NSND Việt Anh: Không có ai có thể làm được như Trấn Thành, thay thế được Trấn Thành

Trong cuộc gặp gỡ mới đây, NSND Việt Anh trải lòng về cuộc sống ở tuổi 65, thẳng thắn đưa ra góc nhìn về giới nghệ sĩ, đặc biệt là về học trò Trấn Thành.

NSND Việt Anh: "Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành"

Hẹn gặp NSND Việt Anh (SN 1958), ông xuất hiện tại quán cà phê với chiếc áo họa tiết, mũ nồi, cặp kính đen quen thuộc. Ở tuổi 65, NSND Việt Anh dùng từ “may mắn” khi nói về mình trong nghề, còn ngoài cuộc sống, ông ngậm ngùi với 2 chữ “chấp nhận”.

Bao năm qua, cuộc sống ông vẫn thế, một mình trong căn nhà được học trò thuê giúp, không đi diễn thì tìm thú vui bên bạn bè, đọc sách, chơi tennis…

Video: NSND Việt Anh trải lòng về cuộc sống ở tuổi 65 (Thực hiện: Ngà Trịnh).

“Nghệ sĩ cần trình độ hơn thái độ”

Gần đây, người ta hay bàn về cách cư xử của nghệ sĩ. Theo ông, nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa “thái độ” và “trình độ” thì nghệ sĩ cần có cái nào hơn?

– Theo tôi, cả hai đều cần thiết với nghệ sĩ. Người ta thường nói “thái độ hơn trình độ” nhưng tôi không nghĩ vậy. Với tôi, nghệ sĩ cần trình độ hơn thái độ. Vì thái độ có thể sửa và điều chỉnh, còn trình độ khó thay đổi lắm vì đó là sự nhận biết. Khán giả chủ yếu xem nghệ sĩ diễn, họ đâu xem thái độ. 

Thế nhưng, thực tế thời gian qua showbiz Việt có không ít trường hợp bị quay lưng, tẩy chay vì có thái độ cư xử hoặc phát ngôn thiếu chuẩn mực dù đó có là nghệ sĩ tên tuổi và có những đóng góp lớn cho nghệ thuật đi chăng nữa. Vậy trong trường hợp này, có phải “thái độ” được đặt cao hơn “trình độ”?

– Theo tôi, một phát ngôn của ai đó phải xét xem nó ở ngữ cảnh nào, chứ không thể lấy phát ngôn đó gắn vào một không gian khác rồi mặc nhiên kết tội người ta. Tôi thấy có nhiều phát ngôn của nghệ sĩ bị cắt ghép rồi đưa vào các ngữ cảnh tiêu cực, khiến sự việc bị hiểu sai hướng.

Tôi tin, nghệ sĩ có thành tựu sẽ hiểu mình cần nói gì, trong ngữ cảnh nào. Nhiều người cho mình quyền phán xét và tự gắn phát ngôn của người ta vào ngữ cảnh khác để chỉ trích, lên án. Theo tôi, phải tỉnh táo với chuyện này, đừng mang tính chủ quan để nói về một con người.

Chúng ta không có quyền phê phán hay áp đặt người khác. Hãy để những việc này cho cơ quan có thẩm quyền và những người có trách nhiệm xử lý. 

NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 1
NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 2

Một ca sĩ từng nói “muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được”. Hẳn nghệ sĩ cũng cần trang bị cho mình một “bộ giáp cứng” để đối mặt với những tình huống tiêu cực trong nghề?

– Đương nhiên. Nhưng tôi mong mọi người hãy nhìn nghệ sĩ qua tác phẩm mà họ mang đến cho công chúng. Bạn có thể phán xét và phê bình trong phạm vi nghề nghiệp của họ, chứ đừng bới móc đời tư, làm tổn thương họ. Và khi đánh giá nghệ sĩ qua tác phẩm, bạn có thể khen chê trên tinh thần đóng góp xây dựng, chứ đừng nghe theo đám đông chê một cách vô tội vạ. 

Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ sống chưa đúng chuẩn mực, cư xử chưa đẹp trong đời sống cá nhân thì việc bị lên án, tẩy chay là cần thiết?

– Đã là nghệ sĩ thì cần ý thức về lời nói và hành động của mình. Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ còn có trách nhiệm hoàn thiện bản thân. Vì nghệ sĩ là người tạo ra cái đẹp, cùng mọi người hướng tới cái đẹp. Nghệ sĩ luôn phải trau dồi tri thức và lòng yêu thương. Nếu thiếu 2 thứ đó thì không làm nghệ sĩ được.

NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 3

Ông nhấn mạnh việc “nghệ sĩ phải có tri thức”, nhưng thực tế không phải nghệ sĩ nào cũng từng là “học sinh xuất sắc”. Vậy tri thức ở đây được thể hiện thế nào?

– Tri thức là để bản thân và mọi người hướng tới cái đẹp. Học giỏi mà chưa tỏa sáng thì do cơ hội chưa tới. Còn nếu có nhiều cơ hội mà tri thức kém thì thứ bạn mang đến cho người xem chính là nhận thức kém.

Rất nhiều người làm nghệ thuật, nhất là các diễn viên, vì nhận thức kém nên không làm cho người xem xuýt xoa được. Nhận thức kém được thể hiện qua cách họ diễn, cách nhìn nhận vấn đề và cách thoại.

Và điều tạo nên sự hoàn hảo của người nghệ sĩ chính là tri thức, kỹ năng biểu diễn, kỹ năng nhận biết và luôn luôn mới mẻ. Nghệ sĩ phải tìm cho mình cách đi riêng không nên diễn giống người khác thì tác phẩm mới thú vị.

Tôi dạy học trò nhưng không thích họ là “bản sao” của mình. Họ phải có cách diễn riêng, thậm chí là diễn hay hơn tôi. 

Từ góc nhìn của một người thầy, ông thích đào tạo một học trò “ngoan” hay một học trò “giỏi”? 

– Tôi thích học trò giỏi hơn là học trò ngoan. Nếu muốn ngoan thì đời sẽ dạy cho họ ngoan, còn để giỏi, họ phải tự phấn đấu, học hỏi và vươn lên. 

NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 4
NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 5
NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 6

“Chưa có ai thay thế được Trấn Thành”

Nhắc đến những học trò giỏi của NSND Việt Anh, phải kể đến Trấn Thành. Ông nhìn thấy được gì trong hành trình của anh ấy để có thể dứt khoát tuyên bố “100 năm mới có một nghệ sĩ như Trấn Thành”? 

– Tôi thích câu hỏi này, bởi khi nghe tôi nói như thế thì nhiều người cho rằng tôi nói quá. Tuy nhiên, tôi nhận định theo góc nhìn của tôi và có cơ sở để khẳng định như thế. 

Tôi đánh giá nghệ sĩ không phải qua một vai diễn để đời hoặc nhiều vai xuất sắc, mà đánh giá qua góc độ xã hội. Điển hình là Trấn Thành tạo ra 2 tác phẩm Bố già và Nhà bà Nữ, mà khi xem xong phim, người xem phải giật mình nhìn lại bản thân và trân trọng hơn các mối quan hệ xã hội.

Một sản phẩm nghệ thuật mà đánh động xã hội, 100 năm nay chưa có nghệ sĩ làm được như thế. Bạn thử kể tôi nghe, hiện tại có nghệ sĩ nào làm được điều đó chưa?

Theo ông, đến bây giờ vị trí “số 1” đó đã có ai có khả năng thay thế chưa?

– Trấn Thành ngày càng giỏi, diễn xuất ngày càng chân thật hơn. Cách nhìn của cậu ấy  với nghệ thuật cũng được nâng cấp hơn. Đến giờ, trong lòng tôi, vị trí “số 1” đó vẫn chưa có ai thay thế được. 

