Walt Disney cho rằng: “Nếu không ước mơ, làm sao có thể biến giấc mơ đó thành hiện thực – Nếu không hành động, chúng ta đừng trông chờ một kết quả tốt”!
Walter Elias Disney (5/12/1901 – 15/12/1966) là nhà sản xuất phim, đạo diễn, người viết kịch bản phim, diễn viên lồng tiếng và họa sĩ phim hoạt họa Mỹ. Mặc dù đã qua đời rất lâu những gì ông để lại vẫn rất thành công và trở thành biểu tượng thu hút trẻ em toàn thế giới.
Walt Disney – Hành trình từ kẻ vô gia cư đến ông chủ “vùng đất hạnh phúc nhất thế giới”
Từng phải mất nhà, chịu cảnh vô gia cư và thua lỗ triền miên, song huyền thoại Walt Disney vẫn không ngừng theo đuổi ước mơ của mình và đã viết nên một câu chuyện khởi nghiệp thành công đầy ấn tượng.
Huyền thoại Walter Elias Disney (thường được gọi là Walt Disney) – cha đẻ của hãng phim hoạt hình Disney – được cả thế giới tôn vinh bởi những cống hiến của ông đối với ngành công nghiệp sản xuất phim. Ông đã đóng góp cho nhân loại vô số những cải tiến trong việc làm ra các loại phim mới, thổi hồn cho mỗi nhân vật hoạt hình bằng những chuyển động nhịp nhàng và hiệu ứng âm thanh sống động.
Mặc dù sự yêu thương và hạnh phúc là 2 yếu tố góp phần làm nên thương hiệu Disney, song tuổi thơ của chính nhà sáng lập hãng phim lại không hề có 2 yếu đó. Thời thơ ấu của Walt Disney là những chuỗi ngày thường xuyên bị cha giáo dục bằng đòn roi. Walt Disney và anh trai phải chịu không ít trận đòn từ cha mỗi khi làm việc sai trái.
Theo cha ông, những cú vụt roi đau đớn là để hai con nên người, nhưng ông không ngờ rằng hành động này khiến Walt Disney bị ám ảnh sâu sắc. Những trận đòn diễn ra liên tục đến nỗi trở thành thói quen thường nhật của hai anh em.
Để trốn tránh sự tàn bạo của người cha, Walt Disney bắt đầu vẽ. Những chiếc bút nhiều màu sắc nhanh chóng trở thành vật dụng thân thiết của cậu bé nhỏ tuổi. Dưới ngòi bút của Walt Disney, cuộc sống không còn tàn nhẫn và u tối mà tràn ngập tình yêu thương và hạnh phúc – đây là nơi mà Walt Disney mơ được sống.
Hoạt động hàng ngày của Walt Disney xoay quanh những hộp bút màu cho đến khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Walt Disney lúc đó 16 tuổi, gia nhập quân đoàn Chữ thập đỏ và được gửi đến Pháp để tham chiến. Quá trình hoạt động trong quân ngũ, nhiều lần đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết khiến ông thêm yêu và quý trọng cuộc sống hơn. Walt Disney vẫn nuôi ước mơ tạo nên thế giới hạnh phúc, nhưng tất cả những gì ông có thể làm chỉ là vẽ mà thôi.
Sau chiến tranh, Walt Disney chuyển đến sống tại thành phố Kansas, Missouri và làm việc tại công ty sản xuất hoạt hình quảng cáo Film Ad Co. Quá trình làm việc tại đây đã cho Walt Disney nhiều bài học quý. Chàng thanh niên trẻ cảm thấy cuốn hút bởi những nhân vật hoạt hình nhiều màu sắc có thể chuyển động. Từ thời khắc này, Walt Disney muốn tự làm nên những nhân vật của riêng mình.
Bước đi đầu tiên là biến hầm để xe nhà riêng thành studio để Walt Disney thỏa sức sáng tạo. Từ những thiết bị đi mượn ban đầu, Walt Disney cho ra đời những bộ phim hoạt hình ngắn. Sản phẩm đầu tay mang theo niềm tự hào và hạnh phúc của nhà sản xuất trẻ.
Tuy nhiên, Walt Disney gần như không thể thuyết phục chủ các rạp chiếu bóng công chiếu phim của mình. Giữa thị trường phim với vô vàn sản phẩm được đầu tư công phu thời đó, Walt Disney nhanh chóng thất bại lớn. Hệ quả của sự thua lỗ triền miên khiến Walt Disney phải bán căn hộ, sống trong văn phòng làm việc và ngủ trên băng ghế lạnh lẽo. Khi ấy, ông phải làm mọi thứ để sinh tồn.
Cuộc sống vô gia cư kéo dài cho đến năm 1923, Walt Disney đến Los Angeles bắt đầu lại sự nghiệp. Nhờ tài năng và giúp đỡ từ anh trai, Walt Disney bắt đầu có chỗ đứng trong nghề và có vốn. Thời gian này, Oswald the Lucky Rabbit, nhân vật hoạt hình ra đời dưới tay Walt Disney được nhiều người biết đến và yêu thích.
Sai lầm bắt đầu khi Walt Disney cho phép đăng ký bản quyền nhân vật dưới tên công ty, điều này khiến ông mất kiểm soát với nhân vật và nhiều công sức Walt Disney dành để xây dựng hình tượng chú thỏ được yêu thích bỗng chốc tan biến.
Không còn tiếp tục công việc với chú thỏ Oswald, Walt Disney nảy sinh ý tưởng tạo một nhân vật khác dựa theo hình tượng chú chuột đã sống cùng ông trong văn phòng tại thành phố Kansas. “Một chú chuột nào đó đã giúp tôi dọn dẹp thức ăn thừa trong khi say giấc, mối quan hệ giữa chúng tôi hơn cả những người bạn tuyệt vời, giúp tôi có động lực mở một công ty sản xuất phim mang tên mình”, Walt Disney nói.
Từ đây, chú chuột Mickey, người bạn của hàng triệu trẻ em thế giới đã ra đời. Để nhân vật của mình thêm phần hoàn thiện, Walt Disney thuê một đội họa sĩ và kỹ sư dựng hình chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ tân tiến nhất nhằm tạo nên những chuyển động và âm thanh chân thực cho nhân vật.
Sự sáng tạo của Walt Disney tạo nên hiện tượng trong ngành công nghiệp hoạt hình thời gian đó, mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Nhờ những thành công đáng ghi nhận, Walt Disney lên kế hoạch làm những dự án lớn hơn như những bộ phim dài với âm thanh, màu sắc ăn khớp, các nhân vật được tương tác.
Thời gian này, ý tưởng mới của Walt Disney bị đánh giá rủi ro, bởi vì làm một tập phim hoạt hình thời lượng dài cần đến nguồn kinh phí lớn. Tuy nhiên, vào năm 1937, Walt Disney đã chứng minh điều này hợp lý và khả thi khi tung ra phim hoạt hình dài tập đầu tiên với tựa đề “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” sau 3 năm thực hiện. Bộ phim được nhiều khán khả người lớn và trẻ em yêu thích, giúp Walt Disney gặt hái nhiều giải thưởng lớn.
Năm 1955, công viên Disneyland ra đời, nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Được mệnh danh là vùng đất hạnh phúc nhất thế giới, Disneyland là hiện thân của những điều mà Walt Disney đã từng mơ mộng trong quá khứ. Disneyland trở thành niềm mơ ước của con trẻ, mang lại cho Walt Disney nhiều điều giá trị hơn những khoản doanh thu bạc triệu.
Chưa hài lòng với những gì đang có, Walt Disney muốn mở rộng thế giới tuyệt vời này để mọi đứa trẻ được tận hưởng, do đó ông mua thêm đất gần Orlando xây dựng vương quốc Walt Disney World. Công trình là toàn bộ tâm huyết của nhà sản xuất phim tài năng. Tiếc rằng Walt Disney vẫn chưa được chứng kiến Walt Disney World hoàn thành khi qua đời ở tuổi 65 do ung thư phổi.
Trong cả cuộc đời, Walt Disney và chú chuột Mickey được coi là biểu tượng có tầm ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Mỹ. Hiện mỗi bộ phim sản xuất trong studio Disney đều kèm theo chữ ký riêng của nhà sáng lập và được hàng triệu người trên thế giới đón nhận và yêu thích.
Sau thành công của phim về nàng Bạch Tuyết, lần lượt các phim dài khác như Pinocchio, Fantasia, Dumbo, Bambi… ra đời chiếm được cảm tình của hàng triệu khán giả thế giới.
Không chỉ các sản phẩm phim dài tập, Walt Disney còn làm phim hoạt hình dưới dạng phim tài liệu như “Đảo kho báu”, “2 vạn dặm dưới đáy biển”. Ngay sau đó, loạt phim về nhân vật hoạt hình chuột Mickey xuất hiện càng khiến tên tuổi của Walt Disney được củng cố. Nhờ những đóng góp cho ngành công nghiệp hoạt hình, Walt Disney được giới phê bình phim Hollywood dành nhiều sự tôn trọng và kính nể.
