Giai thoại ly kỳ việc Nguyễn Huệ bắt rồi thả Nguyễn Đăng Trường

Trong cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn, vị tướng Nguyễn Đăng Trường đã hai lần lọt vào tay Nguyễn Huệ, để lại một câu chuyện đáng nhớ về lòng trung nghĩa.

Theo bộ sách Đại Nam liệt truyện, tập 1 (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Viện sử học dịch, NXB Thuận Hóa, 2006), phần Truyện các bề tôi, viết:

Giai thoại ly kỳ việc Nguyễn Huệ bắt rồi thả Nguyễn Đăng Trường

Nguyễn Đăng Trường quê ở huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Ông nội của ông là Đàn, có tiếng là học giỏi, nết tốt, nên đời gọi là Siêu quần tiên sinh. Nguyễn Đăng Trường từ lúc còn trẻ đã nổi tiếng về văn học, khảng khái có chí khí và tiết tháo.

Năm 1774, khi nội bộ Đàng trong lục đục, quyền thần Trương Phúc Loan lộng hành, chúa Trịnh Sâm từ Đàng ngoài liền đem quân vào xâm lấn. Chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần sai Tiết chế Tôn Thất Chất và Tôn Thất Doanh đem quân thủy, quân bộ đi chống cự. Nguyễn Đăng Trường được cử làm Tham tán, đánh nhau với quân Trịnh ở sông Phú Lễ, thất bại, nên ông theo chúa đi Quảng Nam.

Lúc sắp vượt biển vào Gia Định thì ngược gió, thuyền không thể đi được. Chúa sai Trường lên bộ cầu đảo. Thuyền chúa thuận gió đi ngay ban đêm. Trường không kịp đi theo, bèn về ẩn ở thôn quê.

Giai thoại ly kỳ việc Nguyễn Huệ bắt rồi thả Nguyễn Đăng Trường

Năm Bính Thân (1776), Trường quyết tâm vào nam, gửi vợ là Từ thị và con nhỏ là Minh nương náu ở nhà ngoại, còn mình đem mẹ là Hoàng thị vượt biển ra đi. Dọc đường vì gió thổi dạt vào cửa biển Thị Nại, bị quân của Nguyễn Huệ bắt được. Nguyễn Huệ nghe tiếng Trường là người hiền nên lưu lại, đãi lễ bằng bạn thầy nhưng Trường cố từ, không nhận.

Trước đó, Hoàng tôn Dương là cháu của chúa Nguyễn Phúc Thuần bị Nguyễn Nhạc cưỡng ép đem vào Quy Nhơn, Trường bèn bí mật bàn mưu với Hoàng tôn để Dương vào Gia Định trước. Một hôm Trường nói thực với Nguyễn Huệ xin được về theo chủ cũ cho toàn nghĩa vua tôi.

Nguyễn Huệ nói: “Tiên sinh đi chuyến này, ý muốn xoay lại trời đất, được chăng? Tôi e ngày sau ăn năn cũng muộn mất”. Trường trả lời: “Đại trượng phu ở đời lấy trung hiếu làm đầu. Tôi nay mang mẹ đi theo vua, nghĩa ấy thật đã rõ ràng; còn việc cùng hay thông, được hay hỏng là ở số mệnh, đâu có ăn năn!”.

Nguyễn Huệ khen là khảng khái, đồng ý thả cho đi và hậu tiễn cho vàng, lụa, Trường đều không nhận. Trường sau khi vào đến Gia Định, yết kiến chúa ở hành tại, được tham dự bàn mưu.

Năm 1777, Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định. Tân Chính vương (Hoàng tôn Dương) đóng quân ở Trấn Biên, cử quân Hòa Nghĩa của Lý Tài đánh nhau với quân Tây Sơn, bị thua. Trường xin lui về Sài Gòn để giữ.

Đến lúc Sài Gòn thất thủ, Trường lại bị bắt. Nguyễn Huệ hỏi “Tiên sinh, ngày nay tính sao?”. Trường đáp: “Việc ngày nay, chỉ giữ nghĩa, không mong sống. Vua nhục, tôi chết đó là phận sự. Còn hỏi làm chi!”. Nguyễn Huệ bèn sai giết đi. Khi sắp bị hành hình, Trường hướng về phía bắc, lạy hai lạy rồi chịu chết, lúc đó là tháng 4/1777.

Khi Trường chết rồi, con của Trường là Nguyễn Cao, các học trò là Nguyễn Thanh, Nguyễn Luân và Nguyễn Thường đều nhảy xuống sông tự tử.

Giai thoại ly kỳ việc Nguyễn Huệ bắt rồi thả Nguyễn Đăng Trường

Sau khi chúa Nguyễn Ánh đánh bại được quân Tây Sơn và lên ngôi vua, đến năm Gia Long năm thứ 3 (1804), triều đình bổ dụng con Trường là Minh cho vào Hàn lâm viện. Năm Gia Long thứ 9 (1810) cho đưa Trường vào thờ ở miếu Trung tiết công thần. Đến năm Minh Mạng năm thứ 3 (1822) lại truy tặng ông hàm Binh bộ Thượng thư, xét đến hai cháu là Trinh và Nguyên, đều miễn thuế thân suốt đời.

Bàn về câu chuyện này, tác giả Nguyễn Khắc Thuần trong Việt sử giai thoại tập 7, đã viết: “Nguyễn Huệ lúc ấy dầu mới chỉ có 23 tuổi nhưng đã đủ bình tĩnh để lắng nghe mọi người, kính thay! Múc bớt một gáo nước, biển cả chẳng hề vơi, thả một Nguyễn Đăng Trường, Tây Sơn không hề suy yếu, đại trượng phu trong các đại trượng phu chính là Nguyễn Huệ đó thôi”.

Theo Zing News