Không phải tôi tự khen học trò mình, nhưng mà nghệ sĩ là phải như thế, chứ không phải suốt ngày chăm bẵm cho danh tiếng, tốn thời gian vào những thứ vô bổ. 

NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 7

Ấn tượng của NSND Việt Anh về cậu học trò ngày ấy là gì?

– Tôi không đứng lớp dạy Trấn Thành mà chỉ dạy cậu ấy ở “trường đời”. Trấn Thành thông minh, nhớ vanh vách những lời tôi dạy. Đôi khi cậu ấy nhắc lại những câu chuyện mấy chục năm trước mà tôi còn không nhớ. 

Từ hồi mới vào nghề, Trấn Thành đã biết quan sát, nghiên cứu và không ngại học người này người kia để tìm cái riêng cho mình. Người trong nghề đa số phải nể Trấn Thành vì sự thông minh, chịu khó đó. 

Giờ đây, Trấn Thành có còn xin lời khuyên hay ý kiến gì từ ông?

– Không, giờ trò hơn thầy nhiều rồi (cười). Tôi hay nói với cậu ấy rằng: “Giờ thầy học em đó Trấn Thành”. Tôi nghĩ cậu ấy đủ bản lĩnh để hiểu mình cần nói gì, làm gì và giải quyết ra sao. Tôi không cần dạy nữa, giờ Trấn Thành dạy người ta…

Tuy nhiên, nhiều lần Trấn Thành trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận vì có những phát ngôn gây tranh cãi hoặc việc khóc nhiều trên màn ảnh. Theo ông, học trò của mình có cần tiết chế điều gì để ít gặp sóng gió hơn?

 – Ngoài tài năng, cách đối nhân xử thế của Trấn Thành cũng rất đẹp. Tại sao Trấn Thành khóc hoài? Vì cậu ấy sống tình nghĩa và giàu cảm xúc. Nhiều người lấy điều này để chế giễu nhưng tôi khuyên học trò rằng “em cứ khóc”. Khóc là cảm xúc đẹp của một người, tại sao không được khóc? Khóc giúp ta trở nên sâu sắc hơn. Cười có thể giả, chứ khóc không thể giả.

Ông hay gặp gỡ học trò nhưng ít tụ họp cùng đồng nghiệp, phải chăng ông tìm được sự đồng cảm từ học trò hơn là với những đồng nghiệp cùng thời?

– Học trò thích nghe tôi nói chuyện. Những buổi gặp gỡ, tôi hay nói nhiều về nghề và những góc nhìn của bản thân với nghề.

Đồng nghiệp thì ai cũng có công việc riêng, gặp nhau cũng không biết phải nói gì. Nói về nghề thì mỗi người có quan điểm và góc nhìn khác nhau, lỡ không cùng quan điểm lại mắc công. 

Cuộc sống một mình ở tuổi 65

Tôi không thích dùng từ “cô đơn” để hỏi ông vì người ta cũng nhắc nhiều rồi. Hiện tại, ông hài lòng với cuộc sống một mình ở tuổi 65 này chứ?

– Người ta không thể hài lòng khi sống một mình, nhưng tôi chấp nhận vì nó là một phần cuộc sống của tôi. Tôi may mắn được Tổ cho cái nghề và sống với đam mê nghệ thuật mấy chục năm qua, nên phải chấp nhận bị lấy đi một gia đình trọn vẹn.

Tôi không thể đòi hỏi mọi điều tốt đẹp đều dành hết cho mình. Tôi luôn tự nhủ bản thân rằng “đừng than thở nhiều và nên chấp nhận”.

“Một gia đình trọn vẹn” – ông có điều gì tiếc nuối?

– Đương nhiên, nếu được quay lại thì tôi sẽ làm khác nhưng làm sao có thể quay lại được. Chuyện gì qua rồi cứ để nó qua, nếu cuộc sống có chữ “nếu” thì đã không có những chuyện đau lòng xảy ra…

NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 8
NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 9

Thỉnh thoảng NSND Việt Anh vẫn chia sẻ hình ảnh con gái lên mạng xã hội, bao lâu rồi ông và con chưa gặp nhau?

