Một nhà văn đích thực thường bắt đầu sự bất tử của mình sau khi đã qua đời. Ernest Hemingway (21/7/1899 – 2/7/1961) đúng là một vĩ nhân như thế. Những dịp sinh nhật của ông đã trở thành lễ hội đối với những người hâm mộ.
Ngày 23/7/2018, kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Hemingway, tại thành phố Key West (bang Florida, Mỹ) đã diễn ra cuộc thi hàng năm dành cho những người có ngoại hình giống nhà văn. 150 ứng cử viên đã tụ họp tại quán bar Sloppy Joe’s mà sinh thời Ernest Hemingway rất thích lui tới. Người giành được giải nhất năm nay là Michael Groower, người Mỹ, từng chín lần tham gia cuộc thi này.
Tuổi thơ không đơn giản
Cha nhà văn là bác sĩ Clarence Edmodns Hemingway (sinh ngày 4/9/1871), ở thị trấn Oak Park thuộc Illinois, một vùng ngoại ô của Chicago. Một con người trăm phần trăm lương thiện, đại diện điển hình của thời đại mình sống. Oak Park là nơi mà các cư dân bài xích tệ nạn gangster quyết liệt hơn bất cứ ở đâu, thậm chí vì thế mà đã chối từ sự gần gụi của mình về mặt địa lý đối với thành phố. “Bạn muốn biết đâu là ranh giới giữa Oak Park với Chicago không? – Cư dân địa phương đùa với nhau. – Rất dễ! Đó là nơi kết thúc của các tửu điếm và bắt đầu có nhà thờ!”.
Hơn thế nữa, gia đình ông Clarence Hemingway lại sống trên con phố lành nhất tại thị trấn lương thiện này. Cũng trên con phố đó có gia đình hôn thê tương lai của ông, bà Grace Hall. Và cuộc hôn nhân của họ có thể được coi như hoàn mỹ trên mọi phương diện mà trong đó, người vợ và người chồng đã được xác định sẵn những vai trò rất đỗi quen thuộc: dịu dàng yêu nhau, sinh con đẻ cái, chăm sóc cháu chắt… Ông Clarence Hemingway đặt cho người con thứ hai và cũng là cậu con trai đầu tiên của mình cái tên Ernest, trùng với tên của bố vợ ông.
Theo lời kể của mẹ nhà văn, Ernest Hemingway ngay từ nhỏ đã biết cách sử dụng vũ khí. Khi người mẹ, tay trái bế cậu con trai bé bỏng, tay phải bóp cò súng thì Ernest đã la hét rất to đầy hứng khởi. Người mẹ đã ghi vào album tuổi thơ những thông tin về những thành tích đầu tiên của cậu bé khi Ernest mới lên ba: “Ernest bắn súng giỏi, tự lắp đạn và lên nòng”. Khi cậu lên bốn, ông nội đã hỏi thăm về “người thợ săn vĩ đại Ernest Miller”. Chị em gái của nhà văn tương lai cũng được cha dạy cách sử dụng vũ khí như Ernest.
Mọi đứa trẻ trong nhà đều được tìm hiểu về vũ khí và cách sử dụng chúng một cách an toàn. Khi đám trẻ đến tuổi thiếu niên, chúng rất thích bắn vào bia những ngày chủ nhật. Năm lên chín, Ernest Hemingway đã có thể bắn trúng những con chim đang bay trên trời. Nhà văn tương lai mê câu cá ngay từ khi còn nhỏ. Cậu bé cũng từng theo cha đi câu khi mới lên hai tuổi và theo lời mẹ cậu bé, có hôm đã câu được con cá lớn nhất ngày…
Một điều oái oăm là về sau, Ernest Hemingway lại lưu giữ trong lòng đối với người mẹ sùng đạo và độc đoán của mình một nỗi ác cảm mơ hồ nhưng dai dẳng vì cho rằng, mẹ ông đã chế ngự bố ông quá nên rốt cuộc đã làm hỏng bố ông.
