Không phải ai cũng biết “thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất”, được coi như “mì quốc dân” của Việt Nam này (khảo sát của Kantar Worldpanel) lại thuộc sở hữu của người Nhật. Chỉ có duy nhất một cổ đông Việt Nam ở đó là ông Hoàng Cao Trí.
Chủ sở hữu của thương hiệu Mì Hảo Hảo – Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (viết tắt: Vina Acecook) – dù được thành lập tại Tp. HCM từ cuối năm 1993 và mang quốc tịch Việt Nam, nhưng bản chất là một doanh nghiệp FDI.
Tiền thân của nó là Công ty liên doanh Vifon Acecook, kết quả hợp tác theo tỷ lệ góp vốn 60:40 giữa nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và đối tác Việt Nam, là Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, khi ấy trực thuộc Bộ Công nghiệp.
Mối liên doanh này chẳng quá bền lâu. Khoảng năm 2002, Vifon triệt thoái vốn, Vifon Acecook – theo báo chí thời ấy – trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trước đó 2 năm – năm 2000, Vifon Acecook cho ra đời sản phẩm mì gói huyền thoại của mình, Hảo Hảo, đánh dấu bước đột phá của công ty trên thị trường mì ăn liền.
Năm 2004, Vifon Acecook di dời nhà máy về Khu công nghiệp Tân Bình và chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam. Rồi đến năm 2008, tiếp tục đổi tên thành Công ty cổ phần Acecook Việt Nam như hiện nay.
Cổ đông Việt duy nhất ở Vina Acecook
Báo chí trong nước từng viết rằng Vina Acecook đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau khi Vifon triệt thoái vốn, nhiều người cũng tin rằng đại gia Nhật Bản Acecook Co., Ltd là chủ sở hữu tuyệt đối của Vina Acecook. Thực tế không hẳn vậy.
Dữ liệu cho thấy, tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của Vina Acecook là 298,4 tỷ đồng. Trong đó, Acecook Co., Ltd sở hữu 56,64%, giữ vai trò là công ty mẹ.
Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie F U.A (quốc tịch: Hà Lan), thành viên của Tập đoàn Marubeni (Marubeni Coporation) – đại gia trong lĩnh vực thực phẩm, giấy và công nghiệp nặng Nhật Bản – nắm giữ 18,296%. Phần cổ phần này, theo tìm hiểu, được Vina Acecook phát hành riêng lẻ cho Marubeni vào đầu năm 2010.
Ngoài bộ đôi cổ đông Nhật Bản, đáng chú ý, cơ cấu sở hữu Vina Acecook còn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí (SN: 1962) – người nắm giữ 25,064% cổ phần còn lại.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1987, ông Trí vốn là một kỹ sư cơ điện của Vifon. Năm 1993, khi Vifon Acecook được thành lập, ông Trí được cử tham gia liên doanh và trở thành P.TGĐ, rồi gắn bó với công ty suốt từ đó đến nay, kể cả sau khi Vifon rút đi.
Sự trung thành và những cống hiến to lớn đối với Vina Acecook hẳn là một trong những lý do quan trọng để ông Trí được giới chủ Nhật Bản phát hành riêng lẻ cho cổ phần tại đây.
“Đại cự phú” Hoàng Cao Trí
Nên nhớ rằng, 7,5 triệu cổ phần Vina Acecook, mà ông Hoàng Cao Trí nắm giữ là một gia tài khổng lồ. Nó vượt xa rất nhiều lần con số 75 tỷ đồng theo mệnh giá.
Là cái tên số 1 trên thị trường mì ăn liền Việt Nam, dữ liệu cho thấy, Vina Acecook đều đặn kiếm cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. Con số năm sau cao hơn năm trước, tăng trưởng một cách bền vững.
Doanh thu của Acecook Việt Nam tăng từ 7.882 tỷ năm 2015 lên hơn 9.800 tỷ đồng năm 2019. Lợi nhuận cũng tăng với tốc độ bình quân khoảng 20%/năm lên hơn 1.300 tỷ vào năm 2018. Với quy mô này, nếu so sánh với những doanh nghiệp lớn trong cùng lĩnh vực FCMG với định giá P/E 15-17 lần, giá trị của Acecook có thể xấp xỉ 1 tỷ USD. Với con số định giá này, hơn 25% cổ phần của cá nhân ông Hoàng Cao Trí có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
Nên biết, dù quy mô vốn điều lệ chỉ chưa đầy 300 tỷ đồng nhưng giá vốn chủ sở hữu thực tế của Vina Acecook lại cao gấp cả chục lần. Bởi lẽ, tính đến cuối năm 2018, riêng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ông lớn mỳ gói này đã đạt ngót 5.000 tỷ đồng.
Việc Vina Acecook thường dành một phần lớn lợi nhuận hàng năm để trả cổ tức giúp các cổ đông công ty liên tục đón những “cơn mưa tiền” về tài khoản.
