Hoàng Hậu Trần Thị Dung (tên thật là Trần Thị Ngừ) được biết đến vợ của Lý Huệ Tông, hoàng hậu cuối cùng của vương triều nhà Lý, mẹ ruột nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam Lý Chiêu Hoàng, và cũng là người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc mở đường cho họ Trần tiến đến ngôi vị cao nhất, lật đổ nhà Lý.
Lý Huệ Tông (1194 – 1226), tên thật là Lý Sảm hay Lý Hạo Sảm, sinh tại Thăng Long, là đích trưởng tử của Lý Cao Tông, mẹ là hoàng hậu họ Đàm. Năm 1208, ông được vua cha lập làm Thái tử. Năm 1210, ông lên ngôi vua – sự suy vong của nhà Lý bắt đầu từ đây.
Trần Thị Dung (1193 – 1259) hay còn gọi là Kiến Gia Hoàng hậu, Thuận Trinh Hoàng hậu, Linh Từ Quốc mẫu, là Hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, chính hậu của Hoàng đế Lý Huệ Tông, mẹ ruột của Lý Chiêu Hoàng và Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu. Bà cùng em họ là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đồng mưu trong việc soán ngôi nhà Lý, nhường ngôi cho cháu trai là Trần Cảnh, từ đó mà lập ra nhà Trần.
Con gái bà là Chiêu Hoàng được sách lập làm Hoàng hậu, trở thành Hoàng hậu thứ nhất của Thái Tông. Sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá: công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều, mà phần báo đáp nhà Lý thì không được bằng.
Vì sao Ngô Sĩ Liên lại đánh giá như vậy, có thể ta phải quay lại khi Lý Huệ Tông còn là Hoàng thái tử và Trần Thị Dung vẫn còn là một cô gái làng chài lưới. Cuộc đời của họ vốn dĩ có thể có một kết thúc tốt đẹp hơn, bình yên hơn nhưng số phận lại thật biết trêu người.
Họ gặp nhau vào năm 1209 khi Thái tử chạy về Hải Ấp để tránh loạn Quách Bốc. Ở đó, chàng được Trần Lý – phụ thân của Trần Thị Dung cưu mang. Lý Hạo Sảm thanh niên tuấn tú, bà cũng vừa vào độ xuân thì, e ấp như bông hoa vừa chớm nở. Tình chàng ý thiếp mặn nồng, họ đã kết tóc thề nguyền mà nên duyên cầm sắt. Nhưng đau đớn thay cuộc hôn nhân này chính là kế hoạch đã được sắp đặt từ trước.
Sau đó không lâu, Thái tử đã thay phụ hoàng mình giữ gìn quốc thống. Năm 1210, chàng chính thức trở thành vua của Đại Việt, đồng thời cho đón Trần Thị Dung và gia đình bà về Kinh thành. Hạnh phúc chưa được bao lâu, Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi vu khống Trần Tự Khánh đem binh về kinh sư muốn mưu đồ việc phế lập.
Huệ Tông tin là thật, nổi giận, bèn hạ chiếu cho các đạo binh đánh Trần Tự Khánh và giáng Nguyên phi Trần Thị Dung xuống làm Ngự nữ. Trong lòng Huệ Tông có lẽ không nỡ giáng chức bà nhưng sự kiêu ngạo của bậc đế vương lại không để ông dựa vào nhà Trần. Tình cảm của họ bắt đầu từ đây mà rạn nứt.
Đầu năm 1216, Huệ Tông lại lập Trần Thị Dung làm Thuận Trinh Phu nhân. Đàm Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ vào Trần Thị Dung mà nói là bè đảng của giặc, bảo Huệ Tông đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân phải mau chóng tự sát. Huệ Tông biết bèn ngăn lại.
Đàm Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân khiến Huệ Tông phải chia mỗi bữa ăn của mình cho vợ và không lúc nào cho rời bên cạnh, rồi đêm ấy cùng với phu nhân lẻn đi đến chỗ quân của Tự Khánh. Một lần nữa, Huệ Tông phải nhờ vào thế lực nhà vợ nhưng thật đáng buồn, những bao bọc che chở ông dành cho Trần Thị Dung đã không thể đả động đến sâu thẳm trong lòng bà… Bởi lẽ bà giờ đây chỉ nghĩ đến quyền lực gia tộc và đã không còn tình cảm nào với ông.
Tháng 12 năm 1216, Thuận Trinh Phu nhân Trần Thị Dung được phong làm Hoàng hậu. Một người làm quan cả họ được nhờ; anh em, thân thuộc họ Trần chiếm hết các chức văn võ quan trọng trong triều. Tự Khánh làm Phụ chính Thái úy, Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ. Trần Thừa cho đúc vũ khí, dần dần chấn chỉnh lại quân đội. Nhưng tháng 3 năm 1217, Huệ Tông đột ngột phát điên, bệnh tình mỗi ngày một nặng.
Hoàng hậu lại tư thông với Trần Thủ Độ và có vai trò lớn trong việc khiến Huệ Tông chọn nhường ngôi cho cô con gái nhỏ Phật Kim – Lý Chiêu Hoàng. Sau khi nhường ngôi, ông lên chùa Bát Tháp tu. Tình cảm giữa ông và bà đến đây kể như hoàn toàn chấm dứt, ân đoạn nghĩa tuyệt.
Năm 1226, Trần Thủ Độ lo sợ lòng dân thương nhớ vua cũ nên đã gây sức ép cho Lý Huệ Tông. Ngay sau khi Lý Huệ Tông bị ép tự sát, Trần thị tái hôn lấy Trần Thủ Độ, khi ấy đang là “Thượng phụ Thái sư”, có quyền hành rất lớn.
Đến cuối đời, ông và bà cũng không thể gặp nhau lần cuối. Bà dường như đã quên đi hết tình nghĩa xưa với người chồng đế vương đã từng yêu thương mình đến thế. Bây giờ thứ còn lại đơn thuần chỉ là chấp niệm về một thoáng xuân thì.
Tuy tuyệt tình là thế nhưng bà lại đóng góp rất lớn cho nhà Trần. Trong lần đầu người Nguyên vào cướp, bà đã lập nên công lao rất lớn: khi nhà vua và quân nhà Trần đang đánh nhau với quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, bà bảo vệ các hoàng tử, hoàng tôn cùng gia quyến của quý tộc nhà Trần tại khu vực căn cứ Hoàng Giang, bên cạnh đó còn cho khám xét thuyền các nhà chứa giấu quân khí, hễ tìm được thì đều đưa dùng vào việc quân. Tháng giêng năm 1259, Trần Thị Dung qua đời, được dâng thụy hiệu là “Linh Từ Quốc mẫu”, thế nhân không rõ bà được an táng ở đâu.
Thật tiếc cho một đoạn tình yêu này của hai người. Bởi một cái rung động từ thuở niên thiếu, họ cưới nhau rồi cùng trải qua bao phong ba bão táp chốn cung đình. Tưởng rằng bình yên, tưởng rằng xuất giá tòng phu nhưng một khi bước qua cánh cửa Tử Cấm Thành, tất cả chỉ còn là lòng người lạnh lẽo.
Trần Thị Dung luôn nghĩ cho gia tộc nhiều hơn nên bà không thể đáp lại mảnh ân tình của Lý Huệ Tông, mãi cho đến cuối đời. Nếu họ không phải thái tử hay cô gái của một gia tộc đang ấp ủ mộng đế vương, thì có lẽ họ đã hạnh phúc hơn chăng?
Theo: Chuyện Hậu Cung