Albert Einstein – 1 trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại, với sự chăm chỉ, nỗ lực cả đời để đạt đến đỉnh cao của sự uyên bác cũng đã từng có thời thơ ấu dữ dội với biệt danh “cậu bé ngốc”.
Tuổi thơ dữ dội của thiên tài Albert Einstein
Ngày nay, chúng ta coi Albert Einstein là bộ óc khoa học sáng tạo nhất của thế kỷ 20. Nhưng ban đầu, Albert là học sinh chậm chạp và yếu kém, với tính hay chống đối khiến cậu suýt bị đuổi khỏi trường. Hành trình dài từ tồi tệ đến rực rỡ của cậu không dễ dàng như phép tính E=mc2.
Ngay từ khi mới sinh vào năm 1879, Albert Einstein đã là sự thất vọng lớn với cả gia đình. “Mập quá, quá mập!”. Bà ngoại thốt lên ngay lần đầu tiên thấy cháu.
Mẹ của Albert, bà Pauline Einstein, đã mất tinh thần bởi kích thước và hình dạng đầu của con mình. Đầu cậu bé dường như quá lớn và nhọn một cách kỳ quặc. Bà tự hỏi liệu đứa con mới sinh của mình có phải là thứ quái vật ngoài hành tinh.
Cuối cùng, gia đình Albert Einstein cũng thấy thoải mái hơn một chút về thành viên mới này. Một bác sĩ đã thuyết phục mẹ cậu rằng trí óc con trai bà hoàn toàn bình thường. Và sau giai đoạn sơ sinh mũm mĩm, cậu bắt đầu lớn lên và phát triển với tốc độ tương đương những đứa trẻ khác, với một ngoại lệ. Albert rất chậm biết nói.
Cha mẹ của Albert Einstein đã tham khảo ý kiến của một chuyên gia y tế để tìm hiểu xem liệu cậu có bị ảnh hưởng khả năng học tập không. Thời đó, nhiều người lầm tưởng rằng nếu một người cứ im bặt thì chắc phải có điều gì đó không ổn với họ. Người hầu gái của gia đình Einstein đã nghĩ ra một biệt danh xấu xí cho Albert. Cô gọi cậu là “der Depperte”, tiếng Đức có nghĩa là “cậu bé ngốc”.
Theo lời kể của những người trong gia đình, Albert đã phá vỡ sự im lặng kéo dài của mình vào một buổi tối tại bàn ăn bằng cách kêu lên.
Cảm thấy nhẹ nhõm vì con mình đã nói được, bố mẹ hỏi tại sao cậu chưa bao giờ lên tiếng. “Bởi vì từ trước tới giờ, mọi thứ đều ổn mà!”, Albert Einstein trả lời.
Ngay cả khi đã bắt đầu nói, Albert cũng ít khi nói những gì mọi người mong chờ ở mình. Ví dụ, khi cậu hai tuổi, lần đầu tiên cậu để mắt tới em gái Maja của mình. Cậu nghĩ cô bé là đồ chơi và hỏi: “Những cái bánh xe nhỏ của nó đâu?”.
Khi cậu nhận ra rằng em gái mình không phải là một cỗ máy cơ giới, Albert đã trở thành bạn thân nhất của Maja, và cô bé thì thành người ủng hộ anh mình nhất.
Maja thường thấy anh trai mình tự chơi, thì thầm những từ và cụm từ. Cậu đã luyện tập cho đến khi cảm thấy đủ tự tin để nói to lên.
“Mỗi câu anh ấy thốt ra”, Maja sau này nhớ lại, “bất kể được nói nhiều đến thế nào, anh ấy đều khẽ khàng lặp lại, mấp máy môi”. Albert giữ thói quen này cho đến khi lên chín tuổi.
Albert sống phần lớn thời thơ ấu tại thành phố Munich nước Đức, nơi cha cậu, ông Hermann, điều hành một công ty nhỏ chuyên về thiết bị điện cùng với người anh trai của mình là bác Jakob. Hồi nhỏ, Albert dễ nổi cáu, có lẽ là do những khó khăn cậu gặp phải trong khi nói.
