Hoàng Hối Khanh - vị đại quan suốt đời vì dân vì nước trong lịch sử Việt Nam

Hoàng Hối Khanh là nhân vật lịch sử đặc biệt bởi làm quan 2 triều Trần – Hồ. Ông được sử sách ca ngợi vì có đóng góp lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế.

Mộ dân lập làng, phát triển nông nghiệp

Hoàng Hối Khanh (1362 – 1407) nguyên quan tại xã Bái Trại, huyện Yên Định (nay là thôn Bái Trại, xã Định Tăng, tỉnh Thanh Hóa). Ông sinh ra trong một gia đình hiếu học, đỗ khoa thi Thái học sinh (tương đương với Tiến sĩ sau này) vào năm 1384, dưới thời vua Trần Phế Đế.

Năm 1385, ông được Trần Phế Đế giao trọng trách Tri huyện Nha Nghi (Lệ Thủy ngày nay), trấn giữ phía Nam của Đại Việt. Ông đã chọn Mũi Viết vùng đất nằm giữa hai sông Bình Giang và Ninh Giang để đóng huyện sở.

Nơi đây địa thế sông núi hiền hòa, phía trước có thành Ninh Viễn (Nhà Ngo), hướng Tây nam ”ngọn Mã Yên kia, kỳ hình át tận chín tầng mây” (ÔCCL) như một bức bình phong bền vững. Từ Mũi Viết nhìn về hướng Tây Bắc là vùng đất màu mỡ hoang vu, có khả năng khai phá lập nghiệp lâu dài.

Với cương vị là vị tướng thống lĩnh cả vùng phương Nam, Hoàng Hối Khanh có được đặc ân chọn khoảng 500 mẫu ruộng đất. Năm 1387, ông ra Hoan Châu và Ái Châu chiêu mộ dân 12 dòng họ vào khai canh lập ấp. Đồng thời tổ chức thành điền trang, sở hữu khoảng 500 mẫu. Và từ đó lấy tên làng Kẻ Tiểu.

Hoàng Hối Khanh - vị đại quan suốt đời vì dân vì nước trong lịch sử Việt Nam

Tương truyền rằng, từ cơ sở Kẻ Tiểu ban đầu, ông đã tâu lên Vua cho mở rộng toàn vùng, thành lập một số đơn vị hành chính khác.

Những đơn vị chuyên sản xuất lương thực, thực phẩm đơn thuần đặt tên ”kẻ” như Kẻ Tiểu (Thượng Phong), Kẻ Đợi (Đại Phong), Kẻ Tuy (Tuy Lộc), Kẻ Thá (An Xá), Kẻ Théc (Thạch Bàn), Kẻ Trìa (Tân Lệ), Kẻ Sóc (Mỹ Lộc), Kẻ Chền (Quảng Cư), Kẻ Tréo (Cổ Liễu), Kẻ Sòi (Xuân Hồi).

Những đơn vị vừa làm nông nghiệp vừa làm thủ công nghiệp, sản xuất công cụ tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng gọi là ”nhà” như Nhà Mòi (Mai Hạ) có nghề trồng bông dệt vải; Nhà Phan (Phan Xá), Nhà Vàng (Hoàng Giang) có thợ rèn đúc dao rựa, cày cuốc, gươm giáo; Nhà Ngo (Uốn Áo) có nghề sản xuất đồ gốm, gạch…; Nhà Cai (Mai Xá) có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa.

Một số đơn vị càng khác gọi tên làng bằng tên họ kèm theo chữ ”Xá” như Châu Xá, Lê Xá, Văn Xá, Dương Xá, Ngô Xá, Lại Xá, Thượng Xá, Thạch Xá…

Bên cạnh đó ông còn tổ chức làng dưới hình thức ”động vi binh, tịnh vi dân” để vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Như vậy Hoàng Hối Khanh được coi như vị Thành hoàng cả một vùng rộng lớn của huyện Lệ Thủy ngày nay.

