Trong tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa, Tổng đốc Phương chỉ xếp hàng thứ 2 sau Huyện Sỹ, nhưng về danh tiếng, lời đồn đoán và cả vai vế trong xã hội, khắp Nam Kỳ lục tỉnh không ai sánh bằng ông.
Tổng đốc Phương không phải là phú hào tự thân vì khi sinh ra trong giàu có. Ông không làm giàu bằng con đường kinh doanh buôn bán như các phú hào khác cùng thời mà làm giàu bằng con đường quan lộ.
Trong số tứ đại phú hào nức danh miền Nam cuối thế kỷ 19 thì Tổng đốc Phương đứng thứ nhì. Tổng đốc Phương tên thật là Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841 tại Chợ Đũi (Sài Gòn). Ông là con một địa chủ Nam Kỳ, tên Bá Hộ Khiêm. Bố ông là người Việt gốc Hoa, sang Việt Nam từ nhỏ và có một tiệm buôn ở chợ Lớn.
“Sinh ra đã ngậm thìa vàng”
Nhờ gia đình có điều kiện, Đỗ Hữu Phương được đi học nên ngoài tiếng Việt, ông nói tốt tiếng Pháp và giỏi tiếng Hán. Nhưng thay vì làm buôn bán như cha mẹ và cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn thì Đỗ Hữu Phương lại đi theo con đường chính trị.
Sau khi Pháp chiếm đồn Kỳ Hòa (1861), Đỗ Hữu Phương chỉ mới 20 tuổi nhưng đã ôm mộng làm quan. Nhờ một người quen là Cai tổng Đỗ Kiến Phước, Đỗ Hữu Phương được dẫn đến giới thiệu với Tham biện hạt Chợ Lớn là Francis Garnier (Garnier chính là viên đại úy Pháp sau này tổ chức tấn công và chiếm thành Hà Nội).
Thấy Đỗ Hữu Phương biết tiếng Pháp lại có gia thế giàu có, Garnier bổ nhiệm Đỗ Hữu Phương làm chức Hộ trưởng (Khi đó khu vực Chợ Lớn được chia địa giới làm 20 hộ). Từ đó Đỗ Hữu Phương trở thành viên chức làm việc cho Pháp.
Với trình độ học vấn, khả năng giao tiếp khéo léo, Đỗ Hữu Phương chiếm được cảm tình với nhiều giới từ chính quyền Pháp cho tới các thương gia người Hoa và cả các chí sỹ yêu nước.
Những năm 1866-1868, Đỗ Hữu Phương chỉ huy hoạt động do thám phong trào chống đối Pháp và tham gia dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và lân cận. Ông hợp tác với người Pháp vây bắt một số thủ lĩnh quân nổi dậy chống Pháp như Trương Quyền, Phan Tôn, Phan Liêm, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân.
Khối gia sản khổng lồ
Về tài sản của ông Đỗ Hữu Phương, có nhiều giai thoại kể lại. Đầu tiên là việc ông được thừa hưởng khối tài sản kếch xù, những cánh đồng bạt ngàn, những cửa hàng kinh doanh của bố sau khi ông mất đi.
Tuy nhiên, ông Phương giàu không chỉ nhờ thừa kế. Khôn khéo tột độ, kiếm tiền giỏi nhưng người giúp Tổng đốc Phương vươn lên vị thế giàu nhất nhì Sài Gòn là nhờ vào vợ.
Vợ ông là một tiểu thư đài các, nổi tiếng xinh đẹp, nết na, là con một quan lại lớn trong triều đình nhà Nguyễn. Sau khi cưới, vợ chồng ông Phương sinh sống trong một căn nhà lớn nhất nhì Sài Gòn khi đó.
Vợ Tổng đốc sống trong nhung lụa, giàu sang nhưng không vì thế mà đàn đúm như những quý bà trong giới thượng lưu. Chồng lo ngoại giao, thu vén bên ngoài, mọi chuyện còn lại người vợ cáng đáng hết. Bà nổi tiếng đảm đang, tháo vát ở đất Sài Gòn xưa.
