Cái chết của Marilyn Monroe – “quả bom s.e.x” của Mỹ – vẫn bao trùm trong bí ẩn. Mặc dù được kết luận là tự sát, nhưng mối liên hệ mật thiết của ngôi sao Hollywood này với cố Tổng thống John F.Kennedy (JFK) và em trai Robert F.Kennedy (nickname là Bobby) vẫn làm dấy lên những tin đồn về sự ra đi bất ngờ của cô ở tuổi 36.

Cựu điều tra viên Jack Clemmons thuộc Sở cảnh sát Los Angeles, Mỹ (LAPD) tin có sự dàn dựng hiện trường khi ông tới căn hộ của minh tinh màn bạc Marilyn Monroe vào thời điểm cô được phát hiện đã chết.

Marilyn Monroe, cô đào bốc lửa nổi tiếng thế giới với biệt danh “biểu tượng tình dục Hollywood” ra đi khi mới 36 tuổi, đúng vào lúc đang ở trên đỉnh cao danh vọng.

Cái chết đầy uẩn khúc của huyền thoại Marilyn Monroe: Liệu là "tự sát" hay "bị ám sát"?

Những thông tin công khai cho hay, bác sĩ riêng là người đầu tiên phát hiện Marilyn Monroe đã tử vong tại căn hộ của cô ở thành phố Los Angeles, bang California vào ngày 5/8/1962, trong trạng thái nằm úp mặt trên giường, khoả thân và cơ thể được phủ một tấm ga mỏng. Tay của Marilyn Monroe vẫn đang cố cầm điện thoại. Trong phòng đầy những lọ thuốc rỗng mà cô vẫn dùng để điều trị chứng trầm cảm.

Bác sĩ khẳng định Marilyn Monroe đột tử do ngộ độc thuốc, trong khi cơ quan điều tra kết luận đây là một vụ tự tử bằng thuốc. Song, không ai có thể lý giải tại sao “quả bom tình dục” tóc vàng lại tự kết liễu cuộc đời mình vào thời điểm rực rỡ nhất của sự nghiệp. Điều đó đã dẫn đến những hoài nghi và đồn đoán chưa bao giờ dứt về cái chết của cô.

Nghi vấn của điều tra viên trực tiếp có mặt tại hiện trường

Một bộ phim tài liệu mới phát sóng trên kênh Fox News hồi cuối tháng 8 vừa qua, nhan đề “Bê bối: Cái chết của Marilyn Monroe” đã đề cập đến những uẩn khúc của vụ việc, từ chính những nhận định và trải nghiệm của ông Clemmons, một trong những điều tra viên cảnh sát đầu tiên có mặt tại căn hộ của Marilyn Monroe vào ngày định mệnh.

Đáng tiếc, theo Gary Vitacco-Robles, tác giả cuốn sách “Biểu tượng” viết về Marilyn Monroe, ông Clemmons chưa bao giờ báo cáo chính thức mọi suy đoán của mình về những uẩn khúc của vụ việc.

Trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau cái chết của cô đào huyền thoại, ông Clemmons đã mô tả những điểm nghi vấn khi mình tiếp cận hiện trường. Theo ông, thi thể của Marilyn Monroe dường như được cố ý đặt trên giường. Đặc biệt, cựu điều tra viên cảnh sát lưu ý, ông không nhìn thấy bất kỳ cái cốc nào trong phòng, chi tiết dường như phủ nhận lại kết luận rằng Monroe đã uống hàng chục viên thuốc để tự sát.

Cái chết đầy uẩn khúc của huyền thoại Marilyn Monroe: Liệu là "tự sát" hay "bị ám sát"?

Song, một bức ảnh chụp hiện trường lại cho thấy một chiếc chén được tin thuộc bộ 12 chiếc Marilyn Monroe đã mua ở Mexico. Theo tác giả Vitacco-Robles, nhà sưu tập hiện đang sở hữu bộ chén nói trên cho biết một chiếc đã biến mất, có thể do cảnh sát lấy đi làm bằng chứng.

Bộ phim tài liệu chiếu trên kênh Fox News cũng trích dẫn các phát biểu của Clemmons rằng, ông đã nhìn thấy Eunice Murray, quản gia của Monroe đang giặt thứ gì đó trong máy giặt khi ông tới và ông coi điều này là “khả nghi”.

“Điều đó hàm chỉ bà ấy đang hủy hoại bằng chứng. Là cảnh sát đầu tiên tới hiện trường, Clemmons đã không điều tra thêm bà ấy đang giặt thứ gì. Ông ấy cũng không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về nghi vấn này. Việc kiểm kê toàn bộ tài sản trong căn hộ của Monroe đã được hoàn tất vào thời điểm cô ấy chết. Máy giặt và máy sấy không được nhắc đến trong bản kiểm kê đó”, ông Vitacco-Robles giải thích.

