Quang Trung – Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, người đã lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc vào cuối thế kỷ thứ 18.
Quang Trung Hoàng đế (1753 – 1792) tên thật là Nguyễn Huệ, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Quang Trung không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân liệt Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ.
Ngoài ra, Quang Trung còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc. Bản thân ông đã cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn, và chưa hề thua một trận nào.
Đồng thời. khi ở cương vị hoàng đế, ông cũng tỏ rõ tài cai trị khi đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự… nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.
Sau 20 năm liên tục chinh chiến và 3 năm trị quốc, khi tình hình đất nước bắt đầu có chuyển biến tốt thì Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sau cái chết của ông, nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng.
Cuộc đời ông được biết đến qua các bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, các sử gia cận đại, hiện đại và cả trong văn học dân gian. Khi Quang Trung mất, nhân dân nhiều nơi đã xây lăng, lập đền thờ, dựng tượng đài và bảo tàng để tưởng nhớ công lao của ông.
Dù sau này nhà Nguyễn (đối thủ của nhà Tây Sơn) tìm nhiều cách xóa bỏ uy tín của Quang Trung (phá bỏ đền thờ, cấm người dân thờ cúng, truy lùng các bề tôi, con cháu của Quang Trung…) và gọi ông là “giặc” trong các tài liệu triều đình, nhưng ký ức về các chiến công của ông vẫn được những người mến mộ ông truyền tụng suốt 150 năm.
Cái chết không rõ ràng của Quang Trung – Nguyễn Huệ
Tương truyền, vào một buổi chiều đầu thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh.
Khi tỉnh dậy, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Phượng Hoàng Trung Đô. Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh tình nhà vua đã nguy kịch. Trước khi mất, nhà vua đã căn dặn Trần Quang Diệu và các quần thần:
“Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau.
Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân!”
Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16 tháng 9 năm 1792), vào khoảng 11-12 giờ đêm, Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, ở ngôi được 4 năm, hưởng thọ 40 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Vũ hoàng đế.Thời điểm mất của vua Quang Trung được các tài liệu cổ ghi khác nhau.
Sách Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn ghi ông mất tháng 7 âm lịch năm 1792, Hoàng Lê nhất thống chí ghi ông mất tháng 8 âm lịch năm 1792.
Theo lý giải của Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn phu tử, cả hai sách ghi đều không sai. Quang Trung mất vào khoảng 11 giờ đêm ngày 29 tháng 7 âm lịch, khoảng đó là giờ tý, nghĩa là bắt đầu được tính sang hôm sau; mà tháng 7 năm đó là tháng thiếu, ngày 29 là ngày cuối tháng, nên sau 11 giờ đêm đã chuyển sang tháng 8.
Theo Hoàng Xuân Hãn: “Ghi tháng 7 hay tháng 8 thực ra chỉ chênh nhau khoảng nửa giờ”. Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã viết bài “Tế vua Quang Trung” và bài “Ai Tư Vãn” để bày tỏ nỗi đau khổ và tiếc thương cho người chồng anh hùng sớm ra đi.
Nhiều giai thoại kỳ lạ về cái chết
Cho đến nay, đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân cái chết của vua Quang Trung được đưa ra nhưng chưa giả thuyết nào có được chứng cứ xác thực, đủ sức thuyết phục.
Sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu chính sử của Sử quán triều Nguyễn ghi chép cái chết của vua Quang Trung như sau:
“Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: “Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm…”. Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm… Từ đó, bệnh chuyển nặng…”
Ghi chép của Ngụy Tây liệt truyện có phần hư cấu để nâng cao sự mê tín vào “thiên mệnh” của nhà Nguyễn, nhưng nó cũng cho thấy Quang Trung bị bất tỉnh đột ngột, có lẽ là do tai biến ở vùng não bộ.
Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi “Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi… Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…“.
Và sau khi Quang Trung mất, vào tháng 1 năm Càn Long thứ 58 (1793), Quách Thế Huân cũng báo cáo với Càn Long: “Quang Trung đã chết vì bệnh”. Cũng một giả thuyết được truyền lại nhiều nhất là một buổi chiều thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi là chứng “huyễn vận”, còn ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não.
Một giáo sĩ tên Longer, có mặt ở Đàng Ngoài vào những thời điểm này, đã viết trong một bức thư đề ngày 21 tháng 12 năm 1792 là vua Quang Trung chết vì bệnh, nhưng không rõ là bệnh gì.
Các nhà nghiên cứu về sau gạt bỏ các chi tiết mê tín trong Ngụy Tây liệt truyện thì họ cho rằng Quang Trung đã bị một cơn tăng huyết áp đột ngột. Bác sĩ Bùi Minh Đức qua khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử, kết luận rằng Nguyễn Huệ bị “Xuất huyết não dưới màng nhện; nguyên nhân tử vong: do viêm phổi sặc” (tràn dịch màng phổi).
