Ông Nguyễn Thụy Kha là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu Âm nhạc nổi tiếng tại Việt Nam với hơn 50 năm trong nghề. Mới đây, ông có nhận xét về “lối” âm nhạc của Hoàng Thùy Linh gây chú ý.
Với câu hỏi về phá cảnh âm nhạc hiện nay cũng như nhắc đến cái tên Hoàng Thuỳ Linh, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha đã không ngần ngại thẳng thẳng cho biết chưa nghe hay cũng chưa biết đến cái tên này.
Hoàng Thuỳ Linh hiện đang là cái tên nhận được sự quan tâm khá lớn từ cộng đồng mạng bởi thái độ được cho là trịch thượng, bề trên khi có những câu trả lời phỏng vấn từ một phóng viên trong buổi họp báo của mình. Với hành động, thái độ và cách nói chuyện của Hoàng Thuỳ Linh đã khiến người xem khó chịu ra mặt.
Cụ thể, trong buổi họp báo giới thiệu dự án concert của mình, khi một phóng viên đặt câu hỏi cho giọng ca See tình rằng “Hoàng Thùy Linh chuẩn bị cho việc hát live ra sao” và nhắc đến “vai trò của Hồ Hoài Anh trong đêm nhạc”, nữ ca sĩ đưa ra câu trả lời không đúng trọng tâm và có thái độ “đôi co”.
Về vấn đề hát live, nữ ca sĩ 8X không trả lời thẳng mà đưa ra câu chuyện ẩn ý. Cô ví von mình sinh ra có 2 chân lành lặn, nhưng vì trời mưa nên lỡ chân trượt ngã. Khi cô ngã, những người xung quanh nói cô không biết đi.
Thậm chí, Hoàng Thùy Linh đặt ngược câu hỏi cho phóng viên: “Theo bạn, tôi có biết đi hay không?”. Khi phóng viên nói “có”, nữ ca sĩ đáp: “Đây là câu trả lời cho việc tôi có biết hát hay không”.
Về câu hỏi nhắc đến Hồ Hoài Anh, Hoàng Thùy Linh tiếp tục có phần trả lời gây tranh cãi. Cô không đề cập đến vấn đề chuyên môn mà nhắc đến “tình người”, đồng thời yêu cầu phóng viên “để cho người ta sống với”.
Cũng chính vì vậy, cái tên Hoàng Thuỳ Linh trở thành đề tài được mạng xã hội bàn tán sôi nổi trên khắp mặt trận. Và mới đây, trong một bài phỏng vấn trên báo Sức khoẻ đời sống, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha đã bày tỏ quan điểm của mình về Hoàng Thuỳ Linh khi được phóng viên hỏi.
Theo đó, phóng viên đã hỏi nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha đánh giá về việc Hoàng Thùy Linh là một trong những ca sĩ trẻ được cho là thành công nhờ những phá cách âm nhạc, điển hình như MV “Tứ phủ”. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thẳng thắn: “Tôi chưa từng nghe, chưa từng biết và cũng không cần quan tâm đến bạn này. Nhưng tôi biết chắc một điều cô ấy sẽ lấy chồng, có con rồi sẽ chẳng mấy ai nhớ đến”.
“Không đọc Văn Cao mà đòi trèo lên đầu Thái Thanh, Kim Tiêu, Kim Ngọc, Thương Huyền,… Hoang đường!”
– Thưa nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, gần đây người ta nói nhiều về chuyện ca sĩ phá cách âm nhạc. Cá nhân ông nghĩ sao về điều này?
Tôi quan niệm trong âm nhạc, giai điệu là cơ thể, phần phối khí – cái người ta gọi là làm mới – chính là quần áo, là thời trang thôi. Mỗi thời đại người ta lại thay đổi thời trang khác nhau nhưng cơ thể thì không được thay đổi.
Nghĩa là dù muốn làm mới thế nào cũng không được thay đổi cơ thể, thẩm mỹ viện hay xăm trổ lên “cơ thể” đó, mà làm thế nào chỉ biến đổi cơ thể trong giới hạn vẫn được tôn trọng, được người khác nhận ra.
– Nói như thế nghĩa là ông phản đối các ca sĩ phá cách âm nhạc?
Không phản đối! Thổi hơi thở thời đại vào một tác phẩm cũ để nó mang tính thời đại, tôi ủng hộ nhưng vấn đề là có thổi được hay không.