Quả thực, mặc dù là một bác sĩ giỏi, rất thành công nhưng bác sĩ Clarence Hemingway, khi biết mình mắc trọng bệnh vô phương chạy chữa, lại rất khó chịu với sự lo lắng thái quá của vợ, đã tự sát ngày 6/12/1928. Khi đó nhà văn Ernest Hemingway đang cùng cậu con trai 5 tuổi Jack ở trên xe lửa trên đường đi từ Key West tới New York.
Nhận được bức điện tín “Cha đã tự sát. Hãy trở về ngay…”, Ernest Hemingway đã nói với Jack rằng, ông nội ốm nặng rồi giao cậu bé cho người quản lý toa tàu da đen nhờ trông hộ và chuyển sang con tầu đi theo hướng về Chicago.
Đám tang của ông Clarence Hemingway diễn ra linh đình với nhiều lời lẽ tốt đẹp về việc người đã khuất từng giúp cho bao nhiêu bệnh nhân đỡ đau đớn. Dìu mẹ đi theo quan tài, Ernest Hemingway cứ suy nghĩ lao lung về việc, cha ông đã không thể giúp cho bản thân mình bớt đau đớn vì bệnh tật, hay nói đúng hơn, đã chọn một lối thoát để khỏi phải đau đớn nữa.
Về sau, nhà văn cũng ít khi trò chuyện với bạn bè về chủ đề này và không bao giờ đụng tới nó trong các lần trả lời phỏng vấn báo chí. Chỉ có duy nhất một lần giữa những người bạn thân cận nhất, Ernest Hemingway mới buột miệng than thở: “Có lẽ cha tôi đã sợ sống tiếp. Thân mang trọng bệnh. Lại thêm những món nợ nần. Và cũng sợ bà vợ chuyện gì cũng đòi mình làm chỉ huy!”
Riêng về chuyện tự sát thì nhà văn lại rất hay đề cập tới. Và thường từ góc độ phê phán kịch liệt, như thể vẫn tiếp tục phê phán sự không phải của cha mình khi ông cụ đã chọn cách đó để thoát khỏi trần ai. Chỉ hai mươi năm sau đó, khi chuẩn bị cho tái bản tiểu thuyết “Vĩnh biệt vũ khí!”, Ernest Hemingway mới viết trong lời nói đầu: “Tôi đã luôn luôn có cảm giác rằng cha tôi đã quá vội vã, nhưng có thể vì ông không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi rất yêu cha mình và tôi không muốn nói bất cứ một lý lẽ nào về việc này”.
Cháy bùng lửa sống
Cuộc sống mà Ernest Hemingway đã trải qua được các nhà viết tiểu sử của ông gọi là “cuộc nổi loạn không ngừng” để chống lại thành phần xuất thân và cách giáo dục tiểu tư sản của gia đình. Ông là con trai của một bác sĩ và lớn lên ở khu ngoại ô Chicago trong môi trường mà phụ nữ chiếm đa số và ưu thế. Mẹ nhà văn tương lai từng nhiều năm bắt cậu con trai phải mặc đồ mà chị gái đã để lại. Bà còn buộc cô chị Marcelline phải đi học muộn một tuổi để cùng tới lớp một với cậu em trai Ernest Hemingway như một cặp song sinh.
