Nguyễn Trãi và hơn 400 người trong gia tộc bị tru di, vợ ông Nguyễn Thị Lộ còn bị dìm chê’t dưới đáy sông Hồng – vụ kỳ án Lệ Chi Viên có thể nói là thảm án gây chấn động trong lịch sử Việt Nam phong kiến, mà đến nay, đã hơn 5 thế kỷ trôi qua, sự thật vẫn còn bỏ ngỏ.
>> Xem lại: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (P1): 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng “rắn thành tinh”?
>> Xem lại: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (P2): Nguyễn Thị Lộ, hung thủ hay cũng là nạn nhân?
Trong đêm Thái Tông băng hà, thực ra không chỉ có Nguyễn Thị Lộ “nằm thông tiêu” với vua, mà còn có một nhân vật khác. Đại Việt thông sử cho biết người đó đã “hầu hạ thuốc men không rời lúc nào”. Người đó chính là Trịnh Khả – một công thần khai quốc, từng phò Thái Tông loại bỏ cường thần Lê Sát, Lê Ngân.
Nhân chứng không ra mặt
Về vai trò của Trịnh Khả trong thời điểm Thái Tông chết, Đại Việt thông sử cho biết: “Khi vua Thái Tông đi tuần phía đông, mắc bệnh nguy kịch; ông hầu hạ thuốc men không rời lúc nào. Vua mất, ông nhận cố mệnh, rước quan tài về kinh sư, phò lập Nhân Tông, ông được trao thêm chức Nhập nội Tư mã”.
Ghi chép của Lê Quý Đôn cho thấy Trịnh Khả là người nắm rõ nhất nội tình của vụ án, là người duy nhất ở vào thế có thể chứng minh Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi vô tội; nhưng sự tình rốt cuộc đã không diễn ra như thế. Trịnh Khả là người thân trải trăm trận, đối diện với cường thần Lê Sát mà cũng không… sợ, nên không có chuyện vì lo an nguy cho bản thân mà câm miệng không nói.
Điều này cộng với việc Trịnh Khả lại là nhân vật quan trọng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giúp ta nhận ra rằng: vụ án Lệ Chi viên sở dĩ xảy ra là có bàn tay của Trịnh Khả.
Thực vậy, thay vì lên tiếng nói rõ nội tình lúc đó, trong cung lại bắt đầu lan truyền lời đồn Nguyễn Thị Lộ giết vua, rồi vua thức suốt đêm với Thị Lộ mới băng. Rõ ràng người lan truyền tin này có ý muốn đánh gục Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Vụ án đã được xét xử hết sức nhanh chóng, thi hành án cũng nhanh không kém. Trịnh Khả là người đứng đầu nhận cố mệnh không có một động thái nào để ngăn cản. Sự dính dáng của ông với vụ án này có thể thấy rõ.
Trên thực tế, sử gia nhà Mạc – Hà Nhậm Đại là người hiếm hoi chỉ ra sự liên quan ấy. Ông cho biết: “Bọn đại thần Trịnh Khả, Nguyễn Xí cho rằng Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, bèn ra lệnh giết đi, việc liên quan đến Nguyễn Trãi nên bị tru di tam tộc”. Nguyễn Xí cũng là một trong số 5 đại thần đã phò Nhân Tông lên ngôi, bao gồm cả Đinh Liệt.
Hồng nhan họa thủy
Vấn đề là con người của Trịnh Khả không hề có dáng một gian thần chút nào. Đại Việt thông sử nhận xét: “Ông cùng với Lê Thụ là bậc tể phụ đứng đầu. Tính người thủ tín thẳng thắn, giữ phép công hết chức phận, lấy việc sửa lỗi cho vua, nhận lời chỉ bảo làm trách nhiệm của mình; hễ biết được điều gì đều bày tỏ”.
Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy Trịnh Khả là người rất có ý thức khuyến thiện trừ ác. Nói Trịnh Khả là gian thần tung tin để hãm hại trung thần Nguyễn Trãi là chuyện rất khó chấp nhận. Có điều, nếu như phải hỏi: trong mắt Trịnh Khả thì Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ có phải trung thần không? Câu trả lời e rằng không.
Với tư cách là một Lễ nghi học sĩ, Nguyễn Thị Lộ đã can dự rất tích cực vào các sự kiện chính trị dưới triều Thái Tông. Nguyễn Thị Lộ hiến kế bắt những đứa con gái ngỗ ngược, gièm pha Lê Lễ; tâu xin giảm tội cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Tất cả hoạt động đó đều phạm vào điều cấm kỵ của nền chính trị Nho giáo phong kiến: phụ nữ không được quyền can dự chính sự.
Từ đầu thời nhà Hán, người Trung Hoa đã dựa vào kinh nghiệm lịch sử, dựng lên cái gọi là “mỹ nữ họa thủy luận”. Họ cho rằng việc các triều đại Hạ, Thương, Chu mất nước đều do quân chủ các triều đại đó mê đắm nhan sắc của nữ nhân.
Quan điểm chính trị đó phần nào cũng được chia sẻ ở Đại Việt. Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính vua Tự Đức cũng từng phê rằng: Nguyễn Trãi “thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì cái vạ tru di cũng là Trãi tự chuốc lấy”. E rằng trong mắt Trịnh Khả, vấn đề cũng được nhận định tương tự như thế.
Nếu như Trịnh Khả là người đứng đầu trong số 5 đại thần cố mệnh thì thế lực chính trị của thần phi Nguyễn Thị Anh là khá yếu ớt. Nguyễn Thị Anh là mẹ của thái tử Bang Cơ, nhưng không có thế lực mạnh về chính trị. Theo bia mộ của mẹ và em trai bà, bà xuất thân trong một gia đình bình thường không có ai là quan chức. Những phi tần khác phần lớn đều có đại thần ruột thịt chống lưng, riêng thần phi Nguyễn Thị Anh trơ trọi.
Chính vì thế, khi hoàng tử Bang Cơ sinh ra, vua Thái Tông đã sai đại thần Đỗ Khuyển (tức Lê Khuyển, Đỗ Đại) bảo dưỡng cho hoàng tử. Gọi là bảo dưỡng, nghĩa là làm chỗ dựa chính trị cho hai mẹ con họ. Trong thời điểm giao thời đầy nguy ngập ấy, điều duy nhất mà bà làm được chỉ là cố tạo một liên minh chính trị với Trịnh Khả để con mình thuận lợi lên ngôi báu.
Vụ án Lệ Chi viên trên thực tế là một vụ thanh trừng quy mô lớn những người đã từng phò tá Thái Tông. Điều đáng nói là cả kẻ giết người lẫn người bị giết đều là trung thần lương đống của triều đình Lê sơ. Kẻ bị giết vì lòng trung thành mà dấn thân vào chính trị để giúp đỡ nhà vua trẻ. Kẻ giết người thì lại mang tâm thế trung thần, trừ diệt mầm họa nữ sắc để cứu vãn triều chính.
(Trích từ sách Mật bổn – những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)
(Còn tiếp…)
>> Xem tiếp: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (P4): Sự dính líu của công thần Đinh Liệt
>> Xem tiếp: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (P5): Hung thủ thực sự là ai?
>> Xem tiếp: Nguyễn Trãi và Kỳ án Lệ Chi Viên (Phần cuối): Vai trò của hoạn quan