Trong đêm nhạc “Tựa như gió phiêu thu” tối ngày 1/10, nhạc sĩ Đức Trí đã có những chia sẻ về những bóng hồng đằng sau các ca khúc nổi tiếng của mình trước sự chứng kiến của bà xã.
Nhạc sĩ Đức Trí nói: “Tôi chỉ yêu một người, nhưng hết người này đến người khác, không có chuyện cùng lúc có tình cảm với hai người, chỉ hay tưởng tượng như thế thôi”. Anh cho biết ngoài bà xã đang ngồi dưới hàng ghế khán giả, vài “bóng hồng” của anh cũng đến tham dự đêm nhạc.
Nhạc sĩ Đức Trí tự nhận mình là người lãng mạn, mơ mộng. Anh chọn Hà Nội là nơi tổ chức liveshow cũng vì mảnh đất này lưu giữ quá nhiều kỷ niệm đẹp đẽ.
Hơn 20 năm trước, anh phải lòng một cô gái ở Hà Nội nhưng cả hai người chưa bao giờ thực sự tiến tới tình yêu. Đó là cảm hứng để anh viết nên những lời ca trong bài Như chưa bắt đầu: “Và em đã yêu, và em đã mơ. Mơ đến thiên đường nơi ấy mai này. Sẽ chỉ còn hai chúng ta, dù anh rất xa… dù anh thoáng qua. Nhưng em vẫn nhớ gọi tên anh mãi khi gió xuân về”.
Khi Đức Trí sang Mỹ du học, một ngày, cô gái đó gửi email và hỏi nhạc sĩ rằng “Liệu chúng ta có đến được đâu hay không?”. Câu hỏi ấy khiến anh định bỏ học, mua vé về Việt Nam nhưng cuối cùng lại thôi. Anh coi đó là một cơn mộng đẹp và viết ca khúc Khi giấc mơ về. Giấc mơ ấy còn trở đi trở lại trong nhiều ca khúc khác trải dài suốt sự nghiệp của anh.
Một bóng hồng khác được anh nhắc nhiều lần trong liveshow là cô gái anh gặp ở Boston (Mỹ). “Cô ấy xinh lắm. Tôi thích cô ấy và chúng tôi yêu nhau. Thế nhưng, cô ấy bỗng xuất hiện như ánh sao rồi biến mất. Đến 20 năm sau, cô ấy cũng không nói sao ngày đó lại biến mất”, Đức Trí kể. Mối tình ấy trở thành nguồn cảm hứng cho anh viết nên ca khúc Tựa như ánh sao.
Trong đêm nhạc, Đức Trí khiến khán giả nhiều lần cười khúc khích vì tài ăn nói hóm hỉnh. Ngoài những bài hát viết về bóng hồng, chuyện tình có thật, anh còn kể về những con người, câu chuyện bình dị trong cuộc sống trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của mình. Đó là bác bán báo mỗi ngày giao đến nhà anh trong Xin chào, là lời kể về bạn gái của một người bạn trong Kathy Kathy.
Gom hết hơn 30 năm sáng tác vào một đêm nhạc, Đức Trí nói anh đã chọn những bài vui nhất của mình để mọi người đừng nghĩ nhạc Đức Trí toàn bài buồn. Những bản nhạc buồn của anh cũng “không hẳn buồn” vì “nếu có buồn thì cũng đã vượt qua rồi mới viết được thành nhạc”.
Nhạc sĩ khéo léo giới thiệu từng giai đoạn của bản thân qua từng sáng tác. Tựa như gió phiêu du là bài hát đầu tiên do anh viết, khi còn chịu ảnh hưởng nhiều từ các thần tượng ở thời kỳ nhạc tiền chiến.
Với anh, đó là ca khúc trúc trắc, phức tạp nhất của mình vì suy nghĩ trẻ con, phải cố gắng phức tạp cho người ta sợ mình. Ca khúc phảng phất chất nhạc xưa, không giống phần lớn các sáng tác của anh, nhưng là gạch nối của hai giai đoạn trong sự nghiệp. Anh gọi đó là khởi đầu phức tạp cho những thứ giản đơn sau này.
