Alexander Hamilton - Người chiến sĩ đấu tranh cho nền cộng hòa

Alexander Hamilton, một chính khách lỗi lạc của thế giới, người đã góp phần làm nên nhiều tiến bộ cho nhân loại. Hồ sơ Doanh nhân xin trích đăng cuốn Alexander Hamilton của tác giả Nguyễn Cảnh Bình.

Chương 1: Thời niên thiếu khó khăn (1755-1773)

“Tôi coi Napoleon , William Pitt và Hamilton là ba chính khách vĩ đại nhất trong thế hệ chúng tôi, nhưng nếu buộc phải chọn một trong ba người thì tôi không hề do dự mà dành vị trí đầu tiên cho Hamilton. Cả châu Âu ngưỡng mộ ông”: Charles Maurice de Talleyrand.

Để nhận được những lời ngợi khen đó thì Alexander Hamilton phải trải qua một chặng đường dài đầy gian truân. Thời niên thiếu của ông là chuỗi những năm tháng vất vả và cực khổ.

Alexander Hamilton sinh năm 1757 trên đảo Nevis ở vùng Tây Ấn, vịnh Caribê khi đó là thuộc địa của nước Anh , là con út trong số hai người con trai ngoài giá thú của bà Rachel Faucett Lavien, một người Pháp theo đạo Tin lành và James Hamilton, một nhà buôn người Xcốtlen đẹp mã nhưng vô trách nhiệm sống ở thị trấn St. Christopher trên hòn đảo này.

Alexander Hamilton - Người chiến sĩ đấu tranh cho nền cộng hòa

Dòng họ Hamilton có nguồn gốc quí tộc lâu đời và rất giàu có ở Xcốtlen. Ông nội ông cũng tên là Alexander Hamilton, sở hữu trang trại Grange ở vùng Lanarshire, Xcốtlen nhưng James Hamilton lại bỏ sang làm ăn ở vùng biển Tây Ấn. Ngược lại, bà Rachel xuất thân từ một gia đình bình dân và nghèo hèn hơn nhiều. Năm 1752, bà Rachel đã cưới một ông chủ buôn người Đan Mạch ở đảo St. Croix, cũng trong vịnh Caribê, tên là John Michael Levine và có với ông ta một đứa con trai.

Nhưng tới, năm 1755, do không chịu đựng nổi người chồng nghèo túng và lười biếng, bà Rachel bỏ về sống một mình tại hòn đảo Nevis, và tại đây bà gặp James Hamilton, khi đó tới buôn bán trên hòn đảo này. Nhưng mãi tới ngày 25-6-1759, tức là sau khi sinh hai anh em Hamilton thì bà mới ly dị người chồng cũ. Theo luật Đan Mạch khi đó, một người phụ nữ đã bỏ chồng thì không được phép lấy người khác, vì thế anh em Hamilton bị coi là con ngoài giá thú và không được xã hội công nhận.

Thậm chí Alexander Hamilton không có cả giấy khai sinh hay lễ rửa tội để người ta có thể biết về thời niên thiếu của ông. Điều duy nhất còn lại là một tờ giấy tuyên bố rằng khi người mẹ ông mất năm 1768 thì đứa con trai út của bà mới 11 tuổi. Ba mẹ con Hamilton bị người cha tàn nhẫn bỏ rơi năm 1765 phải chuyển đến sống tại đảo St. Croix, hòn đảo lớn thứ 3 trong quần đảo Virgin. Khi đó, gia đình Hamilton thuộc vào tầng lớp thấp kém của xã hội da trắng tại một hòn đảo phân biệt đối xử nặng nề.

Bà Rachel là một người phụ nữ cương nghị và mạnh mẽ, điều này đã ảnh hưởng nhiều đến tính cách của Alexander Hamilton. Phải tự nuôi mình và hai đứa con sau khi ông James Hamilton bỏ đi, bà Rachel đã mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ và giao cho đứa con út ghi chép sổ sách và trông nom cửa hàng.

Chính tại nơi đây, Alexander Hamilton đã tiếp nhận những bài học đầu tiên về tài chính. Chồng bà Rachel, ông Levien, trước đó từng bị tù vì tội ngoại tình, đã tuyên bố trước toà khi họ ly dị rằng hai đứa con đó của bà là bất hợp pháp, vì thế ông ta chẳng có một chút trách nhiệm nào với chúng. Thậm chí, sau khi bà Rachel mất vì bệnh sốt vàng, ông ta còn kiện ra toà để lấy đi mọi tài sản của bà mà chẳng để lại chút gì cho hai đứa con riêng của vợ đang sống nghèo đói.

Alexander Hamilton - Người chiến sĩ đấu tranh cho nền cộng hòa

Những nỗi buồn tủi thời thơ ấu đó đã lý giải cho thái độ và tâm tính của Hamilton sau này. Thường bị ám ảnh về danh dự và phẩm giá nên Hamilton phản ứng rất cực đoan đối với những chỉ trích nhằm vào ông. Khi còn là một cậu bé, Hamilton đau đớn nhận ra rằng, không có tiền bạc, không có sự thừa hưởng địa vị của gia đình thì sẽ chẳng có gì tốt đẹp đến với mình.

Chính vì thế ông, đã lao động miệt mài hơn, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để tự xây dựng uy tín và danh vị cho bản thân. Nhưng những nỗi cay đắng, tủi hổ và sự cơ cực thời niên thiếu đó vẫn ám ảnh Hamilton trong suốt cuộc đời. Thậm chí sau này, khi Alexander Hamilton đã trở thành một sĩ quan dũng cảm, một quan chức cao cấp đầy tài năng, thì những lời đồn đại về tuổi thơ buồn tủi đó vẫn còn dai dẳng bám theo ông.