– Con gái đang sống cùng mẹ ở Sydney (Úc), đến nay cũng hơn 10 năm. Con tôi năm nay 24 tuổi, đã học xong đại học và đang học thêm văn bằng 2. Cũng đã gần 4 năm, cha con chưa gặp nhau…

Con gái thông minh, ham học, sống tình cảm và luôn nghĩ cho người khác. Từ nhỏ, con đã học cách sống tự lập, không đua đòi và không bao giờ đòi hỏi bố mẹ phải mua cho cái này, cái kia.

Con gái từng tham gia một số vở diễn cùng tôi, biết diễn xuất nhưng không thích nghề diễn. Hồi đó, con bé nói với tôi rằng “cha đừng cho con đi diễn nữa, cho con làm đạo diễn đi” (cười).

Thời gian gặp nhau khá hạn chế, những năm qua sống xa nhau, ông và con gái gắn kết thế nào?

– Vì con bận học và đi làm nên mỗi tuần, hai cha con dành thời gian gọi cho nhau một chút. Chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch sẽ gặp lại, để con tập trung lo việc học ở Úc trước.

Mỗi lần gọi về, con gái luôn nhắc nhở “cha chú ý sức khỏe, đừng làm nhiều quá, cứ đi chơi và du lịch, đừng lo lắng gì cả”. Nghe thương lắm!

NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 10
NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 11

Mối quan hệ giữa NSND Việt Anh và vợ cũ thế nào sau nhiều năm?

– Chúng tôi vẫn giữ liên lạc nhưng mục đích chính là nói về con. Cuộc sống của hai mẹ con ở nước ngoài vẫn ổn. Con gái cũng mới có quốc tịch Úc. Trong khoảng thời gian con học từ lớp 4 đến lớp 12, tôi lo toàn bộ học phí. Vào dịp sinh nhật hay Tết, tôi cho con gái tiền xài chơi.

Ở mỗi giai đoạn khác nhau, người ta thường có mục đích sống khác nhau, ví dụ người trẻ thì muốn kiếm tiền để lo cho cha mẹ, người trung niên thì kiếm tiền lo cho vợ chồng, con cái. Ở tuổi 65, ông vẫn cật lực kiếm tiền vì điều gì?

– Có tiền để cho người ta, giúp đỡ bạn bè và những ai khó khăn…

Nhưng ít khi thấy ông chia sẻ về việc này?

– Chia sẻ mấy chuyện đó làm gì (cười). Tôi thích cho gì thì cho thôi, không thích phô trương, màu mè.

NSND Việt Anh: Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành - 12

Một ngày của NSND Việt Anh thế nào?

– Sáng tôi uống cà phê với bạn bè, hôm nào có lịch thì đi diễn, nếu không thì chơi tennis, đọc sách, lướt tin tức và vẫn “cơm ngày 3 bữa” như bao người, hôm nào siêng thì nấu, lười thì “cơm hàng cháo chợ”. Cuộc sống bao năm qua vẫn thế, không có gì thay đổi.

Ở tuổi 65, NSND Việt Anh ý thức giữ gìn sức khỏe thế nào?

– Tôi sống liều mạng lắm (cười). Không thích đi khám bệnh hay phải kiêng cữ gì nhiều.

Ông có từng nghĩ sẽ tìm một người bên cạnh để bầu bạn, chăm sóc tuổi già?

– Khó lắm, nhất là ở tuổi này. Ai lại đến với một ông già không có nhà cửa, tiền bạc. Thành ra, tôi cũng không dám đến với ai.

Hiện tại, ông còn trăn trở điều gì?

