Cuộc sống riêng tư của Ludwig van Beethoven là một chủ đề được nhắc tới nhiều trong hàng trăm năm qua. Sau khi nhà soạn nhạc Beethoven qua đời, thư ký của ông tìm được một bức thư gửi tặng người phụ nữ ẩn danh. Đó là câu chuyện về “Người tình bất tử” đầy bí ẩn, cũng như giả thiết về người con gái ngoài giá thú có số phận bất hạnh của ông.
Bức thư Beethoven gửi “người tình bất tử” (Immortal Beloved)
Nhà soạn nhạc cổ điển người Đức Beethoven (1770 – 1827) được biết đến như một thiên tài âm nhạc, có cuộc đời cô đơn và bất hạnh. Sau khi ông qua đời, thư ký của ông – Anton Schindler – và hai người bạn thân đã tìm được Chúc thư Heiligenstadt ông để lại cho hai em trai. Trong đó, có một lá thư không ghi tên người nhận, nhan đề “Người tình bất tử” (Immortal Beloved).
Beethoven viết:
“Thiên thần của tôi, tất cả của tôi…
Liệu rằng tình yêu của đôi ta có kéo dài mãi mà không cần trải qua đau thương này không? Liệu rằng em có thể thay đổi được sự thật em không trọn vẹn thuộc về tôi, tôi cũng không hoàn toàn có được em? Lạy Chúa, em hãy nhìn vào vẻ đẹp của thiên nhiên và dành tâm trí cho những điều sắp xảy ra. Tình yêu là tất cả, tình yêu của tôi bên em, tình yêu của em bên tôi…
…Người tình bất tử của tôi, dù cả khi trong giấc ngủ, tâm trí của tôi vẫn hướng về em. Có khi vui, có khi buồn, có khi chờ đợi định mệnh nghe được mong muốn của đôi ta. Tôi chỉ có thể sống cuộc đời trọn vẹn bên em, nếu không tôi chẳng có gì cả.
Tôi đã quyết định rời xa em cho đến khi có thể quay trở lại trong vòng tay em, gọi đó là mái ấm của mình, và đưa tâm hồn của tôi cùng tâm hồn em trôi vào cõi hư không – thật đáng tiếc. Rồi em sẽ hiểu được lòng chung thủy của tôi, không một ai khác có thể chạm được vào trái tim tôi, không bao giờ – không bao giờ! Chúa ơi, tại sao người ta lại phải rời bỏ người mình yêu nhiều đến vậy…
Em hãy bình thản – chỉ nhờ có suy nghĩ trong bình tĩnh chúng ta mới có thể bên nhau – hãy vững tâm – yêu tôi – hôm nay – và hôm qua. Em – tình yêu của tôi – tất cả của tôi – từ biệt em – hãy tiếp tục yêu – đừng bao giờ nghi ngờ trái tim chân thành nhất của người em yêu.
Mãi mãi của tôi.
Mãi mãi của em.
Mãi mãi của chúng ta”.
Gần 200 năm sau khi Beethoven qua đời, danh tính “Người tình bất tử” vẫn thu hút nhiều sự chú ý trong giới chuyên môn. Dựa vào mốc thời gian trong lá thư – ngày 6/7 và các sự kiện trong cuộc đời ông, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà văn viết tiểu sử Beethoven đưa ra dự đoán về người phụ nữ bí ẩn trong thư.
Đi tìm “Người tình bất tử”
Bức thư tình bí ẩn nói trên được viết thành 3 phần, nhưng hiện người ta vẫn chưa biết đã có bản sao nào của nó được gửi đi. Dựa vào những gì Beethoven viết (“ngày 6/7, buổi sáng” và sau đó là “buổi tối thứ Hai”) cũng như một số tài liệu khác, các nhà nghiên cứu khẳng định thư được viết vào mùa Hè năm 1812.
Vào tháng 7 năm đó, trong khi Hoàng đế Pháp Napoleon đang bắt đầu chiến dịch tấn công Nga, nhà soạn nhạc 41 tuổi đã đến một khu nghỉ dưỡng ở phía Tây Bắc Prague, Czech. Ông đi khắp nơi trong vùng và dành nhiều thời gian ở Karlovy Vary, một thị trấn nghỉ mát nổi tiếng. Cũng theo các chuyên gia, 2 người bạn nữ của Beethoven là Antonia Brentano và Josephine Brunsvik cũng ở khu vực này vào thời điểm đó.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu về nhà soạn nhạc này thường chia làm 2 phe trong việc xác định danh tính “người tình bất tử”: Một phe chọn Brentano và một phe chọn Josephine. Theo thời gian, phía ủng hộ Josephine chiếm ưu thế.