Gia đình có hơn 2.200 hecta đất, đến mùa vụ, vợ ông Phương lo tất tần tật mọi việc từ tính toán thu chi rồi sắp xếp nhân công. Với hệ thống mua bán kinh doanh lên đến hàng nghìn cơ sở, bà lo việc kết nối các tiểu thương, xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt.
Thời đó, gia đình ông Phương còn chi phối được một phần giao dịch thông thương tại các bến cảng Sài Gòn.
Ruộng đất nhiều làm không xuể, bà vợ cho các tá điền thuê lại. Đến mùa thu hoạch, phu nhân Tổng đốc phải đốc thúc việc nộp tô, thuế. Việc này cũng mang lại nguồn thu cực lớn.
Về độ giàu có của vợ chồng phú hộ Phương, điển tích kể rằng họ có riêng một đội đếm tiền được sắp xếp bí mật trong căn phòng phía sau nhà. Khi đến mùa vụ hoặc dịp thu tiền của thương lái, tiểu thương, những người này ăn ngủ tại chỗ để đếm tiền.
Số tiền được họ bó buộc chặt rồi cất vào căn phòng kín kiên cố và khóa nhiều lớp. Chùm chìa khóa của căn phòng chỉ có vợ ông Phương được giữ và nó gần như là vật bất ly thân đối với bà, thậm chí lúc đi ngủ cũng nắm chặt trong tay…
Sau này, ông Đỗ Hữu Phương cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Ông là một trong những người đề xướng và đã bỏ tiền ra xây trường Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes vào năm 1915, tức Trường Nữ Trung học Sài Gòn, người dân thường gọi là trường Áo Tím, trường Gia Long (nay có tên là trường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3). Ngoài ra, ông cũng bỏ nhiều tiền xây dựng cầu Ông Lớn tại Chợ Lớn, tu bổ rất nhiều chùa chiền, miếu mạo quanh vùng.
Cuối đời Tổng Đốc Phương
Năm 1914, Đỗ Hữu Phương mất, học giả Vương Hồng Sển viết rằng đám tang của vị Tổng đốc được tổ chức rất trọng thể. “Thi hài của Đỗ Hữu Phương được tại thế nửa tháng mới chôn. Hàng ngày có hàng trăm khách viếng. Tang gia cho mổ trâu, bò, heo liên miên cúng và đãi khách”, sách Sài Gòn năm xưa nêu. Trước năm 1975, Sài Gòn có đường Tổng đốc Phương ở quận 5, sau này đổi thành đường Châu Văn Liêm.
Vợ chồng ông Phương có 6 người con nhưng nổi tiếng nhất là 2 con trai phục vụ trong binh đoàn lính Lê dương của Pháp. Trong đó, Đỗ Hữu Vị nổi tiếng hơn cả khi có nhiều tài liệu cho rằng ông này là phi công đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đỗ Hữu Vị khi phục vụ quân đội Pháp mang quân hàm đại úy, tham gia thế chiến thứ nhất và tử trận tại Bắc Phi năm 1916 (hai năm sau ngày Phương Tổng đốc mất).
Sau này, một con đường gần nơi Đỗ Hữu Vị tử trận mang tên ông, người này cũng được chính quyền thuộc địa Pháp cho in trong con tem lưu hành ở Đông Dương. Đỗ Hữu Vị từng có câu nói nổi tiếng “Tôi mang hai quốc tịch Pháp và Việt nên mọi nỗ lực của tôi đều gấp đôi người khác”.
Anh trai Vị là Đỗ Hữu Chấn cũng phục vụ trong quân đội Pháp, lên đến hàm đại tá. Tuy nhiên, người anh này thường giấu mình, ít thông tin hơn ông em. Ông Chấn cũng là người mang hài cốt Đỗ Hữu Vị từ Bắc Phi về Việt Nam chôn cất.
Theo Kienthuc