Về sau, uy tín của Clemmons cũng bị đặt dấu hỏi và ông buộc phải xin thôi việc ở Sở cảnh sát Los Angeles vào những năm 1960 sau khi ông cùng 3 đồng nghiệp tuyên bố rằng Thượng nghị sĩ Thomas Kuchel có liên quan đến một hành vi tình dục đồng giới.

Tuy nhiên, các nhận định của Clemmons rốt cuộc cũng được lưu tâm và nhiều thập kỷ sau đó được sử dụng làm căn cứ cho vô số giả thuyết về cái chết của “quả bom tình dục” một thời. Các giả thuyết đã giúp nêu bật sự bí ẩn cũng như thổi bùng danh tiếng của Monroe.

“Khi Marilyn Monroe qua đời, sự hâm mộ còn lớn hơn trước. Mọi người đều nhất quyết tin rằng có thứ gì đó đã xảy ra và sẽ còn tiếp diễn nữa”, trích đoạn bình luận trong phim tài liệu.

Cái chết đầy uẩn khúc của huyền thoại Marilyn Monroe: Liệu là "tự sát" hay "bị ám sát"?

20 năm sau ngày tìm thấy thi thể của Monroe, những hoài nghi ngày càng tăng đã khiến Hội đồng các thanh tra hạt Los Angeles yêu cầu mở lại điều tra chi tiết cái chết của cô. Tháng 8/1982, công tố viên Los Angeles cuối cùng đã cho xúc tiến điều tra nhằm xác định liệu có đủ bằng chứng để coi cái chết của Monroe là một vụ giết người hay không.

“Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu thông tin chỉ là suy đoán huyễn hoặc mà không có bất kỳ bằng chứng hay thực tế nào. Chúng tôi tin đây là thời điểm phù hợp để làm sáng tỏ mọi thứ, xem lại và nếu cần thiết thông báo cho các bạn biết về chúng”, công tố viên quận California John Van De Kamp nói vào thời điểm đó.

Các điều tra viên đã mất 3 tháng rưỡi khảo cứu các bằng chứng và thực hiện thêm các cuộc thẩm vấn để xem liệu họ có thể phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào có thể tiết lộ những gì đã xảy ra với nữ minh tinh huyền thoại. Tuy nhiên, họ rốt cuộc vẫn kết luận, điều tra ban đầu là chuẩn xác và rằng Monroe đã uống thuốc quá liều để tự kết liễu cuộc đời mình.

Dư luận tỏ ra thất vọng vì cuộc điều tra mới cũng không mang tới câu trả lời thỏa đáng cho những nghi vấn bủa vây cái chết của Marilyn Monroe. Vì vậy, những đồn đoán đã không bị dập tắt mà còn cháy âm ỉ tới tận ngày nay.

Marilyn Monroe đa tình và đêm cuối cùng đầy bí ẩn

Điều khiến cái chết của Marilyn Monroe càng thêm phần huyền bí là cuộc sống tình cảm phức tạp với những mối quan hệ đầy tai tiếng, gây nhiều tò mò chú ý. Xinh đẹp, tài năng nhưng cô đào lừng danh thế giới có tình duyên khá trắc trở với 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Sau khi chia tay người chồng thứ ba – nhà biên kịch Athur Miller, Monroe công khai hẹn hò với danh ca đương thời Frank Sinatra, một nhân vật quyền lực trong làng giải trí và được tin có dính líu đến nhiều băng nhóm xã hội đen. Tuy nhiên, mối tình này cũng kết thúc chóng vánh và cô đào bốc lửa tiếp tục rơi vào cuộc tình tay ba với anh em nhà Kennedy: Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và em trai – Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy.

Cái chết đầy uẩn khúc của huyền thoại Marilyn Monroe: Liệu là "tự sát" hay "bị ám sát"?

Nhiều thuyết âm mưu cho rằng, cái chết của Marilyn Monroe có dính líu đến anh em tổng thống, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các thế lực chính trị. Chuyện Marilyn Monroe vụng trộm với Tổng thống Kennedy dường như là một “bí mật công khai”, nhất là khi cô xuất hiện lộng lẫy và hát chúc mừng tại bữa tiệc sinh nhật của ông năm 1962.

George Masters, thợ làm tóc và trang điểm của Marilyn Monroe đã tiết lộ một tình tiết đáng chú ý rằng, đêm cuối trước khi chết, nữ minh tinh đã ở cùng Sam Giancana, một trong những tay anh chị sừng sỏ nhất thành phố Chicago, Mỹ. Không chỉ là ông trùm xã hội đen, Giancana được cho còn có quan hệ mật thiết với danh ca Sinatra và anh em Kennedy.

Cuốn sách “Vụ ám sát Marilyn Monroe: Khép lại án mạng” của hai phóng viên điều tra Jay Margolis và Richard Buskin đã nhắc tới một giả thuyết rằng, vào đêm cuối cùng đó, Giancana đã thuyết phục Monroe không công khai những bí mật về quan hệ với anh em tổng thống nhằm tránh các nguy cơ chính trị cho bộ đôi quyền lực này.

