“Trong ba năm qua, thính giác của tôi đang dần dần yếu đi …” – Beethoven đã viết, lúc 30 tuổi, trong một bức thư gửi cho người bạn. Beethoven trẻ tuổi được biết đến như một nhạc sĩ quan trọng nhất kể từ sau Mozart. Dù mắc phải căn bệnh làm mất đi thính giác, tài năng và đam mê của ông vẫn căng tràn mãnh liệt. Ông không ngừng cống hiến cho âm nhạc và để lại những tuyệt tác cho nền nghệ thuật thế giới.
Beethoven trong giai đoạn 1770 – 1802
Đến năm 30 tuổi, ông sáng tác một vài bản concerto piano, sáu bản cho tứ tấu đàn dây và bản giao hưởng đầu tiên của đời mình. Tất cả mọi thứ có vẻ khá tốt cho chàng trai trẻ, với triển vọng phát triển sự nghiệp lâu dài, thành công phía trước.
Sau đó, ông bắt đầu nhận ra một thứ âm thanh ù ù trong tai – và mọi thứ sắp thay đổi.
Khi ông bắt đầu bị điếc
Khoảng 26 tuổi, Beethoven bắt đầu nghe thấy tiếng ù ù trong tai. Năm 1800, 30 tuổi, ông viết từ Vienna cho một người bạn thời thơ ấu – sau này làm việc với tư cách là một bác sĩ ở Bonn – nói rằng ông đã phải chịu đựng một thời gian:
“Tôi có thể đưa ra cho bạn một số ý kiến về căn bệnh điếc kỳ lạ này, tôi thú thực với bạn rằng trong nhà hát tôi phải đến rất gần với dàn nhạc để hiểu được những người đang biểu diễn, và từ khoảng cách xa tôi không thể nghe thấy những nốt cao của nhạc cụ và giọng của ca sĩ… Đôi khi thật khó khăn để nghe thấy những người họ nói nhỏ. Âm thanh tôi có thể nghe thấy là đúng, nhưng đó không phải lời nói. Và nếu có ai đó hét vào tai, làm tôi không chịu nổi.”
Beethoven cố giữ bí mật vấn đề của mình với những người gần gũi nhất với ông. Ông sợ rằng sự nghiệp của mình sẽ bị hủy hoại nếu có ai đó nhận ra.
“Trong hai năm, tôi đã tránh gần như tất cả các cuộc tụ tập xã hội bởi vì tôi không thể nói với những người khác ‘tôi bị điếc’,” ông viết. “Nếu tôi thuộc về bất kỳ nghề nghiệp nào khác thì nó sẽ dễ dàng hơn, nhưng trong nghề của tôi thì quả thực đó là một trạng thái đáng sợ.”
Một lần Beethoven ra ngoài dạo chơi ở nông thôn với nhà soạn nhạc đồng nghiệp Ferdinand Ries, trong khi đi bộ họ nhìn thấy một người chăn cừu đang thổi sáo. Beethoven nhìn thấy từ khuôn mặt của Ries rằng có một bản nhạc hay, nhưng ông không thể nghe thấy gì. Người ta nói rằng sau lần ấy Beethoven không bao giờ còn giống như trước nữa, vì lần đầu tiên ông phải đối mặt với bệnh điếc của mình.
Beethoven dường như vẫn nghe thấy một số bài phát biểu và âm nhạc cho đến năm 1812. Nhưng ở tuổi 44, ông gần như hoàn toàn điếc và không thể nghe thấy tiếng nói hay nhiều âm thanh của vùng quê yêu quý của mình. Căn bệnh ắt đã phải tàn phá ông.
Nguyên nhân Beethoven mắc căn bệnh này
Người ta không rõ nguyên nhân chính xác của việc mất thính giác của ông. Các giả thuyết của căn bệnh từ giang mai đến ngộ độc chì, bệnh sốt phát ban, hoặc thậm chí là thói quen của ông là nhúng đầu vào nước lạnh để giữ cho bản thân tỉnh táo.
Tại một thời điểm, ông tuyên bố ông đã phải chịu đựng một cơn giận dữ vào năm 1798 khi có người làm gián đoạn công việc của ông. Sau khi ngã xuống, ông nói, đứng dậy rồi thấy mình bị điếc. Vào những lúc khác, ông đổ lỗi cho các vấn đề tiêu hóa.
“Nguyên nhân của sự việc này phải do tình trạng cái bụng của tôi mà như bạn đã biết, luôn luôn khốn khổ và ngày càng trở nên tồi tệ hơn,” ông viết, “vì tôi luôn luôn gặp rắc rối với tiêu chảy, gây ra suy yếu đến cùng cực.”
Một cuộc khám nghiệm tử thi được thực hiện sau khi ông qua đời phát hiện ra rằng tai trong của ông bị bóp méo, các tổn thương phát triển theo thời gian.