Như tôi vừa nói ở trên, phá cách thế nào mà cho người ta nhìn thấy “cơ thể âm nhạc” của nhạc sĩ đó chứ nếu “xăm trổ” lên người ta đến mức người nhìn, người nghe không chịu được thì nhạc sĩ, ca sĩ đó phải xem lại.
Làm mới âm nhạc, phá cách âm nhạc – chữ này đồng nghĩa với cái hay ho, mang đến cảm xúc thẩm mỹ. Nhưng hiện tại có vẻ từ này đang bị lạm dụng, hiểu sai. Không phải cái gì mới mẻ, khác biệt cũng đánh đồng là làm mới. “Xăm trổ” thì suy cho cùng, trước mắt là sướng bản thân, cảm giác thỏa mãn chính mình, còn người khác chưa chắc đã thích.
– Nhưng cách đây không lâu khi Thanh Lam hát Thiên thai của Văn Cao bị chê, ông từng có ý bênh vực: “Thanh Lam đã hát hết sức rồi! Việc chê cô ấy quá là không nên!”?
Đối với tôi Thanh Lam hát “Thiên thai” ở mức chấp nhận được. Chấp nhận được không có nghĩa là hay, không có nghĩa thỏa mãn được tôi. Nhạc sĩ Văn Cao viết “Thiên thai” theo tinh thần cổ điển, trong khi Thanh Lam hát theo phong cách hiện đại thì với khán giả nhiều tuổi vốn đã quen với tinh thần cổ điển sẽ rất khó chấp nhận.
Quay lại câu chuyện phá cách nhạc Văn Cao, ca sĩ có thể phá cách nếu nghiên cứu kỹ về Văn Cao. Tôi dám chắc những người hát Văn Cao không nghiên cứu về tác phẩm. Thua các ca sĩ ngày xưa. Những người hát “Thiên thai” có hiểu “Thiên thai” là gì không? Có hiểu tích Thiên thai và Văn Cao viết từ đâu ra? Phải sống trong không khí như thế nào mới viết được tác phẩm đó, ai hiểu được hết mới hát được ra cái cảm xúc Văn Cao truyền tải. Thậm chí ca sĩ hát đúng nốt chưa chắc đã hay nếu không hiểu tác phẩm.
Người ta có thể mua quyển Văn Cao của Nguyễn Thuỵ Kha để đọc trước khi hát mà lười quá. Không đọc mà đòi trèo lên đầu Thái Thanh, Kim Tiêu, Kim Ngọc, Thương Huyền,… Hoang đường!
– Nhưng các ca sĩ cũng từng chia sẻ, việc phá cách là chấp nhận đương đầu dư luận?
Tôi nghĩ đó là cách làm khoái cho bản thân. Họ chỉ là người biểu diễn, chỉ sáng tạo trong cách hát của người ta. Cách hát thì vô cùng.
Tôi còn nhớ trong hội họa có cách thể hiện gọi là body painting, đó là cách đương đại. Âm nhạc cũng thế, nhưng vấn đề là chúng ta phải biết vẽ. Ai mới là người vẽ được? Phải là vẽ chứ không phải bôi bẩn. Giới hạn này rất mong manh.
Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương đều không “tới” được Văn Cao
– Theo ông, có biên độ nào cho sự sáng tạo và giữ gìn?
Do cảm nhận, do thẩm mỹ mỗi người. Có thể tôi nghe thấy hay còn người khác lại không đánh giá cao. Thời gian sẽ trả lời tất cả. Như ngày xưa Beethoven chơi nhạc, cả giới chửi rằng điên nhưng nhiều năm sau, cả thế giới công nhận tài năng Beethoven. Tất nhiên, nói như thế không phải ai cũng tự bịa ra cái mới và đều trở thành Beethoven.
Việc ca sĩ tôn vinh tác phẩm, không phải nay mới có mà từ lâu rồi đã có nhiều người tìm cách hát ca khúc cũ sao cho hiệu quả nhất, được đánh giá cao nhất. Có những tác giả nghe bản phối này cảm thấy sung sướng. Nhưng cũng có ngược lại.
– Ông có thể ví dụ?
Khi Mỹ Linh lần đầu tiên hát “Trên đỉnh Phù Vân” là ông Phó Đức Phương không hài lòng, đồng ý đâu. Ông ấy khó tính lắm. Nhưng cá nhân tôi nghe lại thấy rất được, nhất là lần đó Mỹ Linh hát không có nhạc đệm, hát bằng sự phiêu của mình. Lần đó hát ở Sài Gòn, tôi làm chương trình âm nhạc đó và khán giả Sài Gòn rất thích.