Năm 1768, bà Rachel mất vì bệnh sốt vàng. Mới 11 tuổi, Alexander Hamilton đã trở thành một cậu bé mồ côi. Người cha đã bỏ đi, chẳng còn họ hàng thân thuộc nào để cưu mang, cũng không có tiền bạc hay tài sản nào của cha mẹ để lại, nên tự ông phải lo liệu cuộc sống của chính mình. Nhưng thừa hưởng sự cương nghị của người mẹ, Hamilton không dễ chấp nhận số phận nghiệt ngã dường như định sẵn cho ông.

Đánh giá cao nghị lực và trí thông minh của Alexander Hamilton, nhiều người dân trên đảo St. Croix đã cưu mang cậu bé trong suốt những năm tháng thơ ấu. Ngay sau khi bà Rachel mất, những kinh nghiệm trông nom cửa hàng của mẹ đã giúp Hamilton sớm được nhận vào làm trong hãng buôn của ông Nicholas Cruger, một người gốc New York nhưng tới buôn bán ở St. Croix.

Trí tuệ tuyệt vời và khả năng học tập không ngừng nghỉ đã giúp Hamilton điều hành hãng buôn này khi người chủ vắng mặt. Mới 13 tuổi, Hamilton đã được giao nhiệm vụ kiểm tra các tàu buôn, đàm phán với các thuyền trưởng và chuẩn bị hoá đơn giao hàng. Dưới sự hướng dẫn và bảo ban của ông Cruger, Hamilton đã hiểu được những vấn đề tài chính rắc rối và lần đầu tiên biết đến những lợi ích cá nhân và quốc gia trong những vấn đề thương mại phức tạp.

Hải cảng nhộn nhịp St. Croix, cái “nồi hầm nhừ” của cư dân và hành khách đến từ khắp mọi nơi, đã sớm hình thành bức tranh về thế giới trong suy nghĩ của Hamilton. Ông cũng nhận thấy những mặt xấu xa của thương mại quốc tế khi hòn đảo này trở thành trung tâm buôn bán nô lệ. Hamilton rời hòn đảo này với lòng căm thù sâu sắc chế độ nô lệ để rồi sau này ông trở thành một người đồng sáng lập Hiệp hội Bãi nô ở New York.

Trong khi ông Nicholas Cruger dạy Alexander Hamilton những điều thực tiễn thì Đức cha Hugh Knox, một người thuyết giáo xuất sắc và là thầy lang trong vùng, đã che chở cậu bé mồ côi và dạy cậu những kiến thức khoa học và lòng nhân ái. Đức cha Knox, người đã đưa Hamilton về nuôi ngay sau cái chết của bà Rachel, là một mục sư người Xcốtlen theo dòng Giáo hội Trưởng lão nhưng lại khác biệt với quan điểm chính thống của dòng này vì ông có niềm tin vững chắc rằng ý chí sẽ giúp con người vượt qua được định mệnh.

Đối với những cậu bé dường như đã định trước một số phận tối tăm như Alexander Hamilton thì quan điểm triết học đó của Đức cha Knox thật hấp dẫn. Những khuyến khích và ảnh hưởng của Đức cha Knox đã mang lại cho Hamilton những giấc mơ lớn. Trong suốt thời niên thiếu, Đức cha Knox là người có ảnh hưởng nhất đến Hamilton. Những buổi nói chuyện đầy chất trí tuệ của ông có vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy của Hamilton.

Cũng trong thời gian này, Hamilton khao khát được mở mang thêm vốn kiến thức vốn rất nhỏ bé của mình. Không có điều kiện theo học tại trường nên khi không bận bịu với công việc, Hamilton lại vùi đầu mải mê đọc rất nhiều tác phẩm kinh điển, văn học, toán học và lịch sử trong thư viện của Đức cha Knox. Tại đây, chàng thanh niên Alexander Hamilton say sưa tiếp thu tất cả mọi điều mình bắt gặp và không có điều gì Hamilton từng học mà sau này lại không được dùng đến.

Alexander Hamilton - Người chiến sĩ đấu tranh cho nền cộng hòa

Ban đầu, Alexander Hamilton mơ ước trở thành nhà văn, cậu đã viết một vài bài thơ cho các tờ báo trong vùng rồi gây ấn tượng với bài viết sinh động và hấp dẫn về một cơn bão năm 1772. Tất cả những ai gặp người thanh niên này đều công nhận trí thông minh tuyệt vời và nghị lực phi thường của Hamilton. Họ đều tin rằng rồi mai đây, cậu sẽ làm được những điều lớn lao trong cuộc đời.

Một năm sau, năm 1773, những người bảo trợ đã kiếm đủ tiền để giúp Alexander Hamilton sang Mỹ tiếp tục việc học hành. Họ tin rằng với một người như Hamilton thì môi trường học tập ở Mỹ sẽ là mảnh đất giúp cậu phát triển. Một ngày tháng 6 năm 1773, ông Cruger, Đức cha Knox và nhiều người khác đã đưa Hamilton lên một con tàu buôn nhỏ chở cậu đến New York để theo học ngành y hy vọng một ngày nào đó cậu sẽ trở về làm bác sĩ trên hòn đảo này.

Nhưng thật buồn là rồi đây Alexander Hamilton sẽ không bao giờ quay lại hòn đảo Tây Ấn này nữa, những công việc mới và những chân trời mới về sự nghiệp lớn lao xây dựng nước Mỹ mãi mãi cuốn hút Hamilton.

Trích đăng cuốn Alexander Hamilton của tác giả Nguyễn Cảnh Bình.