Nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng? Cho đến nay, đây vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.

Trong suốt chiều dài lịch sử, có những sự kiện mà ranh giới giữa đúng và sai, phải và trái rất mơ hồ, đôi khi được đời sau nhìn nhận dưới những góc nhìn phiến diện, chủ quan. Vụ án Đỗ Thích sát hại hai cha con vua Đinh để đoạt vị thường được xem là một trong những sự kiện như vậy.

Nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng? Cho đến nay, đây vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.

Liên quan tới cái chết của Đinh Tiên Hoàng – vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam – nhiều sách ghi chép lại rằng nhà vua bị viên quan hầu cận Đỗ Thích sát hại để đoạt ngôi, nhưng cũng có ý kiến cho rằng biến động này còn có những thế lực khác hùng mạnh hơn đứng đằng sau.

Sử cũ khẳng định Đỗ Thích sát hại Đinh Tiên Hoàng

Đỗ Thích là ai mà lại dám mưu đồ ám sát vua Đinh Tiên Hoàng và thái tử Đinh Liễn? Không có tài liệu nào ghi chép chính xác về thân thế của Đỗ Thích.

Riêng sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục soạn thời nhà Nguyễn có chú dựa theo dã lục rằng Đỗ Thích là người Đại Đê, huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Sách Đại Việt sử lược lại chép là “Phúc hầu hoằng Đỗ Thích”, còn Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thì chép là “Chi hậu nội nhân Đỗ Thích”. Theo các nhà nghiên cứu, Đỗ Thích có thể là một hoạn quan phục dịch trong cung.

Tuy không đề cập Đỗ Thích giết hại nhà vua như thế nào, nhưng theo sách Đại Việt sử lược (cuốn sử biên niên thuộc hàng sớm nhất của Việt Nam, được biên soạn vào khoảng năm 1377 thời nhà Trần) có chép: “Mùa đông, tháng 11, vua [Đinh Tiên Hoàng] ăn yến ban đêm, bị tên phúc hầu hoành Đỗ Thích giết cùng với Việt vương Liễn”.

Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư cũng có ghi lại rằng: “Mùa đông, tháng 10, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết vua ở sân cung đình… Nhân vua ăn yến ban đêm, say nằm ở trong sân, Thích bèn giết, lại giết cả Nam Việt Vương Liễn”.

Đại án Đỗ Thích giết vua Đinh Tiên Hoàng: 3 luận điểm hiện đại "bẻ lại" ghi chép sử cũ - Ảnh 1.

Đỗ Thích sát hại vua Đinh Tiên Hoàng nhân một buổi yến tiệc ban đêm. Ảnh: Tư liệu

Theo ghi chép từ Đại Việt sử lược được biên soạn vào thời nhà Trần, Đỗ Thích đang nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt mình sẽ mang chân mệnh thiên tử, bèn nảy ra ý định giết vua. Nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn.

Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, vì khát nước lại gặp lúc trời mưa nên Thích thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Sau đó, Định Quốc công Nguyễn Bặc sai người lôi xuống và đem đi chém (*).

(*) Trích nguyên văn từ Đại Việt sử lược: “Mùa đông, tháng 11, vua [Đinh Tiên Hoàng] ăn yến ban đêm, bị tên phúc hầu hoành Đỗ Thích giết cùng với Việt vương Liễn. Vốn trước Thích làm lại ở Đồng Quan, ban đêm nằm ở trên cầu, thấy sao rơi vào mồm. Thích cho là điềm tốt, bèn sinh lòng phản nghịch. Khi vua đã bị giết hại, Đỗ Thích ngầm vào trong cung, trốn ở dưới máng nước. Quá ba ngày, khát quá, Thích thò tay hứng nước mưa để uống, bị cung nữ trông thấy, báo với Định Quốc công Nguyễn Bặc bắt giết đi. Bặc cùng tướng quân Lê Hoàn phò Vệ vương Toàn lên ngôi hoàng đế”.

Theo học giả Đào Duy Anh, Nguyễn Bặc sau khi bắt được Đỗ Thích, ông đem chém rồi xẻ thịt, đập nát xương chia cho nhân dân bắt họ phải ăn.

Sau khi Đinh Tiên Hoàn và Thái tử Đinh Liễn bị ám hại, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cùng triều thần tôn Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, mở ra một thời kỳ tranh giành quyền lực của các quan đại thần được xem là “tứ trụ triều đình” lúc bấy giờ đó là: Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Đinh Điền.

Sau cùng được sự ủng hộ của Thái hậu họ Dương, Lê Hoàn giành phần thắng và được suy tôn lên làm vua tức Lê Đại Hành, lập ra nhà Tiền Lê.

