ĐÀO SƯ TÍCH: VỊ TRẠNG NGUYÊN GIỎI ĐẾN MỨC NHÀ MINH PHẢI SÁT HẠI

Một trong những vị Trạng Nguyên của Đại Việt mà “nước to” kia sợ nhất chính là vị quan thanh liêm, tài năng, đức độ Đào Sư Tích! Ông cũng là vị trạng nguyên giỏi đến mức nhà Minh phải sát hại để trừ hậu hoạ.

Thần đồng Đào sư tích

Đào Sư Tích sinh năm 1350 tại Song Khê, Yên Dũng, Bắc Giang. Cha ông là Đào Toàn Bân, khoa thi năm Nhâm Thìn- 1352 đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan tại Thiên Trường, ông xây tư dinh tại Cổ Lễ, cách Thiên Trường hơn mười cây số (nay thuộc huyện Trực Ninh, Nam Định). Bốn tuổi, Đào Sư Tích được cha đón về Cổ Lễ để rèn rũa, bảy tuổi nổi tiếng là Thần đồng.

Hồi nhỏ, cậu bé Đào Sư Tích đi học qua đò, cô lái đò có tên là Đông, hai người cảm mến nhau, có đôi câu đối trêu đùa:

Cô lái đò tên Đông xướng:

Bến tịch mịch, thuyền tịch mịch, bé con nghe cổ tích

Cậu bé Đào Sư Tích đối lại:

Trời mênh mông nước mênh mông, quân tử đợi đò đông.
 

Khoa Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh – 1374, Đào Sư Tích thi đỗ Trạng nguyên, làm quan trải Nhập nội đại hành khiển, Thượng thư bộ Lễ. Vào năm Nhâm Thân- 1392, do ông có xem tờ biểu của Đoàn Xuân Lôi dâng vua, phê phán sách Minh Đạo của Hồ Quý Ly.

Thời này, Hồ Quý Ly đã lộng quyền, giáng chức Đoàn Xuân Lôi, cũng giáng chức luôn Đào Sư Tích. Trạng nguyên, Thượng thư bộ Lễ Đào Sư Tích phải xuống làm Trung thư thị lang đồng Tri thẩm hình viện sự. Chán cảnh rối ren, lúc đó tuổi trên bốn mươi, ông xin về quê. Trong thời gian ấy, ông lên cư ngụ tại thôn Lý Hải (tên xưa của thôn là Kẻ Muối, nay thuộc xã Phú Xuân, Yên Lạc, Vĩnh Phúc).

Thấy ông không ở Song Khê, không ở Cổ Lễ, Hồ Quý Ly cho người đi tìm, triệu ông về kinh, rồi cử ông đi sứ phương Bắc, “nếu không về sẽ bị tru di tam tộc”. Đề phòng sự bất trắc, Đào Sư Tích đã cho con cháu họ Đào đổi thành họ Dương, họ Phạm…sau này là Dương và Nguyễn, do đó bây giờ lượng người họ Đào chúng ta rất ít khi gặp là vậy. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì Đào Sư Tích đã đi sứ vào những năm 1395- 1396.

ĐÀO SƯ TÍCH: VỊ TRẠNG NGUYÊN GIỎI ĐẾN MỨC NHÀ MINH PHẢI SÁT HẠI

Vị trạng nguyên đối đáp quá hay 

Không phụ lòng đất nước, Ông đã hoàn thành sứ mệnh khi điều đình với vua Minh giảm được các điều khoản khắc nghiệt với Đại Việt, đồng thời làm trí tuệ Việt toả sáng nơi “đất khách”.

Khi gần về quê hương, vua Minh hỏi Đào Sư Tích:
“Theo khanh thì trẫm nếu đánh nước Nam thì Nam thắng hay Bắc thắng?”

Ông liền ứng đối ngay 2 câu thơ mà không cần suy nghĩ:

“Bắc thắng Nam thua, thua thua thắng.

Nam thua Bắc Thắng, thắng thắng thua!”

Các quan võ của nhà Minh tại điện cười hả hê cho rằng Đào Sư Tích biết điều, cả 2 câu đều nói nước Nam thua và Bắc thắng.

Chỉ riêng các quan văn và vua Minh sững sờ, mặt tái mét vì trong 2 câu thơ có 5 chữ thắng và 5 chữ thua, ẩn ý của ông là: “ngon thì đánh chứ đánh chưa chắc thắng đâu nha, chỉ là 5 ăn 5 thua mà thôi, chưa biết ai hơn ai đâu nha.”

Chỉ trong 1 khoảnh khắc mà ông có thể ứng đối quá hay, vừa không làm vua Minh và quần thần phải nổi giận, vừa giữ được tôn nghiêm của nước nhà.

