Chu Nguyên Chương đã ra tay tàn sát công thần triều Minh như thế nào?

Nhìn vào cách mà Chu Nguyên Chương sát hại công thần, chúng ta sẽ thấy đây là một chiến lược được tính toán hết sức công phu có lớp lang bài bản, chứ hoàn toàn không phải chỉ mang đi chém hết, diệt gọn trong một nốt nhạc.

Trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ kết cấu của đám công thần khai quốc của Chu Nguyên Chương, bao gồm hai tập đoàn lớn.

  • Các anh em bình sĩ, tướng lĩnh ở Hào Châu từ thời nghĩa quân khăn đỏ của Quách Tử Hưng.
  • Nhóm mưu sĩ,văn thần, đến với Chu Nguyên Chương sau khi nghĩa quân khăn đỏ đã tương đối lớn mạnh ở vùng Giang Nam.

Về sau nhóm thứ nhất phát triển thành phái Hoài Tây do Từ Đạt & Lý Thiện Trường cầm đầu, nhóm thứ hai phát triển thành phái Triết Đông, do Lưu Bá Ôn và Uông Quảng Dương cầm đầu, cũng có những người trung lập không tham gia vào hai phải này, như Cảnh Bính Văn hay Thang Hòa.

Hai phái này, cạnh tranh, dùng nhiều thủ đoạn bẩn thỉu hãm hại nhau. Điều đáng buồn đứng trên góc độ Chu Nguyên Chương mà nói, thì nhóm khai quốc công thần này không chịu an phận, khi quân phạm pháp đe dọa đến cơ nghiệp họ Chu, và thế là muốn hay không muốn thì Chu Bát vẫn phải tiễn vong họ.

Vụ án Mã Nam Sơn

Chu Nguyên Chương đã ra tay tàn sát công thần triều Minh như thế nào?

Mã Nam Sơn là một chỉ huy trong nghĩa quân Khăn Đỏ của Chu Nguyên Chương, ông ta lập công lớn cho trận thủy chiến hồ Bà Dương, vì là người đã đốt thuyền của Trần Hữu Lượng.

Tuy công tích và danh vọng không được như đám Lam Ngọc, Lục Trọng Hanh, nhưng xét về mặt nào đó, ông ta cũng được liệt vào hàng ngũ khai quốc công thần. Sau ngày thắng lợi, Mã Nam Sơn đảm nhiệm chức chủ sự bộ Công, phụ trách việc xây dựng Tụ Hiền Đường và Quốc Tử Giám.

Ông ta bí mật trộm bán vật liệu gỗ đá để bán. Thế nhưng số chó ở chỗ, một ngày đẹp giời Chu Nguyên Chương đi vào tham quan Quốc Tử Giám vô tình giẫm vào một viên gạch, viên gạch lập tức vỡ vụn, Chu Nguyên Chương lệnh cho Dương Hiến điều tra và truy ra nguyên nhân là bớt xén vật liệu làm chất lượng thi công kém. Mã Nam Sơn bị chém đầu.

Chu Nguyên Chương từ đó cũng cảnh giác hơn với đám huynh đệ Hoài Tây, ép tất cả đám này phải tự giác giao nộp lệnh bài miễn chết.

Vụ án gian lận thi cử

Chu Nguyên Chương đã ra tay tàn sát công thần triều Minh như thế nào?

Sau khi chặt đầu Mã Nam Sơn, Chu Nguyên Chương cảm thấy bắt đầu đề phòng đám tướng lĩnh Hoài Tây, gọi bọn họ là nhóm Kiêu Binh Hãn Tướng. Ông ta bắt đầu có xu hướng ưu ái hơn tầng lớp văn quan để sử dụng họ làm đối trọng với đám tướng lĩnh kia.

Một kỳ thi ân khoa lập tức được tổ chức, thế mà sự đời thế nào, 36 học tử đỗ Tiến Sĩ, đều là người Triết Đông, khu vực Giang Tô- Chiết Giang, trong khi chức quan chủ khảo kỳ thi được giao cho Tống Liêm.

Một thành viên của phái Triết Đông, cũng là một văn sĩ bồi bút đi theo Chu Nguyên Chương từ những ngày đầu, nói cho rõ thì địa vị của Tống Liêm khi đó gần na ná như thừa chỉ Nguyễn Trãi ở bên nước ta vậy.

