Victor Hugo vốn được người đời tưởng nhớ vì những tác phẩm văn học vĩ đại, vì những hoạt động bác ái. Thế nhưng, vị đại văn hào này còn là một cá nhân đặc biệt lập dị khi ông rất khoái sáng tác khi khỏ a thân và sẵn sàng nhai cả quả cam để mua vui tại các bữa tiệc.
Victor Hugo (1802 – 1885) là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch theo chủ nghĩa lãng mạn của Pháp. Hai tác phẩm nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của ông là Thằng gù Nhà thờ Đức Bà (1831) và Những người khốn khổ (1862).Không chỉ ghi dấu trên văn đàn, ông cũng thể hiện vai trò của giới sáng tác đối với đời sống chính trị, xã hội. Hugo chống lại Napoléon III bằng tập thơ Les Chatiments và bị lưu đày 20 năm. Ông chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử Pháp.
Trang Telegraph tiết lộ một số chi tiết thú vị xoay quanh cuộc đời nhà văn vĩ đại.
Văn hào Hugo mất hàng thập kỷ hoàn thành “Những người khốn khổ”
Sau khi Thằng gù nhà thờ Đức Bà được xuất bản năm 1831, Victor Hugo ấp ủ ý tưởng về cuốn tiểu thuyết lột tả sự bất công trong xã hội. Tuy nhiên, đến năm 1862, ông mới hoàn thành Những người khốn khổ. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết đại văn hào mất 17 năm viết cuốn sách.
Tác phẩm dài 655.478 từ, đứng thứ 20 trong danh sách những tiểu thuyết dài nhất thế giới, sau một số cuốn sách như Men of Goodwill của Jules Romains (2.070.000 từ), Het Bureau của J. J. Voskuil (1.590.000 từ).
Hugo khỏa thân mỗi khi cạn kiệt ý tưởng
Khi không có cảm hứng sáng tác, đại văn hào sẽ cởi bỏ quần áo, giam mình trong phòng với bút và giấy. Nhiều độc giả nghĩ Hugo quấn chăn trong lúc sáng tác nhưng đa số tin rằng ông khỏa thân.
Victor Hugo là một trong “tam thánh” của đạo Cao Đài
Đạo Cao Đài được thành lập ở Việt Nam năm 1926. Victor Hugo là một trong ba vị thánh đầu tiên, bên cạnh Tôn Trung Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông xuất hiện trong bức tranh Tam thánh ký hòa ước do họa sĩ Lê Minh Tòng sáng tác năm 1947, hiện được lưu giữ tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Đại văn hào là người đào hoa
Năm 1822, Hugo kết hôn với người bạn thơ ấu – Adele Foucher. Đôi vợ chồng khi ấy tròn 20 tuổi. Hugo kể ông làm tình với vợ chín lần trong đêm tân hôn. Họ chung sống với nhau 46 năm, có năm người con.
Victor Hugo được phụ nữ ngưỡng mộ bởi tài văn chương. Trong thời gian chung sống với vợ, ông vẫn có nhiều người tình. Các “bóng hồng” nổi tiếng của ông là Juliette Drouet, Alice d’Oxy, Blanche…
Ngoài sáng tác, Victor Hugo còn hoạt động chính trị
Năm 1848, ông được bầu làm nghị sĩ hội đồng lập hiến. Ông lên án cuộc đảo chính ngày 2/12/1851 của hoàng tử Louis-Napoléon (cháu của Napoléon Bonaparte). Ngay lập tức, Victor Hugo bị lưu đày ở Bỉ, sau đó là đảo Jersey và Guernesey, Anh.
Trong khoảng thời gian sống lưu vong, Hugo vẫn không ngừng sáng tác và được công chúng đón nhận. Năm 1870, Victor Hugo trở về Pháp. Ngày 8/2/1871, ông được bầu vào quốc hội Pháp. Năm 1876, ông được bầu làm thượng nghị sĩ. Những tham luận đầu tiên của ông hướng đến việc ân xá cho các chiến sĩ của Công xã Paris.
Tiệc sinh nhật lần thứ 79 của Victor Hugo thu hút nửa triệu người
Ngày 26/2/1881, đám đông diễu hành qua nhà Victor Hugo ở Paris. Khoảng 5.000 nhạc công được huy động. Họ chơi bản quốc ca Pháp và gửi những lời chúc tụng đến đại văn hào.
Hơn hai triệu người dự lễ tang Victor Hugo
Năm 1885, Victor Hugo qua đời. Trước đó, ông bày tỏ nguyện vọng ra đi lặng lẽ như một kẻ hành khất. Thế nhưng, hơn hai triệu người vẫn đến tiễn đưa nhà văn. Đoàn diễu hành đi bộ sáu tiếng từ Khải Hoàn Môn đến Điện Panthéon, nơi ông được chôn cất cùng Emile Zola và Alexandre Dumas.
Victor Hugo (1802 – 1885) là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch theo chủ nghĩa lãng mạn của Pháp. Hai tác phẩm nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của ông là Thằng gù Nhà thờ Đức Bà (1831) và Những người khốn khổ (1862).Không chỉ ghi dấu trên văn đàn, ông cũng thể hiện vai trò của giới sáng tác đối với đời sống chính trị, xã hội. Hugo chống lại Napoléon III bằng tập thơ Les Chatiments và bị lưu đày 20 năm. Ông chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử Pháp.
Theo VnExpress