Nguyễn Trãi và hơn 400 người trong gia tộc bị tru di, vợ ông Nguyễn Thị Lộ còn bị dìm chê’t dưới đáy sông Hồng – vụ kỳ án Lệ Chi Viên có thể nói là thảm án gây chấn động trong lịch sử Việt Nam phong kiến, mà đến nay, đã hơn 5 thế kỷ trôi qua, sự thật vẫn còn bỏ ngỏ.
>> Xem lại: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (P1): 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng “rắn thành tinh”?
>> Xem lại: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (P2): Nguyễn Thị Lộ, hung thủ hay cũng là nạn nhân?
>> Xem lại: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (P3): Bí ẩn người hầu hạ thuốc men cho vua
Những cáo buộc nhắm vào Nguyễn Thị Anh trở nên vững chắc nhờ lời khai của Đinh Liệt – người đã kinh qua 5 triều đại: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Lệ Đức hầu và Thánh Tông, từng 2 lần công thần: công thần khai quốc và công thần tĩnh nạn (đánh dẹp Lê Nghi Dân, tôn phò Lê Thánh Tông). Trong số 5 người có công phò Nhân Tông lên ngôi cũng có tên của Đinh Liệt. Vậy nhân vật quan trọng này có vai trò gì trong vụ án Lệ Chi viên?
Người tạo ra oan án Lệ Chi viên
Tư tưởng xuyên suốt của Đinh tộc ngọc phả khi nói về quan hệ giữa Đinh Liệt và Nguyễn Thị Anh là tâm thế đối đầu quyết liệt. Trong đó, Nguyễn Thị Anh được miêu tả tà ác, Đinh Liệt là thiện nhân. Đinh Liệt tự mô tả mình như một người tốt nắm rõ mọi việc nhưng đứng ngoài dòng chảy sự việc. Nhưng lạ lùng là người tốt, sáng suốt này lại hùa theo 4 người còn lại, đón lập một kẻ mà ông biết rõ không phải là dòng dõi của tiên đế lên ngôi, tạo ra cục diện mà tự ông đã nhận định là “hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh”. Một động thái hết sức khó hiểu.
Người đỗ cùng khoa thi với Nguyễn Trãi là Lý Tử Tấn khi viết bài bạt cho sách Dư địa chí của… bạn mình, cũng đã hé lộ sự dính líu của Đinh Liệt với vụ án Lệ Chi viên. Ông viết: “Ức Trai dâng vua sách này, Thái Tông khen ngợi, sai thợ khắc in để ban hành. Gặp lúc vua Đông tuần mà mất, triều đình bàn luận rằng Ức Trai phu nhân Nguyễn Thị Lộ giết vua, tội đến ba họ. Đại Tư đồ Lê Liệt sai thợ hủy bản sách ấy đi. Sau Nhân Tông lớn tự coi chính sự.
Lê Liệt bị tội giam vào hầm đất. Vua đến Bí Thư các xem sách vở, được di bản của Ức Trai, bèn nói với quần thần: Nguyễn Trãi trung thành, phò Thái Tổ dùng võ dẹp loạn, giúp Thái Tông lấy văn trị bình. Văn chương, đức nghiệp, danh tướng triều ta không ai bì được. Chẳng may, thê thiếp gây chuyện mắc tội thật là đáng thương. Rồi để sách này ở nơi ngự tẩm, xem là chính bản”.
Lời chép của Lý Tử Tấn chính là ngầm chỉ mối liên hệ giữa Đinh Liệt và vụ án oan của Nguyễn Trãi. Tương quan giữa các sự kiện theo lời Lý Tử Tấn chính là: Nguyễn Trãi bị hại – Đinh Liệt hủy sách – Nhân Tông lớn – Đinh Liệt bị tội – công trạng của Nguyễn Trãi được khẳng định.
Bằng việc hăng hái đi tìm bản khắc sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi để hủy đã chứng tỏ Đinh Liệt là một trong những nhân vật tạo ra oan án Lệ Chi viên. Nếu là người ngoài cuộc, Đinh Liệt chẳng rảnh đến nỗi đi làm một việc chỉ có Tần Thủy Hoàng mới nghĩ đến.
