“Thiên hạ đệ nhất kỳ thương” Lã Bất Vi là một thương gia kiệt suất của Trung Hoa, tuy nhiều tiền nhưng thời đó các thương gia bị khinh thường. Không chấp nhận điều đó, Lã Bất Vi đã có một phi vụ độc nhất lịch sử khi “buôn vua, bán chúa” thành công.
Sinh trong thời loạn, điểm độc đáo nhất của Lã Bất Vi đó là ông nhìn thế sự không như các chính khách mà như một nhà DOANH NGHIỆP triệt để, một nhà ĐẦU TƯ hết sức thông minh. Ông thấy vương triều và lịch sử cũng như một món hàng, và đã là hàng hoá thì có thể buôn bán được.
1. Từ Thương gia không tiếng nói đến việc “Buôn vua, bán chúa”
Thời Chiến quốc bên Tàu có lão lái buôn ở Dương Địch nước Vệ tên là Lã Bất Vi. Nhờ các mánh khóe buôn bán và khả năng nhìn xa của một doanh nhân mà giầu lên nhanh chóng. Trong nhà có tới hàng ngàn lượng vàng.
Nhưng Lã Bất Vi chưa bằng lòng, còn muốn giàu nữa. Một lần, khi bàn đến chuyện kinh doanh, Lã Bất vi hỏi cha: “Làm ruộng lợi gấp mấy?”, Cha đáp: “Lợi gấp mười”. Lại hỏi: “Buôn châu ngọc lợi gấp mấy?”. Cha đáp: “Lợi gấp trăm” . Hỏi tiếp: “ buôn gì lãi nhất ?”. Cha đáp: “Buôn vua”. Lã Bất Vi khắc vào bộ nhớ câu trả lời của người sinh ra mình.
Lã Bất Vi (292-235 TCN) người nước Vệ là người có tài, phong lưu phóng khoáng, vừa có trí tuệ lại vừa có dã tâm lớn. Tuy nhiên, vào thời chiến quốc, địa vị của thương gia rất thấp, đứng cuối trong 4 loại là sỹ, nông, công, thương, nên ông vẫn thường bị mọi người coi thường mặc dù tiền bạc trong tay nhiều không đếm xuể.
Trong một lần đi buôn tại nước Triệu, Lã Bất Vi đã có cơ hội gặp gỡ Công tử Dị Nhân của nước Tần đang làm con tin ở Triệu. Thời đó, An Quốc Quân có hơn 20 người con, lại có người yêu nhất được lập làm chính phu nhân, gọi là Hoa Dương phu nhân. Phu nhân không có con. Tử Sở là con giữa của An Quốc Quân. Mẹ Tử Sở là Hạ Cơ không được vua yêu nên Tử Sở phải làm con tin của Tần ở nước Triệu. Tần mấy lần đánh Triệu, nên Triệu bạc đãi Tử Sở. Tử Sở làm con tin ở Triệu trong cảnh khốn khổ.
Với con mắt tinh tường của thương gia, Lã Bất Vi nhanh chóng nhìn ra được giá trị trên người Dị Nhân và coi đây là món hàng kỳ lạ, hiếm có, rất đáng đầu tư với hy vọng một ngày nào đó có thể kiếm được món lời lớn là danh lợi.
Lã Bất Vi trông thấy Tử Sở, nghĩ ngay : Món hàng này lạ, có thể buôn được đây! Bất Vi bèn đến nói với Tử Sở: “Tôi có thể làm cửa nhà ngài lớn lên”. Tử Sở cười: “Ông hãy tự làm cho cửa nhà ông lớn lên đã rồi hãy làm đến cửa nhà tôi”. Lã Bất Vi nói: “Thế thì ngài không biết: Cửa nhà tôi phải đợi cửa nhà ngài mới lớn được”.
Vì vậy, Lã Bất vi không tiếc tiền bạc và tìm kế đưa Dị Nhân quay trở về nước Tần, thậm chí ông còn dâng tặng Dị Nhân tiểu thiếp của mình tên là Triệu Cơ. Không lâu sau, Triệu Cơ mang thai và hạ sinh một đứa con trai kháu khỉnh đặt tên là Doanh Chính (hay Triệu Chính, tức Tần Thủy Hoàng sau này).
Lã Bất Vi cấp cho Tử Sở nhiều vang bạc để đãi tân khách. Biết Hoa Dương phu nhân được vua Tần yêu nhưng lại không có con, Lã bất vi mua nhiều vật qúy và lạ về Tần xin ra mắt Hoa Dương Phu nhân.