Nhận thấy âm mưu của đám Tống Liêm, muốn sử dụng đám học tử này như tay chân quan trọng trong bộ máy sau này, Chu Nguyên Chương bắt đầu cảm hoài nghi thấy đám văn thần Triết Đông này cũng dã tâm tham vọng chả kém gì đám tướng lĩnh Hoài Tây. Lưu Bá Ôn cũng không tránh khỏi liên quan và bị đưa vào danh sách đen.

Vụ án Dương Hiến

Chu Nguyên Chương đã ra tay tàn sát công thần triều Minh như thế nào?

Dương Hiến ban đầu là một học trò của Lưu Bá Ôn, và được Lưu Bá Ôn tiến cử. Anh ta vốn không phải được liệt vào hàng khai quốc công thần như thầy mình hay đám Tống Liêm, Uông Quảng Dương, nên địa vị không thể bằng.

Anh ta lập được “ thành tích” trong việc cai trị Dương Châu, nên được gọi về triều đình làm việc, dần dà thể hiện nhiều năng lực lọt vào mắt xanh của Chu Nguyên Chương, Cuối cùng, cái đích của Dương Hiến đã đạt được, anh ta được phong là Tướng Quốc Trung Thư Tỉnh, sự việc như một tiếng sét đánh ngang tai với đám huân quý Hoài Tây, ngay cả Lý Thiện Trường cũng đứng ngồi không yên.

Dã tâm muốn làm tướng quốc trung thư tỉnh của Dương Hiến, làm sao có thể qua mặt được Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương hoài nghi về những thành tích của Dương Hiến nên âm thầm cho Cẩm y vệ về Dương Châu để điều tra, và phát hiện ra vô vàn những việc làm bậy bạ của Dương Hiến trên cái vỏ ngoài thành tích tại đây.

Cái thâm của Chu Nguyên Chương ở chỗ biết được Hồ Duy Dung và Dương Hiến kình địch nhau như chó với mèo, ông tìm cách tuồn những chứng cứ này đến tay Hồ Duy Dung và Hồ Duy Dung bắt được những chứng cứ này hí hửng như bắt được vàng, lập tức dâng sớ tố tội Dương Hiến, mà không biết Chu Nguyên Chương đã ấn nó vào tay mình.

Dương Hiến lập tức bị xử ngũ mã phanh thây, còn Hồ Duy Dung được thăng làm tướng quốc Trung Thư Tỉnh, trở thành idol của đám tướng lĩnh Hoài Tây và cũng là lúc mà Hồ Duy Dung bắt đầu lộ sơ hở.

Vụ án Âu Dương Luân buôn lậu

Chu Nguyên Chương đã ra tay tàn sát công thần triều Minh như thế nào?

Âu Dương Luân là phò mã của Chu Nguyên Chương, nếu cứ yên phận làm một anh phò mã vui vầy bên công chúa thì Âu Dương Luân đã có thể sống hạnh phúc bên công chúa đến đầu bạc răng long.

Ấy thế nhưng Âu Dương Luân lại có tham vọng start up làm giàu. Sự việc bắt đầu khi Chu Nguyên Chương nhận được mật báo của Cẩm Y Vệ ở tỉnh Cam Túc rằng một viên tuần kiểm bị chết không rõ nguyên nhân. Điều tra cái chết của viên tuần kiểm này, anh Bát vô tình phát hiện ra cả một đường dây buôn lậu trà ngựa tơ lụa với Tây Vực mà Âu Dương Luân làm đầu mối.

Có sự giúp sức của rất nhiều đám nghĩa tử, nghĩa tôn huân quý Hoài Tây giúp thông quan dễ dàng trên đường đi và đương nhiên bạc rót vào túi của những người này không ít Chu Nguyên Chương phái Lưu Bá Ôn trọng trách điều tra vụ án, khiến cho đám Hoài Tây căm hận Lưu Bá Ôn không ngớt.

Do đã hứa với Mã Hoàng Hậu rằng sẽ không giết Âu Dương Luân, nên anh Bát ép Luân cầm kiếm đến Thái Miếu cắt cổ tự vẫn tạ tội. Sau khi Âu Dương Luân chết, Lý Thiện Trường phát hoảng, lập tức tính bài chuồn, cáo bệnh về quê, bởi một nhân tố đắc lực giúp Âu Dương Luân trong phi vụ buôn lậu này, chính là Lý Tồn Nghĩa em trai ông.

Vụ án Hồ Lam

Chu Nguyên Chương đã ra tay tàn sát công thần triều Minh như thế nào?

