Tính giá vàng và tỷ giá USD cập nhật đến ngày 18/11, số tiền 415 nghìn tỷ mà cựu chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại tương đương với khoảng 6 triệu lượng vàng hoặc 17,1 tỷ USD và lớn hơn tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và 4 tỷ phú của Việt Nam.
Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Trong số này, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố 3 tội “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “tham ô tài sản.”
Theo kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết; giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý.
Bà Trương Mỹ Lan không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần.
Bà Trương Mỹ Lan đã dùng SCB làm “kênh huy động vốn” cho cá nhân mình; cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB – vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào.
Cơ quan điều tra xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Công an, từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và một số công ty, tổ chức còn có “hành vi gian dối, làm trái quy định pháp luật” để tạo lập 25 gói trái phiếu có tổng giá trị hơn 30 nghìn tỷ đồng. Họ bán lô trái phiếu này nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.
Bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại số tiền khủng thế nào?
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách nhà nước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng. Số tiền 415 nghìn tỷ đồng mà bà Loan gây thiệt hại chiếm tương đương 47% thu ngân sách của cả nước, gần bằng thu ngân sách của 2 đầu tầu kinh tế Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM (448 nghìn tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm.
Cập nhật của Dân Việt cho thấy, hiện giá vàng trong nước đang ở mức khoảng nhỉnh 70 triệu đồng/lượng. Như vậy, số tiền 415 nghìn tỷ đồng mà bà Trương Mỹ Lan làm thiệt hại tương đương với khoảng 6 triệu lượng vàng.
Xét về vốn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, đóng cửa phiên ngày 17/11, số tiền bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại chỉ đứng sau mã VCB với vốn hóa đạt 478,4 nghìn tỷ đồng và lớn hơn rất nhiều doanh nghiệp đình đám như BID có vốn hóa đạt 217 nghìn tỷ đồng, VHM có vốn hóa 169,6 nghìn tỷ đồng, VIC có vốn hóa gần 161 nghìn tỷ đồng, PVB vốn hóa hơn 153 nghìn tỷ đồng, HPG vốn hóa hơn 154 nghìn tỷ đồng…
Xét về giá USD, hôm nay 1 USD bằng hơn 24.000 đồng, như vậy 415 nghìn tỷ tương đương 17,1 tỷ USD.
Dữ liệu cho thấy, hiện tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam đang có là 11,8 tỷ USD, cụ thể là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup sở hữu 4,5 tỷ USD,CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD); Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (2,2 tỷ USD); Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,3 tỷ USD) và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,5 tỷ USD). Như vậy, số tiền bà Lan gây thiệt hại lớn hơn cả tổng tài sản của 5 tỷ phú Việt Nam.
Bà Trương Mỹ Lan trả lương cho cấp dưới tới 500 triệu/tháng; cùng gây thiệt hại hơn 498 nghìn tỷ đồng cho SCB
Từ năm 2011 – 2018, bà Trương Mỹ Lan nhờ người thân tín đứng tên cổ phần, thâu tóm 3 ngân hàng rồi hợp nhất thành SCB và trả lương cho họ từ 200 – 500 triệu đồng/tháng. Người phụ nữ sau đó chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định, gây thiệt hại hơn 498 nghìn tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra mới ban hành, bà Trương Mỹ Lan (còn gọi Trương Muội) sở hữu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm hàng loạt doanh nghiệp như Tập đoàn VTP; Công ty Vạn Thịnh Phát; Tập đoàn Sài Gòn Peninsula; Công ty Tài chính Việt Vĩnh Phú; Tập đoàn An Đông…
Người phụ nữ còn lập hàng loạt “công ty ma”, để đứng tên khoản vay; chuyển/nhận tiền từ nước ngoài; phát hành trái phiếu; đứng tên dự án…
Bị can Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô hơn 304 nghìn tỷ đồng; vi phạm hoạt động ngân hàng gây thiệt hại hơn 498 nghìn tỷ đồng.
Với Ngân hàng SCB, nhà băng này được Trương Mỹ Lan thành lập trên cơ sở thâu tóm rồi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân để “lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động vốn” cho các doanh nghiệp nói trên.
Cụ thể, từ năm 2011, bà Lan nhờ người đứng tên, thâu tóm đa số cổ phần của Ngân hàng Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng Đệ Nhất. Năm sau, người phụ nữ cho hợp nhất cả 3 thành Ngân hàng Sài Gòn – SCB.
Ban đầu, Trương Mỹ Lan nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu hơn 85% cổ phần tại SCB nhưng đến năm 2018, tỷ lệ nắm giữ tăng lên hơn 91%. Trong đó, bà Lan chỉ trực tiếp nắm 4,9% vốn điều lệ, còn lại vẫn nhờ người thân tín đứng tên.
Với việc nắm quyền chi phối SCB, bà Lan đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt như Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc chi nhánh lớn, Trưởng ban Kiểm soát…
Những người này đều có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và làm việc theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Đổi lại, người phụ nữ này trả cho họ mức lương cao, từ 200 – 500 triệu đồng/tháng.
Cơ quan điều tra cáo buộc bằng cách thâu tóm, điều hành hoạt động của SCB, Trương Mỹ Lan đã “sử dụng SCB với chức năng của một ngân hàng thương mại cổ phần như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức, huy động vốn từ các nguồn khác… Trong hoạt động cho vay, SCB chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan”.
Kết quả điều tra cho thấy, bà Lan chỉ đạo thân tín của mình tại SCB triển khai hoạt động rút tiền trong ngân hàng thông qua hình thức “cho vay khống”, thậm chí còn rút tiền trước, lập hồ sơ vay vốn sau.
Mỗi khoản cần rút, bà Lan và đồng phạm đều áp dụng cách làm khác nhau và giao cho từng nhóm của Vạn Thịnh Phát dựng “công ty ma”, vẽ phương án đầu tư các dự án, giao cấp dưới tính toán tài sản đảm bảo cho phù hợp…
Cơ quan điều tra xác định, trong tổng số hơn 1.200 khoản vay của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát tại SCB, có 684 khoản vay với tổng số nợ 382.876 tỷ đồng chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân. Bên cạnh đó, có 201 khoản vay không được phê duyệt của cấp có thẩm quyền trong ngân hàng.
Hiện tại, hơn 1.200 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát có tổng nghĩa vụ hơn 677.286 tỷ đồng, nhưng tài sản đảm bảo chỉ có giá trị hơn 179.195 tỷ đồng.
Như vậy, hành vi Trương Mỹ Lan cùng 53 cấp dưới và 7 đối tượng tại các công ty thẩm định giá đã gây thiệt hại cho SCB hơn 498.090 tỷ đồng (677 tỷ đồng tổng nợ trừ 179 tỷ đồng tài sản đảm bảo).
Họ bị đề nghị truy tố về các tội “Vi phạm hoạt quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Điều 206 và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360.
Năm 2018, cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, Trương Mỹ Lan hối lộ Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn hơn 5,2 triệu USD và được giúp “làm mờ sai phạm”.
Theo Dân Việt