Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (927-976 AD) là vị Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Tống (960-1279 AD). Trong lịch sử, ông là một vị Hoàng đế tử tế, cao thượng và luôn giữ lời. Những câu chuyện sau đây về Tống Thái Tổ được trích ra từ “Tống sử” và từ các ghi chép từ thời nhà Tống, cho chúng ta thấy được toàn diện hơn về uy tín và nhân cách của ông.
Nhân Tử Hạng – Con đường được tha chết vì một đứa trẻ sơ sinh
Năm thứ tư của thời kỳ Hậu Chu (951 – 960 AD) ngắn ngủi, Chu Thế Tông Sài Vinh thân chinh dẫn đại quân tấn công thành Sở Châu của nước Nam Đường, ngày nay là tỉnh Giang Tô. Tướng Trương Ngạn Khanh của nhà Nam Đường thề sẽ chiến đấu bảo vệ thành cho đến chết.
Sau khi quân Hậu Chu phá được thành, Tướng Trương vẫn dẫn đầu tàn binh chiến đấu trên đường phố cho đến khi toàn bộ quân lính chết hết, không một ai đầu hàng. Quân Hậu Chu đã bị tử thương vô cùng nghiêm trọng.
Để trả thù sự kháng cự của người dân thành Sở Châu và làm khiếp sợ triều đình Nam Đường, Hoàng đế Hậu Chu đã hạ lệnh giết sạch người dân trong thành, bất kể nam nữ hay già trẻ.
Triệu Khuông Dận, đương thời là một đại tướng của nhà Hậu Chu, chỉ huy chiến đấu ở phía Bắc thành Sở Châu. Khi ông tới một con đường nhỏ, ông nhìn thấy xác của một người mẹ trẻ nằm trên đường, đầu của cô đã bị chặt lìa trong khi đứa trẻ nằm trong lòng cô vẫn còn đang bú mẹ.
Triệu Khuông Dận bỗng nhiên động lòng trắc ẩn đối với sinh mệnh [con người]. Ông vội vàng xin Chu Thế Tông ngừng tàn sát dân thường. Ông ôm đứa trẻ trong tay và mang đứa bé về trại lính.
Sau đó ông cố gắng tìm một nhũ mẫu tới để nuôi nấng đứa trẻ. Cư dân ở trên con đường nhỏ đó vì đứa bé này mà đã thoát được kiếp nạn.
Để nhớ tới Triệu Khuông Dận, sau này người dân đã đổi tên con đường thành “Nhân Tử Hạng”, có nghĩa là con đường được tha chết vì một đứa trẻ sơ sinh.
(Theo “Khúc Vị cựu văn” của Chu Biền đời nhà Tống)
Đầu bếp của Hoàng đế
Thời kỳ Triệu Khuông Dận làm tiết độ sứ tại Thái Nguyên, ông ở trong nhà của một bà lão họ Lý. Bà lão đã chăm sóc ông rất tử tế.
Sau khi trở thành Tống Thái Tổ, ông phái người đến tìm bà lão họ Lý, nhưng bà đã qua đời. Tống Thái Tổ tìm thấy con trai của bà lão, liền đưa anh ta về làm đầu bếp của Hoàng đế.
Sau một thời gian dài mà không được thăng quan, người đầu bếp trẻ kia thấy bất mãn trong lòng nên đã xin thôi việc, Tống Thái Tổ nói với anh ta: “Chỉ xét về tài năng của ngươi, làm đầu bếp của Hoàng đế cũng không xứng đáng.
Tước vị và bổng lộc là dùng để chiêu nạp những người có đức hạnh tài năng. Nhưng ta lại ban cho ngươi chức vị này vì một người quá cố, đây là điều không công bằng đối với những người được thăng tiến dựa vào tài năng của họ. Tại sao ngươi vẫn còn bất mãn?”
(Theo “Hậu sơn đàm tùng” của Trần Sư Đạo)
Tống Thái Tổ phẫn nộ với Tống Bạch, người chủ trì khoa cử khảo thí
Thời Thái Tổ tại vị, Tống Bạch là người chủ trì khoa cử khảo thí, ông ta ăn hối lộ của các thí sinh, cho nên đã tuyển chọn một cách bất công. Biết rằng kết quả cuối cùng đưa ra sẽ không được công bằng, Tống Bạch rất lo sợ công chúng sẽ bất mãn.
Ông ta bèn đề cử một danh sách các cử nhân và đệ trình lên Tống Thái Tổ phê chuẩn. Ông ta muốn mượn ý chỉ của Hoàng thượng để chối bỏ trách nhiệm.