Cái chết của Âu Dương Luân như một quả bom chấn động tinh thần của đám Lam Ngọc, Phí Tụ và anh em Hoài Tây, vì nhà vua chả nể nang bất kỳ ai, dù là con rể. Nhóm này tìm đến Từ Đạt như một cái phao cứu sinh che chở, nhưng Từ Đạt khôn ngoan cáo bệnh không tiếp, và đám này đi đến phủ Hồ Duy Dung.

Hô Duy Dung chả đề phòng gì, ung dung mời đám này vào phủ uống rượu ngắm trăng tới mức say bét nhè. Chu Nguyên Chương được Cẩm y vệ mật báo và quyết định lập ra một kế hoạch để Hồ Duy Dung sa vào bẫy.

Đi hành cung tránh nóng, và giao mọi công việc chính sự cho Hồ Duy Dung xử lý. Hồ Duy Dung ngay lập tức tỏ ra lộng quyền, thăng quan bỏ ngục, xét duyệt tấu chương trước khi trình lên hoàng đế, mà không hay biết những việc làm khi quân đó đều được Cẩm y vệ giám sát, ghi chép lại cẩn thận, mật báo cho anh Bát.

Đỉnh điểm nhất chắc phải kể đến pha tiến thuốc độc giết chết Lưu Bá Ôn. Nhiều người cho rằng việc này là Chu Nguyên Chương đã bật đèn xanh cho Hồ Duy Dung làm.

Cho đến nay cái chết của Lưu Bá Ôn vẫn là bí ẩn lịch sử Cuối cùng, ngày tàn của Hồ Duy Dung cũng đến khi Chu Nguyên Chương nhận được mật báo sứ thần Chiêm Thành đến tiến cống nhà Minh không được bộ Lễ bố trí cho ở Dịch Quán mà phải lang thang trong quán trọ.

Chu Nguyên Chương lấy cớ làm việc tắc trách tống giam luôn Thượng thư bộ Lễ Lương Khải Đệ và tướng quốc Hồ Duy Dung cũng bị liên đới vì không điều hành được công việc của cấp dưới.

Ngay thời khắc Hồ Duy Dung bị tống giam, một loạt các đại thần dâng sớ hạch tội, trong đó có Ngự Sử Trung Thừa Đồ Tiết- nghĩa tử của Hồ Duy Dung Hồ Duy Dung bị lột sạch quần áo, trói vào trong rừng cho ong chích đến chết. Ngay sau cái chết của Hồ Duy Dung, Chu Nguyên Chương đại khai sát giới hàng loạt công thần, lấy lý do câu kết gian đảng. Trong đó có một số nhân vật nổi bật:

  • Tống Thận cháu của Tống Liêm nằm trong danh sách gian đảng, Chu Nguyên Chương lệnh cho Cẩm Y Vệ về quê bắt Tống Liêm lên kinh ( lúc đó đã từ quan) chém đầu . Nhưng vì Tống Liêm là thầy dạy cho Thái tử, được Mã hoàng hậu xin cho khỏi tội chết. Tống Liêm bị xung quân đầy tới Tứ Xuyên, nhưng bệnh chết trên đường đi. Năm đó, Tống Liêm 71 tuổi.
  • Lý Thiện Trường là thông gia của Hồ Duy Dung đã từ quan về quê và cứ nghĩ hạ cánh an toàn, nhưng sự đời không ai học được chữ ngờ, người ta truy bắt được Lý Tồn Nghĩa em trai của Lý Thiện Trường và biết được việc Nghĩa và Hồ Duy Dung đã âm mưu trước một kế hoạch tạo phản và sự liên quan với vụ án Âu Dương Luân buôn lậu năm xưa. Chu Nguyên Chương hạ lệnh chém đầu cả nhà Lý Thiện Trường.
  • Lam Ngọc cùng toàn bộ đám anh em Hoài Tây cũng bị tru di cửu tộc, lấy lý do âm mưu tạo phản cùng Hồ Duy Dung, bí mật thư từ qua lại trong thời gian Lam Ngọc đi viễn chinh đánh Bắc Nguyên.

Kết quả là, dù có là võ tướng Hoài Tây hay văn nhân Triết Đông đều chết hết dưới tay Chu Nguyên Chương, cái khéo của anh Bát mượn tay phe nọ trừ phe kia mà cho đến chết những người đó có lẽ cũng không nhận ra.

Theo Lại Nhật Quang