Khi giận sôi lên, khuôn mặt cậu biến thành một màu trắng ma quái. Đôi khi cậu còn trút sự thất vọng của mình lên em gái. Một lần, trong cơn thịnh nộ, cậu đã ném quả bóng gỗ để chơi bowling vào Maja. Một lần khác, cậu dùng cuốc vườn đánh vào đầu em.
Khi bắt đầu đi học, Albert đã học được cách kiềm chế tính nóng nảy của mình. Nhưng cậu không bao giờ hòa đồng với các giáo viên, và nổi tiếng là một học sinh khó bảo. Cậu dành phần lớn thời gian trong lớp để nhìn chằm chằm vào không trung, suy nghĩ về bất cứ điều gì ngoại trừ chủ đề đang được dạy.
Albert đặc biệt thích làm các giáo viên của mình bối rối. Cậu hỏi họ những câu phức tạp mà cậu biết họ sẽ không thể trả lời. Thái độ và sự không vâng lời của cậu đã khiến một trong số giáo viên tuyên bố rằng Albert sẽ không bao giờ đạt được thành công trong cuộc sống.
Mẹ Albert hy vọng rằng âm nhạc sẽ đưa đến một cách giải tỏa tích cực cho con trai mình. Vì vậy, khi Albert lên năm tuổi, bà thuê một gia sư dạy cậu chơi violin.
Albert thấy những bài luyện nhạc bất tận này tẻ nhạt đến mức cậu đã ném một chiếc ghế vào cô giáo của mình, khiến cho người này phải chạy ra khỏi nhà trong nước mắt.
Câu chuyện về nỗ lực cả đời để có sự uyên bác của Albert Einstein
Albert Einstein tin rằng toàn bộ thế giới là lớp học của mình. Ông từng nói sự uyên bác không phải sản phẩm của trường học, mà cần có sự nỗ lực cả đời để đạt được.
Cuối năm đó, Albert Einstein bị ốm và phải nằm trên giường bệnh vài tuần. Để cậu đỡ chán khi hồi phục, người cha mua cho cậu một chiếc la bàn. Thiết bị chỉ phương hướng này đã hấp dẫn trí tưởng tượng của cậu theo cái cách mà chiếc đàn không làm được.
Albert Einstein bị mê hoặc bởi cách kim la bàn luôn chỉ về hướng bắc, bất kể cậu xoay nó theo hướng nào. Cha cậu giải thích rằng đó là do một lực vô hình gọi là từ tính.
Albert Einstein rất thích thú khi biết rằng có một sức mạnh vô hình trên thế giới mà sự ảnh hưởng của nó có thể quan sát và đo lường được.
“Trải nghiệm này đã gây một ấn tượng sâu sắc và lâu dài với tôi”, sau này ông nói.
“Có một điều gì đó ẩn sâu đằng sau mọi thứ trên thế giới này”. Albert Einstein đã dành hết phần còn lại của cuộc đời mình để nghiên cứu những lực bí ẩn ấy.
Cuối cùng, Albert Einstein đã tìm được một vấn đề khiến cậu quan tâm. Giờ đây tất cả những gì cậu cần là một thứ ngôn ngữ có thể giúp cậu hiểu các tính chất khoa học và truyền đạt ý tưởng của mình cho người khác. Cậu đã tìm thấy ngôn ngữ đó trong toán học.
Trong một lần tới chơi, bác Jakob nhận thấy cháu mình thích giải các bài toán trong thời gian rảnh rỗi. Mặc dù Albert còn quá nhỏ để làm các bài toán phức tạp, bác Jakob đã dạy cậu biết thêm một nhánh của toán học gọi là đại số. Họ cùng nhau giải các bài đại số phức tạp như thể đang chơi một trò chơi. Bất cứ khi nào Albert giải xong bài toán trước bác Jakob – mà thường là như vậy – cậu hét lên trong chiến thắng.
