Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ từng trăn trở một điều nhức nhối mà thanh niên Do Thái 25-28 tuổi đã làm được còn nhiều người trẻ Việt Nam thì không.
Nhắc đến Đặng Lê Nguyên Vũ, ngày nay ai cũng biết vị doanh nhân này là người sáng lập thương hiệu cà phê nổi tiếng Trung Nguyên. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam”. Câu chuyện khởi nghiệp của vị doanh nhân sinh năm 1971 này là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên.
Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ra tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam.
Từ nhỏ, chứng kiến cảnh mình mẹ phải lo lắng mọi việc trong nhà, gia đình sống trong cảnh nghèo khó, Đặng Lê Nguyên Vũ đi làm thuê từ rất sớm. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như bẻ ngô, chăn lợn hay giúp mẹ đóng gạch.
Năm 1992, Đặng Lê Nguyên nhập học Khoa Y, Đại học Tây Nguyên. Trong giai đoạn này ông đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê. Từ đó cho đến nay, các hoạt động của ông đều gắn liền và xoay quanh niềm đam mê cà phê. Ông Vũ chính thức bỏ học và vào TP.HCM để tìm kiếm con đường làm giàu với số tiền trong túi là 100.000 đồng.
Trong một chương trình truyền hình, khi được hỏi về lời khuyên cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay, chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên cho biết mình không đưa ra lời khuyên mà chỉ chia sẻ với tư cách một người đã thành công mà với tư cách một người đang tiếp tục thực hiện tầm nhìn của mình, khao khát của mình.
Điều mà ông Vũ thực sự khao khát là làm sao cho dân tộc Việt Nam hùng mạnh, có sứ mệnh mới và có tầm ảnh hưởng.
“Tôi nghĩ rằng một điều thế hệ thanh niên các bạn có thể học tập được, tôi có thể đem về được là các thanh niên Do Thái. Họ tư duy rất khác những người thanh niên của chúng ta hiện nay. Đối với họ lứa tuổi 25, 28 họ đã chín rất nhiều rồi. Họ đã nói những điều mà thanh niên Việt Nam nên biết. Họ nói rằng “không phải ta thì là ai, không phải lúc này thì lúc nào?” Họ nói những chuyện đó không để cho quá khứ, không để cho thế hệ con cái tương lai. Họ nhận lại trách nhiệm đó”, chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên cho biết.
Là người đi nhiều và đọc nhiều, ông Vũ cho rằng chính tinh thần trách nhiệm này của thế hệ trẻ đã tạo nên một dân tộc Do Thái chỉ với 14 triệu người nhưng chi phối hầu như thế giới (số liệu tính tại thời điểm chương trình được thực hiện).
Điều khiến chủ tịch Đăng Lê Nguyên Vũ cảm thấy nhức nhối, trăn trở là tại sao người Do Thái làm được điều đó trong khi Việt Nam có tới 100 triệu người. Ông Vũ tin rằng người Do Thái không phải thần thánh gì, họ làm được thì Việt Nam phải làm được.
“Việt Nam được mệnh danh là gì? Do Thái phương Đông. Do Thái phương Đông mà sống yếu ớt, không có hoài bão, không có ước mơ, không có tinh thần doanh nhân, không có tinh thần chiến binh thì không có tư duy đột phá sáng tạo. Tôi nghĩ tương lai Việt Nam sẽ phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Tôi không có khuyên nhưng mà chúng ta hãy thúc giục nhau chia sẻ ước mơ lớn của đất nước có vị trí ảnh hưởng, độc lập, hùng mạnh và bình đẳng với bất kỳ quốc gia nào, thế lực nào to lớn. Chúng ta cũng phải đàng hoàng, bình đẳng với họ và đóng góp nhiều hơn họ. Thực sự tôi sẽ có mặt cùng các bạn, dốc hết sức chứ không phải chỉ khuyên”, ông Vũ chia sẻ.
Thế nhưng trong bối cảnh toàn cầu theo ông Vũ, nếu Việt Nam mà muốn mình là ai, mình có sứ mệnh gì, mình có thể ảnh hưởng gì tới thế giới thì điều đầu tiên phải xét về vấn đề văn hoá và phải sửa chữa nó.
Và chủ tịch Trung Nguyên tin rằng để sửa chữa thì phải bắt đầu từ thế hệ thanh niên khởi nghiệp. Nếu có thể làm được thì sẽ tạo ra được một thế hệ mới có những động lực lớn, có những ước mơ lớn mà ông Vũ gọi là “thế hệ vĩ đại”. Thế hệ này sẽ đặt nền móng khác biệt, tạo sức mạnh kiến tạo nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Theo Nhịp sống kinh tế