Người ta tin rằng nữ bá tước này chiếm được sự quan tâm của Beethoven khi cô 19 tuổi. Thời điểm đó, ngày nào nhà soạn nhạc cũng dạy những bài học piano miễn phí cho các cô gái của gia đình Brunsvik. Thậm chí, ông còn say mê em gái của Josephine là Therese, và cả 3 có nhiều cuộc đi chơi cùng nhau.
Thực tế, nhiều sáng tác về tình yêu của Beethoven, đặc biệt là 6 bản biến tấu Ich denke dein (Tôi nghĩ về em), cũng được dành riêng cho Josephine và Therese.
Cho dù yêu nhà soạn nhạc mãnh liệt nhưng sau này, Josephine kết hôn với một bá tước vì phù hợp với địa vị của cô. Đây là một đòn mạnh giáng vào Beethoven. Tuy nhiên, sau cái chết của người chồng đầu tiên của Josephine năm 1804, tình yêu của họ lại bùng lên.
Những lá thư đầy đam mê của Beethoven gửi cho Josephine, được viết từ năm 1804 đến 1809, từng được phát hiện vào những năm 1970. Ngôn ngữ trong những bức thư đó rất giống bức thư được tìm thấy từ ngăn bàn bí mật.
Ta sẽ cùng xem qua những người có khả năng chính là người tình bí ẩn của Beethoven
Antonie Brentano
Antonie Brentano sinh ra và lớn lên tại thành phố Vienna (Áo) – nơi Beethoven theo đuổi sự nghiệp năm 17 tuổi. Cô kết hôn với một doanh nhân người Đức – Franz Brentano – và có năm con. Gia đình cô quay lại Vienna để chăm sóc cha cô vào những ngày cuối đời.
Năm 1810, họ bắt đầu quen biết Beethoven, Franz nhanh chóng trở thành bạn và người bảo trợ cho ông. Trong khi đó, Antonie mắc chứng trầm cảm kinh niên do quá đau buồn sau khi cha mất, Beethoven đã chơi nhạc hàng giờ liền để an ủi cô. Mùa hè năm 1812, nhà soạn nhạc có một chuyến đi đến Prague (Czech).
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Maynard Solomon, trong cuốn sách về tiểu sử Beethoven, ông chỉ ra nhiều bằng chứng Antonie xuất hiện ở khu vực liên quan trong thời gian đó. Hơn tám tháng sau, cô sinh con trai thứ sáu, cậu bé sau đó bị tàn tật về cả thể xác và trí tuệ.
Trong cuốn Beethoven: Life of an Artist, tác giả Susan Lund cho rằng đây có thể là con trai của Beethoven. Nhà soạn nhạc rất đau khổ khi không được ở gần con trai mình và viết nên bản nhạc Missa Solemnis tặng cậu bé.
Bettina Brentano
Bettina Brentano là chị gái cùng cha khác mẹ của Franz Brentano. Cô là một nhà văn, nhạc sĩ và nhà hoạt động xã hội. Với tính cách sôi nổi, cô có nhiều hành động tán tỉnh khi gặp gỡ Beethoven. Hai người trở nên thân thiết và sáng tác âm nhạc cùng nhau. Bettina được coi là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm lãng mạn của Beethoven.
Nữ bá tước Julie Guicciardi
Nữ bá tước Julie (tên thường gọi: Giulietta) từ thành phố Trieste (Italy) chuyển đến Vienna cùng cha mẹ vào năm 1800 và trở thành học trò của Beethoven. Ông đem lòng say mê cô học trò, nhưng hai người không đến với nhau vì cô phải kết hôn với người có dòng dõi quý tộc.
Cuốn tiểu sử về cuộc đời Beethoven xuất bản năm 1840 của tác giả Anton Schindler dự đoán lá thư “Người tình vĩnh hằng” được gửi cho nữ bá tước Julie. Nhạc sĩ sáng tác bản sonata Ánh trăng với những giai điệu tràn ngập cảm xúc lãng mạn dành tặng cô, sau đó trở thành bản nhạc viết cho đàn dương cầm nổi tiếng nhất của ông.
Nữ bá tước Therese Brunsvik
Nữ bá tước Therese từ Hungary chuyển đến Vienna vài tuần để theo học với nhạc sĩ Beethoven năm 1799. Cô là một cô gái thông minh, có năng khiếu piano và thành tạo năm thứ tiếng khi còn rất trẻ. Sau cái chết của cha, Therese lập lời thề không bao giờ kết hôn.
Ở tuổi bốn mươi, cô theo đuổi sự nghiệp giảng dạy và thành lập hệ thống mẫu giáo ở Hungary. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng nữ bá tước là người bạn đồng hành hoàn hảo với Beethoven. Hai người trở thành bạn thân trong nhiều năm. Nhạc sĩ sáng tác tặng cô Bản sonata số 24, thường được biết đến tên gọi For Therese.