Hiến kế tuyển được nhiều quân độc đáo

Vào năm Tân Mùi (1391), Hồ Quý Ly theo lệnh của vua Trần đi tuần thú đất Hóa Châu. Tại đây thấy 2 viên trấn thủ Phan Mãnh và Chu Bình bất tài nên đem giết đi. Đồng thời bổ nhiệm Hoàng Hối Khanh làm Chính hình viện Đại phu và Đặng Tất làm Hữu Châu phán cùng trông coi Hóa Châu trước nạn Chiêm Thành luôn cố ý xâm chiếm lấn bờ cõi Đại Việt.

Vào năm Giáp Tuất (1394), khi đang giữ chức Chính hình viện Hóa Châu, Hoàng Hối Khanh được triệu về Kinh thành làm An Phủ Sứ lộ Tam Đái (Vĩnh Phúc). Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Lý lên ngôi, Hoàng Hối Khanh được phong làm Hành khiển.

Ở phương Bắc, quân Minh đã chuẩn bị xâm lược nước ta, nhà Hồ xây chiến lũy Đa Bang để phòng thủ. Hoàng Hối Khanh là người chỉ huy công việc xây đắp.

Hoàng Hối Khanh - vị đại quan suốt đời vì dân vì nước trong lịch sử Việt Nam

Thành Đa Bang dài đến 400km, kéo dài từ núi Tản Viên, theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình. Đây là tuyến phòng thủ hơn hẳn tuyến phòng thủ Như Nguyệt thời nhà Lý chống quân Tống. Điều này là minh chứng cho thấy, Hoàng Hối Khanh là một nhân tài về quân sự, về chiến thuật phòng chống ngoại xâm. 

Đặc biệt, để tăng cường quân đội, Hoàng Hối Khanh đã hiến kế, thống kê nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên, lấy số hiện tại làm thực số. Sau đó, thông báo cho các địa phương, hễ có người Kinh trú ngụ thì cho về quê quán. Khi sổ làm xong, chỉ tính những người từ 15- 60 tuổi thì tăng hơn trước nhiều lần. Từ đó tuyển quân lính được thêm nhiều hơn.

Hoàng Hối Khanh – Nhà cải cách kinh tế táo bạo

Bên cạnh tài năng chính trị, quân sự, Hoàng Hối Khanh còn là nhà cải cách kinh tế táo bạo. Cụ thể, năm 1401, theo kế sách của ông, nhà Hồ đã ban hành chiếu hạn nô, quy định số nô tỳ mà mỗi thẩm tước được phép có, số gia nô thừa phải đem sung công, gia nô của quý tộc đều phải ghi dấu hiệu vào trán. 

Bên cạnh đó cũng cho phép bỏ đánh thuế đất và dân đinh, tăng cường dự trữ ngân khố quốc gia… Những chính sách tiến bộ này đã cứu vãn được cuộc khủng hoảng trầm trọng mà nhà Trần để lại.

Tài ngoại giao – nhượng bộ để rút ngòi nổ chiến tranh

Năm Ất Mùi (1405), nhà Minh sai sứ sang đòi đất Lộc Châu. Đất vùng này, nguyên xưa thuộc tỉnh Quảng Tây, sau cắt về cho Giao Chỉ, đến nay thì Trung Quốc cho người sang đòi lại. Hồ Quý Ly cử Hoàng Hối Khanh làm Cát đại sứ (sứ giả phụ trách việc trả đất).

Hoàng Hối Khanh - vị đại quan suốt đời vì dân vì nước trong lịch sử Việt Nam

Biết rõ Trung Quốc đòi đất chỉ là cái cớ để sang xâm lược nước ta, Hoàng Hối Khanh đã mềm dẻo tìm cách hòa hoãn nhằm kéo dài thời gian để củng cố lực lượng, phòng khi chiến sự xảy đến bất ngờ thì không bị động.

