Ít ai ngờ rằng, Thomas Edison từng có một tuổi thơ đầy sóng gió. Từng bị đuổi học vì quá “ngu dốt” và lơ đãng trong lớp, ông đã trở thành nhà phát minh của mọi thời đại nhờ cách dạy dỗ của mẹ. “Mẹ là người tạo ra tôi”, Thomas Edison nói về người khiến mình từ chỗ bị xem là đứa trẻ đần độn đến nhà phát minh của mọi thời đại.
Tuổi thơ cơ cực của Thomas Edison
Thomas Edison sinh tại Milan, Ohio, là người con thứ 7 của ông Samuel Ogden Edison, Jr (1804 – 1896) và bà Nancy Matthews Elliott (1810–1871). Dù có vẻ ngoài kháu khỉnh, đáng yêu nhưng tuổi thơ của Edison lại bị nhiều người ghét bởi… hỏi quá nhiều. Trong khi những đứa trẻ khác còn đang ham chơi thì Edison lại luôn tò mò về mọi thứ xung quanh và muốn hiểu thấu đáo.
Thầy giáo của Edison thậm chí từng than phiền: “Edison không chịu học hành mà luôn làm phiền người khác bằng những câu hỏi chẳng đâu vào đâu. Hôm qua cậu ta còn hỏi: Tại sao 2 cộng 2 lại bằng 4? 2 cộng 2 tất nhiên là bằng 4, lại còn hỏi vớ vẩn gì nữa. Cậu ta chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các bạn khác mà thôi!”.
Thomas Edison biết mình bị giáo viên xem là có vấn đề về tâm thần. Trong lớp học của những năm 1800, Thomas Edison gặp nhiều khó khăn trong học tập bởi mắc chứng khó đọc. Rất ít người biết về chứng bệnh này vào thời điểm đó. Phải đến đầu những năm 1900, tức hàng chục năm sau khi Edison rời trường, những nghiên cứu đầu tiên về chứng khó đọc mới được thực hiện.
Theo ghi chép của Quỹ Giáo dục Kinh tế, năm 1854, thầy Reverend G. B. Engle đã miệt thị học sinh 7 tuổi Thomas Alva Edison là kẻ đần độn, tâm thần. Edison đã rời trường Port Huron, Michigan, ngôi trường chính thức đầu tiên cậu bé theo học.
Reverend G. Engle, thầy giáo của Edison đã cùng vợ mình dạy bọn trẻ nhớ bài bằng cách đọc to lên. Khi một đứa trẻ quên mất câu trả lời, hoặc không học thuộc đủ tốt, thầy Reverend đánh nó bằng roi da. Vợ ông cũng tán thành cách giáo dục này với suy nghĩ đòn roi sẽ giúp hình thành thói quen học tập cho bọn trẻ. Đòn roi của bà thậm chí còn nặng hơn cả chồng.
Edison bối rối bởi cách dạy học này. Cậu bé không thể học trong nỗi sợ hãi. Cậu cũng không thể ngồi yên và ghi nhớ. Cậu thích nhìn ngắm mọi thứ bên ngoài và đặt câu hỏi. Nhưng Reverend Engle bực tức với các câu hỏi của Edison. Vì lý do này, cậu không học được bao nhiêu từ trường học trong mấy tháng đầu và luôn đạt điểm kém.
Sau này, khi chia sẻ về kinh nghiệm học tập, ông cho biết: “Tôi nhớ rằng mình chưa bao giờ tiến bộ ở trường. Tôi luôn đội sổ, cảm thấy các giáo viên không có cảm tình với mình, và bố tôi nghĩ tôi thật sự ngu ngốc”.
Người mẹ tuyệt vời của Thomas Edison
Bà Nancy Elliott Edison, mẹ của Edison là người Canada gốc Scotland, là 1 giáo viên. Bà sinh được 7 người con, Edison là con út. Bà đã có công rất lớn trong việc tạo nền tảng vững chắc để cho Edison sau này có thể tiến xa trên con đường khoa học và trở thành nhà phát minh lớn nhất của thế kỷ.