Trương Đức Trí (sinh ngày 4 tháng 10 năm 1973), thường được biết đến với nghệ danh Đức Trí, là một nam nhạc sĩ, nhà soạn nhạc kiêm nhà sản xuất thu âm người Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp của mình, anh đã giành được 3 đề cử và thắng 1 hạng mục của giải Cống hiến. Ngoài ra, anh cũng tham gia công tác giảng dạy và làm cố vấn nghệ thuật cho nhiều ca sĩ.
Sinh ra trong một gia đình ở Sài Gòn, Đức Trí đã sớm làm quen với các nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. Anh theo học ngành Lý luận sáng tác tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh và bắt đầu được biết đến với vai trò nhạc công chơi cho nhiều ban nhạc. Sau khi tốt nghiệp, Đức Trí nổi tiếng ở lĩnh vực hòa âm phối khí, có nhiều sáng tác trẻ được yêu thích.
Đức Trí là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên từng tu nghiệp chính quy ngành Biên soạn và Sản xuất Âm nhạc đương đại tại trường nhạc danh tiếng Berklee College of Music ở Boston, Hoa Kỳ. Về nước, bên cạnh công việc sáng tác, anh đi vào hoạt động sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp với công ty giải trí Music Faces.
Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét về Đức Trí: “Đức Trí là một trong số ít nhạc sĩ trẻ có duyên với âm nhạc dân tộc mà triển vọng sẽ còn tiến xa trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian.” Có nhận định cho rằng, ca khúc của Đức Trí luôn đứng trước giới hạn mỏng manh giữa thị trường và nghệ thuật, nhưng chính điều đó cũng cho thấy khả năng của anh trong việc cân đối hài hoà giữa hai yếu tố để đến được với đông đảo khán giả.
Các ca khúc nhạc nhẹ nổi tiếng của Đức Trí như: Ta chẳng còn ai, Vì em yêu anh, Có nhau trọn đời, Đêm nghe tiếng mưa, Giấc mơ chỉ là giấc mơ, Ước mơ trong đời, Yêu thương mong manh, Tôi tìm thấy tôi… được nhiều khán giả biết đến. Sự kết hợp giữa cũ và mới, hiện đại và dân gian cũng tạo nên những nét đặc sắc trong các sáng tác của anh với Tựa như ánh sao, Có một chút, Nắng có còn xuân…
Đức Trí từng nhận giải Âm nhạc Cống hiến năm 2006 ở hạng mục Nhạc sĩ của năm. Ngày 2 tháng 5 năm 2010, đêm nhạc tôn vinh Đức Trí có tên gọi Thời gian tôi nằm trong khuôn khổ loạt chương trình Con đường âm nhạc được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3. Đức Trí liên tiếp giành giải Mai vàng năm 2004 và 2005 cho Nhạc sĩ xuất sắc với hai ca khúc “Katy Katy” (trình bày bởi Lam Trường) và “Ước mơ trong đời” (trình bày bởi Hồ Quỳnh Hương).
Nhạc sĩ Đức Trí: ‘Tôi viết nhạc không vì tiền’
Nhạc sĩ Đức Trí khẳng định anh chưa bao giờ viết nhạc để mưu sinh, tức là viết nhạc bán lấy tiền. “Tôi chưa giờ định viết một ca khúc để ngày mai bán lấy tiền mua rau hay nộp học cho con”, anh nhấn mạnh.
Hồ Ngọc Hà có tố chất ngôi sao
Xuất hiện trong chương trình Lời tự sự tối 13/9, nhạc sĩ Đức Trí có những chia sẻ về quan điểm làm nghề, sáng tác. Nhạc sĩ Đức Trí cho hay bất cứ nghệ sĩ hay người viết, sáng tác nào cũng có nhiều điều muốn trải lòng. “Tôi cũng thích chia sẻ những điều tôi ấp ủ, muốn nói”, anh nói.
Nhạc sĩ Đức Trí kể anh bắt đầu với âm nhạc từ sớm. Anh có thể hát và chơi nhạc cụ từ 2-3 tuổi. Mọi người nhận ra anh có năng khiếu âm nhạc nhưng vì không phải con nhà nên để anh phát triển tự nhiên.