Về sau người mẹ tiết lộ rằng bà đã luôn luôn muốn được sinh đôi. Marcelline về sau cũng kể lại rằng, chị và cậu em trai Ernest đã có những con búp bê giống nhau, những đồ dùng của búp bê giống nhau và cả những khẩu súng sát thương giống nhau. Bà mẹ muốn hai con cảm thấy mình thực sự là một cặp song sinh nên luôn động viên hai người làm việc gì cũng phải cùng nhau: cùng câu cá, cùng dạo chơi, cùng ru nôi búp bê…
Năm 15 tuổi, nhà văn tương lai đã bỏ trốn khỏi nhà nhưng rồi đã phải quay về để học nốt trung học.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất mà Ernest Hemingway đã tham gia với vai trò một lái xe cấp cứu, ông đã sang Paris công cán với tư cách một nhà báo. Chính ở “kinh đô ánh sáng”, Hemingway đã rèn giũa phong cách sáng tạo độc đáo của mình và giành được thành công văn học đầu tiên. Lọt vào được tâm điểm chú ý của dư luận, ông đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng, củng cố và phát triển hình ảnh của mình trong công chúng như một người lính và phóng viên chiến trường, dũng cảm, ham thích mạo hiểm, mê quyền Anh, câu cá, săn bắn và xem đấu bò tót…
Là một nhà văn ngùn ngụt năng lượng sống, lại sớm thành công và thành công vang dội, Ernest Hemingway sau khi cha mất vẫn tiếp tục sống ồn ã và sảng khoái. Ông viết nhiều về đấu bò tót ở Tây Ban Nha, về chiến tranh ở Tây Ban Nha, về những lần đi săn sư tử… Ông đã 5 lần gặp phải tai nạn và 7 lần gặp phải tại họa nhưng vẫn sống sót, đôi khi chỉ nhờ may mắn tình cờ. Ông đặt cho mọi phụ nữ và những người con yêu quý những biệt danh dịu dàng. Mọi người cũng gọi ông một cách thân mật và thành kính: “Bố!”
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng toàn thế giới, Ernest Hemingway nhiều năm hành nghề báo. Lối tư duy và làm việc của một phóng viên bẩm sinh đã khiến cho ngòi bút của ông trở nên khác lạ, gần như trở thành đặc trưng cho phong cách tiểu thuyết thời hiện đại, vô cùng gần gũi với báo chí.
Có lần Ernest Hemingway đưa cho nhà báo Nga Henryk Borovik, một người bạn của ông, xem tờ giấy trong đó có ghi những hàng chữ số. Với vẻ rất nghiêm túc, ông nói rằng đấy là bảng thống kê của ông – cuối mỗi ngày (Hemingway làm việc hàng ngày từ 5 giờ sáng tới 1 giờ chiều), ông đếm xem mình đã viết ra được bao nhiêu chữ. Trung bình mỗi ngày Ernest Hemingway viết được khoảng 700-800 từ tiếng Anh.
Cũng có một ngày ông chỉ viết được 208 chữ – bên cạnh con số thống kê này ông ghi: “Có những lá thư vụ việc cấp thiết”. Ông tự bào chữa cho mình trước bản thân! Như ông tự nhận xét, ông từ lâu “đã bán mình cho nề nếp kỷ luật cá nhân”. Không gì có thể bắt ông không làm việc. Ngay trong thời gian chiến tranh ở Tây Ban Nha, ông vẫn ngồi một mình ở Madrid trong khách sạn vắng hoe để đều đặn viết bài cho chuyên mục thường kỳ “Cột thứ năm”.
Đời sống không giống như nghệ thuật
Từng có hai nhà báo Pháp tung ra giả thuyết, Gregoryo Fuentes, một người đánh cá ở làng chài Kojima (Cuba) đã kể lại cho Ernest Hemingway cốt truyện “Ông già và biển cả”.
Tuy nhiên, sau khi tác phẩm này được hoàn thành, nhà văn lại quên đi nguyên mẫu của mình. Fuentes về sau gần như trở thành một VIP của làng chài. Ông cụ tham gia vào đủ các hoạt động tưởng niệm Ernest Hemingway sau khi nhà văn đã mất. Fuentes qua đời ngày 14-1-2002, ở tuổi 105. Ernest Hemingway có vẻ như không đồng tình với việc Fuentes cứ khăng khăng mình là nguyên mẫu cho nhân vật chính trong
“Ông già và biển cả”. Theo chứng nhận của nhà báo Borovik, dường như Hemingway từng nhận xét về Fuentes như sau: “Tay đánh cá ấy nói bá láp đấy. Ông ta làm nghề chài lưới kém lắm. Tôi có lấy của ông ta một chữ nào đâu. Ông ta vì muốn có được vài ba đô của mấy phóng viên nên cứ tự nhận mình là nguyên mẫu Ông già trong truyện của tôi”.
