Không chỉ là lời đồn thổi, trước năm 1975, đạo diễn nổi tiếng Lê Mộng Hoàng còn dựng phim “Con ma nhà họ Hứa” (hãng phim Dạ Lý Hương sản xuất), chiếu các rạp tại TP Hồ Chí Minh, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người, suốt nhiều năm. Cho đến nay, câu chuyện này vẫn còn là một điều bí ẩn.
Sài Gòn trước năm 1975 có biệt danh là “Hòn ngọc Viễn đông” không chỉ nói lên vẻ đẹp tráng lệ của một thành phố lớn của đất nước Việt Nam mà còn ám chỉ đây là trung tâm văn hóa, kinh tế phồn vinh của một vùng đất thuộc khu vực Đông Nam Á. Sài Gòn thời đó cũng là đầu mối giao lưu hội nhập cực thịnh trên nhiều lãnh vực của khu vực và thế giới, trong đó có sự tụ hội của những dòng người lưu cư chọn Sài Gòn làm “quê hương” thứ hai từ một số nước mà nhiều nhất có lẽ là người Trung Hoa.
Và trong số người lưu cư theo dòng thời gian và những bước ngoặt lịch sử ấy có một người Trung Hoa gốc Minh Hương nghèo khổ về sau nổi tiếng là một doanh nhân trên thương trường Sài Gòn lẫn khu vực Đông Nam Á với nhiều huyền thoại ly kỳ cho tới bây giờ, đó là Chú Hỏa tức Hui Bon Hoa, phiên âm tiếng Việt là Hứa Bổn Hỏa.
Nhưng huyền thoại bao quanh Chú Hỏa không chỉ có việc ông khởi nghiệp làm giàu từ gánh ve chai buôn bán đồng nát mà còn có ngôi nhà 99 cửa tồn tại tới bây giờ với lối kiến trúc độc đáo. Và trong ngôi nhà 99 cửa này có một câu chuyện nửa hư nửa thật làm rúng động đất Sài Gòn và mãi mãi còn nằm trong bức màn bí mật: Câu chuyện về cô tiểu thư Hứa Tiểu Lan bị bệnh cùi, chết khi còn rất trẻ và rất linh thiêng đã hình thành câu chuyện huyền thoại Con ma nhà họ Hứa.
Kỳ 1: Một gánh ve chai khởi nghiệp làm giàu
Chú Hỏa có lẽ là một trong số người Trung Hoa gốc Minh Hương rời bỏ đất nước di cư sang Việt Nam sinh sống khi người Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên thiết lập triều đình nhà Thanh cai trị đất nước Trung Hoa rộng lớn và tiêu diệt nhà Minh. Những người Trung Hoa đầu tiên này di cư tới Việt Nam và được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Hầu hết số người Trung Hoa di cư đến Việt Nam ban đầu đều nghèo, chỉ hai bàn tay trắng và một số phận “tha phương cầu thực” với ước nguyện được yên thân nơi xứ người, tránh sự truy lùng của triều đình Mãn Thanh. Chú Hỏa cũng là một người mang số phận như vậy.
Chú Hỏa định cư ở đất Sài Gòn xưa và chọn nghề “mua bán ve chai đồng nát” là một cái nghề mạt hạng nhất trong các thứ nghề lúc bấy giờ mà giai tầng “thầy, thợ” đã là đẳng cấp phân chia ngôi thứ rõ rệt nhất trong đời sống xã hội. Mỗi ngày chú Hỏa với bộ đồ đặc trưng của người Trung Hoa xưa, chiếc nón cối có đỉnh hình chóp, rộng vành, trên vai đôi quang gánh, chân mang đôi giày bố đặc trưng của người Trung Hoa lặn lội vào từng ngõ ngách của đất Sài Gòn cất tiếng rao bằng tiếng Việt giọng lơ lớ để mua ve chai, đồng nát.
Nhưng chú Hỏa không giống những người mua ve chai đồng nát bình thường mà là mua về lựa ra bán lại cho chủ vựa kiếm ít đồng lời. Do có ý chí vươn lên và đầu óc kinh doanh bẩm sinh của người Trung Hoa nên chú Hỏa tái chế ve chai đồng nát thành những sản phẩm thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày để bán ra thị trường. Vì thế đồng lời tăng gấp 4 lần theo kiểu “một vốn, bốn lời” và chú Hỏa đã tích lũy cả vốn lẫn lãi qua thời gian để chuẩn bị phát triển kinh doanh, làm ăn lớn chứ không sống mãi với cái gánh ve chai và tiếng rao buồn vang vang trong các con hẻm nhỏ Sài Gòn của một người Minh Hương xa xứ.