Vì thế, sau tôi nói lại với Phó Đức Phương: ‘Ông nên xem lại quy chuẩn, đừng chuẩn quá, bây giờ người ta đang hướng theo cái này mà Mỹ Linh lại có hơi thở đó, ông nên nghe lại’. Rồi Phó Đức Phương cũng công nhận. Vậy mới nói, giữa người sáng tác và người biểu diễn đôi khi tranh cãi lắm. Không phải cái gì cũng được tiếp nhận từ ban đầu.
– Hôm đêm nhạc Văn Cao, ca sĩ Mỹ Linh cũng biểu diễn ca khúc “Suối mơ” nhưng cũng không được đánh giá cao, cả Hà Trần hát “Mùa xuân đầu tiên” cũng thế!
Hôm đó tôi dự từ đầu đến cuối, Hà Trần hát “Mùa xuân đầu tiên” nhiều người chê nhưng tôi lại thấy được. Đó là cảm nhận từng người, mình không cãi nhau. Nhưng thật sự, tôi lại thấy đó là ca khúc đúng nhạc nhất, còn những ca khúc trước đó dù được vỗ tay thì đều hát sai nhạc. Mấy người kia đều kém: Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương đều không “tới” được Văn Cao.
Tất cả mọi người đều hát “Với khói bay trên sông, gà đã gáy trưa – bên sông…” kiểu giật cục, cướp nhịp như thế là sai. Nhạc ông Văn Cao thong thả, nhẹ nhàng Hà Trần hát lại đúng: “Với khói bay trên sông gà đã gáy trưa bên sông…”.
Nhưng nói thẳng ra là để gọi chất ngất và đúng tinh thần Văn Cao thì chưa ai làm được. Điều này cũng có thể thông cảm vì thế hệ khác nhau. Không thể cay đắng để hiểu hết được nhạc Văn Cao, để hát ra được chất riêng đó.
Chính ra thỉnh thoảng khi say rượu, tôi ôm đàn hát “Mùa xuân đầu tiên” người ta lại thích vì mình hiểu Văn Cao, hiểu nỗi cay đắng của ông ấy.
Tôi không biết Hoàng Thùy Linh
– Nhân nói chuyện phá cách, Hoàng Thùy Linh là một trong những ca sĩ trẻ được cho là thành công nhờ những phá cách âm nhạc, điển hình như MV “Tứ phủ”. Ông đánh giá thế nào về ca sĩ này?
Tôi chưa từng nghe, chưa từng biết và cũng không cần quan tâm đến bạn này. Nhưng tôi biết chắc một điều cô ấy sẽ lấy chồng, có con rồi sẽ chẳng mấy ai nhớ đến.
– Nhắc đến Hoàng Thuỳ Linh, xin hỏi ông nghĩ sao về việc ca sĩ trẻ live yếu, sợ hát live?
Giới trẻ bây giờ fastfood mà, thích ăn ngay. Âm nhạc ngày xưa là bữa tiệc – dù có là một gia đình nông thôn thôi nhưng đó vẫn được coi là một bữa cỗ. Còn giờ quan niệm âm nhạc giải trí, nhảy nhót cũn cỡn thì chỉ đến thế.
Các bạn trẻ giọng yếu nên sợ live, phải nhờ vả đến kỹ thuật phòng thu. Rồi hát nhép. Tôi phản đối việc hát nhép, vì đó ra thứ âm nhạc ẩm ương, vô danh, vô hình.
– Nói như thế nghĩa là ông chưa đánh giá cao sự phá cách âm nhạc của các ca sĩ hiện nay?
Tùng Dương thay đổi “Chiếc khăn Piêu” rất là được. Chính Doãn Nho cũng công nhận.
Nguyên Lê phối khí giúp Tùng Dương mặc “bộ quần áo” hoàn hảo cho “Chiếc khăn Piêu”. Anh ấy dùng cơ thể cũ kỹ là dân ca Việt Nam để mặc một bộ quần áo của đương đại. Thậm chí, anh ấy bắt cơ thể đó nhảy múa theo hơi thở đương đại mà vẫn phải trình bày được “cơ thể âm nhạc” Doãn Nho.
