Trong chiều dài lịch sử 4000 năm văn hiến, trên mảnh đất hình chữ S đã sản sinh ra rất nhiều những kỳ tài, vĩ nhân làm rạng danh non sông Việt Nam. Và cũng giống như bên Trung Hoa, nước ta cũng tồn tại một thời kỳ “Tam Quốc”, và cũng xuất hiện một bậc cao nhân không thua kém gì Gia Cát Lượng.
Vậy thì ai mới xứng đáng được nhắc tới như là “Gia Cát Lượng thứ 2”? Chúng ta hãy cùng lội dòng lịch sử để trở về nhà Hậu Lê (1428 – 1789). Nơi có 3 thế lực cát cứ phân tranh thiên hạ nước Việt đó là nhà Lê – Mạc – Nguyễn.
Loạn thế xuất “anh hùng”
Sang đầu thế kỷ 16, nhà Hậu Lê bắt đầu suy yếu. Một võ tướng nhà Lê là Mạc Đăng Dung đứng ra trấn áp các cuộc nổi dậy bên ngoài, nắm lấy quyền hành triều Lê. Sau đó, ông đánh dẹp các lực lượng chống đối và đến năm 1527 thì phế truất Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc.
Năm 1545, Nguyễn Kim – một võ tướng cũ của nhà Lê, lập Lê Duy Ninh lên làm vua ở đất Sầm Châu (Ai Lao), hiệu tức vua Lê Trang Tông. Từ khi Trang Tông lên ngôi, nhiều sĩ phu, tướng lĩnh bắt đầu tập hợp bên Nguyễn Kim để chống nhà Mạc.
Sau nhiều lần tổ chức tấn công về Đại Việt không thành công, tới năm 1539, Nguyễn Kim chiếm được huyện Lôi Dương ở Thanh Hóa, sang năm sau tiến vào Nghệ An. Nhà Hậu Lê bắt đầu xác lập chỗ đứng trở lại trên lãnh thổ Đại Việt.
Rồi Nguyễn Kim bị hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc giết chết. Con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm lên thay cầm quyền chỉ huy quân đội. Giống như Tào Tháo của nhà Tào Nguỵ, Trịnh Kiểm cũng mượn danh thiên tử để hiệu triệu thiên hạ, uy thế rất lớn.
Năm 1556, vua Trung Tông mất không có con nối. Trịnh Kiểm lúc đó binh quyền rất lớn, muốn thay nhà Lê làm vua, nhưng còn ngại những lời dị nghị, nên rất đắn đo suy nghĩ. Đúng vào thời kỳ này, xuất hiện một cao nhân, người có thể “ngồi trong trướng tính chuyện ngàn dặm”, hay sống ẩn dật mà biết được sự biến chuyển của thời thế, sự xoay vần của càn khôn.
Đó chính là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trịnh Kiểm không bỏ qua cơ hội thỉnh ý cao nhân, đã ngay lập tức bí mật sai người đến mong được Trạng Trình cho lời khuyên.
Khi người của Trịnh Kiểm đến nơi, mới chỉ kịp nhìn thấy chú tiểu đang quét lá ngoài sân nhà, chưa kịp nói gì, đã thấy cụ Trạng Trình nói vọng từ trong ra: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản” (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn), chú tiểu nói: “Ông có thể về được rồi đấy“.
Người hầu của Trịnh Kiểm vừa bất ngờ, vừa hiểu ý, lập tức về tâu lại. Nghe xong, Trịnh Kiểm ngửa mặt lên trời nói: “Đúng là Thần nhân“, gật gù một lúc, rồi bèn sai người đến thôn Bố Vệ rước hậu duệ của ông Lê Trừ (anh Lê Lợi) là anh của Lê Thái Tổ tên là Duy Bang (tục gọi là Chúa Chổm) lên làm vua, tức là vua Lê Anh Tông.
Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”.
Lại nói, khi Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc (năm 1545), quyền lực trong triều rơi vào tay Trịnh Kiểm. Con trai thứ của Kim là Nguyễn Hoàng (tước Hạ Khê hầu) thấy anh cả mình là Nguyễn Uông, lúc ấy đương làm Tả tướng – Lãng quận công bị Trịnh Kiểm giết, nên rất lo sợ.
Trịnh Kiểm thấy Nguyễn Hoàng lập được rất nhiều chiến công trong các cuộc chinh phạt nhà Mạc, còn được phong tước Đoan quận công, công danh đang ngày càng lên cao nên bắt đầu ghen ghét, tính chuyện loại trừ ông.
Nguyễn Hoàng thấy vậy, nên ông bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ, rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để Trịnh Kiểm khỏi nghi ngờ. Nguyễn Hoàng nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ) giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi để giữ mạng.
Khi đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân, nghĩa là: Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được.
Sứ giả đem câu ấy về thuật lại, Nguyễn Hoàng hiểu ý, vô cùng khâm phục Trạng Trình vì khả năng “thần cơ diệu toán” nhìn xa trông rộng đó. Ông lập tức nhờ chị ruột mình là bà Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ ở Thuận Hoá (là khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế ngày nay).
Từ đó lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá. Sau này ông được gọi là Chúa Tiên, hay Nguyễn Thái Tổ, là vị lãnh đạo đầu tiên của vương triều nhà Nguyễn.