Thương gia Thomas Edison là một cậu bé rất hiếu động và thích khám phá thế giới xung quanh cũng như nhiều đứa trẻ, cậu thường đặt ra nhiều câu hỏi tại sao. Trước những câu hỏi của con, trong khi nhiều bậc phụ huynh sẽ tỏ ra khó chịu hay thậm chí là mắng khi con hỏi nhiều hay chỉ trả lời một cách qua loa thì bà Nancy, mẹ cậu thường kiên trì giảng giải tỉ mỉ và còn kích thích thêm sự tò mò của đứa con.
Thương gia Thomas Edison cũng thường phá tung những món đồ chơi của bản thân rồi chăm chú nghiên cứu và lắp ráp chúng lại theo những cách khác nhau. Cha của Edison cảm thấy phiền lòng, nhưng mẹ ông thường xoa dịu ông bằng những câu nói ngọt ngào: “Anh à, con trai của chúng ta chỉ muốn xem cách thức hoạt động của các loại đồ chơi thôi mà. Trẻ con thích nghiên cứu tìm tòi cũng là một điều tốt đấy”.
Trong khi cả nhà trường và thầy giáo thì luôn cho rằng Edison học kém và có vấn đề về đầu óc, thì bà Nancy vẫn có một niềm tin mạnh mẽ ở ông và không ngừng khẳng định ông là người thông minh. Điều này là vô cùng quan trọng đối với thành công của con cái sau này. Bố mẹ cần tôn trọng trẻ và giúp trẻ ý thức được giá trị của chính mình, nó sẽ giúp trẻ trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn và mạnh dạn hơn.
Bà chỉ cố gắng kích thích sự hứng thú của con bằng cách đọc cho con nghe những tác phẩm văn học xuất sắc. Mẹ của nhà khoa học Thomas Edison đã mua cho ông một cuốn sách giải thích và hướng dẫn cách thực hiện những thí nghiệm khoa học ở nhà có tên “School of Natural Philosophy” của tác giả R.G.Parker. Edison đã từng chia sẻ rằng đó chính là quyển sách về khoa học đầu tiên mà ông đọc lúc còn nhỏ.
Nó đã giúp việc học của nhà khoa học Thomas Edison trở nên thú vị hơn rất nhiều, và ông đã làm hết tất cả những thí nghiệm có trong cuốn sách. Sau khi thấy con đã nghiền ngẫm hết cuốn sách, bà Nancy lại mua cho con một quyển Từ điển khoa học để khuyến khích niềm đam mê của con.
Lời nói dối tạo nên vĩ nhân
Năm 7 tuổi, Edison khi ấy theo học tại trường tiểu học Port Huron, bang Michigan. Một hôm, cậu nhận được một mẩu giấy từ thầy giáo, yêu cầu mang về nhà cho mẹ đọc.
Bà Nancy nhanh chóng mở ra xem nhưng vừa đọc xong thì bật khóc nức nở. Sau đó, bà cố gắng giữ bình tĩnh đọc cho con nghe: “Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này và giáo viên của chúng tôi không đủ khả năng để đào tạo cậu bé. Bà hãy tự dạy dỗ con trai mình”.
Bà Nancy đã đưa cậu trở lại vào ngày hôm sau để thảo luận với thầy Reverend, tuy nhiên bà nổi giận với sự cứng nhắc của ông. Cả hai đã đến trường để tìm kiếm một lời xin lỗi. “Con trai tôi không đi thụt lùi, tôi tin như thế”, bà Edison nói. Bất chấp những nỗ lực của mẹ, vợ chồng ông Reverend không thay đổi suy nghĩ về học trò. Cuối cùng, bà Edison nhận ra mình nên làm gì. “Được rồi, tôi sẽ tự dạy nó ở nhà”, bà tuyên bố.
Edison không tin vào tai mình. Cậu bé nhìn mẹ, người phụ nữ đã đặt niềm tin ở mình và tự hứa với bản thân sẽ khiến mẹ tự hào. Cuối đời, Edison đã nói: “Mẹ là người tạo ra tôi. Bà khiến tôi cảm thấy có động lực sống, là người khiến tôi luôn cố gắng để không gây thất vọng”.
Bà quyết định sẽ giáo dục con trai tại nhà, từ bỏ ngôi trường mà Edison mới theo học 3 tháng. Mặc dù Edison dường như có tham dự 2 trường học khác trong thời gian ngắn, song thiên tài này dành phần lớn tuổi thơ học tập ở nhà dưới sự hướng dẫn của mẹ.