Nhân đó ca ngợi Tử Sở hết lời, lại nói rằng Tử Sở dù ở nước Triệu vẫn rất nhớ Phu nhân. Rồi khuyên Hoa Dương phu nhân nên nhận Tử Sở làm con nuôi để làm chỗ tựa về sau. Hoa Dương phu nhân động lòng, đồng ý, rồi vào xin An Quốc Quân lập Tử Sở làm thừa tự. An Quốc Quân nghe theo.
Năm thứ 251 TCN, Tần Chiêu Vương mất, thái tử An Quốc Quân lên làm vua, lập Hoa Dương phu nhân làm hoàng hậu, Tử Sở làm thái tử. Vua Triệu cũng cho đưa vợ của Tử Sở cùng con là Chính về Tần.
Vua Tần lên ngôi được một năm thì mất. Thái tử Tử Sở lên thay, lấy hiệu là Trang Tương Vương, tôn mẹ nuôi là Hoa Dương làm Hoa Dương thái hậu, mẹ là Hạ Cơ là Hạ thái hậu. Lã Bất Vi được làm Thừa tướng sau đó là Văn Tín Hầu, trở thành một nhân vật hiển hách, ở dưới một người trên vạn người.
2. Tần Thủy Hoàng lên ngôi năm 13 tuổi, Lã Bất Vi nhiếp chính
Sau khi Tần Trang Dương Vương qua đời, Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) lên kế vị ở tuổi 13. Do vua Tần còn quá nhỏ tuổi nên Triệu Cơ, lúc này đã trở thành thái hậu, hạ lệnh cho Lã Bất Vi vẫn làm tướng quốc, thay Doanh Chính chấp chính, đồng thời lệnh cho Doanh Chính phải gọi Lã Bất Vi là “trọng phụ” (kính trọng như người cha thứ 2).
Là một người đứng trên vạn người nhưng với tham vọng lớn, Lã Bất Vi đã hết mình phò tá Doanh Chính trở thành một vị vua anh minh uy vũ.
Do không chỉ là một thương nhân thông minh mà còn là một nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất nên trong thời gian Lã Bất Vi nhiếp chính, nước Tần đã trở nên vô cùng giàu mạnh, khiến các nước láng giềng ngày càng suy yếu và phải cắt nhường cho Tần quốc một phần lãnh thổ rộng lớn.
Đây cũng chính là bước đệm vững chắc cho việc thống nhất thiên hạ của Tần Thủy Hoàng sau này.
3. Cái kết bi thảm cho kẻ “tham vọng”
Dù hết lòng phò tá Tần Thủy Hoàng nhưng Lã Bất Vi lại là cái gai trong mắt vua Tần. Nhiều vị quan trong triều cho rằng Tần Thủy Hoàng không thuộc dòng dõi Hoàng Thất mà là con riêng của Lã Bất Vi.
Thêm vào đó, khi Tần Trang Tương vương qua đời, Lã Bất Vi thâu tóm mọi quyền lực trong khi đó, Triệu Cơ lại bắt Doanh Chính gọi Lã Bất Vi là trọng phụ, kính trọng như người cha thứ 2 nên nỗi hận trong lòng vua Tần ngày càng nhiều thêm.
Không chỉ có vậy, chính mắt Tần Thủy Hoàng đã nhiều lần chứng kiến tận mắt mẹ mình và Lã Bất Vi có những hành động ân ái quá mức. Ông thầm thề rằng sau khi nắm được binh quyền, việc đầu tiên là phải giết Lã Bất Vi.
Sợ bị phát hiện, Lã Bất Vi sẽ mang vạ nên bèn sai Lao Ái giả làm hoạn quan rồi dâng lên cho Triệu Cơ. Triệu Cơ và Lao Ái thông dâm, sinh được hai người con trai. Sau đó, việc này bị Doanh Chính phát giác và ông đã giết chết 3 họ nhà Lao Ái cùng 2 đứa con riêng của mẹ mình.
Dù biết rỏ mọi việc đều do Lã Bất Vi sắp đặt, nhưng Lã Bất Vi là “công thần khai quốc” được nhiều người kính trọng. Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) đã không nỡ giết ông nên đã đày ông và gia đình đến Thục. Tự liệu rằng không thể sống, Lã Bất Vi bèn uống thuốc độc tự tử.
Theo Tạp Chí Doanh Nhân