Theo lời kể của Borovik, Ernest Hemingway đã nói rằng, “Ông già và biển cả” là tác phẩm duy nhất mà ông đã viết xong rất nhanh và rất dễ dàng:
– Tôi không nhớ là đã mất mấy ngày, nhưng tôi viết lẹ lắm. Nhưng trước đó tôi đã nghĩ về cốt truyện này cả 13 năm. Khi vụ việc xảy ra ở làng chài Kojima, tôi quyết định viết truyện ngắn.
Tuy nhiên, tôi đã hiểu ngay rằng, sẽ không thành công nên quay sang tìm hiểu về làng chài đó. Điều này theo đúng lý thuyết của Stanislavsky: người diễn viên có nhiệm vụ nói hai câu thôi nhưng cần phải biết mọi điều xung quanh nhân vật của mình. Còn nguyên mẫu ư? Sự thật nghệ thuật phải mạnh mẽ hơn sự thật đời sống – nhà văn phải mang tất cả những “sự thật” mà anh ta đã nhận thấy ở cuộc đời, ghép kiến thức và quan sát cá nhân để tạo ra sự thật của mình.
Khi hay tin mình được trao giải Nobel văn học nhờ tác phẩm “Ông già và biển cả”, nhà văn đã bật cười và kể lại rằng: sau khi tiểu thuyết “Bên kia sông, dưới bóng cây” của ông bị giới phê bình văn học đồng giọng chê bai, ông đã quyết định “lập thân tối hạ thị văn chương” và thề sẽ không viết thêm tác phẩm nào nữa.
Tuy nhiên, vài năm sau đó, do quá túng thiếu và bị các chủ nợ truy nã, ông quyết định viết một truyện ngắn để kiếm tiền vượt khó. Thế là xuất hiện “Ông già và biển cả”. “Từ đó trở đi tôi đã tự hỏi mình, có khi sự túng thiếu mới có thể tạo cho nhà văn đủ cảm hứng để viết nên những tác phẩm lớn?”
Ernest Hemingway từng nói rằng ông chỉ viết được khi đang yêu. Với ông, tình yêu là niềm cảm hứng lớn nhất. Trong khi đó, nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông lại thú nhận rằng, tình yêu hủy hoại tâm hồn và nếu hai người thực sự yêu nhau thì kết cục không bao giờ là tốt lành cả. Hemingway đã cố gắng làm tất cả mọi việc để tôn tạo hình ảnh mình như một người tình vĩ đại.
Ông đã từng không chỉ một lần khoe trong các bài phỏng vấn về việc thời trẻ ở Paris, tâm tính của ông nồng nhiệt đến mức ông có thể yêu tình nhân tới ba lần một ngày, thậm chí phải uống cả thuốc giảm cường độ nam tính mới được yên tâm để ngồi sáng tác. Trong khi đó thì theo lời kể của cha mẹ nhà văn, Ernest Hemingway bắt đầu hò hẹn với bạn gái ở độ tuổi khá muộn, khi đã học ở lớp cuối cấp trung học. Có lần Hemingway đã so sánh việc yêu đương của ông như đi xe đạp và bảo, càng làm nhiều thì càng trở nên thiện nghệ hơn…
Nhà văn là người có tính gia trưởng rất nặng trong quan hệ với những người phụ nữ yêu quý của mình. Ông đã luôn cho rằng, giới mày râu phải điều khiến tiến trình diễn ra các quan hệ thể xác. Ba trong số bốn người vợ của ông đã đồng tình với ý kiến này nhưng chỉ có người vợ thứ ba, Martha Gellhom đã kịch liệt phản đối.