– Tôi muốn làm nhiều thứ chứ nhưng chưa thể. Tôi cũng muốn có nhiều tiền để giúp đỡ được nhiều người, muốn được dư dả một chút để con gái có cuộc sống tốt hơn. Nhưng thôi, cuộc đời tới đâu hay tới đó, tôi cũng không muốn nghĩ ngợi xa xôi rồi khiến bản thân phải buồn. 

Cảm ơn NSND Việt Anh vì buổi trò chuyện!

Ảnh: Hữu Khoa
Theo Dân Trí


NSND Việt Anh: ‘Cuộc sống tôi tốt hơn nhờ Trấn Thành’

Gần 70 tuổi, NSND Việt Anh vẫn mê nghiệp diễn, giữ lối sống giản dị, thu nhập ổn định hơn khi có học trò giúp sức.

NSND Việt Anh sinh năm 1956 tại TP HCM. Trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, ông để lại tên tuổi trong nhiều vở chính kịch như Lôi Vũ, Dạ cổ hoài lang, Đêm họa mi hay 41 đóa hồng. Việt Anh cũng gây ấn tượng cho khán giả ở mảng truyền hình, điện ảnh với khả năng hóa thân đa dạng vai.

Hơn một thập kỷ sau cuộc hôn nhân không trọn vẹn, NSND Việt Anh sống một mình trong căn nhà thuê tại TP HCM, không vợ, không con. Ông xem lối sống giản dị là chuyện thường và trân trọng tình yêu thương của học trò – Trấn Thành.

NSND Việt Anh ở tuổi 67.
NSND Việt Anh ở tuổi 67.

– Một ngày của ông diễn ra như thế nào?

– Tôi thường xuyên đi làm các xét nghiệm cơ bản và mọi thứ bình thường. Tôi không phải dùng thuốc hàng ngày, chỉ dùng thực phẩm chức năng, do nhậu nhiều nên phải có những thứ bổ trợ.

Thật ra tôi không nghiện bia rượu, nhưng ngồi với bạn thì khoái uống, để nói, để tâm sự, sẻ chia. Nhưng tôi hút thuốc nhiều. Tôi hút 50 mấy năm rồi, giờ bỏ là “có chuyện”. Hút thuốc đương nhiên có những cái hại, nhưng nếu hại hoàn toàn, người ta cấm bán thuốc lâu rồi. Tôi thường xem trọng các vấn đề về tinh thần hơn. Tinh thần thoải mái, sức khỏe sẽ tự nhiên đến.

Tôi thỉnh thoảng đi quay hình. Tôi đến chỗ làm bằng xe máy, xa quá thì bắt xe công nghệ. Nếu không có việc, tôi sẽ hẹn bạn uống cafe, đánh tennis. Chiều tối, tôi đi ăn, lai rai vài chai bia cùng anh em đồng nghiệp. Phở, hủ tiếu là món tôi hay ăn. Tôi ít dùng cơm, chắc vì ngán. Tôi thích ăn những món có nước một chút, cũng đơn giản một ngày ăn hai bữa. Trời cho đường với huyết áp của tôi ổn, bỏ bữa cũng không sao, chỉ có mỡ hơi “nhỉnh” một chút.

Thời gian này, tôi ít đi dạy vì học trò thưa thớt, không còn nhiều người đăng ký học ở các trung tâm diễn xuất. Các chương trình gameshow, cuộc thi truyền hình, dự án phim ảnh hiếm khi mời tôi tham gia, vì tính tôi thẳng như ruột ngựa. Cái gì hay, tôi khen. Cái gì dở, tôi chê nên thường không được lòng ban tổ chức.

– Thu nhập của ông bị ảnh hưởng ra sao khi ít việc để làm?

– Cuộc sống của tôi hiện tại ổn định hơn trước. Dù không hoạt động nghệ thuật thường xuyên, tôi vẫn có lương hưu 6 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức thu nhập cố định và thấp nhất của tôi trong những tháng không có gì để làm.

