Chuỗi cầm đồ lớn nhất Việt Nam vừa bắt tay “ông lớn” Thế giới di động để cho vay nhanh khắp cả nước – F88 được sáng lập bởi doanh nhân Phùng Anh Tuấn cùng 2 người khác.
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho biết đã chính thức hợp tác cùng F88 cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt. Cụ thể, khách hàng của F88 có thể đến các cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh để vay tiền mà không cần phải mua hàng.
Tuy nhiên, hiện tại F88 chỉ giải ngân qua tài khoản ngân hàng, khách hàng cần phải có tài khoản ngân hàng mới có thể sử dụng dịch vụ vay của F88.
Thế Giới Di Động cho biết thời gian giải ngân nhanh chóng chỉ trong 15 phút, yêu cầu người vay phải là chủ sở hữu xe máy, có chứng minh thư hoặc căn cước công dân và cà vẹt xe đứng tên chính chủ khách vay. Hạn mức tối đa là 10 triệu đồng/giao dịch.
Nhắc đến Thế giới di động ai cũng biết đến tên tuổi nhà sáng lập Nguyễn Đức Tài nhưng ông chủ đứng sau chuỗi cầm đồ hiện đại F88 khá kín tiếng và không phải ai cũng biết.
F88 thành lập năm 2013, với mong muốn thay đổi cách tiếp cận tài chính, bằng việc cung cấp dịch vụ nhanh chóng – dễ dàng – minh bạch. Startup này được sáng lập bởi doanh nhân Phùng Anh Tuấn cùng 2 người khác. Hiện doanh nhân này là CEO của F88.
Nhắc đến đội ngũ sáng lập F88, ông Tuấn tự hào cho biết “đội ngũ sáng lập của F88 ngày đầu có 3 người, 3 anh em mỗi người một mảng khác nhau nhưng cùng một mục tiêu, một tiếng nói và một suy nghĩ”.
“Trong quá trình phát triển có mời nhiều anh em từ cấp cao đến cấp trung. 5 năm đi đến tận giờ, trong những lúc khó khăn nhất anh em vẫn ở lại với mình. Nền tảng về mặt con người, văn hoá doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng đến giờ thì đấy là cái lớn nhất mà bọn anh có”, CEO F88 từng chia sẻ với báo Trí thức trẻ.
CEO Phùng Anh Tuấn sinh năm 1984 tại Phú Thọ. Ông thường được mọi người gọi với biệt danh Tuấn Pat. Sau khi tốt nghiệp THPT Chuyên Hùng Vương, anh trở thành sinh viên xuất sắc của đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Vị doanh nhân này được biết đến trong giới công nghệ không phải với vị trí CEO F88 của hiện tại mà là một hacker nổi Việt Nam. Anh là thủ lĩnh nhóm Việt Hacker khi mới chỉ là học sinh cấp 3. Năm 2004, anh Tuấn nhận được giải thưởng “Quả cầu vàng” về công nghệ thông tin của Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 2004.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Phùng Anh Tuấn làm nhân viên công nghệ thông tin cho một số tập đoàn lớn như: VASC, Viettel, Hipt. Tuy nhiên, sau đó anh quyết định thôi việc và khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty An ninh mạng VSEC vào năm 2003. Thời điểm đó, công ty là startup trong đầu tiên trong lĩnh vực bảo mật an toàn tại Việt Nam. Sau đó, công ty được đổi tên thành Công ty CP An Ninh Mạng Việt Nam vào năm 2009.
Đến năm 2018, Công ty CP An Ninh Mạng Việt Nam (VSEC) của anh lọt top “Những công ty B2B hàng đầu Châu Á” đã giúp anh củng cố được vị thế của mình trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Doanh nghiệp của Phùng Anh Tuấn chuyên kinh doanh sản phẩm về an toàn thông tin. Công ty đã hỗ trợ nhiều tập đoàn công nghệ lớn như: Viettel internet, FPT, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC),… để họ sửa lỗi trong hệ thống trước khi bị tấn công. Nổi bật nhất là sự kiện VSEC cảnh báo thành công lỗ hổng nghiêm trọng trên hệ thống ngân hàng trực tuyến (banking online) của một ngân hàng lớn tại Việt Nam.
Hiện VSEC là 1 thành viên của G-Group, với các công ty thành viên như: Tima, mạng xã hội Gapo, Beat.vn, GPAY, GTV, Hanet, G-Capital,…
Chuyên gia an ninh mạng chuyển hướng sang “cầm đồ”
Quá trình làm tại trung tâm an ninh mạng đã giúp Phùng Anh Tuấn tích lũy được nhiều kiến thức hữu ích về công nghệ . Chia sẻ về nguyên nhân chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực “cầm đồ” anh Tuấn cho biết ý tưởng đến từ việc khi bắt đầu khởi nghiệp anh không đủ tiền trả lương nhân viên nên thường mang đồ đạc đi cầm. Điều đó giúp anh nhận thấy tiềm năng huy động tiền của lĩnh vực này và bắt tay vào làm.
Tập khách hàng F88 nhắm đến là phân khúc underbank và unbank. Việt Nam có khoảng 70 triệu người trong độ tuổi trưởng thành, trong đó chỉ có 20 triệu người có tài khoản ngân hàng, 50 triệu người thì không. Trong số 20 triệu người có tài khoản ngân hàng, thì chỉ có một nửa trên đỉnh tháp họ có khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của NH (đáp ứng yêu cầu về tín dụng) và các tổ chức tài chính, 10 triệu còn lại có tài khoản nhưng thu nhập họ thấp, nhu cầu vay của họ thấp, không đạt chuẩn nên họ khó khăn trong việc tiếp cận tài chính từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.
“Phân khúc F88 nhắm đến là những người không có khả năng hoặc khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức tài chính. Họ vay khoản vay nhỏ, nhu cầu cần vay gấp và nhanh. Họ không có kế hoạch vay tiền trước như mai phải đóng tiền nhà, tối nay phải có khoản tiền đấy, không ai cho họ vay cả, việc vay bạn bè gia đình còn là thể diện nữa. Hai là khoản vay của họ rất nhỏ, trung bình các khoản vay dao động trong khoảng 10-15 triệu/món. Vậy ai cho các khách hàng này vay? Tổ chức tài chính không cho vay ngay và luôn các khoản vay nhỏ, bởi vì chi phí trên một khách hàng là lớn”, CEO F88 từng chia sẻ.
Xuất phát từ dân công nghệ nhà sáng lập F88 cùng đội ngũ sáng lập tập trung xây dựng hệ thống quản trị hoạt động kinh doanh như Core Banking thu nhỏ với các hoạt động chuyển tiền, rút tiền, giải ngân, phê duyệt từ nhiều cấp quản lý cho đến nhân viên.
Startup này được 2 quỹ đầu tư lớn trên thế giới gồm Mekong Capital và Granite Oak rót vốn đầu tư.
Trên website chuỗi cầm đồ này cho biết hiện đã có 500 địa điểm trên cả nước. CEO F88 từng cho biết họ đặt mục tiêu 2023 đạt 1.000 phòng giao dịch và trở thành công ty tỷ đô. Để thực hiện được việc mở rộng mạng lưới này, ông Tuấn cho biết F88 thực hiện 2 chiến lược. Thứ nhất là quy mô mở rộng mạng lưới phủ toàn quốc, thậm chí xuống xã huyện, tiếp cận 50 triệu người không có tài khoản ngân hàng và không có khả năng tiếp cận được dịch vụ tài chính. Thứ hai là đầu tư rất nhiều cho công nghệ thông tin để mở rộng vay online.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị