“Anh hùng nan quá mỹ nhân quan” – Khi đọc tác phẩm Tam Quốc Chí của La Quán Trung, hầu như mọi chương, mọi câu chuyện đều miêu tả về các vị tướng lĩnh. Tác phẩm chỉ lướt qua vài nhân vật nữ nhưng cũng đủ để cho chúng ta thấy tầm quan trọng của các mỹ nhân trong thời tam quốc.
Và dưới đây là 10 mỹ nhân được cho là đẹp nhất trong thời Tam Quốc, mặc dù không có nhiều người thực sự được nhìn thấy dung mạo của họ. Nhưng tin rằng với sức ảnh hưởng của họ thì hiển nhiên họ chính là những phụ nữ hấp dẫn và mê hoặc nhất của thời kỳ này.
10. Chúc Dung
Chúc Dung phu nhân là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, không có trong lịch sử Trung Quốc. Chúc Dung là chị ruột của Đái Lai Động chúa, nàng cùng chồng tham gia vào chiến dịch của người Nam Man chống lại sự tấn công của quân Thục Hán vào vùng Nam Trung.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Chúc Dung xông pha trận mạc, trực tiếp giao phong trước trận tiền. Đây là một mẫu người phụ nữ mạnh mẽ có nhiều tài năng đã một mình giao chiến với các tướng Thục như Triệu Vân, Ngụy Diên, Trương Ngực, Mã Trung.
9. Bộ Luyện Sư
Bộ Luyện Sư, hay còn gọi là Bộ phu nhân, vợ của Tôn Quyền – hoàng đế sáng lập của nhà nước Đông Ngô trong thời Tam Quốc của lịch sử Trung Quốc.
Bộ phu nhân xuất thân từ Lâm Hoài, Hoài Lâm (nay là tỉnh Giang Tô). Nàng có với Tôn Quyền hai người con là Tôn Lỗ Ban và Tôn Lỗ Dục. Sau khi mất, nàng được phong làm Hoàng Hậu và được chôn cất tại Giang Lăng.
8. Biện Thị
Biện phu nhân, hay còn gọi là Vũ Tuyên hoàng hậu, vợ của Tào Tháo. Bà là mẹ của Ngụy Văn Đế Tào Phi, Nhâm Thành Uy Vương Tào Chương, Trần Tư Vương Tào Thực, Tiêu Hoài Vương Tào Hùng.
Năm 216, Tào Tháo tự xưng là Ngụy vương. Tháng 10 năm 220, Tào Phi giành ngôi của Hán Hiến Đế, xưng làm hoàng đế, Biện thị trở thành Biện thái hậu – thái hậu đầu tiên của nhà Tào Ngụy.
Năm 230, Biện thái hoàng thái hậu qua đời tại kinh thành Lạc Dương, thọ 71 tuổi. Bà được truy tôn là Vũ Tuyên hoàng hậu và hợp táng với Tào Tháo (được truy tôn là Ngụy Vũ Đế).
7. Thái Diễm
Thái Diễm hay còn gọi là Sái Diễm, tự là Chiêu Cơ, nhưng sau trùng huý với Tư Mã Chiêu nên người đời sau đổi thành Văn Cơ (tức Thái Văn Cơ hay Sái Văn Cơ).
Bà là một nữ sĩ tài hoa mà bạc phận, là tác giả của Bi phẫn thi, một thi phẩm được coi là một kiệt tác (thể loại thơ tự sự) của văn học Kiến An và của thơ ca cổ điển Trung Quốc.
Trong loạn lạc, bà bị quân Đổng Trác bắt đi rồi lưu lạc tới Nam Hung Nô (nay thuộc vùng Nội Mông), kết hôn với Tả Hiền Vương, sống ở đó mười hai năm và sinh được hai con.
6. Tôn Thượng Hương
Tôn Phu Nhân là là vợ của vua Thục Hán Lưu Bị thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Năm 209, bà được gả cho Lưu Bị nhằm giữ vững mối hòa hiệp trong liên minh Ngô-Thục. Vào lúc đó, bà mới hơn 20 tuổi. Do cả hai bà vợ trước đó của Lưu Bị đều đã mất, Tôn phu nhân dần dần kiểm soát nhà và con (Lưu Thiện) của Lưu Bị.
5. Đại Kiều
Đại Kiều là vợ của Tôn Sách, một trong những mỹ nhân thời kỳ Tam Quốc. Sinh ra tại Hàn Huyền, Lư Giang (nay là An Huy Tiềm Sơn).
Có câu nói: ” Giang Đông hữu nhị Kiều, Bắc phương Chân Mật tiếu”, hai chị em Đại, Tiểu Kiều là con gái của Kiều Huyền, nổi tiếng về sắc đẹp.
Sau này Đại Kiều kết hôn với Tôn Sách, còn em gái thì lấy Chu Du. Hai cuộc hôn nhân đó được lưu truyền rộng rãi, hôn nhân hoàn hảo kiểu “trai anh hùng gái thiền quyên”.
Đáng tiếc trời xanh dường như ghen ghét phận má hồng, tình cảm vợ chồng sâu đậm chưa được bao lâu thì Tôn Sách qua đời, Đại Kiều vê quê sống cuộc sống đạm bạc, lấy niềm vui trồng sen lấp vào nỗi thương nhớ phu quân.
4. Tiểu Kiều
Tiểu Kiều là vợ của tướng Chu Du, một trong những nhân vật chính của thời kỳ Tam Quốc. Sinh ra tại Hàn Huyền, Lư Giang (nay là An Huy Tiềm Sơn).
Là một trong những người con gái đẹp nhất Đông Ngô thời Tam Quốc, chị em Đại Kiều – Tiểu Kiều lần lượt được gả cho hai người đàn ông tài hoa, anh dũng cũng vào bậc nhất là Tôn Sách và Chu Du.
Nếu như Đại Kiều là chỗ dựa tinh thần, bến đỗ bình yên, tiếp thêm sức mạnh cho Tôn Sách thì Tiểu Kiều có vai trò như người bạn tri âm, cánh tay phải đắc lực cho Chu Công Cẩn.
3. Vương Nguyên Cơ
Vương Nguyên Cơ tức Văn Minh Hoàng Hậu, chồng là Tư Mã Chiêu. Vương Nguyên Cơ xuất thân trong danh môn vọng tộc, ông nội và cha đều đại thần phò tá cho gia tộc Tư Mã.
Do đó ngay từ nhỏ Vương Nguyên cơ đã được tiếp thụ nền giáo dục hoàn mỹ, tám tuổi đã thấu hiểu Kinh Thi, Luận Ngữ đều là những cuốn sách kinh điển của Nho gia.Có thể nói Vương Nguyên cơ là viên minh châu của gia tộc.
Nàng được sử gia đánh giá là một hình tượng hiền thê thục đức điển hình trong xã hội phong kiến.
2. Chân Lạc (Chân Cơ)
Chân Lạc , còn gọi là Chân Phu nhân, Văn Chiêu hoàng hậu. Nghe đồn về sắc đẹp của bà và danh tiếng gia đình, Viên Thiệu bèn cưới bà cho con thứ hai là Viên Hy. Từ đó bà trở thành con dâu nhà họ Viên. Năm 204, Tào Tháo hạ được Nghiệp Thành, bắt sống gia quyến họ Viên.
Con lớn nhất của Tào Tháo là Tào Phi, khi đó 18 tuổi, trông thấy Chân Lạc – khi đó 22 tuổi – xinh đẹp, lập tức bị cuốn hút. Được sự đồng thuận của cha, Tào Phi đón nàng về và cùng nàng hạ sinh Tào Tuấn.
Danh hiệu Văn Chiêu hoàng hậu là do Tào Tuấn truy tôn bà khi làm hoàng đế.
1. Mỹ nhân Điêu Thuyền
Điêu Thuyền là một người đẹp trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa và là một nhân vật nữ nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa.
Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví là “bế nguyệt”. Nàng là con nuôi trong nhà Tư đồ Vương Doãn, được Vương Doãn bày kế gả cho cả Đổng Trác và Lã Bố để tùy cơ ly gián họ nhằm mục đích lật đổ Đổng Trác.
Với vẻ đẹp thánh thiện, nhu mì hiền từ, nhưng một mặt nàng tỏ vẻ yêu quí Đổng Trác, nhưng khi đến với Lã Bố thì lại ra sức quyến rũ, khi đến cao trào thì Lã Bố chịu không nổi đả kích giết luôn Đổng Trác vì muốn cướp lấy Điêu Thuyền từ tay Đổng Trác.
Từ đó có câu: “Mười tám lộ chư hầu, không giết nổi Đổng Trác. Chỉ một mình Điêu Thuyền giết nổi. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, không thắng nổi Lữ Bố. Chỉ một mình Điêu Thuyền thắng nổi Lữ Bố”.
Theo MA