Nếu có nhiều việc hơn thì thu nhập trong tháng của tôi có thể tăng lên 20-30 triệu đồng. Nhưng tôi chỉ cần 150.000-200.000 đồng để ăn uống hai bữa mỗi ngày và chi phí đi lại quanh thành phố. Với mức lương hưu nhận được, tôi vẫn thoải mái với cuộc sống ở Sài Gòn, ăn ít một chút cũng qua ngày.

– Thu nhập đã cải thiện hơn so với lúc mới ly hôn cách đây hơn 10 năm, ông giữ nếp sống được nhiều người cho là bình dân thế nào?

– Tôi không thích hai từ “bình dân” mà muốn gọi là “bình thường”. Gọi bình thường nghe dễ chịu, dễ thương. Giản dị là điều cần thiết của con người. Nghèo mà giản dị là đương nhiên, nhưng dù giàu sang cũng nên giản dị. Giản dị làm cho người ta nhìn vào sẽ thấy dễ chịu hơn là những thứ phô trương, kệch cỡm. Điều này phụ thuộc vào nhận thức riêng của mỗi người, riêng tôi thích giản dị.

Thật ra tôi đến với nghệ thuật không chỉ vì tiền, chưa bao giờ nghĩ đến nó nhiều. Tôi đam mê nghề này, tự dưng tìm thấy cái gì đó tôi thích, mến và yêu nó. Và nghề đi theo tôi từ lúc tôi không có xe để đi, không có nhiều quần áo để mặc. Đến hôm nay, cuộc đời cho tôi một chỗ ở, nhiều quần áo để mặc, nhiều người biết đến. Đó là hạnh phúc, là giá trị tinh thần người nghệ sĩ muốn.

Và quan trọng hơn là tôi cũng góp phần vào một cái gì đó để cộng với khán giả, cộng với đồng nghiệp, làm nên cái đẹp trong từng vở diễn, từng nhân vật đem đến cho khán giả; giúp họ vừa giải trí, vừa nghĩ lại mình, vừa góp phần nhìn cái đẹp tốt hơn. Tôi thích điều đó.

NSND Việt Anh là người thầy đồng hành với Trấn Thành qua nhiều năm.
NSND Việt Anh là người thầy đồng hành với Trấn Thành qua nhiều năm.

– Ông từng hết lời khen ngợi học trò Trấn Thành là “trăm năm có một”. Cơ duyên nào ông gặp người học trò này?

– Ngày xưa lúc chia tay vợ, tôi có một cô bạn gái dạy piano. Lúc đó, Trấn Thành quen cô giáo dạy tiếng Anh học piano ở đó. Cô trò đi chơi thì tôi và Trấn Thành đi theo. Tôi dạy Thành ở đường phố, trên các quán ăn.

Ngày xưa, tôi dạy trong trường thì Thành học lớp Công Ninh, thỉnh thoảng len lén vào phòng học của tôi ngồi sau để nghe tôi dạy. Thành nói tôi mới biết, chứ tôi không để ý. Lúc đó, không ai biết Trấn Thành là ai, nên nó vào ngồi học lỏm cũng bình thường. Thật ra, Thành gọi tôi là thầy, chứ tôi không dạy nó chính quy. Nó yêu mến tôi qua các vai diễn của tôi, nó ngồi xem nhiều.

Hai thầy trò có cùng quan điểm về nghệ thuật và cuộc sống nên hợp nhau. Thành thường xuyên tâm sự với tôi, lần nào hát karaoke, nó cũng gửi cho tôi nghe để tôi nhận xét, nhiều khi hai, ba giờ khuya cũng gửi.

– Điểm gì ở nghệ sĩ Trấn Thành khiến ông quý mến?

– Trấn Thành sống đẹp. Cái nhìn về nghệ thuật của Thành cũng mới lạ. Tôi từng phát biểu Trấn Thành là nghệ sĩ “trăm năm có một”, nhưng lại bị đồng nghiệp phản ứng nhiều. Trong một cuộc phỏng vấn trước, tôi từng được hỏi sau chừng đó phản ứng của dư luận, có muốn rút lại lời đã nói không. Tôi bảo không và tôi giải thích lý do.