Nữ bá tước Josephine Brunsvik
Nữ bá tước Josephine – em gái Therese – là mối tình sâu đậm nhất trong cuộc đời nhạc sĩ Beethoven. Ông phải lòng cô ngay cái nhìn đầu tiên. Năm 20 tuổi, cô kết hôn với một nghệ sĩ tượng sáp dòng dõi hoàng tộc – Joseph Deym.
Sau 5 năm, Deym qua đời vì bệnh viêm phổi, lúc đó, họ có bốn con. Một mình gánh vác công việc gia đình, quản lý viện bảo tàng, xử lý nợ nần khiến Josephine suy sụp tinh thần. Beethoven theo đuổi Josephine nhưng cô buộc phải từ chối vì nếu cưới một thường dân, cô sẽ mất quyền nuôi con. Năm 1810, cô đi bước nữa với thầy giáo của con trai – Baron Christoph von Stackelberg – nhưng hôn nhân không hạnh phúc, bị chồng bạo hành.
Năm 1812, cô quay về Prague (Czech) để tìm sự hỗ trợ tài chính và giải thoát khỏi cuộc hôn nhân. Beethoven cũng có một chuyến đi đến Prague cùng thời gian này. Hơn tám tháng sau, Josephine sinh bé gái Minona.
Trong cuốn Beethoven and His World: A Biographical Dictionary, tác giả H. P. Clive cho rằng Minona có thể là con gái của cố nhạc sĩ. Gương mặt cô bé có điểm tương đồng gương mặt Beethoven.
Năm 1957, 13 thư tình của nhà soạn nhạc gửi cho Josephine được công khai. Josephine có nhiều khả năng nhất là người phụ nữ được nhắc đến trong lá thư “Người tình bất tử”.
Lời đồn về đứa con rơi tội nghiệp
Trong 42 năm của cuộc đời mình, Josephine Brunsvik dường như là một người phụ nữ đầy đam mê về tình yêu. Cô đã sinh ra 8 đứa con với những người đàn ông khác nhau, trong đó có 2 người là con bất hợp pháp, được sinh ra với 2 gia sư piano riêng của Josephine (giống như Beethoven).
Minona, đứa con thứ 7 của Josephine, được sinh ra vào đầu tháng 4/1813, tức 9 tháng sau bức thư gửi “Người tình bất tử”. Trên giấy tờ, cô là con gái của Christoph von Stackelberg, người thứ 2 kết hôn với Josephine và bỏ rơi Josephine vào năm 1812.
Khá thú vị, cái tên lạ tai Minona có thể được đọc ngược là “Anonim” – gần giống một từ tiếng Đức để chỉ những người ẩn danh. Và trong những năm sau này, rất nhiều người cho rằng nhà soạn nhạc người Đức mới là cha đẻ của cô.
Có bức ảnh thời trẻ của Minona cho thấy trông cô khá giống nhà soạn nhạc khi còn trẻ. Theo lời của cô em ruột Therese, Josephine hầu như không quan tâm đến bé gái này. Và thực tế Josephine gần như đã vứt bỏ Minona cho em mình nuôi, khiến Therese phải mượn một con dê từ những người nông dân để lấy sữa nuôi cô bé.
Sau này, người cha trên giấy tờ Stackelberg đã bắt cóc Minona cùng chị gái Marie von Stackelberg. 2 chị em được đưa tới Estonia và lớn lên trong trạng thái bị cô lập, dưới sự nghiêm khắc của cha. Sau khi cha qua đời, Minona đã trở lại Vienna sinh sống và qua đời vào năm 1897 ở tuổi 84. Cả đời bà nói giọng Baltic và bị coi là một phụ nữ lập dị.
Số phận bất hạnh của Minona đã truyền cảm hứng cho nhà soạn nhạc người Estonia, Juri Reinvere, dàn dựng vở opera Minona. Trong vở, số phận của Minona gắn với 2 người đàn ông đặc biệt: Beethoven và Stackelberg. Nếu Christoph von Stackelberg được thể hiện như một người cha mang dáng dấp “bạo chúa”, thì Beethoven thấp thoáng bóng hình của một người đàn ông đã để lại rất nhiều ảnh hưởng lên Minona.
Khá thú vị, trong quá trình nghiên cứu để soạn lời nhạc kịch, Reinvere đã phát hiện ra tài liệu lưu trữ quan trọng ở quê nhà, trong đó nói tới việc Minona được cho là rất có… năng khiếu âm nhạc. Chưa kể, bức ảnh thời trẻ mà Minona để lại cho thấy cô cũng rất giống Beethoven. Đó là những lý do khiến nhiều người lại càng tin vào mối liên hệ này.
Tất nhiên, câu trả lời đích thực sẽ không bao giờ có, khi công nghệ phân tích di truyền chưa được áp dụng vào giai đoạn đó. Bởi thế, số phận Minona vẫn mãi mãi là một câu hỏi thú vị.
Tổng hợp