Khoảng 4-5 tuổi, Đức Trí được bố mẹ gửi tới lớp học xướng âm nhưng anh không hiểu gì. Tuy nhiên đó là cơ hội đầu tiên anh được tiếp xúc với âm nhạc bài bản. Đến năm 6 tuổi, Đức Trí bắt đầu học đàn piano.
Nói về năng lực sáng tác, nhạc sĩ Đức Trí cho biết hầu hết ca khúc của anh đều ra đời trong khoảng thời gian ngắn, nếu không nói chỉ vài phút thì thường dưới 30 phút.
Nhạc sĩ Đức Trí dẫn chứng bằng bài hát Có bao giờ anh viết cho ca sĩ Hồ Ngọc Hà. “Tôi tình cờ nhắn tin cho Hồ Ngọc Hà với nội dung tôi có bài hát mới. Hà hỏi anh đang ở đâu và sẽ qua ngay. Tôi chỉ có 15 phút từ lúc đó đến khi Hà qua phòng thu để biến từ ý tưởng thành ca khúc hoàn chỉnh. Khi gặp Hồ Ngọc Hà, tôi đã đã cho cô ấy tờ giấy viết ca khúc vừa xong bằng bút chì. Lúc đó, tôi nghĩ sẽ thu bản demo để sửa lại sau. Không ngờ bản demo quá hay và được khán giả đón nhận. Với tôi việc viết bài hát nhẹ nhàng, đơn giản lắm”, nhạc sĩ Đức Trí thổ lộ.
Sáng tác nhanh nhưng Đức Trí thường “ủ” ca khúc của mình trong thời gian dài. Anh quan niệm giữ lại sáng tác của mình và hát cho bằng thuộc trước khi gửi tới ca sĩ.
Đó cũng là lưu ý Đức Trí truyền dạy các bạn trẻ ở lớp học sáng tác. Theo Đức Trí, nếu bạn không thể thuộc ca khúc của mình thì không ai có thể thuộc được. Vì thế, anh giữ bài và hát đi hát lại cho đến khi cần điều chỉnh gì đó, thường là nội dung ca từ. Có những ca khúc Đức trí giữ lại 1-2 năm mới thực sự hoàn thiện, thậm chí 20 năm.
Với Đức Trí, không có gì quý giá bằng tình yêu. Tình yêu không chỉ là tình yêu nam nữ, gia đình. Nó còn là tình yêu nơi anh sinh ra, nơi anh đến, tình yêu với âm nhạc.
“Nếu tôi không có tình yêu với âm nhạc, chỉ nghĩ đến mưu cầu danh lợi thì tôi không thể tồn tại lâu đến vậy”, Đức Trí bộc bạch.
Cá tính âm nhạc cho Đức Trí quan điểm làm nghề rất riêng. Nếu khán giả nhận định ca khúc Ta chẳng còn ai do Đức Trí sáng tác, Phương Thanh thể hiện là hit một thời thì bản thân anh không nghĩ như vậy.
Đức Trí kể một lần ca sĩ Minh Thuận đến nhà và thấy bản thảo Ta chẳng còn ai trên bàn. Minh Thuận tâm đắc và gợi ý nên đưa bài hát cho Phương Thanh. Tuy nhiên, Đức Trí gạt đi vì cho rằng bài hát không hay, ca từ quá sến.
“Tôi giữ quan điểm bài đó không xứng đáng trở thành hit. Cho đến hôm nay, đối với tôi nó vẫn chưa đủ hay. Bởi vì lời hát đi vào lối mòn, ai cũng nói. Có thể vì thế mà ai cũng thích. Đây được xem là điểm chạm đầu tiên của Đức Trí với khán giả nhưng họ không chạm đến tôi được vì tôi không cho rằng đó là ca khúc hay. Vì khoảng cách đó tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực, cố gắng hàng ngày. Tôi cho rằng tôi viết nhạc không kém nhưng phải trau dồi về khả năng ca từ, những khía cạnh tôi không giỏi”, anh nói.
Chia sẻ về Hồ Ngọc Hà, Đức Trí cho rằng nữ ca sĩ không phải trường hợp duy nhất anh từng làm việc. Đức Trí nhấn mạnh Hồ Ngọc Hà không thành công nếu không có sự gặp gỡ của cả hai.