Vua Minh lại hỏi tiếp:

Nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly chuyên quyền, lòng dân ly tán, tại sao ta lại không thắng?

Đào Sư Tích trả lời cũng bằng hai câu thơ:

Trần thực, Hồ hư, hư hư thực / Cổ lai chinh chiến thực thực hư hư. Nghĩa của câu thơ này là nhà Trần là thực, nhà Hồ chỉ là hư, hư là hư thực. Xưa nay chinh chiến thực thực hư hư.

Vua Minh biết Đào Sư Tích là người tài giỏi, không thể khuất phục được, bèn nghĩ cách hãm hại.

ĐÀO SƯ TÍCH: VỊ TRẠNG NGUYÊN GIỎI ĐẾN MỨC NHÀ MINH PHẢI SÁT HẠI

Giỏi đến mức nhà Minh phải sát hại

Ông ta sai quan đại thần tiễn Đào Sư Tích về nơi nghỉ và đưa cho vị này 4 phong thư, dặn mở theo thứ tự như thế, như thế. Mở phong thư thứ nhất thấy có dòng chữ: Thượng văn vấn, hạ tri vương. Viên đại thần nhà Minh không hiểu. Đào Sư Tích liền bảo: “Hoàng đế quá khen, cho ta là bậc thánh hiền. Ta đâu dám nhận lời khen đó”.

Ông giải thích cho viên đại thần nhà Minh rõ: Văn là nghe, nghe là tri, tri là nhĩ. Vấn là hỏi, hỏi là mồm, mồm là khẩu. Bên dưới có chữ vương. Hợp ba chữ: Nhĩ, khẩu, vương thành chữ thánh. Ý vua Minh bảo là thánh nhân.

Phong thư thứ hai có câu trả lời cho phong thư thứ nhất. Câu trả lời của Đào Sư Tích hoàn toàn đúng với đáp án. Phong thư thứ ba là sắc phong Đào Sư Tích làm Lưỡng quốc trạng nguyên.

Phong thư thứ tư có hai dòng chữ: Hậu họa. Viên đại thần hiểu rằng vua Minh lệnh cho ông hại Đào Sư Tích nên rất hoang mang, buồn bã.

Đào Sư Tích đã đoán trước việc này, liền an ủi viên đại thần: “Thánh thì thoát tục. Ông chẳng nên quá buồn rầu. Chỉ xin cho được chết bằng thuốc độc để ông khỏi phải khổ tâm khi phải trực tiếp giết ta”.

Trước khi uống thuốc độc, ông dặn dò người nhà đi theo rằng hãy đưa thi hài mình về chôn ở xứ Hạ Đồng, Cổ Lễ quê ông; ở đó có một ngôi mộ, hãy trồng cây đa ở ngôi mộ đó. Đó chính là mộ bà Lê Thị Đông, người bạn thân thiết thời thơ ấu của Đào quan trạng.

Sau khi Đào Sư Tích mất, vua Minh cho đưa thi hài ông về quê. Ngày nay, dân gian trong vùng vẫn còn lưu truyền câu: “Nhị thập tam kỵ mã Ngô Minh quân hồi hương linh cữu Lưỡng quốc trạng nguyên”; nghĩa là 23 quân kỵ mã của nhà Minh đưa linh cữu Lưỡng quốc trạng nguyên về quê.

Trong vòng 4 năm sau khi ông chết, rường cột nhà Trần cuối cùng bị mất, đến hồi suy thoái mạnh mẽ nên nhà Minh đẩy mạnh chiến tranh thôn tính Đại Việt.

Hồ Quý Ly học theo họ Tư Mã cướp ngôi nhà Tào, đổi quốc hiệu Đại Ngu, tuy có tài nhưng không có đức, không hợp lòng dân Đại Việt, dù có nhiều chính sách vượt xa thời đại lúc bấy giờ …. cuối cùng đại bại trong tay nhà Minh.

Do đó, qua lịch sử chúng ta thấy rằng hiền tài đức độ chính là sự sống của quốc gia. Dùng đúng nơi đúng chỗ thì đất nước vẹn toàn, muôn dân no ấm.

ĐÀO SƯ TÍCH: VỊ TRẠNG NGUYÊN GIỎI ĐẾN MỨC NHÀ MINH PHẢI SÁT HẠI

Ông có làm nhiều bài thơ về đất Trung Quốc: Quá Lạc Dương, Hoàng Hà… lại có một số bài thơ về một người tiểu thiếp tên là Giang Thị (về đến Quế Lâm thì chia tay)…

Tổng hợp