– Dưới góc độ của người đi trước, ông có lời khuyên nào cho sự phá cách của thế hệ sau không?
Nghệ thuật thì chẳng có trước có sau đâu, nghệ thuật là nghệ thuật nhưng người đi trước có sự từng trải hơn, kinh nghiệm hơn. Tôi quan niệm nghệ thuật dài lâu, đời người có hạn. Những ông Beethoven, Schubert,… chỉ khi mất đi âm nhạc mới nổi tiếng. Chuyện đó chả làm cho tôi sốt ruột khi xung quanh tôi nhiều người rất nổi, bởi tôi biết thứ âm nhạc đó sẽ chết vào lúc nào. Đó là câu chuyện của nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không cần đám đông, đôi khi chỉ là một rúm người.
Là người sáng tác nên tôi nghe sẽ biết bài nào phục vụ đám đông, bài nào phục vụ chính mình.
– Vậy với những ca khúc của chính mình – nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha thì thế nào?
Tôi nghĩ càng ngày số lượng người nghe nhạc Thuỵ Kha càng đông nhưng tôi không cần đám đông mà cần những cá nhân nghe.
Tôi tôn trọng cá nhân nghe nhạc, nhiều cá nhân nghe nhạc chứ không phải cả một đám đông. Ví dụ như nhạc Mỹ Tâm hát là đám đông nghe nhưng nhạc của tôi là những cá nhân hiểu biết âm nhạc nghe. Tôi từng tranh cãi với nhiều người rằng âm nhạc đám đông là việc của các bạn, việc của tôi là thu hút từng cá nhân. Tôi mừng là các cá nhân nghe tôi càng ngày càng nhiều lên. Còn nếu đám đông là sự cộng lại của nhiều cá nhân có hiểu biết về âm nhạc thì tôi rất mê.
– Cá nhân ông cho rằng, “Chiếc khăn Piêu” là ca khúc tốt nhất của Tùng Dương, còn các diva divo khác thì sao?
Thanh Lam tôi thấy tổng thể đều tốt nhưng để chọn bài nào đặc sắc nhất thì có lẽ vẫn phải đồng ý rằng những ca khúc cũ như: Hoa tím ngày xưa, Hoa sữa,… Còn bài mới thì chỉ dừng lại ở mức ổn.
Với Mỹ Linh thì phải nói tôi cảm tình nhất khi cô ấy hát “Vào hạ” của Lê Hựu Hà. Đúng hơi thở mới, tôi phục luôn.
Còn Hà Trần? Ý nghĩ riêng của tôi là Hà Trần hát Ngọc Đại hay nhất. Trước đó thì có bài “Em về tinh khôi” của Quốc Bảo cũng hay.
Riêng Hồng Nhung, hay nhất là hát “Cô bé vô tư” của Trần Tiến.
– Ông không đánh giá cao Hồng Nhung hát nhạc Trịnh sao?
Đó là vẽ sự ra thôi. Ông Trịnh cố gắng đưa Nhung lên vì ông ấy buồn, nhiều tâm sự – cái này tôi không muốn nói quá sâu. Nhưng một khi cái gì đã cố thì không bùng cháy lên được, sẽ không hay.
Cá nhân tôi cảm tình Giang Trang hát nhạc Trịnh. Người ta cứ gân guốc, bụi đời với nhạc Trịnh bao nhiêu thì Giang Trang cứ khẽ khàng. Tôi từng nói Giang Trang tìm 1 cánh cửa hẹp đi vào nhạc Trịnh.
Cảm ơn chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha!
Nguyễn Thụy Kha là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu âm nhạc từng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật tháng 5/2023. Ông có những cuốn sách viết về âm nhạc tạo tiếng vang như: Văn Cao – người đi dọc biển (XB năm 1992), Nửa thế kỷ Tân nhạc Việt Nam (1998), Những gương mặt âm nhạc thế kỷ (2000), Nguyễn Thiện Đạo – nhạc sĩ bị giời đày, Huy Du – đời và nhạc,… Ngoài viết báo, phê bình tiểu luận về âm nhạc, ông còn sáng tác ca khúc và tham gia làm các phim âm nhạc hoặc văn học.
Từ năm 2008 đến nay, ông viết nhiều hợp xướng có giá trị như: Miền Trung (thơ Hoàng Trần Cương), Quy Nhơn (thơ Văn Cao) và xuất bản hai CD Miền yêu dấu và Tình ca cây cầu (2009).