Song do sức ép của quan quân nhà Minh, Hoàng Thúc Khanh đã lấy 59 thôn ở Cổ Lâu trả lại cho nhà Minh. Sự việc này Hoàng Hối Khanh bị Hồ Quý Ly trách mắng, bởi Hồ Quý Ly không muốn trả lại đất cho nhà Minh.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Ly trách mắng, lăng nhục Hoàng Hối Khanh vì trả lại đất nhiều quá”.

Cũng phải nói, nhờ sự nhượng bộ này của Hối Khanh mà ngòi nổ chiến tranh bớt căng thẳng. Nhà Hồ khi đó có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến được hơn 1 năm nữa để cuối cùng thất bại bởi nhà Hồ không được nhân dân ủng hộ.

Tự vẫn để giữ khí tiết

Như đã nói, vì không nhận được sự ủng hộ của nhân dân mà mọi công việc của nhà Hồ đều không thuận lợi. Việc chống cực trước nhà Minh cũng trở nên yếu ớt. Khi nhà Minh chiếm gần xong nước ta thì có cử Đỗ Tử Trung đi chiêu dụ Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất.

Hoàng Hối Khanh không chịu đầu hàng quân Minh, kéo quân lánh về vùng biển. Còn Đặng Tất trong bối cảnh ấy buộc phải dùng kế trá hàng quân Minh, nhằm chặn đứng sự quấy phá của quân Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam, mưu đồ lấy lại Hóa Châu làm căn cứ tổ chức kháng chiến cứu nước lâu dài.

Trương Phụ liền giao cho Đặng Tất chức Đại tri châu ở Hóa Châu. Để nhanh chóng rút quân về Đông Kinh, vì Trương Phụ cũng sợ sa lầy vào vùng đất xa và phải đụng độ với người Chiêm Thành. Dưới sự chỉ huy của Đặng Tất, quân Chiêm Thành không làm gì được phải rút về Thăng Hoa.

Hóa Châu tạm yên, Đặng Tất cho người đi tìm Hoàng Hối Khanh để cùng tính mưu đánh quân Minh. Nhưng điều không may là khi Hối Khanh đến cửa biển Đam Nhai, gặp gió to, thuyền bị vỡ trong khi quân Minh đã vây kín. Để giữ được khí tiết trung quân ái quốc, ông đã tự vẫn.

Hoàng Hối Khanh - vị đại quan suốt đời vì dân vì nước trong lịch sử Việt Nam

Để tưởng nhớ một danh tướng có công trấn giữ mảnh đất phương Nam của Đại Việt lại có công khai khẩn ra làng xóm, nhân dân làng Tiểu Phúc Lộc đã xây lăng mộ ngài Hoàng Hối Khanh ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Khuôn viên mộ hướng đông nam với diện tích 40m2, xung quanh xây bằng đá, phía hậu đầu có khắc dòng chữ “Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng quân tăng kiệt tiết linh thông Quận công Hoàng”. Dòng bên cạnh đề bốn chữ “Kỷ Mão trọng đông”.

Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, nhà Lê truy phong Hoàng Hối Khanh: “Tước phong Dực Bảo trung hưng linh phò đoan túc tôn thần”.

Đến thời nhà Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 4 (1845) lại truy phong: “Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân tăng kiệt tiết linh thông Hoàng quận công tước phong Dực bảo trung hưng linh phò đoan túc tôn thần”.

Ngoài lăng mộ chính, Hoàng Hối Khanh còn có miếu thờ vọng tại thôn Hà Thanh trên khu đất 0,5ha. Trong miếu thờ có đôi câu đối:

“Khoa vị tiến sĩ phi vận tướng quân;

Trùng giang văn trung hiển văn châu tiết”.

Khu lăng mộ Hoàng Hối Khanh được nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử. Hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội và tế lễ ngài rất cung kính.

Theo Đỗ Thu Nga