Với ông Hoàng Cao Trí, nếu 25% cổ phần Vina Acecook thực sự là của ông (chứ không phải một đứng hộ ai đó, hay đại diện theo kiểu VIEs), ông sẽ bỏ túi hàng trăm tỷ đồng cổ tức mỗi năm. Do đó, sẽ không có gì quá sửng sốt nếu lúc này ông Trí đã tích lũy được cả nghìn tỷ đồng tiền mặt.
Nhưng số tiền ấy mới chỉ phản ánh một góc tài sản của ông Trí.
Tham chiếu nhanh theo phương pháp P/E với một số doanh nghiệp tương đồng trên sàn chứng khoán cho thấy, mức định giá của Vina Acecook có thể đạt khoảng 1 tỷ USD. Tương ứng, giá trị lô cổ phần Vina Acecook đứng tên ông Hoàng Cao Trí có thể có giá tới cả trăm triệu USD.
Thông thường, những người giàu có và tài năng, lại ở lứa tuổi đang rất chín như ông Trí sẽ chẳng chịu để tiền “nằm im” trong tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng. Họ cũng ít khi đầu tư chỉ độc một lĩnh vực.
Có tích lũy tư bản đến tầm cự phú ấy, mô thức phổ biến hơn cả, là phân bổ một phần vào bất động sản.
“Tay chơi” BĐS với siêu dự án nghỉ dưỡng, vườn ươm kỳ hoa dị thảo độc đáo
Với tài sản khổng lồ từ mì Hảo Hảo, ít ai biết rằng không chỉ là ông trùm mì gói ông Hoàng Cao Trí còn đang nuôi mộng rất lớn với cuộc chơi bất động sản tại Blue Sea Group.
Theo tìm hiểu, Blue Sea Group được thành lập từ tháng 9/2002, do ông Hoàng Cao Trí đảm nhiệm vị trí Giám đốc, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (SN 1966, vợ của ông Trí) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ở thời điểm đó, quy mô vốn điều lệ của Blue Sea Group ở mức 400 tỷ đồng, bao gồm: ông Hoàng Cao Trí (78,185%), bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (16,815%) và ông Hoàng Nguyễn Bảo Duy (SN 1992, sở hữu 5% vốn điều lệ).
Hiện nay, hệ sinh thái Blue Sea Group của ông Hoàng Cao Trí trải rộng hàng loạt công ty thành viên có ngành nghề đầu tư chính là bất động sản như: Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thiên nga trắng; Công ty TNHH Khách sạn hòn đảo Hoàng Gia; Công ty TNHH Du lịch Quang Hải, Công ty TNHH Bất động sản Hoàn Mỹ, Công ty TNHH Xây dựng Thép Vàng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở lĩnh vực bất động sản, hiện Blue Sea Group đang đầu tư phát triển các dự án bất động sản tại 4 khu vực trọng điểm: Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP. Hồ Chí Minh.
Nổi bật trong số đó, có thể kể tới dự án Khu du lịch sinh thái Biển Xanh với tên thương mại Khu nghỉ dưỡng Edenia Resort Hồ Tràm quy mô hơn 40ha tại ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo quy hoạch, dự án Edenia Resort được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, quy mô trên 40ha, được chia làm 2 phân khu lớn: khu dịch vụ bên rừng với điểm nhấn là tổ hợp vườn ươm 5ha, tập hợp hàng trăm loại kỳ hoa dị thảo trên thế giới và khu dịch vụ bên biển được quy hoạch thành các khu biệt thự hướng biển, khối khách sạn, cùng nhiều tiện ích sang trọng, hiện đại. Trong đó, khối khách sạn chính và toàn bộ khu biệt thự được thiết kế theo phong cách châu Âu độc đáo, mang đậm hơi thở của biển.
Ngoài Edenia Resort, Blue Sea Group còn đang theo đuổi dự án bất động sản khác là Lavender Village nằm trong dự án Violet Valley thuộc Khu phức hợp Bãi Trường, Xã Dương Tơ, Phú Quốc (Violet Valley).
Không chỉ lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng, với quỹ đất phong phú, Blue Sea Group định hướng sẽ trở thành nhà phát triển bất động sản hậu cần (logistics).
Tính đến cuối năm 2018, Blue Sea Group đã có 4 hệ thống kho – nhà máy đã và đang được đưa vào khai thác gồm: Kho Đình Vũ – cảng Hải Phòng 12.000m2. Kho tại KCN Tân Phú Trung – Củ Chi 30.000m2. Nhà máy Tân Tấn Lộc – KCN Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh 7.000m2. Kho Thiết Lập – KCN Hòa Phú, Vĩnh Long. Kho Cần Thơ (dự kiến đầu tư trong năm 2020).
Dưới sự điều hành và dẫn dắt của đầu tàu – ông Hoàng Cao Trí, Blue Sea Group đặt mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực Bất động sản tiên phong định hình những giá trị sống hạnh phúc thật sự và bền vững tại Việt Nam, đây có lẽ là nguyên nhân thời gian qua Blue Sea Group và các công ty con có liên quan đang tìm kiếm, mở rộng thêm quỹ đất phát triển bất động sản.
Theo: Viettimes, Tổ quốc