Sau khi cho Edison nghỉ học, mẹ cậu bỏ ra nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày để dạy cậu. Bà cũng truyền cho Edison niềm đam mê đọc sách. Chỉ trong vòng 6 năm, mẹ Edison đã truyền lại cho con tất cả kiến thức lịch sử, văn học, khoa học, nghệ thuật…Bên cạnh đó, bà luôn nhắc nhở Edison các đức tính thật thà, ngay thẳng, tự tin, cần cù, lòng ái quốc và tình yêu nhân loại. Edison học hành tiến bộ nhanh khiến cha ông rất hài lòng và thường xuyên cho con tiền mua sách.
Năm 1871, bà Nancy qua đời. Lúc này Edison đã có những thành tựu đáng để trong sự nghiệp khoa học của mình. Sự ra đi của mẹ là mất mát không thể nào bù đắp của nhà phát minh thiên tài. Trong khi dọn dẹp những đồ đạc, tài liệu của mẹ, Edison tình cờ phát hiện một bí mật động trời.
Theo đó bà Nancy đã giấu giếm con trai một bí mật trong hơn 20 năm, đó chính là về nội dung thực sự trong lá thư năm xưa của thầy giáo. Thay vì những lời ngợi khen thì khi ấy những điều giáo viên đã viết chua chát vô cùng: “Con trai ông bà là đứa trẻ đần độn. Chúng tôi không chấp nhận cho cậu bé đến trường nữa”.
Vì lo sợ con trai trở nên tự ti, trở nên rụt rè, buồn bã nên bà Nancy quyết định nói dối con. Khi cả thế giới quay lưng với Edison, bà quyết định dùng niềm tin, tình yêu của mình để dạy dỗ con nên người. Người mẹ vĩ đại này đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho con trai, bao bọc, che chở và là người thầy suốt đời của ông. Cuối cùng bà Nancy đã chứng minh cho cả thế giới thấy, họ đã đánh giá sai về con trai bà.
Có thể nói thành công của Edison một phần lớn thuộc về công lao của mẹ. Nếu không có mẹ, chưa chắc ông đã lớn lên bình thường và trở thành nhân tài kiệt xuất đến thế. Sau này, Edison đã khóc rất nhiều khi nhớ vào câu chuyện trên và viết vào cuốn sổ của mình: “Thomas Alva Edison là đứa trẻ đần độn. Nhờ người mẹ anh hùng mà đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.
Thomas Edison thành công nhưng luôn nhớ về mẹ
Trở thành một người đàn ông vĩ đại của nhân loại nhưng Edison chưa một lần quên công ơn to lớn của mẹ mình. Trong cuốn tiểu sử cuộc đời mình cũng như rất nhiều bài phỏng vấn khác nhau, Edison luôn nhắc về mẹ với tấm lòng thành kính. Đối với ông, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời, người đã khiến ông tự hứa với bản thân rằng cần phải làm điều gì đó để bà luôn tự hào về con trai mình.
“Mẹ có sức ảnh hưởng sâu sắc trong suốt cuộc đời tôi. Tôi đã luôn là một đứa trẻ bất cẩn, và với một người mẹ có tính khí khác nhau thì đáng lẽ tôi đã trở nên hư hỏng. Nhưng chính sự kiên định, ngọt ngào và dịu dàng của mẹ đã tạo nên sức mạnh to lớn để giữ tôi bước đi trên con đường ngay chính. Chính mẹ đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi và tôi cảm thấy rằng tôi có điều gì đó để sống, một ai đó mà tôi không thể làm cho thất vọng”, Edison nói.
Matthew Josephson, tác giả cuốn tiểu sử về Edison, đã viết về bà Nancy như sau: “Bà không ép buộc hay khuyên con trai học hành. Bà chỉ cố gắng kích thích sự hứng thú của con bằng cách đọc cho con nghe những tác phẩm văn học xuất sắc. Bà ấy là một người mẹ tuyệt vời”.
Thomas Edison qua đời ở tuổi 84. Những năm tháng cuối đời, ông Edison cũng từng chia sẻ: “Mẹ tôi chính là người đã làm nên con người tôi. Mẹ luôn tin tưởng và biết tôi sẽ làm được. Chính điều đó đã giúp tôi có niềm tin vào cuộc sống và không bao giờ khiến tôi thất vọng”.
Tổng hợp.