Bởi Đinh Liệt là người trong cuộc, mới phải nhổ cỏ tận gốc, vừa giết người, vừa hủy cả di cảo, giống như tình cảnh mà Nguyễn Du tả trong bài thơ Độc Tiểu Thanh ký: “Chi phấn hữu thần liên tử hậu. Văn chương vô mệnh lụy phần dư”. Nàng Tiểu Thanh đã chết rồi. Phần văn chương tàn khuyết còn sót lại cũng bị đốt cho bằng hết. Chưa kể, sự xuất hiện của Đinh tộc ngọc phả còn ẩn chứa một mưu đồ khác.
Đưa lời chứng ngụy tạo
Sự kỹ lưỡng và chi tiết của Đinh tộc ngọc phả đã tạo ra cảm giác đáng tin cậy trong lòng người đọc. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong sách này lại chứng minh Đinh tộc ngọc phả là một tài liệu ngụy tạo. Nhiều bài thơ đề ngày trước năm 1442 của sách vô tư gọi Lê Nguyên Long là Tống Thai – Thái Tông, gọi Lê Bang Cơ là Nhung Tân – Nhân Tông.
Thái Tông, Nhân Tông là miếu hiệu, mà miếu hiệu thì phải sau khi chết mới đặt. Miếu hiệu của Lê Bang Cơ phải đến tháng 6 năm Đại Bảo thứ nhất (1460), Lê Thánh Tông và quần thần mới dâng miếu hiệu là Nhân Tông.
Bài chiếu của Lê Nghi Dân năm 1459 không hề gọi Bang Cơ là Nhân Tông, mà gọi là Diên Ninh. Vì năm 1459 chưa có miếu hiệu, nên gọi vua bằng niên hiệu, như trường hợp Khang Hy, Càn Long, Gia Long, Minh Mạng. Ấy vậy mà hơn 20 năm trước, từ 1440 – 1441, Đinh Liệt đã xem thiên văn, bấm ngón tay, gieo quẻ hoặc làm một phương pháp bí truyền nào đó mà biết được đương kim hoàng thượng khi chết sẽ có miếu hiệu Thái Tông, còn thái tử sau này sẽ có miếu hiệu Nhân Tông và vô tư… làm thơ.
Đinh tộc ngọc phả chỉ có thể được viết sớm nhất vào thời Lê Thánh Tông (nếu không phải là một ngụy tác của thế kỷ 20). Ta cũng biết rằng Lê Thánh Tông là người đã xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi. Đinh tộc ngọc phả ra đời trong bối cảnh nhiều người muốn lật lại vụ án năm xưa.
Dưới thời Lê Nhân Tông, gia tộc của Đinh Liệt cũng từng bị Thái hậu Nguyễn Thị Anh giam vào hầm đất. Vì thế, có thể thấy những ghi chép này có 2 tác dụng: một là công báo tư thù, hai là vây Ngụy cứu Triệu. Bằng việc tạo ra câu chuyện Nhân Tông không phải là con của tiên đế, mọi sự nghi ngờ đều chuyển hết sang Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh – kẻ có mối thù hầm đất với Đinh Liệt.
Vấn đề ở chỗ, nếu Đinh Liệt là thủ phạm của vụ án Lệ Chi viên, tại sao Tuyên Từ thái hậu không giết ông ta? Không công bố tất cả sự thật? Đọc lại ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư một lần nữa, chúng ta sẽ thấy khi thi hài Thái Tông được đưa vào cung, mọi người đều nói Nguyễn Thị Lộ giết vua.
Nghĩa là tin đồn đó đã được lan ra từ trong số những người đã theo hầu Thái Tông, bản thân Đinh Liệt là người ở nhà chỉ là kẻ hưởng ứng tích cực. Ở phần đầu ta đã biết, trong đêm Thái Tông chết còn có một người nữa ở bên cạnh nhà vua, đó là kẻ hiểu rõ nội tình của kỳ án này.
(Trích từ sách Mật bổn – những bí ẩn lịch sử VN cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)
(Còn tiếp…)
>> Xem tiếp: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (P5): Hung thủ thực sự là ai?
>> Xem tiếp: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (Phần cuối): Vai trò của hoạn quan