Trải qua hàng nghìn năm, không tính thời Hùng Vương huyền sử, các triều đại phong kiến Việt đã xác lập những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” liên quan đến ngôi thiên tử.
Lên ngôi lúc 1 tuổi, chết lúc 15 tuổi, có hàng trăm vợ nhưng không có người con nào… là những kỷ lục liên quan tới ngôi thiên tử của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Ở ngôi lâu nhất: Lý Nhân Tông Càn Đức: 56 năm (1072 – 1127), Lê Hiển Tông Duy Diêu: 47 năm (1740 – 1786), Lê Thánh Tông Tư Thành: 37 năm (1460 – 1496);
Ở ngôi ngắn nhất: Tiền Lê Trung Tông Long Việt: 3 ngày (1006), Dục Đức (Nguyễn Cung Tông): 3 ngày (1883).
Lên ngôi trẻ nhất: Lê Nhân Tông lúc 1 tuổi (1442); Mạc Mậu Hợp lúc 2 tuổi (1562); Lý Cao Tông lúc 3 tuổi; Lý Anh Tông cũng 3 tuổi; Lý Chiêu Hoàng lúc 6 tuổi (1224);
Lên ngôi già nhất: Trần Nghệ Tông Phủ, khi 50 tuổi (1370).
Trường thọ nhất: Bảo Đại 85 tuổi (1913-1997), vua Trần Nghệ Tông 74 tuổi (1321 – 1394).
Nếu tính cả các chúa thì chúa Nguyễn Hoàng thọ hơn Bảo Đại: 89 tuổi (1525 – 1613)
Yểu mệnh nhất: Lê Gia Tông Duy Khoái 15 tuổi (1661 – 1675); Lê Huyền Tông Duy Vũ 17 tuổi (1654-1671). Nếu tính cả vua không chính thống thì Lê Quang Trị bị giết khi 7 tuổi (1509-1516).
Sống nhiều năm nhất ở nước ngoài trong thời gian làm vua: Bảo Đại.
Vua có tôn hiệu dài nhất: Lý Thái Tổ (được truy tôn hiệu dài 52 chữ):
“Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quảng Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứn Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế”.
Việc dâng tôn hiệu quá dài, đi đến chỗ nịnh hót, đã bị các sử gia thời quân chủ lên án. Sử gia Ngô Sĩ Liên viết:
Kinh thư tôn xưng vua Nghiêu là Phóng Huân, vua Thuấn là Trùng Hoa. Những bề tôi đời sau theo đức hạnh có thực mà tôn xưng vua đến hơn chục chữ đã là nhiều rồi. Bây giờ bề tôi dâng tôn hiệu cho Lý Thái Tổ đến 50 chữ. Thế là không kê cứu học vấn đời xưa, chỉ cốt nịnh vua. Thái Tổ nhận mà không từ chối đó là muốn khoe khoang để cho đời sau không ai hơn được đều là sai cả. Về sau dâng tôn hiệu cho Thái Tông cũng đến gần 50 chữ, có lẽ cũng bắt chước cái sai lầm ở đây.
Vua đặt nhiều niên hiệu nhất: Lý Nhân Tông có 8 niên hiệu
Trong thời gian trị vì của mình, Lý Nhân Tông đã đặt tổng cộng 8 niên hiệu và là vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất. Ý nghĩa và các niên hiệu đó gồm có:
1. Thái Ninh (1072-1076) nghĩa là thiên hạ được an ninh cực lạc.
2. Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084) nghĩa là vũ lực hùng mạnh đem lại chiến thắng rực rỡ.
3. Quảng Hựu (1085-1092) nghĩa là sự phù hộ lan tỏa rộng khắp.
4. Hội Phong (1092-1100) nghĩa là sự hội tụ phong phú.
5. Long Phù (1101-1109) nghĩa là điềm rồng xuất hiện báo hiệu sự phù trợ tốt đẹp.
6. Hội Tường Ðại Khánh (1110-1119) nghĩa là hội tụ các điều tốt lành lớn.
7. Thiên Phù Duệ Vũ (1120-1126) nghĩa là Trời phù giúp để có võ công rực rỡ.
8. Thiên Phù Khánh Thọ (1127) nghĩa là Trời phù hộ của vua được hưởng thọ.
Vua có niên hiệu sử dụng lâu nhất: Lê Hiển Tông – niên hiệu Cảnh Hưng trong 47 năm (1740-1786).