Đức Trí cho rằng bản thân người nghệ sĩ phải có tố chất ngôi sao. Với anh, Hồ Ngọc Hà có triển vọng trở thành ngôi sao. “Tôi may mắn nhìn thấy điều đó. Tôi thấy hình ảnh của Hà trên báo chí và nhận định cô ấy sẽ nổi tiếng. Mặc dù thời điểm đó Hà là người mẫu, chưa hát. Tôi tìm đến Hồ Ngọc Hà để đề nghị làm việc cùng. Việc của tôi chỉ là che bớt những cái gì không hay, tìm điểm mạnh để phát triển ở Hà”, nam nhạc sĩ nhớ lại.
Tôi mừng khi ai đó nói mình hết thời
Trước những bình luận tiêu cực nói Đức Trí đã hết thời, không còn tạo hit như xưa, Đức Trí khẳng định anh nên mừng vì điều đó. Đức Trí chia sẻ 10 năm trở lại đây anh dành thời gian cho gia đình và công tác giảng dạy. Anh không hối hận vì cảm thấy điều đó là xứng đáng.
“Nếu ai trong hoàn cảnh của tôi thì nên tỉnh táo để thoát khỏi những gì người ta áp đặt cho mình. Khi bị chê hay góp ý cũng đừng buồn vì chưa chắc là sự thật bởi bạn là người biết rõ hơn ai hết. Nếu được khen cũng đừng lấy đó làm động lực. Tôi biết việc mình đang làm, tôi sẽ tiếp tục. Những gì họ áp đặt cho tôi, tôi không tin. Tôi được đào tạo để làm điều đó, tức là không có may mắn, tôi phải tính toán. Nhờ thế tôi không bị cuốn vào vòng xoáy dư luận. Tôi độc lập trong suy nghĩ và làm theo cách riêng của mình”, Đức Trí nói.
Đức Trí cũng nhấn mạnh anh chưa bao giờ kỳ vọng và mưu cầu bài hát của mình thành hit. Khi chạm được đến trái tim khán giả thì sẽ được yêu thích. Khi chạm được, Đức Trí vui nhưng không có nghĩa anh chờ đợi điều đó.
Anh viết nhạc vì hai nhu cầu, thứ nhất là bản thân cần viết và viết cho công việc. Tuy nhiên, anh khẳng định không bao giờ viết nhạc để mưu sinh, tức là viết nhạc bán lấy tiền.
“Tôi chưa bao giờ làm điều đó. Tôi chưa giờ định viết một ca khúc để ngày mai bán lấy tiền mua rau hay nộp học cho con. Chính vì thế tôi không bị áp lực gì cả và ca khúc của tôi không phải sản phẩm như nhiều người nghĩ. Có vài ca khúc tôi dám gọi là tác phẩm vì có giá trị nghệ thuật cao nhưng có ca khúc là những đoạn nhật ký nhỏ nhắn ghi lại cảm xúc của tôi. Sẽ không có ca khúc thành công hay không thành công, hit hay không hit trong suy nghĩ của tôi. Chỉ có ca khúc tôi thích nhiều và thích ít. Việc khán giả có thích hay không, tôi ít quan tâm tới điều đó”, anh nói.
Theo Đức Trí, trong 10 năm gần đây, anh không áp lực với việc viết bài hát cho ca sĩ khác nữa. Các bài hát anh viết cho mình hoặc các bộ phim có hợp tác. Đức Trí nhấn mạnh các sản phẩm nghệ thuật luôn độc lập với cuộc sống của người sáng tác, thậm chí tương phản. Anh tự nhận mình là nhân chứng để nói tác phẩm của anh không liên quan tới cuộc đời.
Nhạc sĩ Đức Trí khẳng định thứ duy nhất ảnh hưởng tới các sáng tác của anh là cái đẹp. Cái đẹp đến từ nhiều thứ, có thể là tà áo lụa, ánh mặt trời trong buổi chiều tà…
Đức Trí nói thêm 1-2 năm trở lại đây anh có chiến dịch dành cho bản thân. “Tôi có cuốn sách của tôi, đĩa nhạc của tôi và đêm nhạc của tôi. Tôi làm cho người khác quá lâu rồi”, Đức Trí trải lòng.
Theo TH&PL, Tiền phong