Sau này chính Gellhom đã nói rằng, “bố” Hemingway chẳng có phẩm chất gì khác ngoài việc viết văn hay… Về phần mình, Ernest Hemingway sau này cũng nói rằng, cuộc hôn nhân giữa ông với Gellhom là “sai lầm lớn nhất trong đời”… Cũng phải nói rằng, Martha Gellhom đã là người vợ duy nhất chủ động đòi ly hôn với nhà văn…
Quan hệ của Ernest Hemingway với phụ nữ thường phát triển theo một kịch bản lặp đi lặp lại tới nhàm: ông ít khi bày trò gì phức tạp mà thấy ưa là phải lòng ngay và phải lòng rồi thì cảm thấy mình có nghĩa vụ phải cưới đối tượng.
Khi quyết định như thế thì việc đã có vợ rồi chỉ duy nhất khiến ông cảm thấy hơi khó xử một chút, đó là khi ông li dị người vợ đầu Elizabeth Hadley Richardson (hơn ông 7 tuổi), để cưới người vợ thứ hai, Pauline Pfeiffer (cũng hơn ông 4 tuổi). Khi đó “Bố” thực sự cảm thấy mình có lỗi với “Mèo nhanh” (biệt danh mà ông đặt cho người vợ đầu) và Bambi (biệt danh mà ông đặt cho cậu con trai cả Jack).
Ernest Hemingway cảm thấy rất bế tắc, thậm chí còn nghĩ tới chuyện tự sát mặc dù lúc đó nhà văn mới ngoài 20 tuổi. Nói cho cùng, Hadley là một người vợ cực chuẩn: lặng lẽ chịu đựng sự say mê văn học thái quá của chồng ngay từ khi ngòi bút chưa mang về cho gia đình một “xu gỉ” nào và cũng lặng lẽ mặc những bộ váy áo đã hết mốt từ hai chục năm (đấy là ở tuổi 20, lại sống giữa Paris hoa lệ!), ăn độc một món khoai tây cả trong bữa sáng lẫn bữa trưa và lắm lúc, sẵn sàng nhịn bữa tối vì nhà hết tiền…
Vậy mà ông lại đi phải lòng cô nàng Pauline, người không bao giờ mặc những y phục của mùa thời trang năm qua, vì là con gái nhà giàu và vì còn là người mẫu cho tạp chí Vogue. Ernest Hemingway cũng cảm thấy mình “hơi” quá đáng khi đã buộc Hedley trong một khoảng thời gian nào đó phải chịu đựng cảnh “hình tam giác muôn đời” và tự rút lui khi không còn chịu đựng được nữa…
Các nhà phê bình về sau thường nói tới người vợ đầu của Ernest Hemingway như một nghệ sĩ dương cầm không thành công, làm phức tạp hóa cuộc sống của một nhà văn tài năng. Quả thực, Hadley đã sinh cho Hemingway một cậu con trai vào đúng thời điểm không thích hợp nhất. Tháng 12/1922, chị cũng đã làm mất chiếc va ly đựng đầy các bản thảo dang dở của nhà văn…
Mỹ nữ thành Paris, Pauline Pfeiffer, dĩ nhiên là có nhiều kinh nghiệm hơn Hadley, người đàn bà bản tính ngây thơ. Sau khi nẫng tay trên được nhà văn từ nghệ sĩ dương cầm, chị đã cùng Ernest Hemingway quay về Mỹ, sống tại thành phố Key West, bang Florida. Chính tại đây, Hemingway năm 1940 đã hoàn thành một trong những tuyệt tác của mình, tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai”, cuốn sách đã mang lại cho ông sự nổi tiếng toàn cầu. Và cũng chính sau thành công đó, Hemingway đã bị rơi vào khủng hoảng tinh thần sâu sắc…
Những kẻ ác cảm với Ernest Hemingway nói rằng, mọi trò phù hoa, ồn ã mà nhà văn đã dựng lên trong đời mình chỉ là tấm mành che đi nỗi sợ hãi cái chết ẩn sâu trong bản năng dòng họ. Còn lời lẽ của ông về việc ông cần nghiên cứu kỹ càng về cái chết để mô tả nó trong tiểu thuyết có lẽ chỉ là những lời hoa mỹ.