Đây là bản Giao hưởng số 5 nổi tiếng của Beethoven, được viết năm 1804. Mô típ mở đầu nổi tiếng của nó thường được gọi là ‘số phận gõ cửa’; chứng mất thính giác tàn nhẫn mà ông sợ làm ông đau khổ suốt quãng đời còn lại.
Beethoven đã sống với căn bệnh này ra sao?
Tắm trong dòng sông Danube ấm áp dường như giúp đỡ các bệnh về dạ dày của Beethoven, nhưng bệnh điếc của ông trở nên tồi tệ hơn. “Tôi cảm thấy mạnh mẽ và khỏe hơn, ngoại trừ việc tai tôi hát và kêu vo vo liên tục, cả ngày và đêm.”
Một phương thuốc kỳ lạ là bó chặt vỏ cây ướt vào cánh tay cho đến khi nó khô và sinh ra mụn nước. Bài thuốc đã không chữa được điếc – nó chỉ giữ ông rời khỏi đàn piano của mình trong hai tuần.
Sau năm 1822, ông từ bỏ việc tìm cách điều trị cho thính giác của mình. Ông đã thử một loạt các thiết bị trợ thính, chẳng hạn như các loại kèn hỗ trợ đặc biệt.
Beethoven đã nghe và chơi nhạc trong ba thập niên đầu tiên của cuộc đời mình, vì vậy ông biết cách các nhạc cụ và giọng nói vang lên và cách chúng làm việc cùng nhau. Bệnh điếc của ông là một sự suy giảm chậm chứ không phải là một sự mất thính giác đột ngột, vì vậy ông luôn có thể tưởng tượng trong tâm trí về tác phẩm của mình.
Beethoven trong giai đoạn 1803-1812
Những người quản gia của Beethoven nhớ rằng, khi thính giác của ông trở nên tệ hơn, ông ngồi ở cây đàn piano, đặt một cây bút chì trong miệng, chạm vào đầu kia của nó vào soundboard (phiến gỗ khuếch đại âm thanh) của cây đàn, để cảm nhận sự rung động của nốt nhạc.
Beethoven tiếp tục sống với đam mê mãnh liệt
Trong những tác phẩm đầu tiên của mình, khi Beethoven có thể nghe thấy đầy đủ các tần số, ông sử dụng những nốt cao hơn trong các tác phẩm của mình. Khi thính giác suy giảm, ông bắt đầu sử dụng những nốt thấp hơn mà ông có thể nghe rõ hơn.
Các tác phẩm bao gồm Sonata Moonlight (Sonata Ánh trăng), vở opera Fidelio duy nhất của ông và sáu bản giao hưởng được viết trong giai đoạn này. Những nốt nhạc cao quay trở lại những tác phẩm vào cuối cuộc đời mình cho thấy ông đang nghe những tác phẩm được hình thành trong trí tưởng tượng.
Große Fuge của Beethoven, Op. 133, được viết bởi một người khiếm thính – Beethoven năm 1826, được hình thành hoàn toàn bằng những âm thanh của trí tưởng tượng.
Ông vẫn biểu diễn. Nhưng ông đã kết thúc bằng việc phá hoại cây đàn piano, ông đập mạnh vào chúng để có thể nghe được những nốt nhạc.
Sau khi xem Beethoven trong một buổi diễn tập cho vở nhạc kịch Trio năm 1814, nhà soạn nhạc Louis Spohr cho biết: “Trong đoạn cao trào mạnh mẽ, người đàn ông khiếm thính đáng thương ấy cứ đập liên hồi vào các phím cho đến khi các sợi dây đàn bung lên chói sé, và trong đoạn nhẹ nhàng, ông ấy chơi nhẹ nhàng đến nỗi toàn bộ nhóm nốt nhạc bị bỏ qua. Vì vậy mà âm nhạc không thể hiểu được trừ khi người ta nhìn vào phần cao trào. Tôi đã rất buồn cho một số phận khó khăn.”
Khi đến buổi ra mắt bản giao hưởng số 9 của mình, Beethoven khăng khăng đòi chỉ huy. Dàn nhạc đành thuê thêm một nhạc trưởng khác, Michael Umlauf đứng bên cạnh nhà soạn nhạc. Umlauf nói với những người nhạc công làm theo anh ta và phớt lờ chỉ dẫn của Beethoven.
Bản giao hưởng nhận được tràng pháo tay chúc mừng mà Beethoven không thể nghe được. Chuyện cũ kể lại rằng giọng nữ trầm trẻ tuổi Carolina Unger đã đến gần nhà soạn nhạc bậc thầy và quay ông lại đối mặt với khán giả để xem họ hoan nghênh.
Tổng hợp