Nữ vương đầu tiên: Trưng Nữ Vương (Trưng Trắc) vì chỉ xưng vương từ năm 40-43;
Nữ hoàng duy nhất: Lý Chiêu Hoàng Phật Kim (1224 – 1225), vợ vua Trần Thái Tông Cảnh (1226 – 1258).
Vua lập nhiều hoàng hậu nhất: Lý Thái Tổ lập 9 hoàng hậu (6 bà lập năm 1010, 3 bà lập năm 1016).
Vua duy nhất ở ngôi 2 lần: Lê Thần Tông (1619-1643 và 1649-1662).
Vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ người phương Tây: Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ) lấy vợ người Hà Lan.
Vua có nhiều con làm vua: 2 người, mỗi người có 4 người con làm vua. Thứ nhất là Trần Minh Tông cha của Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông. Thứ hai là Lê Thần Tông cha của Lê Duy Hựu (Chân Tông), Lê Duy Vũ (Huyền Tông), Lê Duy Cối, (Gia Tông) và Lê Duy Hợp (Hy Tông).
Vua có nhiều con rể làm vua nhất: Lê Hiển Tông có 3 con rể làm vua là Nguyễn Huệ (lấy công chúa Lê Ngọc Hân), Nguyễn Quang Toản (lấy công chúa Lê Ngọc Bình) và Nguyễn Ánh (cũng lấy Ngọc Bình). Nhưng khi còn sống ông chỉ chứng kiến Nguyễn Huệ làm con rể mình.
Vua có nhiều loại tiền mang niên hiệu nhất: Lê Hiển Tông đã cho đúc 16 loại tiền Cảnh Hưng trong thời gian làm vua.
Vua trăm trận trăm thắng: Quang Trung (Nguyễn Huệ) (1753 – 1792)
Người mở đất mạnh nhất, rộng nhất: Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) và hoàng đế Minh Mạng (1820 – 1840).
Vua nhiều con nhất: Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm) (1790 -1840) con chính thức là 142 gồm 78 trai, 64 gái;
Vua có nhiều vợ mà không có người con nào: Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) có 300 vợ.
Vua làm nhiều thơ văn nhất: Tự Đức để lại 4000 bài thơ chữ Hán, 100 bài thơ Nôm, 600 bài văn.
Triều đại tồn tại lâu nhất: nhà Hậu Lê 356 năm (1428 – 1527 và 1533 – 1788);
Triều đại tồn tại ngắn nhất: nhà Hồ 8 năm (1400 – 1407).
Triều đại truyền nhiều đời vua nhất: nhà Hậu Lê: 27 vua (từ Thái Tổ đến Chiêu Thống), nhà Trần (kể cả Hậu Trần) 15 vua;
Triều đại truyền ít đời nhất: nhà Tiền Lý do Lý Nam Đế sáng lập, sau khi ông mất, Lý Phật Tử tự xưng là Hậu Lý Nam Đế rồi cũng sớm bị diệt vong; Mai Hắc Đế nổi lên chống giặc Đường cũng chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn (722).
Triều đại truyền qua nhiều thế hệ nhất: nhà Hậu Lê 14 đời (từ Thái Tổ Lê Lợi đến Trung Tông Lê Duy Huyên, rồi từ Anh Tông Lê Duy Bang đến Chiêu Thống Lê Duy Kỳ); sau đó là nhà Lý: 9 đời (từ Thái Tổ Lý Công Uẩn đến Chiêu Hoàng Lý Phật Kim).
Triều đại xảy ra phế lập, sát hại các vua nhiều nhất: Nhà Lê sơ 6/11 vua. Nếu tính cả các vua không chính thức là Lê Quang Trị (1516), Lê Bảng và Lê Do (1519) thì tổng cộng có 9/14 vua.
Triều đại có các vua bị bắt đi đày ra nước ngoài nhiều nhất: Nhà Nguyễn: Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân.
Người duy nhất không phải họ Trần nhưng làm vua thời Trần là Dương Nhật Lễ. Sau khi Trần Dụ Tông mất, Lễ được chính mẹ của Dụ Tông là bà Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu đưa lên ngôi. Có được ngôi báu, Lễ quay lại bức hại bà và quý tộc họ Trần, cốt giành quyền bính cho họ Dương, ở ngôi được hơn năm thì bị Trần Nghệ Tông giết chết.
Triều đại có hai vị vua cùng ở ngôi một lúc: Nhà Ngô. Sau khi Ngô Quyền mất hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn đều tức vị xưng vương.
Tổng hợp