Trong suốt quá trình làm việc, Walt Disney mơ ước thành lập một công viên, nơi những nhân vật do ông sáng tạo được sống vui vẻ. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí trở thành một trở ngại lớn bởi xây dựng công viên quy mô lớn cần rất nhiều đất, chưa kể chi phí xây dựng và bảo dưỡng. Do vậy, dù dốc hết tài sản đang có, Walt Disney vẫn phải thế chấp bảo hiểm, cổ phiếu và nhà… để mua một khu rừng cam gần Anaheim, California, nhằm xây dựng khu công viên rộng gần 800.000 m2.
Những câu nói tạo cảm hứng lớn nhất luôn gắn liền với “Ông hoàng của những giấc mơ” – Walt Disney có thể biến bạn thành công hơn mong đợi.
“Tất cả những giấc mơ rồi đều sẽ thành hiện thực, nếu bạn có đủ quyết tâm”
Steve Jobs, cố chủ tịch của tập đoàn Apple đã từng có một câu nói kinh điển:
“Bạn không thể kết nối các điểm trong đời bạn khi nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại phía sau. Vì vậy bạn phải tin tưởng rằng các điểm đó rồi sẽ kết nối trong tương lai. Bạn phải tin vào cái gì đó – lòng can đảm, vận mệnh, cuộc đời, nghiệp chướng, bất cứ điều gì. Cách tiếp cận này chưa bao giờ khiến tôi thất vọng, nó đã tạo nên tất cả sự khác biệt trong cuộc đời tôi”.
Và ông cũng cho rằng, “khoảng một nửa những gì khác biệt giữa doanh nhân thành đạt và không thành đạt là sự kiên trì tuyệt đối”.
Những người thành công như Steve Jobs hay Walt Disney thường có điểm chung là họ có hoài bão và có một quyết tâm đủ lớn để theo đuổi hoài bão của mình.
Walt Disney tin rằng, sự thành công của một người luôn khởi đầu bằng những ước mơ của bản thân. Ước mơ giúp con người nuôi dưỡng niềm tin, tạo ra sức mạnh để vượt qua khó khăn và đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, thành công chỉ đến với những người có niềm tin mạnh mẽ và biết nỗ lực phấn đấu. Thử thách của sự can đảm chính là dám sống và thực hiện những ước mơ của mình.
“Để bắt đầu, bạn cần phải ngừng nói và bắt tay vào làm việc”
“Biết thôi chưa đủ, mà phải vận dụng; hy vọng thôi cũng chưa đủ, mà cần phải hành động” là câu nói nổi tiếng của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Walt Disney cũng vậy, ông cho rằng một ý tưởng dù hay cũng sẽ “chết” đi nếu chúng ta không bắt tay vào thực hiện. Một người thành công không bao giờ chỉ là những người chỉ biết nói về ước mơ, hoài bão của bản thân mình mà còn phải là người hiện thực hóa nó. Vậy nên, mọi việc chỉ bắt đầu khi bạn bắt tay vào làm những việc có ích.
“Luôn nhìn vào mặt tốt của vấn đề, nhưng cũng phải thực tế để biết rằng cuộc sống là phức tạp”
Cái gì cũng có 2 mặt của nó cho nên bạn phải luôn tỉnh táo, lạc quan và giữ vững tinh thần trước mọi tình huống. Tuy vậy, việc lạc quan thái quá cũng có thể khiến bạn dễ rơi vào những sai lầm và thất bại.
Muốn thành công, bạn nên biết cách giữ một thái độ vui vẻ trước mọi việc nhưng cũng phải biết tỉnh táo để nhận định đúng thực trạng của vấn đề.
“Làm điều bất khả thi thật thú vị”
“Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”.
Tất cả chúng ta đều có một cái tôi cá nhân riêng và điều làm cho bất cứ ai trở nên khác biệt và nổi bật chính là hoàn thành những việc mà tưởng chừng như là không thể.
Hãy cố gắng và học hỏi không ngừng, hãy vượt qua những giới hạn của bản thân để trở thành người giỏi nhất. Khi đó bạn sẽ thấy cuộc sống của mình mỗi ngày trôi qua đều ý nghĩa và rất thú vị.
“Thời gian và hoàn cảnh luôn thay đổi không ngừng, điều chúng ta cần làm là phải luôn kiên định để hướng về tương lai”
Ai cũng có ước mơ nhưng con đường thực hiện ước mơ vốn chưa bao giờ phẳng lặng. Những tác nhân ngoại cảnh như điều kiện khó khăn, thách thức thường làm lung lạc ý chí của một người. Vì vậy điều bạn cần phải làm là theo đuổi mục tiêu với một trái tim kiên định.
Nguồn: Theo Daikynguyen