Cho đến tận ngày nay, sai lầm nghiêm trọng, vô phương cứu vãn của Gia Cát Lượng năm xưa vẫn còn lưu trong sử sách.
Khi Lưu Bị còn sống, để bảo vệ địa vị của bản thân, phòng ngừa anh em họ Mã phân chia binh quyền trong tay, Lưu Bị đã để Mã Tắc đảm nhận vị trí quan văn.
Nhưng Mã Tắc lại không yêu thích cũng không có sở trường tại vị trí này, ngược lại, ông ta thường cùng Lưu Bị thao thao bất tuyệt, thảo luận chuyện lịch sử chiến tranh, cũng vì thế mà Lưu Bị không quá coi trọng Mã Tắc.
Chắc mọi người đều đã nghe đến câu yết hậu ngữ: “Mã Tắc mất Nhai Đình – Nói quá sự thật”. Việc này cũng nhiều lần được fan truyện Tam Quốc đem ra thảo luận xem liệu rằng, Mã Tắc có nên bị giết hay không. Tuy nhiên, từ trước đến nay đều luôn là mỗi người mỗi ý.
Nếu muốn hiểu được Tam Quốc, kỳ thật không quá khó, chỉ cần đọc nhiều lần thì tự nhiên sẽ hiểu được các mối quan hệ trong ấy, điều làm cho “Tam quốc diễn nghĩa” trở thành một trong Tứ đại danh tác của Trung Hoa ấy là nhờ vào nội dung cốt truyện và nhân vật trong truyện.
Trong truyện, mỗi nhân vật dù là nhân vật nhỏ cũng đều có lúc được thể hiện tài năng trí tuệ của mình, cũng giống như nhân vật chúng ta nói đến ngày hôm nay – Mã Tắc. Chúng ta đều biết rằng, trong ba nước Ngụy, Thục, Ngô thời Tam quốc thì Thục quốc là quốc gia suy vong đầu tiên, cho dù Lưu Bị đã giành cả đời tranh đấu đoạt thiên hạ nhưng cũng không thể thoát khỏi con đường diệt vong.
Gia Cát Lượng trong lòng người đọc là người gặp nguy không sợ, ông từng chỉ mang theo một tiểu đồng, một cây đàn đứng trên tường thành hát một khúc “Không Thành Kế” cho Tư Mã Ý;
Gia Cát Lượng trong lòng người đọc là người một lòng trung thành, Đỗ Phủ từng ca ngợi ông “Xuất sư vi tiệp thân tiên tử, trường sử anh hùng lệ mãn khâm”(Dịch thơ: Ra quân chưa thắng thân đà thác; Mãi khiến anh hùng lệ xót xa).
Gia Cát Lượng trong lòng người đọc là người tâm tại thiên hạ, đến khoảnh khắc cuối cùng khi biết thế cục không thể cứu vãn được nữa, ông chỉ nói một câu với kẻ thù là “Không được làm hại lê dân bách tính”.
Nhưng, trong suốt cuộc đời của Gia Cát Lượng ông đã phạm phải một sai lầm to lớn, việc này đã góp phần đẩy nước Thục vào cảnh thất bại rồi suy vong.
Quan hệ giữa Mã Tắc và Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng và Mã Tắc ngay từ lần đầu gặp mặt đã rất có duyên với nhau, cho nên Mã Tắc được đối xử rất tốt. Có người nói, Mã Tắc có được sự tán thưởng của Gia Cát Lượng là nhờ vào tài a dua nịnh hót, nhưng sự thật liệu có phải như vậy không?
Mắ Tắc quả thực là người tài hoa hơn người. Từ nhỏ, Mã Tắc đã nghiên cứu binh pháp, tinh thông các lí luận quân sự, về mảng này, e là đến cả Gia Cát Lượng cũng không thể sánh bằng ông. Thậm chí nhiều lần, Gia Cát Lượng còn khiêm tốn học hỏi từ Mã Tắc.
Kế sách “Thất cầm Mạnh Hoạch”cũng là do Mã Tắc nghĩ ra, ngoài ra còn nhiều các sách lược khác của ông được Gia Cát Lượng áp dụng cũng mang về thắng lợi to lớn.
