghị khắp cả nứơc” diễn ra ở 60 thành phố lớn, lôi cuốn hơn 10 vạn người tham gia trong thang 10 năm đó.
Chính phủ Mỹ đã điều nhiều lực lượng quân đội, cảnh sát tới đàn áp phong trào, nhưng không thể dập tắt được phong trào. Nhiều chiên sỹ hòa bình đã Mỹ đã tự thiêu, nêu tấm gương dũng cảm hy sinh để tỏ thái độ kiên quyết đòi chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như bà cụ Henga Hecdơ, Noman Morixơn, Rôgiơ Lappotơ, Xilin Giancaoxki,…
Đúng như nhà báo Mỹ Oantơ Lipman (Walter Lipman) đã nhận xét ” Lương tâm người Mỹ nổi giận …Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh không được lòng dân nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Nhân dịp đầu năm 1966 , Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới nhân dân Mỹ lời chúc mừng năm mới và bày tỏ lòng quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ vốn có truyền thống cho độc lập dân tộc và dân chủ.
Người nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, coi đó là sự “tiếp tục những truyền thống của Hoa Thịnh Đốn và Lincôn đấu tranh cho độc lập dân tộc và dân chủ”(74).
Dưới sự lãnh đạo và cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc chiến đấu anh hùng, đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân Viêt Nam chống Mỹ xâm lược đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả nhân loại tiến bộ. Đó là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử. Chưa bao giờ số phận của một dân tộc lại gắn bó với số phận chung của loài người đến như thế.
Điều đó trước hết là do tính chất yêu nước, sáng ngời chính nghĩa cũng như ý nghĩa quốc tế cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cuả nhân dân ta, đồng thời cũng là do sự chỉ đạo sáng suốt, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, một nhân tố mà Mỹ không lường hết được khi lao vào cuộc đụng đầu lịch sử ở Việt Nam.
(Còn tiếp…)
>> Xem tiếp Phần 4: Tiểu sử Hồ Chí Minh (Phần 4): Sống mãi trong tâm trí mỗi người con của mảnh đất hình chữ S thân yêu