Tái tạo chân dung đích thực của vua Quang Trung vẫn là bài toán chưa có lời giải với các nhà nghiên cứu lịch sử, bởi những tư liệu về nhà vua đã bị phá hủy gần hết.
Sau khi bài viết về chân dung được cho là của vua Quang Trung qua bức vẽ của hai họa gia đời nhà Thanh khi vua sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790) gây ra nhiều tranh cãi, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đưa ra những kiến giải xoay quanh câu chuyện này.
Trong sách sử Việt Nam, hình tượng vua Quang Trung – huyền thoại của dân tộc là một dũng tướng, giỏi tài thao lược, đánh giặc “giòn” như chẻ tre. Nói như nhà nghiên cứu Lê Nguyễn tại TP.HCM: “Từ lâu nay ở cả hai miền Nam – Bắc, hình tượng vua Quang Trung được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: tượng, tranh vẽ, tiền giấy… tất cả toát lên sự rắn rỏi, kiêu hùng của một dũng tướng.
Vì thế, khi nhìn thấy bức chân dung được cho là của vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ, cảm giác chung của công chúng đa phần đều hụt hẫng, giữa một bên là hình ảnh kiêu hùng được vẽ theo trí tưởng tượng của các họa sĩ để tưởng nhớ, tôn thờ một anh hùng dân tộc, một bên là chân dung được cho là của họa sĩ nhà Thanh, vẽ theo thủ pháp hội họa của thế kỷ 18 tại Trung Hoa”.
Vì vậy, cơ sở nào để một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là vua Quang Trung và việc nhận diện chân dung thật cũng từng làm “đau đầu” các nhà sử học Việt Nam.
Những kiến giải về chân dung gây tranh cãi của vua Quang Trung
Trong cuốn Đi tìm chân dung vua Quang Trung (do NXB Tổng hợp TP.HCM) vừa ấn hành, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính cho rằng có những đặc điểm đáng ghi nhận: “Theo hình vẽ đã nêu, vua Quang Trung đội mũ xung thiên là mũ của vua chúa nước ta thời đó. Ngay bên bức chân dung là bài thơ ngự chế (và cũng là ngự bút) của vua Càn Long, khi vua Quang Trung vào bệ kiến, thi hành lễ “ bão kiến thỉnh an” ngày 11 tháng bảy năm Canh Tuất (1790), với hai dấu ngọc tỉ ngay chính giữa theo bề ngang, một trên một dưới. Chếch bên trái còn một dấu thứ ba là dấu Thái thượng hoàng đóng sau này khi vua Càn Long đã nhượng đế để xác nhận đây là tranh được treo trong bảo tàng riêng của vua cha”.
Đối chiếu với các nguồn tư liệu khác nhau, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính phát hiện: “Ngọc tỉ đóng ngay chính giữa trên đầu bức tranh là Bát trưng mạo niệm chi bảo. Quả ấn được khắc năm Canh Tuất để đánh đấu Đại khánh vua Càn Long đúng 80 tuổi, cũng là năm vua Quang Trung sang dự lễ. Con dấu thứ hai là nằm chếch sang bên trái là ngọc tỉ Thái thượng Hoàng đế chi bảo được khắc khi vua Càn Long nhường ngôi cho Vĩnh Diễm lên làm Thái thượng Hoàng năm 1796. Con dấu thứ 3 ở trên cùng nhận ra được là ngọc tỉ Ngũ phúc ngũ đại đường cổ hi thiên tử bảo đều là những bảo vật riêng của vua Càn Long coi như dấu ấn cuối đời”.
Về bài thơ ở phía trên bức chân dung, theo tác giả cuốn sách thì đúng thông lệ, khi vẽ những hình đại thần, tướng lĩnh để treo trong Tử Quang Các, vua Càn Long thường tự để một đoạn văn khen ngợi hay một bài thơ. Riêng trên bức tranh này, ông dùng ngay bài thơ Hoàng đế làm khi vua Quang Trung vào bệ kiến lần đầu, hành lễ “bão kiến thỉnh an”. Bài thơ được tác giả Nguyễn Duy Chính dịch nghĩa như sau: “Kẻ phiên thuộc ở ngoài đến chúc thọ trong khi đang đi tuần/Mới gặp lần đầu mà như người thân đã biết từ lâu/Từ xưa đến nay chưa từng nghe người ở Tượng quốc đến/Việc triều trước đòi người vàng thật là đáng khinh”.
Còn theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn: “Khi ấy vua Càn Long cũng đã 80 tuổi nên cuộc gặp gỡ của hai ông vua rất thân tình. Nhờ đó mà sau chuyến đi của Quang Trung – Nguyễn Huệ, việc bang giao, mở cửa làm ăn với Trung Hoa rất thuận lợi, mở ra một giai đoạn mới vô cùng thuận lợi trong mối quan hệ với phương Bắc”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính cho biết thêm: “Một người có mặt trong đoàn của ta là Phan Huy Ích (39 tuổi) cũng mang về một bức truyền thần (nay đã thất lạc) được in lại trên bìa quyển Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn”.
Vậy bức tranh được vẽ khi nào? Căn cứ vào Thanh cung Nội vụ phủ Tạo biện xứ đáng án tổng hối (trang 30-34) thì công việc thực hiện khoảng từ ngày 20 tháng tám năm Canh Tuất đến khoảng 13 tháng mười cùng năm. Ngày 20 tháng tám chính là ngày vua Quang Trung tâu với vua Thanh xin từ biệt về nước và do không kịp nên dịch trạm đuổi theo và trao bức tranh khi phái đoàn ta về tới Nam Quan.
Sở dĩ biết được chi tiết thú vị này, là nhờ vào lá thư của vua Quang Trung gởi Phúc An Khang (một quan dưới thời vua Càn Long) trên đường đi. Bức thư có đoạn viết: “ Đại hoàng đế nghĩ xuống đường sá xa xôi gởi ban cho một hộp bánh sữa, một hộp mức trái cây và một cuộn tranh vẽ dung nhan quê mùa của kẻ hèn này” (Phan Huy Ích, Dụ am văn tập). Như vậy, có thể thấy vua Quang Trung đã từng nhận, xem và có hồi âm về bức tranh của nhà Thanh vẽ “dung nhan quê mùa” của mình.
Theo Thanh niên