Mã Tắc có cách nhìn nhận độc đáo trong các lí luận về quân sự, khiến cho Gia Cát Lượng nhiều lần trầm trồ, thán phục, đồng thời giúp Gia Cát Lượng xây dựng vị thế trong quân đội. Vì thế, đối với Gia Cát Lượng, Mã Tắc là tài năng cực kỳ hữu dụng, cho nên Gia Cát Lượng vô cùng yêu quý và tin tưởng Mã Tắc.
Trọng dụng Mã Tắc, Gia Cát Lượng phạm sai lầm không thể cứu vãn
Việc này chính là khởi đầu cho vị trí mưu sĩ của Mã Tắc. Mã Tắc cùng anh mình là Mã Lương vẫn luôn có mối quan hệ tốt với Gia Cát Lượng, thậm chí coi nhau như tri kỷ. Mã Tắc vốn đã tinh thông binh thư, là một hạt giống tốt để bồi dưỡng thành mưu sĩ.
Mã Lương trước lúc lâm chung đã gửi gắm em trai mình là Mã Tắc cho Gia Cát Lượng, dặn dò Gia Cát Lượng nhất định phải dạy dỗ Mã Tắc, để Mã Tắc có thể trở thành một vị mưu sĩ được người người tán dương.
Gia Cát Lượng vốn đã rất coi trọng tài năng của Mã Tắc, lại có thêm ủy thác từ người bạn thân trước lúc lâm chung, nên về sau ông luôn tận tâm tận lực chăm sóc cho Mã Tắc, đem hết hiểu biết của mình để dạy dỗ Mã Tắc mà không giấu giếm điều gì.
Nếu nói vì sao nước Thục bị diệt vong, thì có hàng nghìn hàng vạn lí do. Có thể nói rằng Lưu Bị trước lúc lâm chung đã nhìn thấu được vận mệnh của Thục quốc, cho nên đến tận giây phút cuối cùng Lưu Bị đã giao phó cho Gia Cát Lượng rất nhiều việc. Nhưng người tính sao bằng trời tính, một Lưu Bị đã tạ thế thì làm sao có thể tính toán bằng người vẫn còn sống đây?
Lưu Bị mặc dù không phải là một người tài hoa toàn diện, nhưng vẫn là người có mưu lược tính toán, cho nên khi còn sống ông đã dặn dò Gia Cát Lượng phải trợ giúp cho con trai mình là Lưu Thiện, cũng dặn ông nhất định phải trừ bỏ Mã Tắc.
Trước lúc lâm chung, Lưu Bị gửi gắm con trai mình cho Gia Cát Lượng, cũng để lại vài lời di ngôn. Đa số bạn đọc đều bị sự giả dối của Lưu Bị làm cho thất vọng nên quên mất rằng, người được coi là bậc đế vương kiệt xuất ấy đã để lại di ngôn cho Gia Cát Lượng rằng “không thể trọng dụng Mã Tắc”.
Mặc dù lúc ấy Lưu Bị đã hồ đồ, không còn minh mẫn, làm người lại giả dối, đạo đức giả, nhưng dù sao cũng là bậc đế vương ắt phải có khả năng nhìn người.
Nói ra thì nhiều người còn nghi ngờ, cớ sao lại phải trừ bỏ Mã Tắc? Tuy rằng Mã Tắc không phải người anh dũng thiện chiến, có mưu lược trí tuệ gì nhưng nếu coi Mã Tắc như một vị tướng lĩnh, trong hoàn cảnh nước Thục bấy giờ, Mã Tắc cũng được xem như một nửa nhân tài.
Nhưng trong ấn tượng của Lưu Bị, Mã Tắc chẳng phải người giỏi giang gì, Lưu Bị còn cho rằng Mã Tắc chỉ là kẻ biết khua môi múa mép chứ chẳng có tài cán gì thật cả.