Việc an táng Quang Trung
Thi hài Quang Trung được táng ngay tại Phú Xuân, tại một cung điện của ông tên là Đan Dương. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh, sai sứ sang nhà Thanh báo tang và xin tập phong.Đô đốc Vũ Văn Dũng đang đi sứ nhà Thanh ở Bắc Kinh, nghe tin Quang Trung mất liền làm bài thơ viếng như sau:
Năm năm dấy nghiệp tự thân nông
Thời trước thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.
Vua Càn Long tặng tên hiệu cho ông là Trung Thuần, lại thân làm một bài thơ viếng và cho một pho tượng, 300 lạng bạc để sửa sang việc tang. Sứ nhà Thanh đến tận mộ ở Linh Đường (mộ giả) thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) để viếng.
Lăng mộ vua Quang Trung – Nguyễn Huệ bị Nguyễn Ánh sai người tàn phá
Thời Cảnh Thịnh, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục. Nguyễn Ánh nhân thời cơ đó kéo ra đánh bại nhà Tây Sơn. Mười năm sau ngày Quang Trung qua đời, nhà Tây Sơn sụp đổ hoàn toàn.
Để trả thù, Nguyễn Ánh sai đào phá mộ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc. Nơi đặt lăng mộ của Quang Trung cũng bị san phẳng, không cho để lại dấu tích, nên sau này có một số nhà nghiên cứu đã dày công tra cứu, khảo sát, tìm tòi song không thể xác định được mộ vua Quang Trung ở địa điểm nào.
Bên cạnh đó các lăng mộ của gia tộc Tây Sơn ở Nghệ An và Quy Nhơn đều bị khai quật, hủy phá đến mức chỉ trơ hố huyệt sâu, khiến người sau phải gọi là “giếng huyệt”.
Khảo sát trong thời gian gần đây của các nhà nghiên cứu đã tìm ra bài thơ Kiến Quang Trung linh cữu (Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung) của nhà thơ Lê Triệu (1771-1846), người sống dưới thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Bài thơ nói về cảm xúc của tác giả khi đứng trước nơi từng là lăng mộ của Quang Trung, chỉ sau mấy năm bị Nguyễn Ánh khai quật (theo các nhà nghiên cứu là năm 1801 hay 1802.
“Bao năm thét mắng át phong vân
Đủ thấy anh hùng – bậc vĩ nhân
Hàm Đan hận vùi muôn vạn xác
“Khuân Sơn” phần mộ hoạ trăm năm
Ngậm hờn chỉ trích ngàn thu hận
Nỡ phụ đường đường tám thước thân
Quang cảnh thảy đều thành cát bụi
Khiến đời muôn thuở cợt Doanh Tần!”
Chưa xác định được vị trí lăng mộ vua Quang Trung
Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đã cho phép thực hiện một cuộc thăm dò khảo cổ học tại khu vực gò Dương Xuân (nơi nghi ngờ đặt lăng mô vua Quang Trung) từ ngày 6 đến 15/10/2016.
Sau gần ba tháng nghiên cứu, chỉnh lý tư liệu thu thập từ cuộc khai quật, chiều 9/1/2017, đoàn thăm dò khảo cổ học đã có báo cáo sơ bộ.
PGS.TS Bùi Văn Liêm – viện phó Viện Khảo cổ học – cho biết tại năm hố thăm dò với tổng diện tích gần 24m2 đã phát hiện nhiều di tích, hiện vật và kiến trúc.
Trong đó, phát hiện ba cụm di tích liên quan đến mộ hỏa táng, cùng một chum sành bị vỡ có khả năng của một ngôi mộ đất có quan tài là chum sành. Phát hiện một di tích nền hoặc móng bằng cát, sỏi có thể liên quan đến nền móng của kiến trúc hoặc lớp tạo mặt bằng kê chân đá tảng, là chân cột trong kiến trúc.
Phát hiện hằng trăm hiện vật bằng đồng, sắt, sứ, sành, đất nung, ngói, thủy tinh, vôi vữa, xương, vỏ sò, trong đó nhiều nhất là hiện vật gốm sứ (337 mảnh).
Phát hiện quan trọng nhất là kiến trúc đá có chiều rộng hơn 5,5m, dày 0,6-0,65m, các viên đá xếp chồng lên nhau, có hai điểm bắt góc và hiện tượng giật cấp của các lớp đá. Kiến trúc này có thể liên quan đến một kiến trúc lớn, rất có thể là móng của tường hoặc thành.
Dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại, các mảnh sành, gạch, ngói, bước đầu có thể đoán định niên đại của di tích gò Dương Xuân nằm trong khoảng từ thế kỷ 17 đến 19 kéo dài đến đầu thế kỷ 20.
Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, cuộc thăm dò này đã cung cấp những tư liệu quan trọng nhưng vẫn chưa thể xác định cụ thể các di tích, hiện vật thuộc về thời kỳ nào, chủ nhân là ai.
Theo Mạnh Quân