Napoleon Bonaparte được đánh giá là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử Pháp. Ông đã giành nhiều chiến thắng vang dội suốt sự nghiệp cầm quân của mình, để lại dấu ấn không nhỏ trong lịch sử. Một trong số đó là trận Austerlitz ở Áo, khi chiến thuật tưởng như là “sai lầm cơ bản” của ông lại trở thành chìa khóa làm nên chiến thắng.
Napoleon là hoàng đế Pháp và vua của Italy vào thời điểm Chiến tranh Liên minh thứ ba nổ ra năm 1805. Ông hiểu rằng phải chinh phạt Áo, Nga và Phổ trước khi các nước này cùng bắt tay nhau chống lại Pháp.
Tháng 4/1805, Anh, Nga, Áo, Phổ và Thụy Điển ký hiệp ước St. Petersburg để lập liên minh đối phó Pháp. Sau khi đánh bại quân đội Áo ở Ulm và chiếm Vienna, Napoleon nhanh chóng tung đòn nghi binh với Nga và Áo. Ông giả vờ đề nghị đàm phán hòa bình, khiến đối phương tin rằng quân Pháp đã suy yếu và coi đó là thời điểm tấn công.
Ngày 2/12/1805, trận Austerlitz nổ ra. Quân đội Pháp bị liên quân Nga – Áo áp đảo về số lượng, khiến nhiều người tin rằng họ sẽ thất bại và phải tháo chạy khỏi Áo.
Để dụ địch giao tranh ở địa điểm chọn trước, Napoleon cho quân chiếm điểm cao chiến lược Pratzen án ngữ thị trấn Austerlitz. Nhưng khi liên quân Nga – Áo áp sát, Napoleon lại ra lệnh cho quân Pháp rút khỏi điểm cao quan trọng này, điều vốn bị coi là “ngớ ngẩn” trong nghệ thuật cầm quân.
Tuy nhiên, hành động của quân Pháp lại khiến Nga hoàng Aleksandr I đắc chí, cho rằng lực lượng của Napoleon đang thực sự suy yếu. Niềm tin này càng được củng cố khi Aleksandr I nhận thấy cánh phải của quân Pháp rất mỏng.
Tin rằng đây là điểm yếu nhất của đối phương, hoàng đế Nga – Áo nôn nóng xua quân tấn công vào vị trí, mà không ngờ rằng đó chính là cái bẫy Napoleon giăng ra, bởi sườn phải là một trong các vị trí mạnh nhất của quân Pháp.
Khi dồn quân tấn công cánh phải của quân Pháp, liên quân Nga – Áo để hở mặt trung tâm trên cao điểm Pratzen. Napoleon cho lực lượng đánh thẳng lên quả đồi này, cắt đôi đội hình địch, khiến quân Nga – Áo rơi vào tình thế hỗn loạn.
Bị cắt tuyến chi viện, phần lớn liên quân Nga – Áo phải đầu hàng, một số tàn quân tìm cách thoát thân qua hồ băng Satschan nhưng bị pháo binh Pháp bắn chặn đường rút. Phần lớn số lính này chết đuối do lớp băng trên mặt hồ bị vỡ vụn.
Liên minh Nga – Áo thảm bại trong trận chiến tưởng như không thể thua, trong khi Napoleon trở thành bậc thầy về nghệ thuật quân sự của châu Âu.