Đại án Đỗ Thích giết vua Đinh Tiên Hoàng: 3 luận điểm hiện đại "bẻ lại" ghi chép sử cũ - Ảnh 3.

Lê Hoàn được mời lên ngôi hoàng đế với sự đồng thuận của triều thần và Thái hậu họ Dương. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, câu chuyện “Đỗ Thích thí Đinh Đinh” được nhiều nhà nghiên cứu cho là không hợp lý về mặt logic cũng như mưu đồ ám hại nhà vua của viên hoạn quan Đỗ Thích.

Điểm vô lý trong ghi chép Đỗ Thích giết vua Đinh

Theo chính sử, viên quan này mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đã đặt giả thiết Đỗ Thích chỉ là người vô tình có mặt ở hiện trường sau khi cha con vua Đinh bị hại (vì là quan nội thị) và lúc bấy giờ, ông không thể thanh minh mình vô tội, nên vội vã chạy trốn và bị bắt chém sau 3 ngày.

Đại án Đỗ Thích giết vua Đinh Tiên Hoàng: 3 luận điểm hiện đại "bẻ lại" ghi chép sử cũ - Ảnh 4.

Đỗ Thích giết vua hay một vụ án oan?

Điểm bất thường của vụ án nằm ở chỗ, Đỗ Thích chỉ là một viên quan nhỏ bé, không thế lực, vậy thì dựa vào đâu mà Thích cho rằng sau khi sát hại vua Đinh y sẽ được lên ngôi vua? Đây là điểm bất hợp lý thứ nhất.

Thứ hai, Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn đều là những tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trận mạc, võ nghệ cao cường thì một mình Thích không thể cùng lúc hạ sát cả hai, trốn khỏi hiện trường và nấp thân trên máng nước ba ngày mới bị phát hiện.

Thứ ba, trong lúc Đỗ Thích ra tay giết hai cha con vua Đinh thì thị vệ và binh lính ở đâu? Vua Đinh và thái tử nắm quyền lực tối đa của triều đình ắt phải có sự bảo vệ nghiêm ngặt của các cận vệ và binh lính trong cung, một mình Đỗ Thích khó lòng ra tay, và cũng không có gì đảm bảo rằng sau khi hạ sát thì Thích sẽ lên ngôi báu.

Đại án Đỗ Thích giết vua Đinh Tiên Hoàng: 3 luận điểm hiện đại "bẻ lại" ghi chép sử cũ - Ảnh 5.

Vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ đằng sau vụ án Đỗ Thích. Ảnh: Tư liệu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh cho biết: “Không thể giải thích việc giết vua của Đỗ Thích bằng giấc mơ thấy sao sa vào miệng, y không có điều kiện làm vua”.

Chưa kể xung quanh nhà vua còn có bao triều thần tài giỏi khác, một tên hoạn quan bình thường như Đỗ Thích khó mà có cơ hội bén mảng đến ngai vàng.

Từ đây có thể thấy rằng những thông tin từ sử cũ có nhiều điểm rất khó hiểu. Một số nguồn truyện dân gian đã phải thay đổi bằng một cách giải thích khác: Đỗ Thích không trực tiếp ám sát mà hạ độc vào thức ăn.

Từ đây có thể thấy rằng những người đứng sau cái chết của hai cha con vua Đinh vẫn chưa được làm sáng tỏ, những tình tiết thật sự của vụ án vẫn là một ẩn số cần được nghiên cứu, đào sâu. Đỗ Thích thật sự có mưu đồ muốn đoạt ngôi vị hay Thích chỉ là một quân cờ trong một âm mưu được tính toán tới mức hoàn hảo không một kẽ hở?

Điều này tương đồng với ý kiến của nhà giáo Hoàng Đạo Thuý và các nhà nghiên cứu hiện nay, nhưng tất cả vẫn chỉ là suy luận, là giả thiết vẫn chưa có một thông tin hay một nguồn tư liệu nào khẳng định ngoài Đỗ Thích còn kẻ nào đứng sau mọi chuyện.

Vụ án Đỗ Thích cho đến ngày nay vẫn chưa có thông tin chính xác về tình tiết vụ án, vẫn còn nhiều tình tiết mang nhiều bí ẩn cần thời gian nghiên cứu thêm. Không lẽ chỉ vì một giấc mơ hão huyền mà Thích lại cả gan giết cả vua lẫn thái tử, đằng sau Đỗ Thích còn ai nhúng tay vào vụ ám sát?

Tất cả vẫn để lại một dấu chấm hỏi vô cùng lớn cho các nhà nghiên cứu sau này.