Lưu Bị luôn cảm thấy Mã Tắc là kẻ ngang ngạnh cố chấp, kiêu căng ngạo mạn, tự cho là đúng, thế nên, Bị luôn cảnh cáo Gia Cát Lượng không được vì tình cảm cá nhân mà trọng dụng Mã Tắc.
Có lẽ, một phần Gia Cát Lượng cũng bị ảnh hưởng bởi tình cảm cá nhân, cho nên cũng phớt lờ những đánh giá của Lưu Bị về Mã Tắc. Sau này, Mã Tắc quả nhiên trở thành người ngang ngược cố chấp, bỏ qua những khuyên can từ cấp dưới của mình, sơ sảy mà đánh mất Nhai Đình-một khu vực quan trọng mang tính chiến lược của Thục quốc.
Mất đi Nhai Đình khiến cho Thục quốc mất đi thời cơ chiến đấu quan trọng, khiến cho tất cả tính toán của Gia Cát Lượng đều không thể thực hiện được.
Hơn thế, thất bại của Mã Tắc cũng khiến Gia Cát Lượng vô cùng đau lòng, vì ông thân là thần tử, không thể không làm gương, đành hạ lệnh chém đầu thị chúng Mã Tắc, cho dù chính bản thân ông có bao nhiêu không đành đi nữa nhưng cũng phải phục tùng quân lệnh.
Hành động lần này của Gia Cát Lượng không chỉ khiến Thục quốc phải đối mặt với nguy cơ khó khăn, mà còn khiến chính bản thân ông cũng vô cùng đau xót.
Vào những giây phút cuối cùng cuộc đời, Lưu Bị trịnh trọng phó thác con trai mình cho Gia Cát Lượng, hi vọng Gia Cát Lượng có thể phò trợ Lưu Thiện hoàn thành đại nghiệp chấn hưng Đại Hán.
Ngoài ra, Lưu Bị còn muốn Gia Cát Lượng nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm thiếu sót của Mã Tắc, bởi Mã Tắc chỉ có tài dùng binh trên giấy, chứ không thể dẫn binh tham chiến thực sự, nhắc nhở Gia Cát Lượng rằng “người này không thể trọng dụng”, nếu như Gia Cát Lượng vẫn cứ tiếp tục trọng dụng ông ta, sớm muộn sẽ có ngày đẩy Thục quốc vào viễn cảnh không thể cứu vãn.
Bên cạnh dù có rất nhiều lão tướng đã cùng ông xông pha chiến trường, nhưng Gia Cát Lượng lại chỉ yêu quý một mình Mã Tắc. Trong lần Bắc phạt đầu tiên, Gia Cát Lượng không tiếc làm trái lời dặn của Lưu Bị, cử Mã Tắc đảm đương vị trí tiên phong.
Nếu như Mã Tắc cẩn thận từng bước theo đó mà làm, có thể đã giúp Thục quốc mở mang bờ cõi, củng cố vị trí của mình, đồng thời dần dần xâm chiếm thế lực của Ngụy quốc.
Tuy nhiên một Mã Tắc không có mấy kinh nghiệm thực chiến nhưng lại nóng lòng muốn thể hiện hiểu biết của bản thân, ngang ngạnh cố chấp, qua loa khinh địch, làm trái kế hoạch tác chiến đã đề ra, đã dẫn đến việc đánh mất Nhai Đình, gây nên đại họa. Việc này khiến cho một Thục quốc đã lung lay sắp đổ lại càng trở nên khó khăn hơn, đẩy Thục quốc rơi vào con đường diệt vong nhanh hơn.
Dù rằng đánh mất Nhai Đình là sai lầm trực tiếp của Mã Tắc, nhưng việc dùng sai người của Gia Cát Lượng cũng là nguyên nhân quan trọng trong đó, bản thân Khổng Minh tiên sinh cũng có trách nhiệm với việc đánh mất Nhai Đình.
Nếu như không chém đầu Mã Tắc, ắt sẽ làm giảm uy danh của ông trong quân đội, dù rằng tình cảm gắn bó thân thiết nhiều năm giữa ông và Mã Tắc khiến cho Gia Cát Lượng không nhẫn tâm ra tay, nhưng cũng chỉ cắn răng mà hạ lệnh chém đầu Mã Tắc.