Ernest Hemingway thực sự suốt cả đời mình chỉ làm độc một việc: đó là thử thách sự dũng cảm của mình (hay diệt trừ sự sợ sống của cha mình?) ở mọi nơi có cơ hội để làm việc này. Và nếu tự nhiên không cơ hội đó thì ông sẽ cố tình kiếm tìm nó cho ra bằng được. Ngay cả trong tình yêu, những người phụ nữ mà ông lựa chọn cũng đều thuộc loại “rạch giời rơi xuống”, rất ưa mạo hiểm… Và ông yêu họ cũng với tinh thần như một nhà thơ đã viết: “Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ Giữa trời rơi không chịu mở dù…”.
Kết cục đau đớn
Ernest Hemingway thích uống rượu. Ông giải thích: “Tôi ngồi vào bàn viết từ sáng. Rồi sau đó, để khỏi bị ám ảnh bởi những gì vừa viết, tôi bắt đầu uống rượu và chỉ như thế mới cảm thấy mình được nghỉ ngơi một chút. Chứ không thì có thể hoá dại khi ta cứ phải nghĩ về mọi việc tiếp diễn với các nhân vật, chàng sẽ nói gì và nàng sẽ đáp lại như thế nào…”
Có lần Ernest Hemingway ngồi trong quán rượu cùng vợ. Bỗng có một phóng viên của một tạp chí Mỹ nào đó vào, trông thấy ông hồ hởi tới mời ông cụng ly. Ông từ chối: “Không, tôi đang trong chế độ kiêng!” “Sao lại kiêng, tôi thấy anh cũng đang cầm ly rượu cơ mà?” Hemingway đáp: “Tôi có chế độ kiêng đặc biệt – tôi không uống rượu cùng những kẻ vớ vẩn!” Tay phóng viên tím mặt không nói vì – nhà văn không quên những “ân oán giang hồ” với những cây bút mà ông coi thường về nghề nghiệp và nhân cách…
Sinh thời, Hemingway luôn luôn cố gắng tỏ ra ông là một nhân cách mạnh. Các nhân vật của ông cũng toàn những người rất có cá tính và mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn thể xác. Với Ernest Hemingway, có khoẻ mới đáng sống. Có lạc quan mới đáng sống. Nhưng cuối đời ông, mọi sự không còn như ý ông nữa. Ông có quá nhiều kẻ đố kỵ, vu cáo. Những vết thương cũ cũng làm cho ông khốn đốn. Vậy nên ý nghĩ tự sát đã ám ảnh ông. Có lần ông định nhảy ra ngoài máy bay nhưng may thay, cửa sổ không mở…
Tuy nhiên, là một đấng nam nhi chân chính, Ernest Hemingway không chết vì phụ nữ. Ông đã tình nguyện ra đi khỏi cõi thế khi đã già và đã mắc bệnh trọng. Huyết áp cao, những vết thương cũ vì chiến tranh và săn bắn đã hành hạ ông quá đau đớn. Và ông cảm thấy sợ sống… Ngày 2/7/1961, Ernest Hemingway đã tự sát bằng súng, không để lại bất cứ một dòng trăng trối nào…
Mộ ông được đặt trong một nghĩa trang ở phía bắc thị trấn Ketchum, Idaho. Một bia tưởng niệm đã được dựng năm 1966 tại một địa điểm khác, nhìn ra Trail Creek, phía bắc Ketchum. Trên đó có khắc một bài thơ mà Ernest Hemingway đã viết tặng một người bạn…
Theo Báo Đại Đoàn Kết