Nhìn vào một nghệ sĩ, chúng ta thường nhìn xem họ có vai diễn nào để đời không. Thành chưa có vai diễn nào ghê gớm, tôi công nhận. Nhưng những điều Thành làm dưới vai trò nghệ sĩ thì chưa ai làm được, về tài MC lẫn khiếu làm phim. Thành rất nghệ sĩ, chứ không phải chỉ là người làm nghề.

– Với mối quan hệ thầy trò, Trấn Thành giúp đỡ ông thế nào?

– Ba năm trước, khi biết tôi ở nhờ nhà người quen tận Thủ Đức, đi quay về đêm hôm vất vả, Trấn Thành giúp đỡ tôi có chỗ ở trong trung tâm thành phố, bỏ tiền túi sửa chữa lại căn phòng tươm tất hơn khiến tôi vô cùng xúc động. Được học trò yêu thương, hỗ trợ chỗ ở, tôi vơi bớt áp lực kinh tế.

Tôi nghĩ rằng tình thầy trò đủ để tôi không nghĩ đến vấn đề khác. Tôi không phải người sĩ diện. Tôi chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của học trò, và trân trọng tình cảm đó. Trấn Thành cảm mến nghệ sĩ, hay tạo điều kiện làm việc cho những nghệ sĩ khác. Tôi dạy Thành đã đành nhưng chị Ngọc Giàu, Lê Giang hay ai khác, nếu có cơ hội thì Thành sẽ đưa hết vào phim, miễn có việc là đưa vào.

– Với sự giúp đỡ của Trấn Thành, thu nhập của ông được cải thiện ra sao?

– Đúng, chỉ cần làm cho Trấn Thành một phim tôi đủ sống một năm. Khi phim thành công doanh thu, Thành thưởng hết cho cả đoàn, từ người thấp nhất đến người cao nhất. Thành phóng khoáng lắm, sống yêu thương, nhân ái. Tôi thích những nghệ sĩ như vậy, tính nghệ sĩ rất cao.

– Ông nghĩ sao về những phát ngôn gây thị phi gần đây của Trấn Thành?

– Tôi cảm thấy thật ra những ồn ào của Trấn Thành là do bị làm quá vấn đề, đôi khi chỉ vì một chi tiết nhỏ người ta đẩy lên nghiêm trọng. Nghệ sĩ có tài ắt nhiều người đố kỵ.

Có một số ý kiến cho rằng Trấn Thành nên khiêm tốn hơn, tôi thấy Thành vẫn khiêm tốn đó thôi. Trấn Thành có cá tính riêng, đặc biệt là tính dấn thân làm nên những tác phẩm khiến người xem phải thổn thức, đem lại cho xã hội thông điệp, đó mới là điều quan trọng. Người nhiệt huyết quá đôi khi làm người ta khó chịu, chuyện đó bình thường. Người cứ “ngoan hiền” thì không thể trở thành một nghệ sĩ đột phá.

Sự xuất hiện của Trấn Thành và nguồn năng lượng tích cực cậu ấy mang lại làm tôi trân quý công việc mình hơn, thêm yêu cuộc sống, yêu con người. Thật ra Thành đang dạy tôi đó chứ. Tôi từng nói rằng ngày xưa em học tôi điều gì tôi không biết, nhưng giờ tôi đang học em.

NSND Việt Anh cùng NSND Ngọc Giàu, diễn viên Phương Anh Đào và diễn viên Tuấn Trần dự khai trương nhà hàng của Trấn Thành.
NSND Việt Anh cùng NSND Ngọc Giàu, diễn viên Phương Anh Đào và diễn viên Tuấn Trần dự khai trương nhà hàng của Trấn Thành.

Theo Quang Hùng – Đông Miên/Vnexpress