Lúc Gia Cát Lượng chém Mã Tắc, ông đã rơi lệ, một phần là tự trách bởi quyết sách sai lầm của mình dẫn đến thất bại, còn một phần là hối hận vì đã không nghe theo lời dặn dò của Lưu Bị.
Dù rằng Mã Tắc đọc nhiều binh thư, nhưng kinh nghiệm thực tế lại quá ít, cũng bởi vì kinh nghiệm thực tế quá ít khiến cho rất nhiều lí luận sử dụng trong chiến đấu là không thích hợp thỏa đáng.
Đối với người ngoài, Mã Tắc cũng được coi là một nhà quân sự, nhưng với Lưu Bị, Mã Tắc chỉ là một người giỏi nói nhưng không giỏi làm, nên Bị không dám để Mã Tắc cầm quân chinh chiến.
Dĩ nhiên, cũng có một nguyên nhân nữa khiến Lưu Bị phải đề phòng mà không trọng dụng Mã Tắc. Anh trai Mã Tắc là Mã Lương, Mã Lương không giống Mã Tắc, Mã Lương có kinh nghiệm chiến đấu phong phú, nắm đại quyền trong tay.
Lưu Bị cảm thấy bị đe dọa bởi binh quyền Mã Lương nắm trong tay, vì thế ông không thể để Mã Tắc cũng nắm quyền trong tay như thế, nếu để điều ấy xảy ra, không chỉ sẽ uy hiếp đến vị trí bản thân mà sợ rằng sẽ làm thay đổi toàn bộ Thục quốc.
Về sau, những gì Lưu Bị nói đều thành sự thật, nhưng Gia Cát Lượng lại dường như không nhận ra điều ấy, cho nên mới dẫn đến việc Mã Tắc đánh mất Nhai Đình.
Sau khi Lưu Bị chết, toàn bộ mọi việc của Thục quốc đều do một tay Gia Cát Lượng lo liệu, mặc dù thừa tướng Thục Hán là người thần cơ diệu toán, nhưng cũng không thể so với trí tuệ của cả tập thể! Gia Cát Lượng cho rằng Mã Tắc tinh thông binh pháp, chi bằng rèn luyện Mã Tắc, thế nên mới đem nhiệm vụ bảo về Nhai Đình giao cho Mã Tắc.
Cuối cùng kết cục của Thục quốc ứng với lời nói của Lưu Bị, từ đó thấy được tầm nhìn xa trông rộng của Lưu Bị, sai là ở sự độc đoán chuyên quyền của Gia Cát Lượng, không chịu nghe theo nhắc nhở của Lưu Bị, quả thật là đáng tiếc!
Gia Cát Lượng dĩ nhiên là nhớ lời dặn của Lưu Bị, cho nên mới cử Vương Bình đi theo trợ giúp cho Mã Tắc, nhưng kết cục vẫn là thất bại.
Việc này không thể chỉ trách riêng ai, chỉ có thể nói rằng thế cục bấy giờ không có lợi cho Thục quốc, Thục quốc cũng không có nhiều nhân tài để Gia Cát Lượng khai thác, nên Gia Cát Lượng chỉ có thể cử Mã Tắc đi.
Dĩ nhiên Mã Tắc cũng không phải là hoàn toàn vô dụng, nhưng rõ ràng Mã Tắc không hoàn thành trách nhiệm, cho nên Gia Cát Lượng chỉ đành giết Mã Tắc để cảnh cáo lòng quân, có thể thấy khi ấy Gia Cát Lượng cũng không thể làm gì khác được.
Một quốc gia thì cần có một tập thể tài giỏi để đưa đất nước đi lên, chỉ có trí tuệ mà không có mưu lược thì cũng không được, cho nên Lưu Bị thấy được cái mà Gia Cát Lượng không thấy được, Gia Cát Lượng lại thấy được những điều mà Lưu Bị không hiểu, sự bù đắp này mới giúp vận hành tốt một đất nước.
Theo Khánh An