Tháng 10 năm 1580, Mạc Kính Điển mất, em là Mạc Đôn Nhượng lên thay làm phụ chính. Lực lượng quân đội nhà Mạc suy yếu đi nhiều vì thiếu đi người chỉ huy có tầm cỡ và uy tín. Mạc Mậu Hợp từ nhỏ lên ngôi, khi lớn vẫn dựa vào các hoàng thân phụ chính, không chú trọng việc chính sự. Uy thế quân Mạc suy sút nhiều và thường bị thua trận.
Đầu năm 1592, Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) thúc quân tổng tiến công ra bắc. Quân Mạc đại bại, chết rất nhiều. Cuối năm 1592, Trịnh Tùng lại tiến đánh Thăng Long. Cha con Mạc Mậu Hợp và Mạc Toàn thua chạy rồi lần lượt bị bắt và bị hành hình. Bắc triều chấm dứt. Nhà Hậu Lê chiếm lại được Thăng Long, việc trung hưng nhà Hậu Lê hoàn thành.
Khi này, nhà Mạc đã lâm vào cảnh khốn cùng, ngàn cân treo sợi tóc, nhớ tới cụ Trạng Trình (trước từng làm quan dưới triều nhà Mạc), bèn sai người đến nhờ cụ chỉ đường dẫn lối, tránh hoạ diệt vong.
Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên vua tôi nhà Mạc: “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể” (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc sau đó nghe theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa.
Tài năng sánh ngang Gia Cát Khổng Minh
Vậy là với 3 lời khuyên của mình dành cho Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng và họ Mạc, Trạng Trình đã giải được mối đe doạ diệt vong cho 3 thế lực này, không những thế ông còn tạo ra được sự hoà bình cho Việt Nam đương thời. Đây cũng là thời khắc đặt nền móng cho sự khai sáng của triều đại vua chúa cuối cùng của Việt Nam – Triều Nguyễn, tất cả chỉ nhờ 3 câu nói ấy.
Đây cũng là một nét bất ngờ mà Nguyễn Bỉnh khiêm rất giống với Gia Cát Lượng. Sự xuất hiện của Gia Cát Lượng đã tạo nên cục diện “chân vạc” thời Tam Quốc.
Trước khi ông tới, chỉ là loạn thái giám và Đổng Trác hoành hành, hay sự tranh chấp của Tào Tháo với Viên Thiệu (trận Quan Độ), chứ thiên hạ vẫn chưa cố định lại.
Mãi cho tới khi ông đến, nhờ lần sang Đông Ngô thuyết khách, quy chính đám hủ Nho cầu hoà, củng cố tinh thần Tôn Quyền và Chu Du, mượn gió Đông Nam, thuyền cỏ mượn tên… đã dẫn đến chiến thắng cuối cùng trong trận Xích Bích nổi tiếng. Lúc này 3 nước Nguỵ – Thục – Ngô mới dần hiện hình và sau đó khi Lưu Bị chiếm Tứ Xuyên lên ngôi Hoàng Đế, cục diện này mới chính thức rõ rệt
Không nói là một tay Gia Cát Lượng có thể tạo ra thời Tam Quốc, đó còn là sự đóng góp của rất nhiều các nhân vật nổi tiếng khác, nhưng ngay từ khi còn trong ‘lều tranh’, gặp Lưu Bị, ông đã nói rõ sau này thiên hạ sẽ chia ba. Việc ông xuất sơn có nhiệm vụ chủ yếu là thúc đẩy bánh xe lịch sử đi đúng hướng của nó, hoàn thành vai diễn của mình.
Nếu “coi” Trịnh Kiểm như Tào Tháo, nhà Hậu Lê như Đông Hán, coi nhà Mạc như Đông Ngô, và chúa Nguyễn Hoàng như Lưu Bị, thì ta thấy một nét tương đồng thấy rõ. Nguyễn Hoàng từ một viên quan lại của nhà Lê, dần trở thành “Hoàng đế” là rất giống với Lưu Bị từ anh thôn phu ‘bán dép’ đến vua của một nước.
Một điểm tương đồng lớn giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Gia Cát Lượng nữa, đó chính là cả 2 người đều là người “tu Đạo”.
Nếu như Gia Cát Lượng nhờ tu Đạo từ bé, mà đã trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người, ngồi trong lều cỏ biết chuyện thiên hạ, thì cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhờ một lòng tu Đạo, chiêm nghiệm Thái Ất Thần Kinh của Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng mà cũng có thể biết được tất cả thiên thời tại Việt Nam (sự xoay chuyển của thời thế), từ đó mà đưa ra những phán đoán vô cùng chính xác, khiến hậu thế trầm trồ thán phục.
Chưa hết, cả hai còn để lại cho ngàn năm sau những điều cực kỳ phi thường, mà trong giới tu Đạo nói rằng, họ chắc hẳn phải có “công năng đặc dị”, thông qua tu luyện mà xuất ra được, mới có thể viết nên những dự ngôn tiên tri bách phát bách trúng, chưa sai bao giờ. Gia Cát Lượng có cuốn tiên tri nổi tiếng “Mã Tiền Khoá”, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có “sấm Trạng Trình”.
Cả hai đều dự ngôn sự biến chuyển của lịch sử từ khi họ xuất hiện cho đến tận ngày hôm nay, có thể thấy trước được những điều mà người khác không thấy, có thể nói chính xác được những điều mà người khác không thể nói, có thể biết mình sinh ra để làm gì và an nhiên tĩnh tại sống một cuộc đời không màng danh lợi, lưu danh thiên cổ. Đó chắc chắn phải là “Thần nhân” chứ không phải người bình thường.
Theo Minh Nguyệt