Một người khách khác tới thăm gia đình Einstein cũng chú ý đến tình yêu những con số của Albert Einstein. Max Talmey, một sinh viên y khoa trẻ tuổi, thường đến ăn tối với gia đình vào thứ năm. Trong một lần đến chơi, Max đã tặng Albert một cuốn sách hình học. Không lâu sau đó, Albert Einstein đã cày xới toàn bộ cuốn sách, giải được hết mọi bài toán.
Đột nhiên, Albert Einstein có một sở thích mới: Thế giới của hình và góc. Mỗi thứ năm khi Max đến, Albert khoe với anh những bài toán mà mình đã hoàn thành. Sau hình học, Albert Einstein chuyển sang những thứ to lớn hơn, hay ho hơn (và cũng phức tạp hơn): Giải tích.
Mặc dù Max hơn Albert mười tuổi, nhưng anh sớm thấy mình bị cậu học trò mười tuổi vượt qua.
“Tầm cao năng lực thiên tài toán học của cậu ấy lớn đến mức tôi không thể theo được nữa”, sau này Max thú nhận. Anh bắt đầu cho Albert mượn những cuốn sách về các chủ đề khác, như vật lí và triết học, để cố gắng lấp đầy bộ não đang phát triển nhanh chóng của cậu bé.
Càng học nhiều Albert Einstein càng muốn học. Cậu thậm chí còn quay trở lại với âm nhạc. Bây giờ cậu đã hiểu toán học và âm nhạc có liên quan với nhau như thế nào, các nốt và thang âm dường như không còn quá nhàm chán với cậu nữa. Cậu bắt đầu học lại đàn violin (tất nhiên là với một giáo viên khác).
Năm 1893, khi Albert Einstein tròn 14 tuổi, cha và bác cậu quyết định chuyển công việc kinh doanh thiết bị điện của họ sang Italy để tìm kiếm một sự ổn định. Cha mẹ của Albert đã để cậu ở lại Munich để hoàn tất việc học.
Nhưng sau sáu tháng ngồi trong lớp học ngột ngạt, nghe giáo viên đều đều giảng giải về những chủ đề mà cậu không hứng thú, Albert Einstein cảm thấy rất bồn chồn. Cậu nhớ gia đình và muốn tới sống ở Italy, nơi thời tiết ấm áp quanh năm. Vì vậy, cậu đã ấp ủ một kế hoạch để đi khỏi nước Đức mãi mãi.
Albert đã thuyết phục được một bác sĩ viết một tờ giấy đại ý rằng cậu phải chuyển đi vì sức khỏe. Sau đó, cậu thuyết phục giáo viên toán ở lớp cho phép cậu nghỉ học vì cậu đã học hết những gì có thể. Thực lòng mà nói thì các giáo viên ở trường của Albert cũng đã mệt mỏi khi phải đối phó với cậu và rất vui khi thấy cậu ra đi. Albert cũng rất vui được đi khỏi đó.
Chẳng bao lâu sau, Albert gặp lại gia đình ở Italy. Mặc dù phải mất một thời gian, cậu cũng đã hoàn thành bậc trung học và đi học đại học tại Thụy Sĩ. Chính ở nơi đó, cuối cùng cậu cũng được tự do để tâm trí lang thang và theo đuổi những môn học mình yêu thích.
Điều này giúp cậu có được những bước đột phá quan trọng trong khoa học, mang lại cho cậu giải thưởng Nobel về vật lý, cùng nhiều danh hiệu khác sau này.
Người học trò kém cỏi một thời cuối cùng đã trở thành một giảng viên, nhiều năm dạy tại Đại học Princeton, Mỹ với chức danh giáo sư. Nhưng không có bức tường nào có thể ngăn được Albert Einstein – ông tin rằng toàn bộ thế giới là lớp học của mình.
“Sự uyên bác”, ông từng nói, “không phải là một sản phẩm của trường học mà cần có sự nỗ lực cả đời để đạt được nó”.
Theo: David Stabler