Nhiều huyền thoại kể rằng, trong những lần đi mua ve chai, đồng nát, chú Hỏa mua cả đồ cổ sành sứ, đồng, thau, bạc, vàng rất quý hiếm mà người trong các xóm lao động không hề biết giá trị thật, mang bán cho chú Hỏa với giá rất bèo theo kiểu ve chai, đồng nát nên chú Hỏa đã vớ bở. Và trong một lần mua ve chai, chú Hỏa đã may mắn mua được một cái chuông cổ bằng đồng có lớp sơn đen bên ngoài để ngụy trang mà thật sự cái chuông cổ ấy được đúc bằng vàng khối mà người bán cái chuông không biết vì đây là vật dụng của gia đình truyền lại bị vất lăn lóc ở xó nhà mà họ muốn bán đi cho trống chỗ.
Từ cái lần vớ phải “lộc trời cho” ấy chú Hỏa đã phất lên và dùng số vàng này hùn hạp làm ăn với một người Pháp mở hệ thống tiệm cầm đồ bình dân rồi tiến sang lĩnh vực bất động sản, mua đất, xây nhà cho thuê không chỉ trên đất Sài Gòn mà còn ở khắp Nam kỳ Lục tỉnh.
Ngôi nhà 99 cửa và huyền thoại chú Hỏa
Sau khi không còn làm ăn với người Pháp này nữa, chú Hỏa rút vốn lại thành lập công ty riêng mang tên Công ty “Hui Bon Hoa và các con” đầu tư mạnh vào bất động sản, không chỉ xây nhà phố cho thuê mà còn xây các công trình lớn như bệnh viện, chợ, khách sạn, trường học, chùa chiền… Lúc bấy giờ chú Hỏa đã có trong tay tới 20.000 căn nhà phố cho thuê khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Vô số công trình lớn còn tồn tại tới ngày nay như: Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách chính phủ, chùa Kỳ viên, khách sạn Palace, Long Hải… mà khách sạn Majestic xây xong năm 1925, được xem là một công trình kiến trúc đồ sộ, độc đáo thời ấy theo kiểu Pháp tới bây giờ sau bao lần chỉnh trang vẫn không thay đổi bao nhiêu.
Một trong những công trình vượt thời gian ấy là ngôi biệt thự chú Hỏa kiến trúc rất độc đáo theo hình chữ U với 99 cửa, hiện dùng làm Nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP nằm ở khu đất vàng bao quanh bởi 4 con đường nhà phố sầm uất, buôn bán tấp nập ngay khu “tứ giác vàng” trung tâm quận 1 là Phó Đức Chính- Lê Thị Hồng Gấm-Calmette-Nguyễn Thái Bình.
Riêng ngôi nhà 99 cửa cũng có nhiều huyền thoại ly kỳ như một thời đã dấy lên tin đồn trong tủ kính ở gian sảnh chính có đặt đôi quang gánh mua ve chai của chú Hỏa thời hàn vi, có một căn phòng… có ma. Đó là cô con gái của chú Hỏa bị bệnh cùi do chết oan khuất nên không siêu thoát nên thường hiện ra trong đêm khuya. “Ma nữ” trong bộ đồ trắng, xõa tóc dài đi dọc hành lang ngôi biệt thự hoặc gào khóc trong căn phòng trước kia cô đã sống… rồi lại có lời đồn đãi thỉnh thoảng người ta thấy chú Hỏa… hiện ra, vai gánh gánh ve chai đi loanh quanh trong khoảng sân rộng của ngôi biệt thự.
Tất cả những tin đồn thổi, thêu dệt này càng làm tăng thêm sự ly kỳ bao quanh huyền thoại của một người Trung Hoa gốc Minh Hương nổi tiếng ở Sài Gòn xưa mang tên Hui Bon Hoa. Đặc biệt là tin đồn cô gái ma trong ngôi biệt thự chú Hỏa đã tạo cảm hứng cho một bộ phim mang tên Con ma nhà họ Hứa do hãng phim Dạ Lý Hương sản xuất với đạo diễn nổi tiếng Lê Mộng Hoàng chiếu trước năm 1975.
(còn tiếp)
>> Xem tiếp Kỳ 2: Chuyện ngôi nhà 99 cửa ở Sài Gòn và con ma nhà họ Hứa (Kỳ 2): Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa
>> Xem tiếp Kỳ 3: Chuyện ngôi nhà 99 cửa ở Sài Gòn và con ma nhà họ Hứa (Kỳ 3): Những chuyện đồn thổi đậm chất liêu chai