Các tác giả cũng hé lộ những “bằng chứng” chứng minh cái chết của “biểu tượng tình dục Hollywood” không phải là tự vẫn mà thực tế là một vụ thủ tiêu tinh vi nhằm khiến người tình của tổng thống phải mang những bí mật động trời xuống mồ.

Cái chết đầy uẩn khúc của huyền thoại Marilyn Monroe: Liệu là "tự sát" hay "bị ám sát"?

Theo Margolis và Buskin, người chủ mưu trừ khử Monroe là Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy. Tham gia thực hiện âm mưu đó có cả bạn của cô – Peter Lawford, bác sĩ riêng Greenson và trùm xã hội đen Giancana.

Nói chuyện với tờ Sun Online trước ngày phát hành cuốn sách, Rothmiller đã tiết lộ những bí mật đen tối mà ông tìm thấy trong quá trình làm việc tại Phòng tình báo tội phạm có tổ chức của Sở Cảnh sát Los Angeles.

“Khi tôi đi vào đơn vị đó, tôi không biết có gì trong đấy, không ai trong sở cảnh sát làm ngoại trừ những người làm việc ở đó và Cảnh sát trưởng. Có những hồ sơ về ba anh em nhà Kennedy – Tổng thống, Bộ trưởng Tư pháp và Edward Kennedy. Những hồ sơ đó được liên kết với những hồ sơ khác, giống như một mạng nhện khổng lồ” – Rothmiller nói.

Rothmiller tuyên bố đã biết được từ các hồ sơ này rằng Marilyn bị LAPD giám sát và cảnh sát đã nghe lén điện thoại của cô tại nhà.

Cựu cảnh sát Rothmiller nói rằng cảnh sát cũng lưu giữ hồ sơ của Peter Lawford. Các báo cáo cho thấy Robert Kennedy và Peter Lawford bị LAPD giám sát vào ngày Marilyn qua đời.

Rothmiller lập luận, các hồ sơ bí mật đã chứng minh rằng Bobby Kennedy thực sự đã ở Los Angeles vào ngày hôm đó – trái ngược với những gì người này đã công khai.

Rothmiller sau đó tiết lộ với tờ Sun rằng, ông đã có cơ hội nói chuyện riêng với Lawford trong một lần tình cờ gặp mặt. Và đó là thời điểm mà những nghi ngờ của ông về cái chết của nữ diễn viên được xác nhận.

Theo Rothmiller, chính Lawford đã nói rằng anh ta là người đã lái xe đưa Bobby Kennedy từ sân bay đến nhà Marilyn vào ngày cô qua đời, khi cô đe dọa hai anh em sẽ công khai chuyện của họ và khiến danh tiếng của họ gặp nguy hiểm. Lawford kể, Bobby và Marilyn đã xô xát tại nhà cô, và nữ diễn viên cáo buộc Bobby “đối xử với cô như gái mại dâm”.

Lawford sau đó tiết lộ với Rothmiller rằng đã nhìn thấy Bobby bỏ thứ gì đó vào cốc nước của Marilyn Monroe và ép cô uống. Lawford tin rằng huyền thoại những năm 1950 đã chết khi họ rời khỏi nhà của cô. Theo cuốn sách, nhân viên tình báo LAPD sau đó đã che đậy tội ác này để làm cho nó giống như một vụ tự sát, đồng thời đánh cắp nhật ký của ngôi sao kể chi tiết các cuộc tình của cô với cả hai anh em nhà Kennedy.

Cái chết đầy uẩn khúc của huyền thoại Marilyn Monroe: Liệu là "tự sát" hay "bị ám sát"?

Lawford qua đời vào năm 1984, hai năm sau khi cuộc trò chuyện được cho là này diễn ra.

Rothmiller nói, giờ đây ông mới quyết định cung cấp những “tiết lộ” bom tấn này vì ông không muốn thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi làm việc trong ngành công nghiệp tư nhân. “Ngoài ra, nếu tôi kể câu chuyện này sớm hơn, tôi không nghĩ rằng nó sẽ được chấp nhận vì anh em nhà Kennedy là những người không thể chạm tới” – Rothmiller khẳng định.

Chỉ đóng 30 phim trong 15 năm ngắn ngủi nhưng cũng đủ để Marilyn Monroe được ca tụng là “biểu tượng tình dục của Hollywood” và được Viện phim Mỹ vinh danh là một trong số 100 ngôi sao tiêu biểu của điện ảnh Mỹ.

Tất nhiên, tất cả những cáo buộc gây sốc trên đều không được xác thực hay bác bỏ một cách thuyết phục. Do đó, cái chết của Marilyn Monroe vẫn là đề tài khiến báo chí tốn nhiều giấy mực và là chủ đề của nhiều cuốn sách, bộ phim về cuộc đời nhiều giai thoại và bí ẩn của cô.