Thay vì lựa chọn các cử nhân, Thái Tổ đã rất phẫn nộ nói với ông ta:
“Ta giao nhiệm vụ cho ngươi chủ trì khoa cử khảo thí, ngươi có trách nhiệm xếp hạng các thí sinh. Tại sao lại trình danh sách này lên cho ta? Làm sao ta biết được người nào đạt, người nào không đạt? Nếu công chúng bất bình sau khi thông báo kết quả, ta sẽ chém đầu ngươi để tạ tội với thiên hạ.”
Tống Bạch vô cùng sợ hãi, ông ta liền xếp hạng các thí sinh một cách công bằng dựa trên kết quả khảo thí rồi mới niêm yết danh sách trúng tuyển.
(Theo “Tư trị thông giám” của Tư Mã Quang đời nhà Tống)
Lưu Sương nghi tửu
Lưu Sưởng là vua của nước Nam Hán trước khi đầu hàng nhà Tống. Ông ta thường dùng rượu độc để sát hại những đại thần mà ông ta không tin tưởng.
Một ngày nọ, Triệu Khuông Dận triệu tập quần thần để thiết đãi tiệc rượu, Lưu Sưởng cũng được mời tới. Triệu Khuông Dận rót một chén rượu ban thưởng cho Lưu Sưởng. Điều này khiến Lưu Sưởng nhớ lại những việc ông ta đã làm nhiều năm trước đây.
Nghi ngờ trong rượu có độc, nâng chén rượu lên mà nước mắt lăn dài trên mặt, Lưu Sưởng cầu xin Triệu Khuông Dận:
“Thần tự biết tội không thể tha, nếu Bệ hạ không xử thần tội chết, thần xin được làm một người bình dân, để thần được nhìn thấy thái bình thịnh thế dưới sự trị vì của Bệ hạ. Thần không dám uống chén rượu này.”
Triệu Khuông Dận cười to và nói rằng: “Ta không ngại đặt trái tim của ta vào lồng ngực của người khác để họ có thể cảm nhận được sự chân thành của ta. Làm sao ta có thể hạ độc một ai như thế này chứ?”
Nói xong ông liền cầm lấy chén của Lưu Sưởng uống hết một hơi rồi rót cho Lưu Sưởng một chén rượu khác.
(Theo “Tống sử: Thái Tổ bản ký”)
Đến nhà Tể tướng Triệu Phổ vào một đêm bão tuyết
Tống Thái Tổ thường vi hành đến nhà của các công thần. Tể tướng Triệu Phổ không dám thay Triều phục của mình sau mỗi lần từ Triều về vì e rằng Hoàng thượng đột nhiên tới thăm nhà mà không báo trước.
Một ngày nọ, ngoài trời tuyết rơi rất nhiều, đến tận lúc chạng vạng tối mà vẫn không ngừng. Vừa lúc Triệu Phổ đang nghĩ rằng có lẽ Tống Thái Tổ sẽ không đi ra ngoài nữa vì thời tiết rất xấu thì ông nghe thấy tiếng gõ cửa ở ngoài.
Triệu Phổ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Tống Thái Tổ đang đứng trong gió tuyết. Thái Tổ nói với ông rằng Triệu Quang Nghĩa, hoàng đệ của ông cũng sẽ tới.
Không lâu sau thì Triệu Quang Nghĩa tới. Tống Thái Tổ, hoàng đệ của ông và Triệu Phổ ngồi xung quanh bếp lò. Phu nhân của Triệu Phổ mời hai anh em Thái Tổ thịt nướng và rượu. Thái Tổ gọi phu nhân của Triệu Phổ một cách thân thiết là em dâu.
Thái Tổ đưa ra chủ đề đánh chiếm Bắc Hán. Triệu Phổ nói: “Bắc Hán là tấm chắn tự nhiên giữa nhà Tống và các tộc người ở Tây Bắc. Nếu diệt Bắc Hán trước thì chúng ta sẽ phải đơn độc chống lại các tộc người ở Tây Bắc.
Tốt hơn là hãy bình định phương Nam trước, sau đó mới tiến đánh Bắc Hán. Do Bắc Hán nhỏ xíu nên họ khó mà chống trả được.” Tống Thái Tổ cười và nói: “Chính là hợp với ý ta, chẳng qua là ta muốn nghe ý kiến của khanh mà thôi.”
(Theo “Tống sử: Triệu Phổ truyền”)
Theo Tống Thanh Truyền
>> Xem tiếp Kỳ 2: Tống Thái Tổ – Bậc quân chủ cao thượng Kỳ 2